Bị đánh rồi đánh lại thì có bị đi tù?

Câu hỏi được gửi từ khách hàng: Bị đánh rồi đánh lại thì có bị đi tù?

Tôi có vấn đề chưa được rõ cần sự hỗ trợ của luật sư, tôi khi đi xe từ nhà bạn về đến đoạn đèn đỏ thì dừng lại theo tín hiệu đèn, bất ngờ 1 xe ô tô đằng sau liên tục bấm còi xin đường, do đằng trước không còn chỗ tránh nên tôi không tránh được và đứng yên tại chỗ, sau vài hồi còi, người thanh niên trong xe bất ngờ lao xuống phi về phía tôi và đấm đá túi bụi, tôi bỏ xe và lao vào lề đường kiếm được 1 điếu cày thì có dùng để đỡ và đánh lại, kết quả khi công an đến thì người đàn ông đó bị đưa vào viện cấp cứu, còn tôi thì bị xây xước nhẹ không có gì nghiêm trọng, công an đã yêu cầu tôi lấy lời khai, việc người đó chủ động gây sự có rất nhiều người làm chứng và có camera giao thông quay lại, vậy liệu tôi có bị xử lý gì vì hành động đánh lại như thế không?


Luật sư Tư vấn Luật Hình sự – Gọi 1900.0191

1./ Thời điểm pháp lý

Ngày 23 tháng 04 năm 2018

2./ Cơ sở Pháp Luật liên quan tới vấn đề đánh trả lại có bị truy cứu trách nhiệm hình sự

  • Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017;
  • Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.

3./ Luật sư tư vấn

Pháp luật Viêt Nam nghiêm cấm người nào đó có hành vi xâm hại tính mạng, sức khỏe của người khác. Khi một người có hành vi xâm hại tới sức khỏe của mình, người bị xâm hại có quyền chống trả lại ở mức độ phù hợp với hành vi của người có hành vi xâm hại. Việc chống trả không phù hợp dẫn đến những thiệt hại về sức khỏe, tài sản của người xâm hại hoặc của người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm. Cụ thể:

Trước hết, Căn cứ Điều 22 Bộ luật Hình sự hiện hành quy định về phòng vệ chính đáng như sau:

Điều 22. Phòng vệ chính đáng

1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc li ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.

Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.

2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy him cho xã hội của hành vi xâm hại.

Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.”

Theo đó, căn cứ theo quy định pháp luật nêu trên, khi một người bị người khác đánh gây thiệt hại về sức khỏe và có thể sẽ gây nguy hiểm tới tính mạng, thì người đó có quyền được phòng vệ bằng cách đánh trả hoặc có biện pháp cần thiết và phù hợp để ngăn chặn việc tổn hại có thể xảy ra hoặc dừng hành vi gây tổn hại tới mình. Việc phòng vệ hoặc đánh trả là ở mức cần thiết, phù hợp với thực tế khi xảy ra tranh chấp. Khi đáp ứng được yêu cầu về mức cần thiết và phù hợp với thực tế xảy ra nêu trên, thì những tổn hại mà người có hành vi phòng vệ gây ra không được coi là phạm tội và sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của bộ luật hình sự hiện hành.

Tuy nhiên, trong trường hợp bị đánh cần phòng vệ để ngăn chặn những tổn hại có thể xảy ra, người có hành vi phòng vệ lại sử dụng biện pháp hoặc thực hiện phòng vệ chống trả một cách quá mức cần thiết và được cho là không phù hợp với thực tiễn khi tranh chấp xảy ra, thì với những tổn hại xảy ra do chống trả quá mức cần thiết hoặc không phù hợp do hành vi phòng vệ gây ra sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật, như sau:

  • Xử lý hình chính:

Trường hợp hành vi đánh nhau chưa gây tổn hại nghiêm trọng hoặc hành vi xâm phạm sức khỏe người khác do phòng vệ quá mức cần thiết chưa đủ cấu thành tội phạm hình sự, thì người có hành vi này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định như sau:

Căn cứ Khoản 2 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi đánh nhau, theo đó, hành vi này sẽ bị xử phạt: Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

  • Xử lý hình sự:

Trong trường hợp chống trả quá mức cần thiết và không phù hợp, người có hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật hình sự khi cấu thành tội phạm hình sự theo quy định sau:

Căn cứ Điều 136 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về tội cố ý gây thương hoặc gây tổn hại sức khỏe người khác do vượt quá giới hạn của phòng vệ chính đáng như sau:

Điều 136. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Đối với 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61 % trở lên.

3. Phạm tội dẫn đến chết người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.”

Bên cạnh đó, trên cơ sở những tổn hại xảy ra do vượt quá phòng vệ chính đáng, người chống trả quá mức cần thiết phải bồi thường thiệt hại do xâm phạm sức khỏe đối với phần thiệt hại hơn trên cơ sở những thiệt hại xảy ra cho hai bên.

Như vậy, Trường hợp bị đánh và chống trả lại, cần xác định việc chống trả lại là cần thiết và phù hợp hay không. Trường hợp việc chống trả là cần thiết và phù hợp thì người chống trả không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật nêu trên. Trường hợp chống trả lại rõ ràng là quá mức cần thiết thì người chống trả phải chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật hiện hành. Do đó, trường hợp đánh trả lại khi bị đánh, người đánh trả cần chứng minh việc đáng trả là cần thiết và phù hợp với thực tiễn khi có hành vi gây tổn hại tới mình mà việc chống trả là phù hợp để ngăn chặn những hậu quả có thể xảy ra.

Với những tư vấn về câu hỏi Bị đánh rồi đánh lại thì có bị đi tù?, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp trên, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

 

Tham khảo thêm bài viết:


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191