Bất cập trong việc thực hiện thẩm quyền bán đấu giá tài sản
Sau gần 4 năm triển khai thi hành Nghị định số 05/2005/NĐ-CP ngày 18 tháng 01 năm 2005 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản, hoạt động bán đấu giá tài sản tại nhiều địa phương đã có chuyển biến tích cực. Chủ trương cải cách hành chính và xã hội hoá mạnh mẽ hoạt động bán đấu giá tài sản thể hiện trong Nghị định số 05/2005/NĐ-CP đang từng bước đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả. Các trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp đã và đang từng bước tự bảo đảm chi phí hoạt động thường xuyên, giảm dần sự bao cấp của ngân sách nhà nước, hiệu quả hoạt động bán đấu giá tài sản ngày càng được nâng cao.
Trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản về cơ bản được thực hiện nghiêm chỉnh; quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động bán đấu giá tài sản được bảo đảm tốt hơn. Song, bên cạnh đó, một số địa phương vẫn đang tồn tại Hội đồng bán đấu giá tài sản thuộc Sở Tài chính để thực hiện thường xuyên việc bán đấu giá những loại tài sản mà theo quy định của pháp luật phải chuyển giao cho Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản để tổ chức bán đấu giá. Việc bán đấu giá tài sản của các tổ chức không được thành lập và hoạt động theo quy định của Nghị định số 05/2005/NĐ-CP chưa theo đúng trình tự, thủ tục bán đấu giá quy định tại Nghị định dẫn đến hiệu lực quản lý nhà nước đối với tổ chức, hoạt động bán đấu giá tài sản chưa cao…
Nguyên nhân của tình trạng trên là xuất phát từ các văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành không thống nhất, chồng chéo về thẩm quyền bán đấu giá của các cơ quan có chức năng bán đấu giá dẫn đến việc thực hiện bán đấu giá tài sản trên toàn quốc không thống nhất. Nhân đây, tôi xin đưa ra một số quy định pháp luật liên quan đến sự chồng chéo trong việc thực hiện thẩm quyền bán đấu giá tài sản.
Theo quy định tại đoạn hai, khoản 1, Điều 61 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002, thì nếu tang vật, phương tiện của một vụ vi phạm hành chính có giá trị từ 10.000.000 đồng trở lên thì người quyết định tịch thu phải giao cho Trung tâm dịch vụ bán đấu giá cấp tỉnh nơi có tang vật, phương tiện bị tịch thu. Nếu tang vật, phương tiện của một vụ vi phạm hành chính có giá trị dưới 10.000.000 đồng thì người quyết định tịch thu phải giao cho cơ quan tài chính cấp huyện tổ chức bán đấu giá. Việc bán đấu giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định của pháp luật về bán đấu giá.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 36 Nghị định số 05/2005/NĐ-CP ngày 18/01/2005 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản (sau đây gọi tắt là Nghị định số 05/2005/NĐ-CP), thì Trung tâm dịch vụ bán đấu giá cấp tỉnh có nhiệm vụ bán đấu giá tài sản để thi hành án, tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ nhà nước theo quy định của pháp luật; ngoài nhiệm vụ bán đấu giá các tài sản quy định tại khoản này, Trung tâm có thể ký hợp đồng với tổ chức, cá nhân có yêu cầu để bán đấu giá các loại tài sản khác.
Chức năng của Hội đồng bán đấu giá tài sản được quy định tại Điều 37 Nghị định số 05/2005/NĐ-CP, như sau:
“1. Hội đồng bán đấu giá tài sản do Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quyết định thành lập để tổ chức bán đấu giá tài sản của Nhà nước có giá trị dưới mười triệu đồng.
2. Trong trường hợp tài sản là cổ vật, tài sản có giá trị văn hoá – lịch sử, tài sản có giá trị đặc biệt lớn phải được bán đấu giá thông qua Hội đồng bán đấu giá tài sản hoặc tổ chức bán đấu giá nước ngoài thì việc thành lập Hội đồng bán đấu giá tài sản hoặc thuê tổ chức bán đấu giá nước ngoài được thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.”
Tại khoản 2 Thông tư số 13/2007/TT-BTC ngày 06/3/2007 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 34/2005/TT-BTC ngày 12/05/2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc xác định giá khởi điểm và chuyển giao tài sản nhà nước để bán đấu giá:
“g) Đối với các tang vật, phương tiện còn lại, việc chuyển giao để bán đấu giá được thực hiện như sau:
– Đối với các tang vật, phương tiện của một vụ vi phạm hành chính có giá trị dưới 10 triệu đồng, thì chuyển giao cho cơ quan tài chính cấp huyện để tổ chức bán đấu giá;
– Đối với các tang vật, phương tiện của một vụ vi phạm hành chính có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên, thì chuyển giao cho Trung tâm dịch vụ bán đấu giá cấp tỉnh để tổ chức bán đấu giá;”
Như vậy, chức năng bán đấu giá của các Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản và Hội đồng bán đấu giá tài sản cấp huyện đã quy định rõ (ở đây chúng ta không đề cập đến việc bán đấu giá tài sản là cổ vật, tài sản có giá trị văn hoá – lịch sử, tài sản có giá trị đặc biệt lớn). Nếu thực hiện theo các văn bản quy phạm pháp luật nói trên thì tất cả các tài sản là tang vật, phương tiện của một vụ vi phạm hành chính có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên, phải được chuyển giao cho Trung tâm dịch vụ bán đấu giá cấp tỉnh để tổ chức bán đấu giá sung công quỹ nhà nước; đối với các tang vật, phương tiện của một vụ vi phạm hành chính có giá trị dưới 10 triệu đồng, thì chuyển giao cho cơ quan tài chính cấp huyện để tổ chức bán đấu giá.
Thực tiễn hiện nay, các Trung tâm bán đấu giá tài sản vẫn chưa nhận được các loại tài sản phải chuyển giao để tổ chức bán đấu giá theo quy định và việc bán đấu giá các loại tài sản này đang được các Hội đồng bán đấu giá tài sản khác thực hiện, nguyên nhân do một số văn bản quy phạm pháp luật đã quy định thẩm quyền bán đấu giá tài sản cho một số cơ quan khác thực hiện. Cụ thể:
Theo quy định tại đoạn cuối điểm d và điểm đ, khoản 2, Điều 44 Nghị định số 159/2007/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, thì:
“d) … Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, Chi cục Kiểm lâm tổ chức, phối hợp với cơ quan tài chính cùng cấp và các ngành liên quan tổ chức bán đấu giá trong vòng một tháng. Quá thời hạn này mà cơ quan phối hợp được mời không đến hoặc đến không đầy đủ để tổ chức bán đấu giá thì Chi cục Kiểm lâm tổ chức bán đấu giá, nộp tiền vào Kho bạc, sau đó thông báo cho cơ quan tài chính cùng cấp.
đ) Các tỉnh, huyện không có cơ quan kiểm lâm, lâm sản sau khi xử lý tịch thu chuyển giao cho cơ quan tài chính cùng cấp để tổ chức bán theo quy định hiện hành.”
Như vậy, việc bán đấu giá tài sản là các tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản lại được Chi cục Kiểm lâm tổ chức, phối hợp cơ quan tài chính cùng cấp thực hiện, nếu địa phương nào không có có cơ quan kiểm lâm, lâm sản thì cơ quan tài chính cùng cấp tổ chức bán đấu giá tài sản.
Một quy định khác cũng dẫn đến sự chồng chéo nói trên: Theo quy định tại khoản 2, Điều 8, của Nghị định số 13/2008/NĐ-CP 04/02/2008 Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thì Sở Tư pháp có chức năng tham mưu, giúp Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật; thi hành án dân sự; công chứng; chứng thực; nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài; trọng tài thương mại; hộ tịch; quốc tịch; lý lịch tư pháp; luật sư; tư vấn pháp luật; trợ giúp pháp lý; giám định tư pháp; hoà giải ở cơ sở; bán đấu giá tài sản liên quan đến thi hành án và công tác tư pháp khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, theo quy định này thì Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp chỉ có chức năng bán đấu giá tài sản để thi hành án mà thôi! Còn các tài sản khác thì việc bán đấu giá tài sản do tổ chức nào thực hiện?
Qua trên, thiết nghĩ rằng để các Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản và các Hội đồng bán đấu giá tài sản thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần phải tham mưu cho cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến việc giao trách nhiệm cho ai có chức năng bán đấu giá tài sản đảm bảo thống nhất, không chồng chéo, mâu thuẫn dễ áp dụng trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.
Hà Linh
Tham khảo thêm:
- Bất cập trong việc thực hiện thẩm quyền bán đấu giá tài sản
- Đơn xin đăng ký đấu giá tài sản
- Về kê biên bán đấu giá tài sản
- Đấu giá tài sản thi hành án là quyền sử dụng đất ở có bắt buộc có Công chứng viên không
- Bảo vệ quyền của người mua tài sản bán đấu giá tài sản
- Thủ tục đăng ký hoạt động đấu giá tài sản
- Đấu giá tài sản bị thi hành án
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.