Chế định hôn ước trong pháp luật của một số nước trên thế giới.
Hiện nay, ở hầu hết các quốc gia trên thế giới vấn đề hôn ước đều được pháp luật ghi nhận. Điển hình như: Cộng hòa Pháp, là quốc gia đầu tiên thuộc hệ thống pháp luật lục địa, chính thức ghi nhận giá trị pháp lý của hôn ước trong Bộ luật Dân sự Pháp năm 1804. Ở Hoa Kỳ thì vấn đề lập hôn ước đã trở nên phổ biến… Đối với Việt Nam, pháp luật về hôn nhân và gia đình hiện nay chưa quy định và thừa nhận vấn đề này. Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập quốc tế, các quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài ngày càng nhiều, điều đó làm cho chúng ta không thể không quan tâm đến vấn đề hôn ước.
1. Hôn ước – đặc trưng của chế độ tài sản ước định
1.1. Quan niệm về hôn ước
Khi chưa kết hôn, hai người nam và nữ là những người có tài sản riêng, hoàn toàn tự do trong việc định đoạt tài sản của mình. Khi kết hôn, điều đó đã khác. Tất cả các vấn đề về tài sản của họ được điều chỉnh bởi một chế định pháp lý có tên là “chế độ tài sản vợ chồng”. Hầu hết các quốc gia trên thế giới cho phép những người sắp kết hôn tự thỏa thuận về chế độ tài sản vợ chồng bằng một văn bản có tên là “hôn ước”. Khái niệm này cũng thường được gọi với tên khác như: Hợp đồng tiền hôn nhân, thỏa thuận tài sản của vợ chồng…
Tại Việt Nam hiện nay, chế độ tài sản vợ chồng do pháp luật quy định (chế độ tài sản pháp định). Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội, chế độ tài sản vợ chồng của Pháp luật Việt Nam đã có những sự thay đổi đáng kể, từ chỗ không chấp nhận bất cứ thỏa thuận nào của vợ chồng về việc xác lập tài sản (như quy định trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959) đến cho phép vợ chồng được thỏa thuận về việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, thậm chí thỏa thuận cả về hậu quả của việc chia tài sản này (Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 và Nghị định số 70/2001/NĐ-CP ngày 03/10/2001 của Chính phủ quy định chế tiết thi hành Luật Hôn nhân và gia đình).
Hiện nay, pháp luật về hôn nhân gia đình nước ta chưa quy định và thừa nhận hôn ước. Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập, các quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài ngày càng nhiều, điều đó khiến chúng ta không thể không quan tâm đến vấn đề hôn ước, bởi nó đã được pháp luật ở hầu hết các quốc gia trên thế giới ghi nhận.
Về hình thức pháp lý, chế độ tài sản vợ chồng có thể được xác định theo căn cứ pháp luật (chế độ tài sản pháp định) hoặc theo thỏa thuận của vợ chồng (chế độ tài sản ước định). Chế độ tài sản pháp định là chế độ tài sản mà ở đó pháp luật đã dự liệu về căn cứ, nguồn gốc, thành phần các loại tài sản, quyền và nghĩa vụ của vợ chồng đối với các loại tài sản, các trường hợp và nguyên tắc chia tài sản của vợ chồng. Chế độ tài sản pháp định được pháp luật của tất cả các quốc gia trên thế giới dự liệu. Khác với chế độ tài sản pháp định, chế độ tài sản ước định (1) là chế độ tài sản mà trong đó căn cứ, nguồn gốc, thành phần các loại tài sản, quyền và nghĩa vụ của vợ chồng đối với các loại tài sản, các trường hợp và nguyên tắc chia tài sản của vợ chồng do vợ chồng thỏa thuận.
Khi áp dụng chế độ tài sản ước định, vợ chồng được tự do thỏa thuận về chế độ tài sản trong thời kỳ hôn nhân. Văn bản ghi nhận sự thỏa thuận đó là hôn ước. Như vậy, có thể hiểu hôn ước là văn bản do hai bên nam nữ lập trước khi kết hôn theo thể thức nhất định, trong đó ghi nhận sự thỏa thuận của họ về chế độ tài sản vợ chồng được áp dụng trong thời kỳ hôn nhân và chỉ phát sinh hiệu lực trong thời kỳ hôn nhân.
1.2. Đặc điểm của hôn ước
– Về chủ thể: Hôn ước chỉ phát sinh hiệu lực giữa những người có quan hệ hôn nhân hợp pháp (có làm các thủ tục cần thiết để đăng ký kết hôn với cơ quan có thẩm quyền). Do hôn ước có tính hoạch định cao nên các cặp vợ chồng thuộc trường hợp hôn nhân thực tế, chung sống như vợ chồng dù được công nhận là hợp pháp cũng không được coi là chủ thể của hôn ước. Hôn nhân thực tế hay việc công nhận tính hợp pháp của các quan hệ chung sống như vợ chồng không phải là lạc hậu và chỉ tồn tại ở một số quốc gia đang phát triển. Hôn nhân thực tế (cohabition) được ghi nhận và thậm chí việc công nhận hôn nhân thực tế còn là xu hướng của pháp luật các quốc gia phương Tây, đặc biệt là các quốc gia theo thông luật (common law).
– Về mục đích: Hôn ước tạo điều kiện cho vợ chồng tự chủ hơn trong việc quản lý tài chính, hoạch định tương lai (thậm chí tương lai đó bao gồm cả việc ly hôn). Mặc dù không hoàn toàn, nhưng hôn ước và cả chế độ tài sản ước định cũng xuất phát từ lợi ích chung của gia đình và có mục đích là góp phần vào sự vững bền của hạnh phúc gia đình.
– Về hình thức: Hôn ước buộc phải được lập bằng văn bản có chữ ký của hai bên nam nữ sắp trở thành vợ chồng (2). Pháp luật của nhiều nước thường quy định hôn ước phải được công chứng và cơ quan có thẩm quyền xác nhận tính hợp pháp (bằng các hình thức công chứng và đăng ký hôn ước cùng với thời điểm đăng ký kết hôn).
– Về nội dung: Trong hôn ước, vợ chồng tối thiểu phải thỏa thuận về phương thức hay quy định về việc xác định tài sản chung, tài sản riêng của mình. Những thỏa thuận trong hôn ước không được trái với trật tự công cộng và đạo đức xã hội. Trong hôn ước, vợ chồng chỉ có thể thỏa thuận về vấn đề tài sản và không thể thỏa thuận hay làm khác đi quan hệ nhân thân giữa vợ và chồng hay các quan hệ nhân thân khác đã được pháp luật quy định.
– Về hiệu lực: Hôn ước phải được lập trước khi kết hôn, để đảm bảo phát sinh hiệu lực, hôn ước phải được lập theo thể thức mà pháp luật nội địa (luật nơi vợ chồng cư trú và có quốc tịch) hoặc pháp luật nơi lập hôn ước quy định (3). Hôn ước phát sinh hiệu lực kể từ khi hai bên nam nữ trở thành vợ chồng hợp pháp.
– Về vấn đề sửa đổi, hủy bỏ: Việc thay đổi hay chấm dứt hiệu lực của hôn ước phải theo một thể thức nhất định, việc thay đổi thường được tiến hành theo hình thức lập hôn ước. Trước đây hôn ước là bất di bất dịch, tuy nhiên, quy định này đã trở nên lỗi thời, hiện nay các quốc gia cho phép vợ chồng thay đổi hoặc hủy bỏ hôn ước nhưng thường đặt điều kiện về thời gian có hiệu lực của hôn ước trước hoặc điều kiện về hình thức, về sự phê chuẩn.
2. Chế định hôn ước trong pháp luật của một số nước trên thế giới
2.1. Hôn ước theo pháp luật của Cộng hòa Pháp
Pháp là quốc gia đầu tiên thuộc hệ thống luật lục địa chính thức ghi nhận giá trị pháp lý của hôn ước trong văn bản quy phạm pháp luật(4), đó là Bộ luật Dân sự Pháp năm 1804 hay còn gọi là Bộ luật Napoleon(5). Là một sản phẩm của quá trình pháp điển hóa giữa những quy định mang tính chuẩn mực trong pháp luật La Mã và một số tập quán đương thời, Bộ luật Dân sự Pháp thường được xem là khuôn vàng thước ngọc để các quốc gia khác học tập khi xây dựng dân luật. Bộ luật Dân sự Pháp dành riêng thiên thứ 5 quyển thứ 3 để quy định về hôn ước và các chế độ tài sản vợ chồng. Thiên thứ 5 được mở đầu bằng Điều 1378: “Pháp luật không điều chỉnh quan hệ tài sản giữa vợ và chồng nếu giữa vợ chồng đã có thỏa thuận riêng mà vợ chồng cho là phù hợp và không trái với thuần phong mỹ tục hoặc với các quy định sau đây”. Vậy nên khi vợ chồng lập hôn ước, chế độ tài sản của vợ chồng sẽ được điều chỉnh bằng hôn ước. Vợ chồng có thể tự do thỏa thuận về vấn đề tài sản nhưng phải tuân theo pháp luật cả về nội dung và thủ tục.
Về thủ tục:
Việc lập ra, thay đổi, hủy bỏ hôn ước phải được tuân theo những thủ tục chặt chẽ để đảm bảo sự tự nguyện và việc thực hiện bản hôn ước đó.
Lập hôn ước: Hôn ước phải do hai bên nam nữ thỏa thuận và phải được lập ra trước khi kết hôn (6). Về hình thức, nó phải được lập bằng văn bản trước mặt Công chứng viên với sự có mặt và thỏa thuận chung của cả hai bên hoặc người được ủy quyền. Khi lập hôn ước, Công chứng viên cấp cho các bên giấy chứng nhận có ghi rõ họ tên, nơi cư trú của Công chứng viên, tư cách và nơi ở của các bên kết hôn, ngày lập hôn ước, trong giấy chứng nhận cũng phải ghi rõ là phải nộp giấy này cho viên chức hộ tịch trước khi đăng ký kết hôn (7). Để đảm bảo quyền lợi cho người thứ ba trong giao dịch với vợ chồng, việc lập hôn ước có thể được ghi trong giấy đăng ký kết hôn hoặc ghi rõ trong các văn bản giao dịch với người thứ ba; nếu không thì khi giao dịch với người thứ ba, vợ chồng được coi như là kết hôn theo chế độ pháp lý chung (8).
Việc sửa đổi hôn ước: Sửa đổi trước khi kết hôn: Việc sửa đổi thỏa thuận về tài sản vợ chồng trước khi kết hôn phải do hai người nam nữ thỏa thuận, việc thỏa thuận này phải có mặt của các bên tham gia hợp đồng và người được ủy quyền. Bản hôn ước đã sửa đổi cũng phải đảm bảo những yêu cầu về hình thức cũng như đảm bảo quyền lợi cho người thứ ba như bản hôn ước đã lập ban đầu(9). Sửa đổi sau khi kết hôn: Hôn ước chỉ được sửa đổi sau 2 năm áp dụng, việc thay đổi phải được công bố cho các người con đã thành niên và các chủ nợ, nếu những người được thông báo này phản đối thì việc sửa đổi hôn ước sẽ phải thông qua thể thức phê chuẩn của Tòa án nơi vợ chồng cư trú (10).
Về nội dung:
Những chế độ tài sản mà vợ chồng có thể lựa chọn là chế độ tài sản chung (có thể lựa chọn chế độ cộng đồng toàn sản hoặc chế độ cộng đồng động sản và tạo sản) và chế độ tài sản riêng (chế độ biệt sản, chế độ tài sản riêng tương đối). Có thể thấy, việc thỏa thuận lựa chọn trong hôn ước của Pháp là lựa chọn chế độ tài sản, điều này sẽ làm mọi việc đỡ phức tạp và tiểu tiết hơn việc vợ chồng tự thỏa thuận đâu là tài sản chung, đâu là tài sản riêng và sự chuyển hóa của các khối tài sản này như thế nào.
Với chế độ tài sản chung: Chế độ cộng đồng toàn sản: Nếu vợ chồng thỏa thuận chọn chế độ cộng đồng toàn sản: Tất cả tài sản của vợ chồng sẽ có và hiện có (bao gồm cả tài sản của riêng vợ hoặc chồng trước thời kỳ hôn nhân) sẽ thuộc khối tài sản quy định tại Điều 1404 (đồ dùng, tư trang cá nhân…). Chế độ cộng đồng động sản và tạo sản: Về cơ bản sẽ gần giống với chế độ tài sản pháp định nhưng cũng có một số điểm khác biệt, ví dụ như: Vợ chồng có thể thỏa thuận về việc phân chia tài sản không đều nhau, về việc trích khấu tài sản có bồi thường (11)…
Với chế độ tài sản riêng: Chế độ biệt sản: Nếu lựa chọn chế độ tài sản này, vợ chồng không có tài sản cộng đồng, mỗi bên giữ quyền quản lý, hưởng dụng và định đoạt đối với khối tài sản thuộc về mình. Mỗi bên vợ, chồng chịu trách nhiệm về những khoản nợ riêng và có nghĩa vụ đóng góp vào nhu cầu chung của gia đình. Việc thực hiện theo thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật. Trong quan hệ với người thứ ba, vợ chồng có thể dùng mọi cách để chứng minh rằng mọi tài sản thuộc về mình (12). Chế độ tài sản riêng tương đối: Đây được coi là một chế độ tài sản hỗn hợp: Tách riêng tài sản trong thời kỳ hôn nhân và cộng đồng tài sản khi chấm dứt hôn nhân. Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng thực hiện chế độ tách riêng tài sản, mỗi bên giữ một phần tài sản riêng và quyền quản lý, hưởng dụng và định đoạt. Vợ, chồng có trách nhiệm thực hiện những nghĩa vụ riêng bằng tài sản riêng của mình. Tuy nhiên, khi chấm dứt hôn nhân, mỗi bên được hưởng một nửa những tài sản được tạo ra trong thời kỳ hôn nhân hiện còn.
Ngoài những quy định chung về thủ tục và nội dung của hôn ước, hôn ước dành cho các cặp vợ chồng có một trong hai người hoặc cả hai người là thương nhân lại có những yêu cầu đòi hỏi khác do đặc thù của việc sản xuất kinh doanh (13).
Như vậy, hôn ước ở Pháp được quy định rất chặt chẽ về cả nội dung và thủ tục để đảm bảo lợi ích của vợ chồng, người thứ ba và trật tự của xã hội.
2.2. Hôn ước theo pháp luật của Hoa Kỳ
Có thể nói rằng, không ở một quốc gia nào mà vấn đề lập hôn ước lại trở nên phổ biến như ở Hoa Kỳ. Những người có mức sống cao hoặc những người thừa kế giàu có thường gặp rất nhiều phiền toái với vợ/chồng cũ của mình cũng như Luật sư của cô/anh ta trong suốt thời kỳ giải quyết việc ly hôn. Ngoài hôn ước (prenuptial agreement), Hoa Kỳ còn cho phép các cặp vợ chồng lập một thỏa thuận tương tự như hôn ước trong thời kỳ hôn nhân (postnuptial agreement tạm dịch là hậu hôn ước).
Trong suốt thế kỷ XVIII, hệ thống thông luật (common law) không cho phép vợ chồng lập hôn ước bởi vì họ cho rằng khi hai người kết hôn thì họ đã hòa làm một và không thể có giao dịch khi chỉ có một chủ thể, một lý do nữa là một người phụ nữ đã có chồng thì họ không được phép tham gia ký kết các hợp đồng trừ khi đã ly thân (14). Đến khoảng giữa thế kỷ XIX thì một số án lệ ở Hoa Kỳ đã cho phép sự tồn tại của hôn ước, đến tháng 7 năm 1983 một đạo luật về hôn ước (Uniform premarital agreement Act gọi tắt là UPAA (15) đã được ban hành dựa trên kết quả của các án lệ, UPAA được chấp nhận ở đa số các bang của Hoa Kỳ (16), một số bang còn lại có những quy định khác hay đặc biệt hơn so với UPAA. Theo UPAA hôn ước ở Hoa Kỳ có một số đặc trưng sau:
Về nội dung:
Các bên thỏa thuận trong hôn ước với các nội dung sau:
– Quyền và nghĩa vụ của mỗi bên đối với tài sản của một bên hoặc cả hai, phát sinh tại thời điểm trước hôn nhân và sau hôn nhân;
– Quyền mua bán, sử dụng, chuyển nhượng, trao đổi, từ bỏ, cho thuê, tiêu dùng, dùng làm tài sản bảo đảm, thế chấp, cầm cố, tự định đoạt hay các quyền quản lý, kiểm soát khác đối với tài sản;
– Định đoạt tài sản khi ly thân, ly hôn, khi qua đời, hoặc sự biến hay bất kỳ sự kiện nào khác;
– Sự thay đổi hay chấm dứt việc cấp dưỡng giữa vợ chồng;
– Lập chúc thư, ủy thác, hay các biện pháp khác để thực hiện các nội dung của thoả thuận này;
– Quyền sở hữu và chuyển nhượng từ tiền bảo hiểm tính mạng của một người;
– Vấn đề lựa chọn luật điều chỉnh;
– Các vấn đề khác bao gồm quyền và nghĩa vụ cá nhân nhưng không được trái với chính sách công và vi phạm pháp luật;
– Quyền được chu cấp của con cái không thể bị ảnh hưởng theo chiều hướng bất lợi bởi hôn ước.
Về hình thức: Hôn ước phải được lập bằng văn bản và được hai bên ký vào và không cần thêm một sự xem xét nào với hôn ước.
Về hiệu lực: Hôn ước chỉ có hiệu lực trong thời kỳ hôn nhân. Sau khi kết hôn, hôn ước có thể được các bên sửa đổi bằng cách lập thêm một văn bản khác và ký vào đó, sự sửa đổi này không cần thêm một sự xem xét nào cả.
Tuy nhiên theo luật một số bang, hôn ước còn có thể tự động hết hiệu lực sau 7 năm áp dụng hoặc sau khi đứa con đầu tiên ra đời, hay hôn ước chỉ được sửa đổi sau 1,5 năm áp dụng.
Mặc dù hôn ước ở Hoa Kỳ được quy định tương đối mở, nhưng trong thực tế các bên lập hôn ước lại chi trả khá nhiều tiền cho Luật sư để có một hôn ước hợp pháp và chặt chẽ về thủ tục nhất.
2.3. Hôn ước theo pháp luật của Nhật Bản
Luật dân sự ở Nhật Bản được coi là một trong những sản phẩm của cuộc cải cách Minh Trị 1868 (17). Hôn ước hay phần lớn những quy định trong Bộ luật Dân sự Nhật Bản thường do ảnh hưởng từ hệ thống dân luật Đức hoặc Pháp. Tuy nhiên đó là sự tham khảo có chọn lọc, không phải là sự sao chép, thể hiện ở những nét đặc trưng riêng trong quy định về hôn ước ở Nhật Bản.
Về hình thức: Không giống như pháp luật các quốc gia khác, Nhật Bản có riêng một văn bản pháp luật điều chỉnh về hình thức của hôn ước và vấn đề đăng ký hôn ước (18) (Mặc dù tên Tiếng Anh của văn bản này được dịch theo các cách khác nhau: “Family Registration Act” hay “Matrimonial property agreement Registration Act” nhưng toàn bộ nội dung của nó chỉ nói về việc đăng ký hôn ước và hình thức của hôn ước).
Về nội dung: Nội dung của của hôn ước được quy định trong Bộ luật Dân sự. Điều 755 Bộ luật Dân sự Nhật Bản ghi nhận quyền được lập hôn ước của các cặp vợ chồng: Các quyền và nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng sẽ được tuân theo các quy định dưới đây nếu như vợ chồng không ký vào một hợp đồng quy định trước về tài sản của họ trước khi đăng ký kết hôn. Luật cũng quy định: Nếu vợ chồng có một thỏa thuận về tài sản mà trong đó quy định khác với chế độ tài sản pháp định thì hôn ước này không được chống lại người thừa kế hàng thứ nhất của vợ hoặc chồng hoặc người thứ ba trừ khi nó được đăng ký trước khi đăng ký kết hôn (19).
Việc thay đổi và hủy bỏ hôn ước: Hôn ước không thể thay đổi trong thời kỳ hôn nhân trừ khi vợ hoặc chồng là người quản lý tài sản mà có hành vi phá tán tài sản và để thay đổi hôn ước, các bên phải có đệ đơn lên Tòa án (20). Ở Nhật có một Tòa án riêng biệt chuyên giải quyết các vấn đề về gia đình.
2.4. Hôn ước theo pháp luật của Thái Lan
Mặc dù Thái Lan là một quốc gia phương Đông, theo đạo phật, nhưng với khả năng dễ tiếp nhận và thích nghi thì hôn ước tồn tại trong pháp luật Thái Lan cũng không phải là điều khó hiểu. Hôn ước được quy định trong phần tài sản vợ chồng trong Bộ luật Dân sự và thương mại Thái Lan (các Điều từ 1465 đến 1493). Điều 1465 của Bộ luật Dân sự và thương mại Thái Lan quy định: “Trong trường hợp vợ chồng trước khi kết hôn không có thỏa thuận đặc biệt về tài sản của họ (hôn ước) thì quan hệ tài sản của họ sẽ được điều chỉnh bởi những quy định chung của chương này. Hôn ước sẽ vô hiệu nếu có bất cứ điều khoản nào trái với trật tự công hoặc đạo đức xã hội hoặc quy định rằng quan hệ tài sản của họ sẽ được điều chỉnh bởi luật nước ngoài”. Như vậy về nội dung, ngoài những đặc điểm chung như hôn ước ở nhiều nước, hôn ước ở Thái Lan còn có thêm điều kiện về luật áp dụng điều chỉnh, trong đó ở một số quốc gia đã cho phép vợ chồng được chọn luật áp dụng là luật nước ngoài.
Về hình thức, hôn ước ở Thái Lan phải được đăng ký cùng với thời điểm đăng ký kết hôn, phải được làm bằng văn bản và có ít nhất hai người làm chứng, phải được nộp cùng thời điểm đăng ký kết hôn (21).
Sửa đổi hôn ước: Điều 1467 quy định sau khi kết hôn hôn ước không thể sửa đổi trừ khi được sự chấp thuận của Tòa án có thẩm quyền, và khi có quyết định cuối cùng về việc sửa đổi hay hủy bỏ hôn ước, Tòa án phải thông báo với nơi đăng ký kết hôn về vấn đề đó. Mặc dù được sửa đổi hoặc hủy bỏ bởi Tòa án nhưng một số điều khoản của hôn ước sẽ không có hiệu lực với người thứ ba có thiện chí.
Theo khảo sát thì hôn ước của các cặp vợ chồng Thái Lan thường hay bị tuyên vô hiệu và không được chấp thuận bởi mười lý do phổ biến sau (22):
– Các bên không lập hôn ước thành văn bản.
– Tài sản của các bên liệt kê trong hôn ước không được coi là hợp pháp.
– Có sự lừa dối: Bị chồng (vợ) hoặc gia đình hoặc Luật sư của chồng (vợ) lừa dối để ký vào hôn ước.
– Chưa đọc hôn ước: Sở dĩ có lý do này là bởi vì có thể xảy ra trường hợp vợ hoặc chồng được đề nghị ký rất nhiều giấy tờ trong đó có cả hôn ước mà họ lại không đọc nó.
– Các bên chưa có đủ thời gian để suy nghĩ về hôn ước: Nếu như các bên chỉ đọc qua loa về hôn ước và ký vào đó thì rất có khả năng hôn ước sẽ bị vô hiệu.
– Hôn ước có một số điều khoản bị cấm.
– Các thông tin trong hôn ước bị sai lệch, ví dụ thu nhập của các bên, tài sản, năng lực….
– Các thông tin trong hôn ước chưa được hoàn thành hết, như chưa kê đầy đủ tài sản trước khi kết hôn…
– Các bên không được độc lập về ý chí: Khi một bên hoặc cả hai bên không được độc lập về ý chí mà phải phụ thuộc vào bên kia hoặc gia đình hoặc Luật sư…
– Hôn ước không phù hợp với đạo đức xã hội thông thường: Một hôn ước quá thiên vị cho một bên, ví dụ trong đó quy định rằng khi ly hôn một bên sẽ được tất cả tài sản hoặc một bên sẽ chịu thanh toán tất cả các khoản nợ hoặc trong đó quy định miễn nghĩa vụ cấp dưỡng cho một bên… rất có khả năng bị tuyên vô hiệu.u
(1) Hiện nay pháp luật hôn nhân và gia đình của Việt Nam chưa ghi nhận chế độ tài sản vợ chồng này.
(2) Công ước Lahaye năm 1978 về lựa chọn luật áp dụng với chế độ tài sản vợ chồng chỉ yêu cầu hôn ước phải được lập bằng văn bản và có chữ ký của cả hai người, Đạo luật thống nhất về hôn ước của Hoa Kỳ (đã được chấp nhận ở đa số các bang của Hoa Kỳ) cũng quy định hôn ước chỉ cần được lập bằng văn bản và có chữ ký của hai bên và không cần thêm bất cứ một sự xác thực nào khác.
(3) Điều 12 Công ước Lahaye 1978, điều này cũng là nguyên tắc chung.
(4) Là một bộ phận của Vương quốc phong kiến Frăng, hôn ước đã là một trong những điều được coi là hiển nhiên trong truyền thống của Pháp nên việc ghi nhận nó trong Bộ luật Dân sự đầu tiên cũng là đương nhiên.
(5) Hôn ước được ghi nhận tại thiên thứ 5 quyển thứ 3 Bộ luật Dân sự Pháp năm 1804, xem: http://www.napoleonseries.org/research/government/code/book3/c_title05.html
(6) Xem Điều 1395 Bộ luật Dân sự cộng hòa Pháp.
(7) Điều 1394 Bộ luật Dân sự Cộng hòa Pháp.
(8) Điều 1394 Bộ luật Dân sự Cộng hòa Pháp.
(9) Điều 1396 Bộ luật Dân sự Cộng hòa Pháp.
(10) Điều 1397 Bộ luật Dân sự Cộng hòa Pháp (đã sửa đổi năm 2006).
(11) Xem mục IV và mục V chương 2 thiên thứ V Bộ luật Dân sự Cộng hòa Pháp.
(12) Điều 1538 Bộ luật Dân sự Cộng hòa Pháp.
(13) Xem thêm Th.S Bùi Minh Hồng, Quan hệ về tài sản của vợ chồng trong hoạt động hợp tác sản xuất, kinh doanh theo pháp luật của Cộng hòa Pháp; Đề tài khoa học cấp trường: Tài sản của vợ chồng trong hoạt động sản xuất kinh doanh (chủ nhiệm đề tài: TS. Nguyễn Phương Lan), Trường ĐH Luật Hà Nội, năm 2008.
(14) Ronald B. Standler (Copyright 2003), Prenuptial and Postnuptial contract Law in the USA, page 3 www.rbs2.com/dcontract2.pdf
(15) Xem văn bản tại đây: http://www.law.upenn.edu/bll/archives/ulc/fnact99/1980s/upaa83.htm
(16) Mahar, Heather, Why Are There So Few Prenuptial Agreements?. Harvard Law School John M. Olin Center for Law, Economics and Business Discussion Paper Series. Paper 436, http://lsr.nellco.org/harvard_olin/436, page 3.
(17) Trong cuộc cải cách này họ đã chủ trương từ bỏ những tập tục có hại để học hỏi những tiến bộ của phương Tây.
(18) Tìm bản tiếng Nhật tại link sau: http://law.e-gov.go.jp (Luật này chưa được dịch chính thức sang tiếng Anh).
(19) Điều 756 Bộ luật Dân sự Nhật Bản.
(20) Điều 761 Bộ luật Dân sự Nhật Bản.
(21) Điều 1466 Bộ luật Dân sự và thương mại Thái Lan, năm 1925 sửa đổi năm 2009, nguồn: http://www.samuiforsale.com/Civil_Code_text_English_I.html
(22) Xem tại: http://thaiprenuptialagreement.com/thai-prenuptial-pointer.php
Trương Hồng Quang
Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp.
Tham khảo thêm:
- Chế định hôn ước trong pháp luật của một số nước trên thế giới
- Có những chế định hôn ước nào trên thế giới
- Nhờ chủ nhà trọ làm hộ KT3 có được không
- So sánh cơ sở kinh tế-xã hội của nhà nước phong kiến Phương Đông và Phương Tây
- Có bắt buộc phải mua phí đường bộ theo gói 1 năm không vì mình muốn mua theo tháng ?
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.