Hình sự hóa quan hệ dân sự

Hình sự hóa quan hệ dân sự, một khái niệm thể hiện rất nhiều quan điểm trái chiều trong cả lý luận và thực tiễn.

1.Khái niệm hình sự hóa quan hệ dân sự

Hình sự hóa là Việc biến một hành vi vốn không bị pháp luật xử lý hoặc chỉ bị xử lý bằng một chế tài khác nhẹ hơn thành một hành vi có tính tội phạm và bị pháp luật xử lý bằng loại chế tài nặng nhất – chế tài hình sự. Khi “hình sự hóa” một hành vi thì nên hiểu là trước đó hành vi đó không bị pháp luật cấm hoặc bị cấm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đến mức phải sử dụng chế tài hình sự. Do sự thay đổi của xã hội, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi đó tăng lên và cần phải được điều chỉnh bằng chế tài hình sự. Hình sự hóa là công việc của cơ quan lập pháp, vì chỉ có cơ quan lập pháp mới có quyền ban hành pháp luật hình sự.

Cho đến nay, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về việc có nên hay không nên sử dụng cụm từ này đồng thời cũng có nhiều ý kiến khác nhau về cách hiểu của cụm từ này. Đáng lưu ý có quan điểm cho rằng cách dùng cụm từ “hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế” là hoàn toàn không chính xác về mặt khoa học và vì vậy không nên sử dụng cụm từ này. Vấn đề mấu chốt của sự phản đối này chính là sự bất đồng trong việc sử dụng cụm từ “hình sự hoá”. Thực ra, cụm từ “hình sự hoá” đã trở thành một trong những khái niệm cơ bản của khoa học luật hình sự truyền thống. Trong lí luận luật hình sự truyền thống, “hình sự hoá” (penalisation) cùng với khái niệm “tội phạm hoá” (criminalisation), “phi tội phạm hoá” (decriminalisation), “phi hình sự hoá” (depenalisation) trở thành những khái niệm chủ chốt để mô tả quá trình phát triển, vận động của luật hình sự.

Theo lí luận luật hình sự truyền thống thì “tội phạm hoá” là việc thông qua hình thức văn bản nhất định, nhà làm luật quy định những hành vi nào đó là tội phạm. Còn việc quy định hình phạt hay xác định loại hình phạt, khung hình phạt, điều kiện quyết định hình phạt đối với loại tội phạm này hay tội phạm kia được khoa học pháp lí hình sự gọi là hình sự hoá. Như vậy, “hình sự hoá” chỉ diễn ra ở giai đoạn xây dựng pháp luật chứ không thể có ở giai đoạn áp dụng pháp luật. Thêm vào đó chỉ có Quốc hội mới có thẩm quyền tiến hành việc hình sự hoá. Quan điểm này đã được trình bày khá nhất quán trong các tác phẩm về lí luận luật hình sự ở Việt Nam.

Xuất phát từ cơ sở đó thì rõ ràng việc giải thích cụm từ “hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế” hoặc “hình sự hoá các quan hệ dân sự, kinh tế” bằng cách tổng hợp nghĩa của các cụm từ thành phần sẽ trở nên có vấn đề. Khi đó cụm từ “hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế” sẽ không thể có nội hàm phản ánh hiện tượng áp dụng pháp luật oan sai trong việc xử lí các vi phạm nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch dân sự, kinh tế. Đây cũng chính là lí do cơ bản để không ít nhà nghiên cứu phản đối việc sử dụng cụm từ “hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế” để phản ánh hiện tượng xử lí oan sai các vi phạm nghĩa vụ trong giao dịch dân sự, kinh tế bằng pháp luật hình sự.

Tuy nhiên, phải khẳng định rằng, cụm từ “hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế” hoặc “hình sự hoá các quan hệ dân sự, kinh tế” xuất hiện khá độc lập với bản thân cụm từ “hình sự hoá” của khoa học luật hình sự truyền thống. Cách hiểu về “hình sự hoá” trong cụm từ “hình sự hoá các giao dịch dân sự – kinh tế” được sử dụng nhiều trên báo chí và trong nhiều bài viết của một số nhà nghiên cứu trong một vài năm gần đây không có nội hàm như khái niệm “hình sự hoá” vừa phân tích ở trên. Thay vào đó khi được sử dụng để mô tả hiện tượng oan sai trong tố tụng, mô tả hành vi trái pháp luật của cơ quan tố tụng trong việc làm oan sai người vô tội thì cụm từ này đã mang trong mình nội hàm mới. Với việc xuất hiện trên hàng chục báo chí, nhiều diễn đàn quan trọng được thông tin trong toàn quốc trong thời gian qua cụm từ “hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế” đã trở thành cách sử dụng khá phổ biến và chứng tỏ sức sống độc lập của nó.

Như vậy, việc xuất hiện và sử dụng cụm từ “hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế” là hiện tượng ngôn ngữ, có thể coi như kiểu “dùng mãi thành quen” và nhờ đó trở thành cụm từ có sức sống độc lập với các cụm từ thành phần. Nếu thừa nhận lập luận này, việc sử dụng cụm từ “hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế” sẽ không thể bị coi là thiếu khoa học mà ngược lại do được sử dụng rộng rãi trên diễn đàn, trên báo chí, trong công luận việc sử dụng cụm từ kể trên có giá trị thực tiễn to lớn.

Tuy vậy, vấn đề hiện nay phải đặt ra chính là làm sao thống nhất được những nội dung cơ bản trong nội hàm của cụm từ này bởi lẽ, hiện tại tuy việc sử dụng cụm từ kể trên khá phổ biến song không phải những người sử dụng đều đã thống nhất về cách hiểu cụm từ này. Trong thực tế, có ý kiến cho rằng “hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế” là việc xử lí các hành vi vi phạm pháp luật dân sự, kinh tế chưa cấu thành tội phạm bằng biện pháp hình sự. Có ý kiến chỉ bó hẹp việc xử lí các hành vi vi phạm nghĩa vụ thanh toán, trả tài sản trong các hợp đồng kinh tế dân sự bằng con đường hình sự mới là hình sự hoá. Có quan điểm cho rằng hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế xảy ra không chỉ trong quá trình áp dụng pháp luật mà cả trong quá trình xây dựng pháp luật. Qua các diễn đàn, hội thảo về chống hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế vừa qua, chúng tôi thấy hầu hết các nhà nghiên cứu đều tán đồng một số điểm sau đây trong nội hàm của cụm từ (khái niệm) “hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế”:

– Hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế là hiện tượng được đặc biệt lưu ý trong một vài năm gần đây khi mà quá trình chuyển đổi kinh tế diễn ra ngày một mạnh mẽ.

Hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế là sự sai lầm trong việc áp dụng pháp luật hình sự.

– Sự sai lầm kể trên có thể là do cơ quan tố tụng chưa điều tra đầy đủ, khách quan, nôn nóng trong khi giải quyết hoặc cũng có thể do một số cán bộ biến chất trong các cơ quan tố tụng cố ý hình sự hoá để trục lợi.

– Nội dung của sự sai lầm này là một hành vi vi phạm nghĩa vụ dân sự hoặc nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng kinh tế (chủ yếu là nghĩa vụ thanh toán, hoàn trả tài sản) không cấu thành tội phạm nhưng đã bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử theo pháp luật hình sự và tố tụng hình sự.

Dựa trên những điểm thống nhất đó, có thể hiểu khái niệm “hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế” như sau: “Hình sự hoá các quan hệ dân sự, kinh tế là sự sai lầm trong việc áp dụng pháp luật hình sự và tố tụng hình sự theo đó người có hành vi vi phạm nghĩa vụ thanh toán, hoàn trả tài sản xác lập từ giao dịch dân sự, kinh tế (chủ yếu từ hợp đồng dân sự, kinh tế) tuy không cấu thành tội phạm nhưng đã bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử theo pháp luật hình sự và tố tụng hình sự bởi các cơ quan tiến hành tố tụng”.

2.Ví dụ Hình sự hóa quan hệ dân sự

Theo thống kê, trong năm 1998, chánh án, phó chánh án TANDTC, viện trưởng VKSNDTC đã kháng nghị tất cả 279 vụ án trong đó có 48 vụ án về các tội lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hoặc sử dụng trái phép tài sản XHCN. UBTP TANDTC và Toà hình sự – TANDTC đã xét xử 33 vụ án, trong đó có 8 vụ toà án cấp giám đốc thẩm đã xác định các bị cáo không phạm tội hình sự, chuyển giải quyết lại theo thủ tục kinh tế hoặc dân sự; 19 vụ bị sửa đổi từng phần do có những hành vi đã bị hình sự hoá không đúng pháp luật.

Cũng trong năm 1998, các toà án địa phương đã gửi hồ sơ vụ án về TANDTC để trao đổi với tổng số là 39 vụ án do VKSND truy tố các bị cáo về các hành vi lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản nhưng qua nghiên cứu chuẩn bị xét xử TAND cấp tỉnh thấy có vấn đề vướng mắc về tội danh và đường lối xử lí vụ án, cần trao đổi xin ý kiến TANDTC. Qua nghiên cứu các vụ án này TANDTC cũng đã phát hiện khoảng 1/3 số vụ án, trong đó các bị can bị truy tố không đúng tội hoặc oan và theo yêu cầu các cơ quan tiến hành tố tụng ở cấp tỉnh xem xét và giải quyết lại theo trình tự thủ tục các vụ án dân sự hoặc kinh tế.(1) Theo Báo cáo của VKSNDTC, trong năm 1999 và 6 tháng đầu năm 2000, đã có 76 vụ án và 349 bị can bị khởi tố, điều tra về các nhóm tội: Tội phạm kinh tế, xâm phạm sở hữu nhà nước, xâm phạm sở hữu công dân sau đó phải đình chỉ điều tra vì không có tội mà thực chất đây chỉ là vụ việc thuộc các quan hệ dân sự và kinh tế.

Cũng theo Báo cáo này, có 115 người bị khởi tố, điều tra, truy tố và đưa ra xét xử sau đó toà án đã tuyên bị cáo không phạm tội (trong đó có 59 người do toà án cấp sơ thẩm tuyên án và 56 người do toà án cấp phúc thẩm tuyên án không phạm tội).

Xem thêm bài viết cùng chủ đề:


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191