Phân tích tính chất nguy hiểm của tội phạm quốc tế

Phân tích tính chất nguy hiểm của tội phạm quốc tế trong thực tiễn và pháp luật.


Phân tích tính chất nguy hiểm của tội phạm quốc tế
Phân tích tính chất nguy hiểm của tội phạm quốc tế

Như chúng ta đã biết, các tội phạm chiến tranh, tội phạm chống loài người, tội phạm diệt chủng và tội phạm xâm phạm hòa bình đã và đang gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho an ninh xã hội, chúng là mối nguy hiểm rình rập cho đời sống xã hội, không chỉ gây nguy hiểm cho một hay một vài quốc gia mà chúng có thể gây nguy hiểm trên phạm vi toàn cầu, đây chính là các tội ác nghiêm trọng nhất trong xã hội chống lại loài người. Những tội phạm này cần phải bị truy tố và trừng trị thích đáng bằng các biện pháp mang tầm quốc gia cũng như hợp tác quốc tế.

Trong thế kỷ này, hàng triệu trẻ em, phụ nữ và nam giới đã trở thành nạn nhân của những hành động tàn ác chưa từng thấy, gây chấn động lương tri nhân loại, các tội ác nghiêm trọng đó đe dọa hòa bình, an ninh và thịnh vượng của thế giới. Hàng trăm triệu người đã bị thiệt mạng, cũng như bị xâm phạm các quyền về tài sản, danh dự và nhân phẩm. Ở Campuchia, trong thập niên 1970, ước tính có 2.000.000 người đã thiệt mạng bởi Khmer Đỏ. Trong các cuộc xung đột vũ trang tại Môdămbích, Libêria, En Xanvađo và các nước khác, con số thường dân bị thảm sát dường như không thể tính được, chưa kể những kinh hoàng còn lại mãi trong tiềm thức của phụ nữ và trẻ em…Chỉ một số ít trong số họ nhận được sự đền bù nhỏ bé, và cũng chỉ một số ít tội phạm bị đưa ra xét xử.

1) Xét về mặt phạm vi

Tính nguy hiểm của tội phạm quốc tế có ảnh hưởng rất lớn. Hiện nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của quá trình toàn cầu hóa, của giao lưu và hợp tác quốc tế, thì các tội phạm quốc tế cũng ngày càng phát triển, mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác nhau. Tội phạm đã vượt ra ngoài biên giới quốc gia, có phạm vi hoạt động rộng lớn trong từng khu vực và trên thế giới. Mặt khác, những nhóm và tổ chức phạm tội đó có cơ cấu tổ chức rất chặt chẽ, có tiềm lực kinh tế mạnh và đặc biệt trong một số trường hợp có sự liên kết giữa các băng nhóm tội phạm quốc tế với các chính trị gia, các nhà tư bản tài chính, ngân hàng…. Chính vì lẽ đó, nhiều loại tội phạm quốc tế đang là mối nguy hiểm cho các quốc gia trên thế giới, chúng phá vỡ tính khuôn khổ của pháp luật, gây ra cho các Nhà Nước nhiều tổn thất, thậm chí còn chi phối phát động các cuộc chiến tranh xâm lược phá vỡ nền hòa bình nhân loại, đe dọa làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống xã hội.

Để phòng ngừa tội phạm quốc tế thì không những phải có hành lang pháp lý mạnh mẽ mà còn cần có sự phối hợp chặt chẽ của các quốc gia trên thế giới do phạm vi và tầm ảnh hưởng của những tội phạm này không còn trong khuôn khổ quốc gia nữa.

2) Xét về mặt mức độ nguy hiểm

Ở đây chúng ta phải đi xét riêng tính nguy hiểm của từng tội phạm cụ thể mà không thể nào gộp chung thành một cái chung tổng thể được, do các tội phạm là khác nhau và lĩnh vực, phạm vi, mức độ vi phạm của nó cũng khác nhau.

a.Tội phạm diệt chủng

Theo Điều 6 Quy chế Rome, tội phạm diệt chủng là một trong 5 hành vi quy định tại Điều này được thực hiện nhằm tiêu diệt một phần hoặc toàn bộ một nhóm dân tộc, bộ tộc, chủng tộc hoặc tôn giáo. Tuy có 5 dạng thể hiện khác nhau nhưng những hành vi này đều có tính chất xâm hại tính mạng, sức khỏe, tự do thân thể của “nhóm người” (phạm vi nạn nhân tương đối rộng với nhiều người) và với mục đích “tiêu diệt một phần hoặc toàn bộ một nhóm dân tộc, bộ tộc, chủng tộc hoặc tôn giáo”. Chúng ta có thể thấy những hành vi của tội này là hoàn toàn đi ngược lại nguyên tắc nhân đạo trong luật quốc tế, xâm phạm trực tiếp các quyền cơ bản của con người, ví dụ như hành vi tước đoạt mạng sống của các thành viên khác trong nhóm, hành vi ngăn cản sinh sản,… chúng xâm phạm nghiêm trọng quyền được sống của mỗi con người, đặc biệt các tội phạm này đã chống lại quá trình phát triển tự nhiên của thế giới, xâm phạm đến an ninh xã hội, quyền dân tộc, đẩy tụt lùi hàng nghìn năm văn minh nhân loại đưa con người trở về thời đại nguyên thủy khi sự sống không được bảo vệ và các quyền con người không hề tồn tại. Tiếp đó, nó làm suy yếu nguồn vốn con người của các quốc gia và kìm hãm sự phát triển, cùng theo đó là tổn hại đến sức khoẻ con người và làm suy yếu sự quản lý của các chính phủ.

b.Tội phạm chống loài người

Được quy định tại Điều 7 của Quy chế Rome, tính nguy hiểm của loại tội phạm này có phần tương đối giống so với tội phạm diệt chủng, nhưng lại mở rộng hơn, hậu quả của tội phạm không còn nằm trong phạm vi “nhóm người” nhất định mà là “thường dân” có quy mô lớn. Các hành vi thuộc tội này gồm có: giết người; hủy diệt; ép buộc làm nô lệ; tra tấn; hiếp dâm hoặc bắt làm nô lệ tình dục, cưỡng bức mại dâm; tội phân biệt chủng tộc; ép buộc người đi biệt tích; các hành ci vô nhân đạo khác có cùng tính chất cố ý gây đau khổ lớn hoặc gây thương tích nghiêm trọng cho thân thể hoặc tinh thần hoặc sức khỏe thể chất;… Các hành vi này đã tước đi các quyền tự do thân thể của con người và đày đọa  họ trong địa ngục, việc giết người, ép buộc làm nô lệ, hiếp dâm, cưỡng bức mại dâm, bắt làm nô lệ tình dục đang ngày ngày bào mòn các quy định của pháp luật gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh quốc gia và thế giới, tác động trầm trọng đến các thế hệ sau này của xã hội, hành vi trục xuất hoặc di chuyển cưỡng bức dân cư dẫn tới hậu quả người dân bị đuổi ra khỏi khu vực mà họ đang cư trú hợp pháp, từ đó dẫn đến cuộc sống của dân cư không ổn định và không thể phát sinh ra các lợi ích khác cho bản thân hay xã hội; hành vi tra tấn xâm phạm sức khỏe con người gây ra sự đau khổ tột cùng về thể xác hoặc tinh thần cho người đang bị giam giữ hoặc đang chịu sự kiểm soát của người buộc tội. Bên cạnh đó còn có những tổn thương về tâm lý và thể chất, bệnh tật rồi phát triển lệch lạc, và thường là những di chứng vĩnh viễn.

c.Tội phạm chiến tranh

Tội phạm chiến tranh là tổng hợp các dạng hành vi khách quan trong hoàn cảnh và liên quan chặt chẽ tới xung đột vũ trang, bao gồm:

– Hành vi vi phạm nghiêm trọng các Công ước Geneva ngày 12 tháng 8 năm 1949, cụ thể như: giết người, tra tấn hoặc đối xử vô nhân đạo, kể cả thí nghiệm sinh học,…

– Các hành vi vi phạm nghiêm trọng luật pháp và tập quán được áp dụng trong xung đột vũ trang quốc tế như: cố ý tấn công dân thường hoặc những người không tham gja trực tiếp vào các hoạt động chiến sự, cố ý tấn công các mục tiêu dân sự,… hành vi này gây ra hậu quả làm tổn hại sinh mạng của hàng ngàn người vô tội, trong đó có cả phụ nữ, trẻ em, người già.

– Hành vi vi phạm nghiêm trọng Điều 3 chung cho các Công ước Geneva ngày 12 tháng 8 năm 1949 như: hành vi bạo lực đối với tính mạng và thân thể con người, đặc biệt là giết người bằng mọi thủ đoạn, gây thương tích, đối xử tàn ác và tra tấn, xúc phạm nhân phẩm, đặc biệt là sự đối xử mang tính làm nhục và hạ thấp nhân cách;…

– Các hành vi vi phạm nghiêm trọng luật pháp và tập quán được áp dụng trong xung đột vũ trang quốc tế trong khuôn khổ pháp luật quốc tế như: cố ý tấn công dân thường, vật liệu, đơn vị y tế, phương tiện vận tải và nhân viên đang sử dụng các biểu tượng riêng của các Công ước Geneva phù hợp với pháp luật quốc tế;…

Loại hành vi phổ biến của loại tội phạm này hiện nay là tuyển mộ trẻ em dưới 15 tuổi vào lực lượng vũ trang quốc gia và tham gia tích cực vào các trận chiến đấu. Điều này đã gây không ít hậu quả nghiêm trọng cho sự phát triển của các thế hệ sau này, mặt khác đây cũng là hành vi vô nhân đạo vì khi dùng trẻ em vào mục đích quân sự là vi phạm nghiêm trọng Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em, tác động hủy hoại cuộc sống bình thường của trẻ.

d.Tội xâm lược

Tội xâm lược là hành vi sử dụng lực lượng vũ trang của một quốc gia chống lại một quốc gia khác. Biểu hiện của nó là xâm chiếm hoặc tấn công bằng lực lượng vũ trang từ lãnh thổ của một quốc gia đến một quốc gia khác; đánh bom bằng sức mạnh vũ trang hoặc bất kỳ loại vũ khí nào khác do một quốc gia tiến hành xâm phạm lãnh thổ cảu một quốc gia khác; phong tỏa các cảng biển, bờ biển của quốc gia khác…Quy chế Rome quy định cả hành vi cảu quốc gia sử dụng các lực lượng quân đội không chính quy hoặc lính đánh thuê chống lại quốc gia khác cũng là hành vi xâm lược. Đây là loại tội ác có tính nguy hiểm cao cho cộng đồng quốc tế do nó phá hoại sự hòa bình ổn định của thế giới, gây ảnh hưởng nặng nề tới các nước tham chiến và gây hậu quả trì trệ đối với sự phát triển thế giới nói chung và các quốc gia nói riêng. Đối với tội xâm lược thì các hành vi mới chỉ là tạo điều kiện cho hành vi xâm lược như lập kế hoạch, chuẩn bị cũng bị coi là phạm tội xâm lược.



TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191