Thi hành án dân sự là một hoạt động quan trọng nhằm đưa bản án, quyết định của Tòa án, quyết định của Trọng tài thương mại, quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh ra thi hành trên thực tế, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức và công dân; góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự án toàn xã hội. vì vậy, để hiểu thêm về các quy định của Luật thi hành án dân sự, em xin chọn đề bài số 1: “Phân tích, đánh giá quy định pháp luật thi hành án dân sự hiện hành về thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự và đề xuất kiến nghị hoàn thiện pháp luật về vấn đề này” làm bài thi kết thúc học phần.
1. Khái niệm thi hành án dân sự
Thi hành án là việc tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa án sau khi các cá nhân hay tổ chức có phát sinh tranh chấp, yêu cầu Tòa án giải quyết và Tòa án đã ra bản án, quyết định về vấn đề đó. Phán quyết, quyết định của Tòa án cũng chỉ là kết quả về mặt pháp lý do vậy, việc thi hành án nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của các bên trên thực tế.[1]
Thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự là thời hạn do pháp luật quy định cho người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự, thừa phát lại tổ chức thi hành án dân sự[2]
2. Quy định pháp luật về thời hiệu yêu cầu th hành án dân sự
Hiện nay, thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự được quy định tại điều 30 luật thi hành án dân sự và điều 4 nghị định của Chính phủ số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định của Chính phủ số 33/2020/NĐ-CP ngày 17/3/2020.
- Người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu trong thời hạn 5 năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Trường hợp bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật nhưng vẫn được thi hành ngay thì thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự vẫn được tính từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Trong trường hợp thời hạn thực hiện nghĩa vụ được ấn định trong bản án, quyết định của Tòa án thì thời hạn 05 năm tính từ ngày nghĩa vụ đến hạn. Đối với bản án, quyết định thi hành theo định kì thì thời hạn 5 năm được áp dụng cho từng định kì, tính từ ngày nghĩa vụ đến hạn.
- Đối với các trường hợp hoãn, tạm đình chỉ thi hành thì thời gian hoãn, tạm đình chỉ không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án, trừ trường hợp người được thi hành án đồng ý cho người phải thi hành án hoãn, tạm đình chỉ thi hành án
- Đối với phần bản án, quyết định về hình phạt tiền, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí, lệ phí tòa án; trả lại tiền, tài sản cho đương sự; tịch thu sung quỹ Nhà nước, tịch thu tiêu hủy vật chứng, tài sản, các khoản thu khác cho Nhà nước; thu hồi quyền sử dụng đất và tài sản khác thuộc diện xung quỹ Nhà nước quy định tại Khoản 2 điều 36 Luật thi hành án dân sự thủ trưởng cơ quant hi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành thì không áp dụng thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.[3]
- Trường hợp người yêu cầu thu hành án gặp trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng dẫn đến không thể yêu cầu thi hành án đúng thời hạn thì thời gian có trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án. Việc xác định đâu là trường hợp trở ngại khách quan, sự kiện bất khả kháng được quy định tại điểm a khoản 2 điều 1 nghị định 33/2020/NĐ-CP và điều 31 Luật thi hành án dấn sự
3. ĐÁNH GIÁ CÁC QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ THỜI HIỆU YÊU CẦU THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
Luật thi hành án dân sự quy định thời hạn yêu cầu THADS là 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan THADS có thẩm quyền ra quyết định THADS. Với quy định trên, có thể hiểu thời điểm bắt đầu thực hiện quyền yêu cầu THADS của đương sự được bắt đầu từ khi bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, cũng có thể hiểu khi bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật thì đương sự không có quyền yêu cầu cơ quan THADS tổ chức thi hành bản án, quyết định trên thực tế. Việc quy định quyền yêu cầu thi hành án chỉ đặt ra khi bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật chưa được đầy đủ, không thống nhất với quy định tương ứng của Luật THADS về đối tượng được thi hành án tại Điều 2 Luật THADS.[4]
Đối với các trường hợp hoãn thi hành án hoặc tạm đình chỉ thi hành án thì thời gian hoãn, tạm đình chỉ không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án. Vấn đề đặt ra là nhận thức và áp dụng quy định này như thế nào? Xử lý yêu cầu thi hành án trong trường hợp có quyết định hoãn hoặc tạm đình chỉ thi hành án ra sao? Hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể về nội dung này dẫn đến việc hiểu và áp dụng chưa thống nhất.
Thủ tục xác minh trở ngại khách quan, sự kiện bất khả kháng trên thực tế chưa được thực hiện có hiệu quả, gặp nhiều khó khăn làm ảnh hưởng đến việc xác định thời hiệu yêu cầu thi hành án của người có quyền yêu cầu thi hành án.
4. ĐỀ XUẤT KIẾN NGHỊ HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ THỜI HIỆU YÊU CẦU THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
Thứ nhất, quy định về thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự là 5 năm đối với đương sự là cần thiết, tuy nhiên, thời hiệu này chỉ nên áp dụng đối với người được thi hành án, còn đối với nguời phải thi hành án thì không nên quy định thời hiệu. Như vậy, người phải thi hành án cũng như gia đình của họ không bị giới hạn thời gian khi muốn thực hiện trách nhiệm của mình, khi có điều kiện thi hành án bằng hình thức tích cực lao động sản xuất, kinh doanh để tiết kiệm một khoản tiền thi hành án. Việc không quy định thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự đối với người phải thi hành án sẽ tạo điều kiện cho họ có thêm cơ hội để thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm[5]
Thứ hai, với các trường hợp hoãn, tạm đình chỉ việc thi hành án thì pháp luật nên quy định rõ cách tính thời hiệu với các trường hợp hoãn, tạm đình chỉ thi hành án tai các mốc thời điểm khác nhau. Ví dụ như khi hoãn, tạm đình chỉ thi hành án thì cơ quan có thẩm quyền đã ra quyết định thi hành án hay chưa, hoặc trường hợp hoãn, tạm đình chỉ thi hành án mà trước đó đương sự đã yêu cầu thi hành án hay chưa…
Thứ ba, nên quy định rõ rang hơn các quy định của pháp luật về việc xác định, chứng minh trường hợp nào là trường hợp bất khả kháng, sự trở ngại khách quan từ đó giúp cho việc áp dụng tại các cơ quan đưoạc thống nhất, đồng bộ; đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự trong việc xác định thời hiệu yêu cầu thi hành án nói riêng và quyền lợi trong cả quá trình thi hành án nói chung.
Thi hành án dân sự có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, duy trì ổn định trật tự kỉ cương xã hội. Với tầm quan trọng và vai trò to lớn như vậy nên hoạt động thi hành án nói chung, thi hành án dân sự nói riêng đang ngày được quan tâm và hoàn thiện hơn để nhằm nâng cao hiệu quả thi hành án hơn.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Giáo trình luật thi hành án dân sự Việt Nam, trường đại học Luật Hà Nội, chủ biên Nguyễn Công Bình, Bùi Thị Huyền…etc, NXB công an nhân dân 2018
- Luật thi hành án dân sự 2008 sửa đổi bổ sung một số điều năm 2014
- Nghị định 62/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự
- Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 62/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự
Các tài liệu khác
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.