Phân tích Thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự Việt Nam

Thủ tục rút gọn trong Bộ luật tố tụng hình sự là một “thủ tục đặc biệt” của tố tụng hình sự, là sự thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng về cải cách tư pháp; đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn giải quyết vụ án một cách nhanh chóng đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng ở nước ta hiện nay. Để hiểu rõ hơn về thủ tục này em xin chọn đề bài số 2 “Thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự Việt Nam” làm bài thi kết thúc học phần.

I. Khái quát chung về thủ tục rút gọn trong tố tụng Hình sự

1. Khái niệm

Thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự là thủ tục tố tụng hình sự được rút ngắn về thời gian tố tụng, giảm lược một số thủ tục nhất định nhưng vẫn bảo đảm các nguyên tắc chung của tố tụng hình sự, nhằm giúp cho việc điều tra, truy tố, xét xử được nhanh chóng đối với những vụ án nhất định.[1]

2. Mục đích áp dụng thủ tục rút gọn

Nhằm giải quyết kịp thời một số vụ án hình sự ít nghiêm trọng, chứng cứ đơn giản, rõ ràng từ đó hạn chế được tình trạng tồn đọng án ở tòa án địa phương

Hạn chế tình trạng quá tải cho nhà tạm giữ, trại tạm giam, giúp cơ quan tiến hành tố tụng có thêm thời gian tập trung giải quyết vụ án phức tạp

Tiết kiệm thời gian, chi phí cho điều tra, truy tố, xét xử trong một só trường hợp phạm tội nhất định

II. Quy định của pháp luật Việt Nam về thủ tục rút gọn trong tố tụng Hình sự

1. Phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn

Điều 318 BLTTHS năm 2003 quy định thủ tục rút gọn không áp dụng trong tất cả các giai đoạn tố tụng mà chỉ được áp dụng trong ba giai đoạn: Điều tra, truy tố và xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự. BLTTHS năm 2015 đã mở rộng phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn đối với cả giai đoạn xét xử phúc thẩm (Điều 455). Bởi theo bộ luật trước đây, dù cấp sơ thẩm áp dụng thủ tục rút gọn, sau khi xét xử sơ thẩm có kháng cáo hoặc kháng nghị theo trình tự phúc thẩm thì vẫn phải áp dụng theo thủ tục chung. Như vậy, thời hạn điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm theo thủ tục rút gọn là 30 ngày trong khi thời hạn xét xử phúc thẩm là 60 ngày. Đây là điều không hợp lý của BLTTHS năm 2003, làm mất đi ý nghĩa của thủ tục rút gọn. Quy định mới tại Điều 455 BLTTHS năm 2015 sẽ giúp cho thủ tục rút gọn được áp dụng rộng rãi hơn trong thực tiễn xét xử.[2]

2. Điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn

Theo quy định tại điều 456 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định về điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn, trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm khi có đủ các điều kiện sau thì được áp dụng thủ tục rút gọn: “Người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang hoặc người đó tự thú; Sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng; Tội phạm đã thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng; Người phạm tội có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng”. Bộ luật tố tụng hình sự 2015 đã quy định mở rộng hơn điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn, bổ sung thêm trường hợp người phạm tội tự thú về hành vi phạm tội của mình và phải đáp ứng 3 điều kiện còn lại là sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng; tội phạm đã thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng; người phạm tội có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng. Đồng thời điều luật này cũng đã sửa đổi cụm từ “có căn cước, lai lịch rõ ràng” bằng cụm từ “có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng” nhằm thống nhất cách hiểu và áp dụng.[3]

Trong giai đoạn xét xử phúc thẩm, thủ tục rút gọn được áp dụng khi có một trong các điều kiện sau: “Vụ án đã được áp dụng thủ tục rút gọn trong xét xử sơ thẩm và chỉ có kháng cáo, kháng nghị giảm nhẹ hình phạt hoặc cho bị cáo được hưởng án treo hoặc vụ án chưa được áp dụng thủ tục rút gọn trong xét xử sơ thẩm nhưng có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này và chỉ có kháng cáo, kháng nghị giảm nhẹ hình phạt hoặc cho bị cáo được hưởng án treo”[4].

3. Thẩm quyền quyết định áp dụng, huỷ bỏ thủ tục rút gọn

Theo quy định tại điều 320 Bộ luật tố tụng hình sự 2003, Viện kiểm sát là chủ thể duy nhất có thẩm quyền áp dụng và hủy bỏ thủ tục này trong ba giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử. Quy định như vậy dẫn đến không chủ động và không đề cao trách nhiệm của Cơ quan điều tra, Tòa án trong việc giải quyết vụ án hình sự theo thủ tục rút gọn. Nhằm khắc phục những hạn chế trên, BLTTHS năm 2015 đã quy định theo hướng mở rộng thẩm quyền áp dụng, hủy bỏ thủ tục rút gọn cho cả 3 chủ thể là Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án. Đối với quyết định áp dụng thủ tục rút gọn của Cơ quan điều tra, Tòa án được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định để kiểm sát việc áp dụng thủ tục rút gọn. Trong trường hợp xét thấy quyết định áp dụng thủ tục rút gọn của Cơ quan điều tra không đúng pháp luật, thì trong thời hạn 24 giờ Viện kiểm sát phải ra quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn và gửi cho Cơ quan điều tra biết. Còn đối với quyết định áp dụng thủ tục rút gọn của Tòa án trong trường hợp không đúng pháp luật thì Viện kiểm sát có quyền kiến nghị với Chánh án Tòa án đã ra quyết định; Chánh án Tòa án phải xem xét, trả lời trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được kiến nghị của Viện kiểm sát[5].

Trong quá trình áp dụng thủ tục rút gọn, nếu một trong các điều kiện quy định tại điểm b,c,d khoản 1 điều 456 Bộ luật này không còn hoặc vụ án thuộc trường hợp tạm đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ vụ án hoặc trả hồ sơ để điều tra bổ sung theo quy định của Bộ luật này thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn và giải quyết vụ án theo thủ tục chung quy định tại Bộ luật này.[6]

4. Thời hạn điều tra, truy tố, xét xử theo thủ tục rút gọn

Thời hạn điều tra (khoản 1 điều 460 BLTTHS 2015): Thời hạn điều tra theo thủ tục rút gọn theo quy định BLTTHS năm 2003 là 12 ngày; thời hạn này theo luật mới được tăng lên thành 20 ngày. Thời hạn được tính kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra.

Thời hạn truy tố (khoản 1 điều 461 BLTTHS 2015): Theo quy định của BLTTHS năm 2003 thì sau khi nhận được quyết định đề nghị truy tố và hồ sơ vụ án của Cơ quan Điều tra thì Viện kiểm sát tiến hành xem xét lại toàn bộ hồ sơ vụ án và trong thời hạn không quá bốn ngày kể từ khi nhận được hồ sơ, Viện kiểm sát phải ra một trong các quyết định sau: truy tố bị can trước Toà án bằng quyết định truy tố, trả hồ sơ để điều tra bổ sung, tạm đình chỉ vụ án, quyết định đình chỉ vụ án. Quy định BLTTHS hiện hành là 05 ngày.

Thời hạn xét xử sơ thẩm (điều 462 BTTHS 2015): Là 14 (mười bốn) ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án theo bộ luật cũ và 17 ngày theo quy định của BLTTHS năm 2015. Trong thời hạn này, Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà có nhiệm vụ nghiên cứu hồ sơ; giải quyết các khiếu nại và yêu cầu của những người tham gia tố tụng; tiến hành những việc khác cần thiết cho việc mở phiên toà, “trong thời hạn bảy ngày kể từ ngày ra quyết định, Toà án phải mở phiên toà xét xử vụ án”.

Thời hạn xét xử phúc thẩm (khoản 2,3 điều 464 BLTTHS 2015): BLTTHS năm 2015 quy định thời hạn là 22 ngày

5. Thủ tục điều tra, truy tố, xét xử Sơ thẩm theo thủ tục rút gọn

Điều 460, 461, 462 BLTTHS năm 2015 quy định về điều tra, quyết định truy tố, chuẩn bị xét xử sơ thẩm theo thủ tục rút gọn về cơ bản không có gì thay đổi nhiều so với BLTTHS năm 2003, ngoại trừ quy định bổ sung làm rõ hơn hình thức, nội dung của Quyết định đề nghị truy tố, Quyết định truy tố; bổ sung thêm trong giai đoạn truy tố Viện kiểm sát có thẩm quyền không truy tố bị can và ra quyết định đình chỉ vụ án; quy định rõ hơn về thời hạn phải gửi các quyết định đề nghị truy tố, quyết định truy tố, quyết định đưa vụ án ra xét xử của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án.

-Thủ tục tố tụng trong giai đoạn điều tra: Khi kết thúc điều tra, Cơ quan điều tra không phải làm bản kết luận điều tra mà ra quyết định đề nghị truy tố và gửi hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát.

-Thủ tục tố tụng trong giai đoạn truy tố: Khi nhận được hồ sơ vụ án Viện kiểm sát phải ra một trong những quyết định sau đây: Quyết định truy tố bị can ra trước Tòa án; Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung; Quyết định tạm đình chỉ vụ án; Quyết định đình chỉ vụ án. Như vậy, các căn cứ để Viện kiểm sát ra một trong những quyết định trên vẫn phải tuân thủ theo các quy định chung của BLTTHS, thủ tục ra các quyết định này chỉ khác thủ tục chung ở quyết định truy tố thay cho bản cáo trạng trong trường hợp Viện kiểm sát quyết định truy tố bị can ra trước Toà án, còn hình thức của các quyết định khác không thay đổi, và khi ra các quyết định không phải là quyết định truy tố bị can ra trước Toà án, Viện kiểm sát còn phải ra quyết định huỷ bỏ áp dụng thủ tục rút gọn.

-Thủ tục tố tụng trong giai đoạn xét xử sơ thẩm: Kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà phải ra một trong các quyết định sau đây: Đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục rút gọn; Trả hồ sơ để điều tra bổ sung; Tạm đình chỉ vụ án; Đình chỉ vụ án. Như vậy các thủ tục tố tụng trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm theo thủ tục rút gọn về cơ bản giống như thủ tục tố tụng chung. Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, một vướng mắc được thực tiễn nêu ra là Tòa án giao quyết định đưa vụ án ra xét xử lúc nào?

Điều 324 BLTTHS năm 2003, Điều 462 BLTTHS năm 2015 không quy định thời hạn mà Tòa án phải giao quyết định đưa vụ án ra xét xử cho bị cáo trước khi mở phiên tòa như thủ tục thông thường mà chỉ yêu cầu phải mở phiên tòa trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày ra quyết định đưa vụ án ra xét xử. Như vậy có thể hiểu, Tòa án giao quyết định đưa vụ án ra xét xử bất cứ lúc nào, thậm chí chỉ một ngày trước phiên tòa xét xử mà vẫn không bị xem là vi phạm. Điều này có thể ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của bị cáo trong việc nhờ người bào chữa, sắp xếp công việc để ra Tòa đúng thời gian (nếu bị cáo tại ngoại), không kịp xin thay đổi người tiến hành tố tụng…

Phiên toà xét xử sơ thẩm vụ án hình sự theo BLTTHS năm 2003 áp dụng thủ tục rút gọn vẫn phải tuân thủ mọi quy định chung như đối với các vụ án khác: xét xử trực tiếp, bằng lời nói và liên tục, thành phần Hội đồng xét xử gồm có một Thẩm phán và hai Hội thẩm, sự có mặt của bị cáo, Kiểm sát viên, người bào chữa (nếu có), người làm chứng, và một số vấn đề khác và vẫn phải tiến hành theo trình tự: thủ tục bắt đầu phiên toà, thủ tục xét hỏi tại phiên toà, tranh luận tại toà, nghị án và tuyên án. Các trình tự, thủ tục khác tại phiên tòa sơ thẩm theo BLTTHS năm 2015 được thực hiện theo thủ tục chung, nhưng có điểm đáng chú ý là không có thủ tục nghị án, vì phiên tòa xét xử sơ thẩm do 01 Thẩm phán tiến hành.

6. Thủ tục xét xử Phúc thẩm theo thủ tục rút gọn

Về chuẩn bị xét xử phúc thẩm: Tại khoản 2 Điều 464 BLTTHS năm 2015 quy định, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán được phân công xét xử ban hành một trong các quyết định: Đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm; đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án. Trường hợp Thẩm phán ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm, thì trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày ra quyết định, Tòa án phải mở phiên tòa xét xử vụ án.

Về phiên tòa xét xử phúc thẩm cũng như phiên tòa xét xử sơ thẩm là không có thủ tục nghị án, vì phiên tòa xét xử phúc thẩm cũng chỉ do 01 Thẩm phán tiến hành Giám đốc thẩm, tái thẩm đối với vụ án đã xét xử sơ thẩm theo thủ tục rút gọn được tiến hành theo thủ tục chung.[7]

III. Thực tiễn áp dụng thủ tục rút gọn trong Tố tụng Hình sự Việt Nam

1. Thực tiễn áp dụng thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự trên thực tế

Thứ nhất, hiện còn tâm lý “ngại” áp dụng thủ tục rút gọn vì thời gian ít, muốn giải quyết vụ án theo thủ tục chung để có thời gian dài hơn. Trong khi áp lực công việc thì ngày càng nhiều, số lượng Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán hiện nay thì mỏng, mà có hàng loạt việc phải làm, phải thực hiện. Hơn nữa, giải quyết các vụ này lại đan xen trong các vụ án khác, cần phải sắp xếp sao cho hợp lý, để giải quyết cho phù hợp. Hoặc như vụ án đó đủ điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn, nhưng lại xảy ra vào các dịp như nghỉ Tết, nghỉ lễ dài ngày, có khi mất tới 9 ngày. Trong khi tổng thời gian điều tra, truy tố, xét xử tối đa theo thủ tục rút gọn chỉ có 42 ngày (điều tra 20 ngày – truy tố 5 ngày – xét xử 17 ngày).

Thứ hai, mặc dù thời hạn điều tra và thời hạn tạm giam đã được tăng thêm 8 ngày, lên đến 20 ngày. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc điều tra thu thập chứng cứ ở một số vụ án gặp khó khăn, mất nhiều thời gian để thu thập tài liệu cần thiết như: Để có kết quả định giá tài sản thì nhanh nhất cũng một tuần, có khi kéo dài cả tháng, hoặc như việc xác minh tiền án, tiền sự của bị can, nếu là người trong địa bàn thì còn nhanh, nhưng nếu là người địa phương khác thì mất cả tháng hoặc hơn, nếu vụ án có nhiều bị can thì thời gian giải quyết còn bị tăng lên hơn nữa.

Một nguyên nhân khác cũng được nhìn nhận là, các cơ quan tố tụng “sợ” bỏ lọt tội phạm hoặc làm oan người vô tội. Vì việc điều tra, truy tố, xét xử án theo thủ tục rút gọn thời gian ngắn hơn thì dễ xảy ra sai sót hơn.[8]

Thứ ba, nhiều cán bộ của CQĐT – VKS – TA vẫn chưa nắm bắt, chưa nhận thức được những thay đổi, bổ sung của BLTTHS năm 2015 về thủ tục rút gọn nên vẫn cho rằng việc áp dụng thủ tục rút gọn phải từ giai đoạn điều tra, bắt đầu từ CQĐT, còn việc truy tố, xét xử là sự áp dụng tiếp theo. Chính vì vậy, đối với một số vụ án gặp khó khăn, trở ngại nhất định thì khi các khó khăn, trở ngại đó đã được giải quyết xong, có thể áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết nhưng VKS hoặc TA không ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn.

2. Giải pháp khắc phục các hạn chế trong quá trình áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án Hình sự

Bổ sung thêm điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn với người đầu thú: Sửa điểm a khoản 1 Điều 456 thành “Người phạm tội bị bắt quả tang hoặc người đó đầu thú, tự thú”. Bổ sung đối tượng là người đầu thú vào luật, để áp dụng thủ tục rút gọn cho những trường hợp, người phạm tội đầu thú và đáp ứng đủ các điều kiện còn lại của Điều 456. Thực tế cho thấy, có khá nhiều trường hợp đối tượng phạm tội ra đầu thú và đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của Điều 456, nhưng lại không giải quyết vụ án theo hướng rút gọn được vì không đủ điều kiện của điểm a khoản 1 Điều 456.

Quy định rõ hơn về điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn: Đề nghị sửa khoản 1 Điều 456 BLTTHS năm 2015 rõ hơn, dễ hiểu, dễ áp dụng hơn theo hướng: Thủ tục rút gọn được áp dụng trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử (cho cả 3 giai đoạn), hoặc áp dụng ở giai đoạn truy tố, xét xử sơ thẩm khi có đủ các điều kiện của Điều 456.

Cần đẩy mạnh hơn nữa việc quán triệt, nâng cao nhận thức của Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự; cần có sự hướng dẫn, chỉ đạo của từng ngành về các hoạt động cụ thể trong điều tra, truy tố, xét xử theo thủ tục rút gọn, nhằm làm thay đổi cả về nhận thức và trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng trong quá trình thực hiện. Từ đó xác định rõ trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng là phải áp dụng thủ tục rút gọn khi có đủ điều kiện, không được né tránh, tùy nghi khi áp dụng.

Thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự có một ý nghĩa quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, tuy nhiên trên thực tế tỉ lệ các vụ án được giải quyết theo thủ tục này còn tương đối thấp. Vì vậy, cần phải hoàn thiện pháp luật về thủ tục này từ đó tạo điều kiện để các cơ quan chức năng dễ dàng áp dụng thủ thục này vào giải quyết các vụ việc trên thực tế.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam 2015
  2. Bình luận khoa học Bộ luật tố tụng hình sự 2015, Phạm Thanh Bình..etc, NXB Công an nhân dân, 2018.
  3. Các tài liệu khác

TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191