Ban hành Quy chế mẫu: Kiện toàn cơ cấu tổ chức của Trung tâm trợ giúp pháp lý

Ban hành Quy chế mẫu: Kiện toàn cơ cấu tổ chức của Trung tâm trợ giúp pháp lý

29/03/2008

Thay thế Quy chế mẫu được ban hành kèm theo Quyết định số 224/1999/QĐ-BTP ngày 5/8/1999, mới đây, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 02/2008/QĐ-BTP ban hành Quy chế mẫu về tổ chức và hoạt động của Trung tâm trợ giúp pháp lý (TGPL) nhà nước (gọi tắt là Trung tâm). Với 5 chương, 29 Điều, có thể nói, đây là văn bản đầu tiên xác định rõ ràng và cụ thể cơ cấu tổ chức của Trung tâm nhằm bảo đảm hơn nữa cho hiệu quả hoạt động của Trung tâm.
Về tổ chức của Trung tâm, theo khoản 3 Điều 9 Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12/1/2007 của Chính phủquy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật TGPL (gọi tắt là Nghị định số 07), Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định số lượng và tên gọi các bộ phận chuyên môn nghiệp vụ của Trung tâm. Nhưng, do từ trước chưa có văn bản pháp luật nào quy định về các bộ phận chuyên môn nghiệp vụ của Trung tâm và thực tiễn tổ chức Trung tâm ở các địa phương cho thấy, nếu để UBND cấp tỉnh quyết định duyệt đề án kiện toàn tổ chức thì tên gọi và số lượng các bộ phận chuyên môn nghiệp vụ sẽ rất khác nhau (nơi là Phòng, nơi là Ban, nơi là bộ phận…). Vì vậy, sự hướng dẫn thống nhất vấn đề này trong Quy chế mẫu sẽ giúp cho việc kiện toàn tổ chức bộ máy của Trung tâm TGPL ở các địa phương đồng bộ, dễ dàng hơn cho công tác quản lý và không ảnh hưởng đến triển khai chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm. Theo Quy chế mẫu, Trung tâm bao gồm Giám đốc, Phó Giám đốc, các Phòng chuyên môn và Chi nhánh trực thuộc. Căn cứ vào tính chất công việc, Trung tâm có Phòng Hành chính – Tổng hợp và các Phòng chuyên môn nghiệp vụ. Các Phòng chuyên môn nghiệp vụ được thành lập dựa trên cơ sở lĩnh vực pháp luật được TGPL quy định tại Điều 34 Nghị định số 07 và số lượng các Phòng do UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ quyết định. Còn Chi nhánh của Trung tâm được thành lập dựa trên dự báo nhu cầu, tỷ lệ người được TGPL và điều kiện thực tế về công tác pháp luật và hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương.

Quy chế mẫu quy định, biên chế của Trung tâm và Chi nhánh được phân bổ trong tổng định mức biên chế sự nghiệp của địa phương do UBND cấp tỉnh quyết định. Hàng năm, tuỳ thuộc chức năng, nhiệm vụ được giao, nhu cầu công việc và yêu cầu của công tác TGPL, Giám đốc Trung tâm xây dựng kế hoạch biên chế của Trung tâm và các Chi nhánh đề nghị Giám đốc Sở Tư pháp tổng hợp, phối hợp với Giám đốc Sở Nội vụ trình HĐND và UBND cấp tỉnh quyết định. Riêng vấn đề cán bộ của Trung tâm và Chi nhánh, có ý kiến từng cho rằng, theo Luật TGPL và Nghị định số 07, Trung tâm chỉ có Giám đốc, Phó Giám đốc và Trợ giúp viên pháp lý (TGVPL) chứ không nên có bất kỳ chức danh chuyên môn nghiệp vụ khác. Tuy nhiên, theo Quy chế mẫu, ngoài định mức biên chế chuyên môn, nghiệp vụ, căn cứ quy định của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp, Trung tâm ký hợp đồng lao động để thực hiện một số loại việc song phải báo cáo và chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở Tư pháp.

Về nguồn kinh phí hoạt động, trước đây, một số ý kiến cho rằng, các văn bản hiện hành về tài chính đã quy định chung về nguồn đối với các đơn vị sự nghiệp công nên không cần phải nêu cụ thể mà chỉ dẫn chiếu các qui định hiện hành về nguồn kinh phí. Vì vậy, sau khi nghiên cứu thực trạng kinh phí của các Trung tâm trong toàn quốc cũng như căn cứ Luật TGPL và Nghị định số 07, theo Điều 6 Quy chế mẫu, Trung tâm quản lý, sử dụng kinh phí theo quy định của pháp luật về tài chính, kế toán. Nhưng, với đặc thù của Trung tâm là đơn vị sự nghiệp công không có thu do Nhà nước cấp toàn bộ kinh phí, Quy chế mẫu còn nhấn mạnh, Trung tâm được hỗ trợ từ Quỹ TGPL Việt Nam, nguồn tài trợ của các cá nhân, tổ chức trong nước và ngoài nước và các nguồn thu hợp pháp khác. Trong đó, kinh phí hỗ trợ từ Quỹ TGPL Việt Nam được thực hiện theo quy chế tổ chức và hoạt động của Quỹ và hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Kinh phí từ nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân thực hiện theo quy định của pháp luật về viện trợ, tài trợ. Đặc biệt, Quy chế mẫu cũng quy định, kinh phí từ ngân sách nhà nước cấp cho Trung tâm được Giám đốc Trung tâm sử dụng để thực hiện việc bồi thường trong trường hợp phải bồi thường thiệt hại cho người được TGPL do lỗi của người thực hiện TGPL gây ra khi thực hiện TGPL.

Hoàng Thư

Quy chế mẫu còn tập trung vào các vấn đề liên quan đến vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Trung tâm; đến chế độ làm việc, quan hệ công tác với các cơ quan, tổ chức như Cục TGPL, Sở Tư pháp, CLB TGPL… và trong nội bộ Trung tâm (gồm quan hệ giữa Trung tâm với Chi nhánh, giữa viên chức với Giám đốc Trung tâm); đến phạm vi thẩm quyền, trách nhiệm của từng chức trách trong Trung tâm (nhằm bảo đảm tính độc lập tương đối giữa hoạt động quản lý với hoạt động mang tính chuyên môn, nghiệp vụ); vấn đề khen thưởng, xử lý vi phạm và điều khoản thi hành.

 


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191