Hiệp định chuyển giao người bị kết án phạt tù giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên hợp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len
07/04/2009
Hiệp định gồm 16 Điều với các nội dung cơ bản sau:
Nguyên tắc chung: Theo Hiệp định này các Bên sẽ dành cho nhau sự hợp tác toàn diện nhất trong lĩnh vực chuyển giao người bị kết án.
Cơ quan trung ương: Cơ quan trung ương của Việt Nam là Bộ Công an, các cơ quan trung ương của Vương quốc Anh là: (1) đối với Anh và xứ Wales là Ban quản lý tù nhân Hoàng gia, (2) đối với Scoland là Ban quản lý tù nhân Scoland, và (3) đối với Bắc Ai-len là Ban quản lý tù nhân Bắc Ai-len.
Điều kiện chuyển giao: Hành vi của người bị kết án cũng cấu thành tội phạm theo pháp luật của Bên nhận[1]; Người bị kết án là công dân của Bên nhận; Bên chuyển giao[2] và Bên nhận chuyển giao đều đồng ý với việc chuyển giao; Việc chuyển giao phải có sự đồng ý của người bị kết án hoặc người đại diện hợp pháp của họ; thời hạn chấp hành hình phạt tù còn lại phải còn ít nhất là một năm tính từ thời điểm nhận được yêu cầu chuyển giao, trường hợp đặc biệt có thể ít hơn một năm; phán quyết của toà án là phán quyết cuối cùng và không còn thủ tục nào khác đang chờ tại Bên chuyển giao; việc chuyển giao không được xâm hại tới an ninh quốc gia, trật tự xã hội hoặc các lợi ích đặc biệt của các Bên.
Thủ tục chuyển giao: Các Bên sẽ thông báo cho người bị kết án biết về quyền được chuyển giao theo quy định của Hiệp định. Nếu người bị kết án đề đạt nguyện vọng được chuyển giao và Bên chuyển giao đồng ý thì Bên chuyển giao sẽ thông báo cho Bên nhận bằng văn bản và gửi các tài liệu, hồ sơ có liên quan. Nếu người bị kết án đề đạt nguyện vọng được chuyển giao với Bên nhận, Bên nhận sẽ thông báo cho Bên chuyển giao, khi Bên chuyển giao đồng ý với yêu cầu chuyển giao thì phải thông báo ngay bằng văn bản và cung cấp các tài liệu, hồ sơ có liên quan. Sau khi các bên đồng ý với việc chuyển giao thì sẽ chuẩn bị cho việc chuyển giao người bị kết án. Cơ quan có thẩm quyền của Bên chuyển giao sẽ bàn giao người bị kết án cho cơ quan có thẩm quyền của Bên nhận vào thời gian và địa điểm trên lãnh thổ của Bên chuyển giao theo sự thoả thuận của các Bên.
Tiếp tục thi hành hình phạt: Bên nhận sẽ tiếp tục thi hành hình phạt mà Bên chuyển giao đã tuyên đối với người bị kết án tương tự như hình phạt đó được tuyên tại Bên nhận. Việc tiếp tục thi hành hình phạt sau khi được chuyển giao được điều chỉnh bởi pháp luật và thủ tục của Bên nhận. Nếu bản chất hoặc thời hạn của hình phạt không tương thích với pháp luật của Bên nhận thì Bên đó có thể căn cứ vào các tình tiết của vụ án chuyển đổi hình phạt đó cho phù hợp với hình phạt quy định đối với tội phạm tương tự theo pháp luật nước mình nhưng không được nặng hơn hình phạt đã tuyên tại nước chuyển giao và không được chuyển đổi hình phạt tước tự do thành hình phạt tiền. Bên nhận sẽ điều chỉnh hoặc chấm dứt việc thi hành hình phạt ngay sau khi nhận được thông báo về quyết định hoặc biện pháp nào của Bên chuyển giao dẫn đến việc huỷ bỏ hoặc giảm hình phạt đối với người đó. Ngoài ra, Bên nhận phải cung cấp cho Bên chuyển giao các thông tin liên quan đến việc tiếp tục thi hành hình phạt như: khi hình phạt kết thúc; nếu người bị kết án trốn khỏi nơi giam giữ trước khi hình phạt kết thúc; nếu người bị kết án không thể chấp hành xong hình phạt vì bất cứ lí do gì; hoặc khi Bên chuyển giao yêu cầu một bản báo cáo đặc biệt.
Thời hiệu áp dụng: Hiệp định được áp dụng để chuyển giao đối với người bị kết án trước hoặc sau khi Hiệp định có hiệu lực.
Tác động của Hiệp định đối với Việt Nam
Vương quốc Anh là uỷ viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, là đối tác chiến lược và rất quan trọng của Việt Nam, luôn tích cực giúp đỡ, ủng hộ chúng ta trong nhiều lĩnh vực. Vì vậy, Hiệp định được phê chuẩn đánh dấu bước phát triển quan trọng, tạo cơ sở pháp lý trong quan hệ về tư pháp nói chung và phòng, chống tội phạm giữa Việt Nam và Vương quốc Anh nói riêng; đồng thời thúc đẩy việc hợp tác giữa Việt Nam và Vương quốc Anh trong lĩnh vực thi hành án dân sự. Hiệp định được xây dựng vì mục đích nhân đạo, vì vậy việc phê chuẩn Hiệp định sẽ nâng cao uy tín của Nhà nước ta trên cộng đồng quốc tế.
Hiệu lực của Hiệp định và việc áp dụng
Hiệp định quy định cụ thể về nguyên tắc, trình tự, thủ tục chuyển giao người bị kết án, do đó, Hiệp định áp dụng trực tiếp toàn bộ, không cần phải ban hành văn bản quy phạm pháp luật riêng để thực thi Hiệp định này. Trong quá trình áp dụng Hiệp định, nguyên tắc tôn trọng và phù hợp với pháp luật trong nước của Việt Nam và Vương quốc Anh được ghi nhận, do đó, khi áp dụng Hiệp định cần chú ý áp dụng cả các quy định của Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 của Việt Nam về chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Hiệp định có hiệu lực vào ngày thứ ba mươi kể từ ngày trao đổi văn kiện phê chuẩn và có hiệu lực trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam và lãnh thổ Vương quốc Anh và Bắc Ai-len gồm các vùng lãnh thổ mà Anh có chủ quyền (Anguillla, Bermuda, British, Antactic, British Indian Ocean, đảo British Virgin, đảo Cayman, đảo Falkland, Gibraltar, Montserrat, đảo Pitcaim, Saint Helena và các đảo lệ thuộc, đảo Nam Georgia và Nam Sandwich, đảo Turks và Caicos).
Theo thủ tục quy định tại Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, ngày 30/3/2009 Chính phủ đã có Tờ trình số 34/TTr-CP trình Chủ tịch nước xem xét, phê chuẩn Hiệp định.
Dương Thị Bích Đào – Vụ Pháp luật quốc tế
[1] “ Bên nhận”: là Nước mà người bị kết án có thể hoặc đã được chuyển giao đến;
[2] “Bên chuyển giao”: là Nước từ đó người bị kết án có thể hoặc đã được chuyển giao;
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.