Một số tồn tại, vướng mắc về vấn đề nuôi con nuôi theo Nghị định số 68/2002/NĐ-CP ngày 10/7/2002 của Chính phủ

Một số tồn tại, vướng mắc về vấn đề nuôi con nuôi theo Nghị định số 68/2002/NĐ-CP ngày 10/7/2002 của Chính phủ

16/06/2008

Thực hiện các văn bản của Chính phủ và Bộ Tư pháp về vấn đề nuôi con nuôi. Trong những năm vừa qua các Sở Tư pháp đã tích cực tham mưu UBND các tỉnh, thành phố ban hành các văn bản về công tác nuôi con nuôi và quan tâm triển khai đưa công tác này vào thực tế cuộc sống. Do vậy việc quản lý và giải quyết vấn đề nuôi con nuôi trong nước, nuôi con nuôi quốc tế thời gian quan đã được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, đáp ứng tốt nhu cầu về nuôi con nuôi của người dân trên địa bàn cả nước.
 Tuy nhiên, qua hơn 5 năm thực hiện các văn bản của Chính phủ về vấn đề nuôi con nuôi nói chung và nuôi quốc tế nói riêng. Đặc biệt là từ khi ban hành Nghị định 68/2002/NĐ-CP ngày 10/7/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật hôn nhân và Gia đình về quan hệ hôn nhân gia đình có yếu tố nước ngoài (sau đây gọi tắt là NĐ 68), chúng tôi nhận thấy có một số khó khăn, vướng mắc sau đây:

          – Về cơ sở nuôi dưỡng: Theo quy định của NĐ 68 thì Cơ sở nuôi dưỡng để giải quyết cho trẻ em làm con nuôi của người nước ngoài phải là cơ sở nuôi dưỡng được thành lập hợp pháp. Tuy nhiên, một số địa phương như tỉnh Kon Tum thì hiện có nhiều cơ sở nuôi dưỡng; trong đó các cơ sở nuôi dưỡng của các tổ chức tôn giáo, các cơ sở này đã được hình thành từ trước giải phóng. Nhà nước ta không thành lập các cơ sở nay, nhưng các cơ sở này vẫn tồn tại và hoạt động, trong đó hoạt động nuôi dạy trẻ. Người nước ngoài đến Kon Tum chủ yếu xin trẻ em từ cơ sở này làm con nuôi. Theo thủ tục của Nghị định số 184, việc giải quyết các trường hợp này là bình thường. Nay, theo quy định mới, hồ sơ của trẻ em do cơ sở nuôi dưỡng thành lập theo hướng dẫn của Sở Tư pháp. Tuy nhiên, vì là tổ chức tự quản, nên tư cách của cơ sở, tổ chức, hoạt động của cơ sở không rõ ràng, việc giao dịch với Sở Tư pháp trong việc lập hồ sơ là không đảm bảo theo yêu cầu chung.

– Về trình tự chuẩn bị hồ sơ của trẻ em được xin đích danh:  Theo quy định sau khi nhận được yêu cầu của cơ quan con nuôi quốc tế Việt Nam, Sở Tư pháp có trách nhiệm hướng dẫn cơ sở nuôi dưỡng trẻ em (nếu trẻ em được xin đích danh từ cơ sở nuôi dưỡng) hoặc cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em (nếu trẻ em được xin đích danh từ gia đình) lập hồ sơ của trẻ em. Tuy nhiên, khi hướng dẫn lập hồ sơ còn gặp vướng mắc, cụ thể là khoản 3, Điều 44 của NĐ 68 quy định: “Sau khi đã được thông báo và nhận thức một cách rõ ràng về hệ quả pháp lý của việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài, những người sau đây có quyền ký giấy đồng ý cho trẻ em làm con nuôi”. Vấn đề hệ quả pháp lý của việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài hiện trong NĐ 68 chưa có quy định cụ thể. Tuy nhiên, khi thực hiện thì có thể hiểu rằng hệ quả pháp lý của việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoàilà hệ quả pháp lý của hình thức nuôi con nuôi “Trọn vẹn” hay hình thức “Đơn giản(theo mẫu số TP/HTNNg-2003-CN.2 và mẫu TP/HTNNg-2003-CN.2.a ban hành kèm theo Quyết định số 15/2003/QĐ-BTP ngày 12 tháng 02 năm 2003 của Bộ Tư pháp). Nhưng để thiết lập hồ sơ, khi hướng dẫn, Sở Tư pháp chưa có đủ cơ sở pháp lý để giải thích rằng thế nào là hình thức cho con nuôi “Trọn vẹn” hay hình thức “Đơn giản”. Vấn đề này cần có quy định hướng dẫn rõ ràng và cụ thể, để có cơ sở thống nhất thực hiện.

– Việc giao nhận con nuôi: Khoản 2 Điều 49 của Nghị định số 68 quy định: “Việc giao nhận con nuôi được tổ chức tại trụ sở Sở Tư pháp, với sự có mặt của đại diện Sở Tư pháp; trẻ em được nhận làm con nuôi; bên nhận là cha, mẹ nuôi; bên giao là đại diện cơ sở nuôi dưỡng, nếu trẻ em được xin nhận làm con nuôi từ cơ sở nuôi dưỡng hoặc cha, mẹ đẻ, người giám hộ của trẻ em, nếu trẻ em được xin nhận làm con nuôi từ gia đình”. Như vậy, việc giao nhận con nuôi được tổ chức tại Sở Tư pháp với sự tham gia của “04 bên”, trong đó biên giao, nếu trẻ em được xin nhận làm con nuôi từ cơ sở nuôi dưỡng thì có đại diện cơ sở nuôi dưỡng, nếu trẻ em được xin nhận làm con nuôi từ gia đình thì cha, mẹ đẻ, người giám hộ của trẻ phải có mặt tại buổi giao nhận. Tuy nhiên, những trường hợp trẻ em sống ở cơ sở nuôi dưỡng, nhưng còn cha, mẹ thì tại buổi giao nhận con nuôi, ngoài sự có mặt của người đại diện cơ sở nuôi dưỡng, việc có hay không có sự có mặt của cha, mẹ đẻ của trẻ lại chưa được quy định rõ ràng, cụ thể. Theo chúng tôi, vì điều kiện nào đó, cha, mẹ mới phải đồng ý cho con mình làm con nuôi người nước ngoài, trong trường hợp này tại buổi giao nhận con nuôi rất cần thiết sự có mặt cha, mẹ của trẻ, làm cơ sở để Sở Tư pháp kiểm tra lại tính xác thực của việc thoả thuận của cha, mẹ trẻ cho con làm con nuôi người nước ngoài. Vì NĐ 68 quy định trường hợp này khi đồng ý cho trẻ làm con nuôi mặc dù người đứng đầu cơ sở nuôi dưỡng có quyền đồng ý, nhưng vẫn còn phải có sự đồng ý bằng văn bản của cha, mẹ đẻ của trẻ em đó.

– Vấn đề công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài xin nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi:  Điều 79 áp dụng Nghị định trong một số trường hợp đặc biệt, khoản 1 quy định: “Các quy định của Nghị định này cũng được áp dụng để giải quyết việc đăng ký kết hôn, nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam với nhau mà một biên hoặc cả hai bên định cư ở nước ngoài. Trong trường hợp công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi thì không bị giới hạn về đối tượng trẻ em được nhận làm con nuôi theo quy định tại khoản 2 Điều 36 của Nghị định này”. Về nguyên tắc giải quyết việc cho nhận con nuôi, theo NĐ 68 thì chúng ta chỉ giải quyết cho nhận trẻ em có quốc tịch Việt Nam làm con nuôi, nếu Việt Nam và nước nơi người xin nhận con nuôi thường trú đã ký kết hoặc cùng gia nhập điều ước quốc tế về hợp tác nuôi con nuôi. Trừ trường hợp đặc biệt ngoại lệ áp dụng cho người nước ngoài. Như vậy, trường hợp công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài, nước mà chưa ký kết Hiệp định về nuôi con nuôi với Việt Nam xin nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi, thì có phải tuân thủ nguyên tắc trên hay không? Nếu không phải áp dụng, thì trình tự giải quyết được thực hiện như thế nào?

– Trẻ em được cho nhận làm con nuôi. Theo quy định, trẻ em Việt Nam được nhận làm con nuôi phải là trẻ em từ mười lăm tuổi trở xuống. Trẻ em trên mười lăm tuổi (từ 16 tuổi trở xuống – theo Luật chăm sóc và bảo vệ trẻ em) có thể được nhận làm con nuôi nếu là trẻ em tàn tật hoặc mất năng lực hành vi dân sự. Trong khi Luật Hôn nhân và gia đình quy định người trên mười lăm tuổi có thể được nhận làm con nuôi nếu là thương binh, người tàn tật, người mất năng lực hành vi dân sự hoặc làm con nuôi của người già yếu cô đơn. Như vậy, theo tinh thần của Luật người được nhận làm con nuôi trong trường hợp này lại giới hạn về độ tuổi (trẻ em trên 15 tuổi, tức là người lớn hơn 15 tuổi nhưng nhỏ hơn 16 tuổi) thì được giải quyết. Vấn đề này có ảnh hưởng đến việc giải quyết một số trường hợp như cô, chú, bác… định cư ở nước ngoài xin nhận cháu của mình còn ở trong nước có hoàn cảnh như đã nêu làm con nuôi mà các địa phương đã gặp.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quảNĐ 68 trong thời gian tới đề nghị Bộ Tư pháp có văn bản hướng dẫn việc giải quyết cho người Việt Nam định cư ở các nước chưa ký với Việt Nam Hiệp định về nuôi con nuôi, tạo cơ sở pháp lý cho việc giải quyết khi có yêu cầu. Đồng thời, Bộ Tư pháp cần có hướng dẫn đối với các vấn đề mà các địa phương còn vướng mắc như đã đề cập ở trên./.

Phạm Văn Chung


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191