Nhiều trẻ em bị đưa vào trường giáo dưỡng …. oan

Nhiều trẻ em bị đưa vào trường giáo dưỡng …. oan

06/03/2008

Nhiều địa phương vì muốn "trong sạch địa bàn" nên đã "thẳng tay" đưa trẻ em vi phạm hành chính vào các cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng. Nhiều cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng vì sợ không đủ chỉ tiêu sẽ không được giao tiền nên phối hợp với chính quyền địa phương "vơ vét" cho đủ số trẻ em vi phạm. Nói về thực trạng này, ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khẳng định: "Đó là tội ác".

Sự vô tình của người lớn làm hỏng tương lai con trẻ

Theo quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính hiện hành, đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng bao gồm người từ đủ 12 tuổi đến 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng quy định tại Bộ luật Hình sự mà trước đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, thống kê tại Trường Giáo dưỡng số 1 Hà Nội cho thấy, hơn 50% các em bị đưa vào đây chưa được áp dụng các biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn trước khi bị áp dụng biện pháp này.

Cũng theo quy định của pháp luật hiện hành, người thuộc đối tượng đưa vào  cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng cũng là người thuộc đối tượng đưa vào cơ sở chữa bệnh. Điều này thực sự gây bức xúc cho các địa phương trong quá trình thực hiện. Thành phố Hồ Chí Minh đã nhiều lần đề nghị xem xét lại quy định này do về chức năng, các cơ sở chữa bệnh chủ yếu được thành lập để giáo dục những đối tượng là nạn nhân của tệ nạn xã hội, không có đủ điều kiện, phương tiện, nhân lực để cải tạo những đối tượng lưu manh, côn đồ chuyên nghiệp. Những đối tượng thuộc diện này khi được đưa vào cơ sở chữa bệnh thường có hành vi gây rối theo kiểu "đại bàng", "đầu gấu" tại cơ sở chữa bệnh, gây mất an ninh trật tự tại cơ sở chữa bệnh, ảnh hưởng đến việc chữa trị, cai nghiện cho những đối tượng chỉ nghiện ma tuý đơn thuần. Ngược lại, do số lượng đáng kể người chưa thành niên tại các trường giáo dưỡng nghiện ma tuý hoặc có tiền sử nghiện ma tuý nên trường giáo dưỡng không đơn thuần là cơ sở giáo dục cải tạo người chưa thành niên vi phạm pháp luật mà còn kiêm cả chức năng chữa bệnh, cai nghiện, dẫn đến nhiều bất cập trong quản lý, giáo dục của trường. Thành ra, ở các trường giáo dưỡng hiện nay có tình trạng:  người bệnh ở chung với người bình thường, việc dạy văn hoá, dạy nghề gặp khó khăn do thiếu giáo viên đủ trình độ, không được cấp bằng, việc dạy nghề chủ yếu là nghề đơn giản do thiếu cơ sở vật chất và không có cơ sở để thực tập.

 Một môi trường phức tạp như vậy, nếu trẻ em vi phạm pháp luật chưa đến mức nghiêm trọng hoặc mới vi phạm lần đầu nhưng bị người lớn, ở đây là chính quyền địa phương vô tình hoặc cố ý đẩy vào thì tương lai của các em sẽ ra sao? Ông Đào Trọng Thi cho rằng: "Cần phải làm rõ các quy định  đưa trẻ em vi phạm pháp luật vào trường giáo dưỡng vì nếu cố đưa vào đây những em chưa cần thiết phải đưa thì đó là tội ác, là người lớn làm hỏng tương lai của các em".

Luật sư và trợ giúp viên pháp lý là một giải pháp

Để hạn chế tình trạng oan, sai khi đưa trẻ em vào các cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, Bộ Tư pháp – Cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính sửa đổi cho rằng, cần có thêm vai trò của luật sư và trợ giúp viên pháp lý trong Hội đồng tư vấn về việc đưa vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng và cơ sở chữa bệnh đối với trẻ em vi phạm pháp luật. Có thể nói đây là một đề xuất nhằm nâng cao tính dân chủ, tạo điều kiện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những người bị xem xét, áp dụng các biện pháp này. Theo đó, "Cha mẹ hoặc người giám hộ có quyền mời luật sư hoặc trợ giúp viên pháp lý bảo vệ quyền lợi cho người bị xem xét áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng. Luật sư hoặc trợ giúp viên pháp lý của người bị xem xét áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng có quyền tham dự cuộc họp của Hội đồng tư vấn" và "ý kiến của luật sư hoặc trợ giúp viên pháp lý của người bị xem xét áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng phải được ghi  vào biên bản cuộc họp kèm theo báo cáo trình Chủ tịch UBND cấp huyện". Tương tự như vậy, cha mẹ hoặc người giám hộ có quyền mời luật sư hoặc trợ giúp viên pháp lý bảo vệ quyền lợi của các em khi các em bị xem xét áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục hoặc cơ sở chữa bệnh.

Tại thời điểm này, dự án Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính sửa đổi đang được Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét. Nhiều ý kiến tán thành với đề xuất này. Tuy nhiên, trong khi chờ dự án Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính sửa đổi được thông qua, hàng ngày, vẫn có những mảnh đời vô tình bị xé rách, vẫn có những tâm hồn vô tình bị tổn thương. Đã đến lúc, chính quyền các địa phương và các trường giáo dưỡng phải nhìn thẳng vào sự thật này, không vì lợi ích trước mắt mà bỏ qua những số phận con người.  

 Hồng Thuý 

8 năm tăng 9,4 lần số người bị đưa vào trường giáo dưỡng

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, trong những năm qua, cùng với hiện tượng người chưa thành niên làm trái pháp luật tăng lên đáng kể về số lượng thì số người chưa thành niên bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng cũng tăng lên. Nếu lấy số người chưa thành niên bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng năm 1990 là 100% thì tới năm 1996 đã tăng lên 156,8% (từ 338 em lên 1.049 em). Căn cứ vào số liệu thống kê của Cục quản lý trại giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, Bộ Công an thì từ năm 1995 đến tháng 2/1998 chỉ tính riêng 3 trường giáo dưỡng cấp trung ương đóng tại Ninh Bình, Đồng Nai và Đà Nẵng đã tiếp nhận trên 2.242 người chưa thành niên bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng. So sánh từ năm 1995 đến năm 2003 thì số lượng người chưa thành niên bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng tăng 9,4 lần. Tổng số người chưa thành niên bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng từ năm 1995 đến ngày 19/11/2003 là 12.005 em.


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191