Trong thời gian qua, một số phương tiện thông tin đại chúng đề cập khá nhiều đến vụ án ông Huỳnh Văn Nén bị điều tra, truy tố, xét xử và tuyên án về tội giết người, cướp tài sản. Vụ án cũng sẽ không có gì đáng bàn, nếu như việc xem xét lại trách nhiệm hình sự đối với những người đã trực tiếp tiến hành tố tụng gây ra oan, sai cho ông Nén không có các quan điểm khác nhau, đặc biệt là cách hiểu về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những người này còn hay là đã hết. Xuất phát từ vấn đề có tính thời sự này, chúng tôi xin giới thiệu một số quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS) Trung Quốc năm 2011 cũng như quan điểm lý luận về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự của các nhà luật học nước này, đồng thời có một số liên hệ với BLHS nước ta để bạn đọc cùng tham khảo.
1. Một số luận điểm về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự trong Luật hình sựTrung Quốc
Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là một trong những chế định quan trọng được quy định trong BLHS nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa hiện hành (sau đây gọi tắt là BLHS Trung Quốc) cũng như ở nước ta. Theo các nhà luật học Trung Quốc, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là chỉ việc căn cứ theo quy định của pháp luật hình sự, việc truy cứu trách nhiệm hình sự của người phạm tội là có thời hạn. Nếu hành vi của người phạm tội đã vượt quá thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự quy định trong luật hình sự thì không truy cứu lại trách nhiệm hình sự; nếu đã truy cứu trách nhiệm hình sự thì xem xét hủy bỏ vụ án(1). Từ khái niệm này, một số luận điểm được đặt ra để lý giải rõ hơn là về tiêu chuẩn xác định thời hạn của thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự và về cách tính thời hạn của thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể như sau:
1.1. Tiêu chuẩn xác định thời hạn của thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự
Theo các nhà luật học Trung Quốc, thời hạn của thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là nói đến tiêu chuẩn cơ bản được căn cứ theo quy định của pháp luật để tiến hành xác định thời hạn có hiệu lực truy cứu trách nhiệm hình sự. Thời hạn dài hay ngắn, còn thời hiệu để truy cứu trách nhiệm hình sự hay không, phụ thuộc trực tiếp vào mỗi loại tội phạm cụ thể, mà trong đó hành vi phạm tội có tính xâm hại đến xã hội lớn hay nhỏ. Tính xâm hại xã hội lớn thì thời hạn có hiệu lực truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ dài, ngược lại tính xâm hại xã hội nhỏ thì thời hạn có hiệu lực truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ ngắn hơn. Bất luận như thế nào, thì đối với tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng nếu quy định thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự quá ngắn, hay là đối với tội phạm ít nghiêm trọng nếu quy định thời hạn truy cứu quá dài thì cũng đều không có lợi cho hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm, không có lợi cho việc ổn định xã hội(2).
Do đó, quan điểm của các học giả này là, trong pháp luật hình sự, biểu hiện trực tiếp của tội phạm ít nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng sẽ đối ứng với tính nặng nhẹ theo quy định của pháp luật. Vì vậy, thời hạn có hiệu lực truy cứu trách nhiệm hình sự dài hay ngắn, theo họ nên dựa vào tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội theo quy định của pháp luật để xác định tiêu chuẩn. Cụ thể, Điều 87 BLHS Trung Quốc quy định phân biệt 4 loại thời hạn của thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự dài hay ngắn tương ứng với mức độ đặc biệt nghiêm trọng hay ít nghiêm trọng của các loại tội phạm được quy định trong BLHS như sau: (1) Tội phạm mà hình phạt quy định cao nhất chưa đến 5 năm tù giam, thời hạn của thời hiệu truy cứu là 5 năm; (2) tội phạm mà hình phạt quy định cao nhất từ 5 năm tù giam đến dưới 10 năm tù giam, thời hạn của thời hiệu truy cứu là 10 năm; (3) tội phạm mà hình phạt quy định cao nhất là 10 năm tù giam trở lên, thời hạn của thời hiệu truy cứu là 15 năm; (4) tội phạm mà hình phạt quy định cao nhất là tù chung thân, tử hình thì thời hạn của thời hiệu truy cứu là 20 năm, nếu sau 20 năm nhận thấy cần thiết phải truy cứu trách nhiệm hình sự, thì đề nghị Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao xem xét phê chuẩn(3).
Về mức xác định tiêu chuẩn cụ thể, theo hướng dẫn ngày 21/8/1985 của Tòa án nhân dân (TAND) tối cao Trung Quốc trả lời các TAND một số vấn đề về áp dụng pháp luật cụ thể xét xử các vụ án nghiêm trọng, theo đó Luật hình sự phân biệt 4 loại thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự không giống nhau, mức thời hạn dài ngắn tùy thuộc vào hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng hay ít nghiêm trọng được quy định tương ứng trong các điều khoản của BLHS. Do đó, dựa vào mức hình phạt phạt cao nhất theo quy định của điều luật để tính thời hạn truy tố, nếu hình phạt của hành vi phạm tội được quy định phân biệt thành những điều hoặc khoản khác nhau, thì cần phải áp dụng điều hoặc khoản có quy định mức hình phạt cao nhất để tính thời hạn của thời hiệu; nếu trong cùng một điều luật quy định nhiều khung hình phạt thì phải áp dụng khung hình phạt có mức hình phạt cao nhất để tính thời hạn của thời hiệu(4).
1.2. Tính thời hạn của thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự
Theo các học giả Trung Quốc, tính thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự là chỉ việc căn cứ vào tiêu chuẩn quy định của pháp luật để tiến hành tính thời hạncủa thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội. Việc tính thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự liên quan trực tiếp đến thời gian dài hay ngắn của thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự(5).
Điều 88 BLHS Trung Quốc quy định: Viện kiểm sát nhân dân, Cơ quan Công an, cơ quan An toàn quốc gia sau khi lập hồ sơ án điều tra hoặc TAND sau khi thụ lý vụ án mà người phạm tội trốn tránh điều tra hoặc trốn tránh xét xử thì không hạn chế thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự, người bị hại có đơn yêu cầu khởi tố vụ án, TAND, VKSND, cơ quan Công an lẽ ra cần phải lập hồ sơ án mà lại không lập hồ sơ án thì không hạn chế thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều 89 BLHS quy định: Thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự tính từ ngày phạm tội; đối với hành vi phạm tội có trạng thái liên tục hoặc kéo dài, thì thời hiệu tính từ ngày kết thúc hành vi phạm tội. Trong thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự lại phạm tội thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự lần phạm tội trước được tính tính từ ngày phạm tội lần sau(6).
Từ các quy định trên của BLHS Trung Quốc, có thể thấy việc tính thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự xảy ra các trường hợp sau:
Thứ nhất, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự tính từ ngày phạm tội: Theo các nhà luật học Trung Quốc thì đây là trường hợp tính thời hiệu theo cách thông thường, việc tính thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày phạm tội, ngày phạm tội là ngày tội phạm được thiết lập (tức là đủ các yêu tố cấu thành tội phạm), bất kể loại tội phạm nào cũng đều có đặc trưng về thời gian phạm tội, mỗi vụ án có thời gian thực hiện hành vi phạm tội dài hoặc ngắn khác nhau, do pháp luật quy định trạng thái đối với mỗi loại cấu thành tội phạm không giống nhau, do vậy việc nhận định về tiêu chuẩn thiết lập tội phạm cũng không khác nhau. Các nhà luật học có quan điểm cho rằng, trường hợp thông thường này nên có các cách tính như sau: (1) Hành vi phạm tội được thiết lập thành tội phạm là ngày thực hiện hành vi phạm tội, đối với thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự nên tính từ ngày thực hiện hành vi phạm tội; (2) ngày thiết lập tội phạm là ngày phát sinh hậu quả của tội phạm, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hậu quả của tội phạm tính từ ngày hậu quả của tội phạm phát sinh; (3) cũng như vậy, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt, tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội nên tính từ ngày thiết lập tội phạm chuẩn bị phạm tội, tội phạm chưa đạt, tội phạm tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội; (4) thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với trường hợp đồng phạm nên tính từ ngày thực hiện hành vi đồng phạm(7).
Thứ hai, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự tính từ ngày kết thúc hành vi phạm tội: Hành vi phạm tội có trạng thái liên tục hoặc kéo dài thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự tính từ ngày kết thúc hành vi phạm tội.
Thứ ba, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự tính từ ngày phạm tội lần sau: Trong thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự lại phạm tội thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự của tội phạm lần trước được tính từ ngày phạm tội lần sau.
Thứ tư, không hạn chế thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự: Có hai trường hợp sau: (1) Trường hợp khi VKSND, cơ quan Công an, Cơ quan an toàn quốc gia sau khi lập án điều tra hoặc TAND sau khi thụ lý vụ án mà người phạm tội trốn tránh điều tra hoặc xét xử thì không hạn chế thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự; (2) Trường hợp mà trong thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự, người bị hại có đơn yêu cầu khởi tố vụ án, TAND, VKSND, cơ quan Công an cần phải lập hồ sơ án để điều tra mà lại không lập hồ sơ án thì không hạn chế thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo các nhà luật học Trung Quốc, thì các trường hợp này về mặt lý luận gọi là thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự kéo dài, lý do được gọi là thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự kéo dài, vì do nội dung sự việc phát sinh theo quy định của pháp luật khiến cho thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự kéo dài vô thời hạn. Luật hình sự xây dựng quy định này, một mặt nhằm đấu tranh phòng, chống tội phạm một cách triệt để đối với những người phạm tội trốn tránh điều tra, xét xử; mặt khác nhằm bảo vệ người bị hại, đặc biệt là nhằm an ủi đối với người bị hại về tinh thần(8).
2. Liên hệ với Bộ luật Hình sự nước ta về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự và thực tiễn áp dụng
Bộ luật Hình sự năm 2015 được Quốc hội khóa XIII kỳ hợp thứ mười thông qua ngày 27/11/2015, so sánh Điều 27 quy định về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự với Điều 23 BLHS năm 1999 thì các nhà làm luật nước ta không sửa đổi nhiều về mặt nội dung ngoài việc bỏ một số từ “các” và các cụm từ như: “thì thời gian đã qua không được tính và”, “thì thời gian trốn tránh không được tính và” để điều luật được ngắn gọn và chặt chẽ hơn.
Điều 27 BLHS năm 2015 quy định: Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự (khoản 1); Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau: (a) 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng; (b) 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng; (c) 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng; (d) 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng (khoản 2); Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội lại thực hiện hành vi phạm tội mới mà Bộ luật này quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên một năm tù, thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới. Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ (khoản 3).
Điều 28 BLHS năm 2015 quy định về việc không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, các nhà làm luật đã bổ sung một số điểm mới so với BLHS năm 1999, đó là ngoài quy định về việc không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Chương XIII; các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh quy định tại Chương XXVI. Theo quy định của Điều 27 BLHS năm 2015, thì các nhà làm luật đã bổ sung thêm việc không áp dụng thời hiệu quy định tại Điều 27 của BLHS năm 2015 đối với các tội tham ô tài sản thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 353 (khoản 3 quy định hình phạt tù từ 15 năm đến 20 năm; khoản 4 quy định hình phạt từ 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình; tội nhận hối lộ thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 354 (khoản 3 quy định hình phạt tù từ 15 năm đến 20 năm; khoản 4 quy định hình phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân). Việc bổ sung quy định mới này, thể hiện rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước ta trong việc đấu tranh đến cùng đối với các loại tội phạm về tham nhũng, cũng như phòng, chống có hiệu quả hơn đối với những loại tội phạm này trong giai đoạn hiện nay.
So với các quy định của BLHS Trung Quốc về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì BLHS năm 2015 của nước ta ngoài những điểm tương đồng nhất định như: Khái niệm, thời hạn của thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự tương ứng với các loại tội phạm từ ít nghiêm trọng đến đặc biệt nghiêm trọng và cách tính thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự… Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tương đồng đã nêu, chúng tôi thấy có một số quy định của BLHS Trung Quốc và một số luận điểm của các nhà luật học nước này có những điểm chú ý có thể tham khảo như sau:
Thứ nhất, quy định về không hạn chế thời hiệu: Bộ luật Hình sự Trung Quốc quy định có tính mở rộng hơn so với BLHS nước ta, đó là các trường hợp: Một là, khi Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan Công an, Cơ quan an toàn quốc gia sau khi lập hồ sơ án điều tra hoặc TAND sau khi thụ lý vụ án mà trốn tránh điều tra hoặc xét xử thì không hạn chế thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự; Hai là, trong thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự, người bị hại có đơn yêu cầu khởi tố vụ án, TAND, VKSND, cơ quan Công an lẽ ra cần phải lập hồ sơ án điều tra mà lại không lập hồ sơ án thì không hạn chế thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thứ hai, quy định mở rộng thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân tối cao: Đối với trường hợp tội phạm mà hình phạt quy định cao nhất là tù chung thân, tử hình thì thời hạn của thời hiệu truy cứu là 20 năm, nếu sau 20 năm các cơ quan tố tụng nhận thấy cần thiết phải truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội, thì đề nghị VKSND tối cao xem xét phê chuẩn.
Thứ ba, về mặt lý luận: Cách tính thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với trường hợp thông thường, các nhà luật học Trung Quốc cũng như các nhà luật học nước ta đa số đều cho rằng việc tính thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự phải được tính từ ngày hành vi phạm tội được thực hiện(9). Tuy nhiên, cách lý giải của các nhà luật học Trung Quốc có điểm có thể tham khảo đó là, ngày phạm tội là ngày hành vi phạm tội được thiết lập, bất kể loại tội phạm nào cũng đều có đặc trưng về thời gian phạm tội, mỗi vụ án có một quá trình thực hiện hành vi phạm tội với thời gian dài hoặc ngắn khác nhau, vậy nên pháp luật quy định trạng thái đối với mỗi loại cấu thành tội phạm không giống nhau, do đó nhận định về tiêu chuẩn thiết lập tội phạm cũng không giống nhau. Theo các nhà luật học nước này, nếu tội phạm được thiết lập là ngày thực hiện hành vi phạm tội, thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự nên tính từ ngày thực hiện hành vi phạm tội; nếu ngày thiết lập tội phạm là ngày phát sinh hậu quả của tội phạm, thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hậu quả của tội phạm nên tính từ ngày hậu quả của tội phạm phát sinh.
Chúng tôi cho rằng, trường hợp ngày thiết lập tội phạm là ngày phát sinh hậu quả của tội phạm, thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội phạm tính từ ngày hậu quả của tội phạm phát sinh là một trong những trường hợp đặc biệt. Bởi lẽ, ngoài những trường hợp phạm tội thông thường ra, còn có một số loại tội phạm mà ngày thực hiện hành vi phạm tội nhưng chưa xác định được khi nào thì hậu quả của hành vi phạm tội sẽ phát sinh, mức độ thiệt hại nghiêm trọng như thế nào. Và có trường hợp để xác định có hậu quả phát sinh từ hành vi phạm tội hay không, cần phải có kết luận của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới có thể xác định được, chẳng hạn như: Kết luận đình chỉ điều tra bị can, kết luận người bị hại bị thiệt hại về thể chất hoặc tinh thần và việc bồi thường do người có hành vi vi phạm pháp luật gây ra… Do đó, việc tính thời hiệu trong trường hợp này sẽ là cần thiết, phù hợp với thực tiễn đấu tranh chống tội phạm.
Trong thực tế, đã xảy ra một số vụ án để chứng minh người đã bị điều tra, truy tố và xét xử trong những vụ án này là vô tội, ngoài sự vào cuộc của không chỉ của các cơ quan bảo vệ pháp luật, còn có những người thân trong gia đình của người được cho là bị kết án không đúng người…; thời gian tự xác minh của họ là cả một quá trình rất dài. Ví dụ như, vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn khoảng 10 năm, ông Huỳnh Văn Nén khoảng 17 năm…; đặt giả thiết có trường hợp thời gian để làm rõ người bị kết án là vô tội kéo dài hơn nữa thì xử lý như thế nào? Rõ ràng, pháp luật hình sự phải có những giải pháp nhằm xử lý triệt để những trường hợp này, nếu muốn đấu tranh có hiệu quả đối với tội phạm, đem lại sự công bằng trong áp dụng pháp luật, đồng thời để an ủi người bị hại (như quan điểm của các nhà luật học đã nêu trên). Trong những vụ án này, thực tế khi ông Chấn, ông Nén đang phải chấp hành án phạt tù thì ở bên ngoài các cơ quan bảo vệ pháp luật, người thân của người được cho là bị kết án không đúng người vẫn kiên trì tiến hành các hoạt động (tự xác minh, tự điều tra…) để chứng minh người thân của họ là vô tội.
Do đó, sẽ không phù hợp nếu viện dẫn lý do không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự theo quan điểm cho rằng: “Thực tế vẫn có một số trường hợp vì lý do này hay lý do khác mà Cơ quan điều tra, truy tố, xét xử đã bỏ quên một số hành vi phạm tội mà không truy cứu trách nhiệm hình sự. Đối với những trường hợp này, nếu trong một thời gian nhất định người phạm tội đã tự hối cải, làm ăn lương thiện, không phạm tội mới, không trốn tránh sự trừng trị của pháp luật thì việc truy cứu trách nhiệm hình sự là không cần thiết”(10). Chúng tôi cho rằng, việc viện dẫn lý do này chỉ phù hợp với một số trường hợp nhất định, mà ở đó không phải chờ đến kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi vi phạm pháp luật có phạm tội hay không, hậu quả đã xảy ra chưa, mức độ thiệt hại như thế nào.
Cụ thể hơn, trong vụ án “người tù thế kỷ” ông Huỳnh Văn Nén, sau khi được đại diện các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Bình Thuận trao quyết định đình chỉ điều tra bị can vì hành vi không cấu thành tội phạm giết người, cướp tài sản và tiến hành tổ chức xin lỗi công khai ngày 28/11/2015, đã có nhiều ý kiến đề nghị xem xét trách nhiệm hình sự của những người đã tiến hành tố tụng liên quan trực tiếp trong vụ án này. Tuy nhiên, về mặt pháp luật lại xuất hiện một số vướng mắc xung quanh vấn đề thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Có quan điểm cho rằng, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những cán bộ làm oan cho ông Nén trong vụ án sát hại bà Lê Thị Bông đã hết và không thể tiến hành truy cứu trách nhiệm hình sự những người như cựu Điều tra viên Cao Văn Hùng(11). Cũng theo quan điểm này phân tích, quy định của BLHS từ tội thiếu trách nhiệm… đến các tội xâm phạm hoạt động tư pháp có khung hình phạt cao nhất chỉ đến 15 năm tù (tội rất nghiêm trọng), mà theo quy định tại Điều 23 BLHS năm 1999, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự của tội rất nghiêm trọng là 15 năm kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội. Nếu lấy ngày Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận kết tội chung thân ông Huỳnh Văn Nén trong vụ án giết bà Bông (tháng 8/2000) thì đến nay đã quá 15 năm, nghĩa là không còn thời hiệu truy cứu hình sự những cán bộ Điều tra như ông Cao Văn Hùng nguyên Điều tra viên Công an tỉnh Bình Thuận(12).
Vụ án nêu trên, thực tế đến nay mới chỉ có quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Huỳnh Văn Nén của Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Thuận là căn cứ xác định ông Nén được đình chỉ điều tra vì không phạm tội giết người, cướp tài sản. Chúng tôi cho rằng, có thể xem quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Nén là căn cứ xác định ông Nén đã bị kết án không đúng người, và quyết định đình chỉ này cũng được xem là căn cứ để xác định rằng hậu quả thiệt hại gây ra cho ông Nén chính thức xảy ra (về mặt hình thức – ông Nén được xác định là người vô tội). Như vậy, xét đến thời điểm này tội phạm đã được thiết lập một cách đầy đủ. Ngoài ra, còn cần phải làm rõ thêm những căn cứ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác kết luận xem có những thiệt hại nào khác xảy ra hay không, chẳng hạn những thiệt hại mang tính định tính và những thiệt hại mang tính định lượng như: Thiệt hại về tinh thần, thiệt hại về vật chất, vấn đề bồi thường do người tiến hành tố tụng gây ra (nếu có)… để xác định thêm về hậu quả thiệt hại phát sinh cuối cùng do những người tiến hành tố tụng trực tiếp trong vụ án này gây ra.
Đặt giả thiết, các cơ quan chức năng có thẩm quyền kết luận rõ được hậu quả phát sinh, xác định được những thiệt hại gây ra đối với ông Nén trong quá trình tố tụng hình sự; đồng thời chứng minh được rằng trong quá trình tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng có hành vi bức cung hoặc dùng nhục hình như lời của ông Nén về “những dấu vết bầm đen ở hai chân…, những dấu vết bức cung, nhục hình trong quá trình điều tra, xét hỏi…”(13), hoặc có những hành vi vi phạm pháp luật khác.v.v. Chúng tôi cho rằng, có thể dựa vào những luận điểm lý giải về cách tính thời hạn của thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự theo hướng tính từ ngày hậu quả của hành vi phạm tội phát sinh để đối chiếu với vụ án của ông Huỳnh Văn Nén, trên cơ sở đó sẽ xác định được thời hiệu để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người tiến hành tố tụng trực tiếp trong vụ án này.
(1) Giáo sư Tạ Vọng Nguyên (chủ biên), Giáo trình Hình pháp học, tái bản lần thứ ba, Nxb. Đại học Bắc Kinh, 2012, Tr.268.
(2) Giáo sư Tạ Vọng Nguyên (chủ biên), Giáo trình Hình pháp học, tái bản lần thứ ba, Nxb. Đại học Bắc Kinh, 2012, Tr.269.
(3) Xem: BLHS Trung Quốc năm 2011
(4) Lý Lập Chung (chủ biên), Hình pháp – Nhất thông bản (Tổng luận Pháp luật hình sự nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa), tái bản lần thứ chín, Nxb. Pháp luật, 2012, Tr.87.
(5) Giáo sư Tạ Vọng Nguyên (chủ biên), Giáo trình Hình pháp học, tái bản lần thứ ba, Nxb. Đại học Bắc Kinh, 2012, Tr.269.
(6) Xem: Bộ luật Hình sự Trung Quốc năm 2011
(7) Giáo sư Tạ Vọng Nguyên (chủ biên), Giáo trình Hình pháp học, tái bản lần thứ ba, Nxb. Đại học Bắc Kinh, 2012, Tr.269.
(8) Giáo sư Tạ Vọng Nguyên (chủ biên), Giáo trình Hình pháp học, tái bản lần thứ ba, Nxb. Đại học Bắc Kinh, 2012, Tr.270.
(9) Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật hình sự Việt Nam, Nxb. Công an nhân dân, 2004, Tr.170.
(10) Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật hình sự Việt Nam, Nxb. Công an nhân dân, 2004, Tr.170, 171.
(11) Thế Kha, “Không thể truy cứu trách nhiệm hình sự Điều tra viên vụ án oan Huỳnh Văn nén”, http://dantri.com.vn/xa-hoi/khong-the-truy-trach-nhiem-hinh-su-dieu-tra-vien-vu-an-oan-huynh-van-nen-20151208150421571.htm
(12) Thế Kha, “Không thể truy cứu trách nhiệm hình sự Điều tra viên vụ án oan Huỳnh Văn nén”, http://dantri.com.vn/xa-hoi/khong-the-truy-trach-nhiem-hinh-su-dieu-tra-vien-vu-an-oan-huynh-van-nen-20151208150421571.htm
(13) Đàm Đệ, Cao Danh, “Người tù oan Huỳnh Văn Nén ám ảnh chuyện hỏi cung”, http://m.vietnamnet.vn/vn/xa-hoi/276477/nguoi-tu-oan-huynh-van-nen-am-anh-chuyen-hoi-cung.html
TS. Bùi Văn Hưng
Viện kiểm sát quân sự Trung ương
(Nguồn: TCKS số 06/2016)
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.