Tội phạm môi trường: Vì sao khó xử lý?
14/07/2008
Theo thống kê của Cục Cảnh sát môi trường, 6 tháng đầu năm 2008 Cục đã phát hiện 13 vụ với 16 đối tượng vi phạm nghiêm trọng pháp luật về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên trong số này chỉ khởi tố được 2 vụ với 2 bị can, còn chuyển xử lý hành chính 6 vụ, 5 đối tượng. Nhìn vào những con số khiêm tốn này có thể nói việc xử lý hình sự chưa tương xứng với các hành vi vi phạm đang diễn ra trên thực tế.
Lý giải vì sao tội phạm môi trường ít bị xử lý, ông Nguyễn Quốc Việt – Vụ trưởng Vụ hành chính hình sự – Bộ Tư pháp cho rằng: nguyên nhân chính là do bất cập trong yếu tố cấu thành. Cụ thể, cả mười tội thuộc chương này đều quy định truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những hành vi đã bị xử lý hành chính mà còn vi phạm hoặc gây hậu quả nghiêm trọng. Quy định này đã hạn chế khả năng truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các loại tội phạm này. Bởi, xác định hậu quả về môi trường là rất khó khăn, hơn nữa nhiều trường hợp hậu quả lại không xảy ra ngay mà phải sau một thời gian dài, có thể vài chục năm sau mới thấy được. Nhưng đợi đến khi đó, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm này đã hết.
Chung nhận định với ông Việt, ông Nguyễn Xuân Lý – Cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường phân tích: có đến 8/10 Điều luật của Chương các tội phạm về môi trường quy định “đã bị xử phạt hành chính” là yếu tố bắt buộc để xử lý hình sự. Trong khi đó, theo quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính thì thời hạn có hiệu lực của quyết định hành chính chỉ trong vòng 1 năm. Sau một năm đó, cá nhân tổ chức vi phạm tiếp tục vi phạm thì cũng không xử lý hình sự được.
Cũng về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Phương Hoa- Vụ phó Vụ pháp chế, Bộ Tài nguyên – môi trường bổ sung : thời gian qua nhiều vụ mua bán, hoặc nhập khẩu rác thải lớn vào Việt Nam gây hậu quả rất lớn cho sức khoẻ, tính mạng con người nhưng chúng ta chủ yếu xử lý hành chính. Vì sao vậy? Một mặt bà Hoa cho rằng các hành vi này phần vì chưa có quy định để xử lý hình sự, mặt khác việc vi phạm chủ yếu do các tổ chức gây ra, nhưng pháp luật lại chưa có chế tài, do vậy cần phải quy định rõ trong trường hợp tổ chức vi phạm thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm, nếu không chúng ta sẽ không xử lý được ai.
Sẽ bổ sung tội phạm mới.
Để góp phần khắc phục những hạn chế nêu trên, giúp việc xử lý tội phạm về môi trường được nghiêm minh, việc sửa đổi bổ sung BLHS lần này tập trung vào việc quy định các tội phạm về môi trường theo hướng cấu thành hình thức. Tức là chỉ cần có hành vi phạm tội xảy ra là đã cấu thành tội phạm mà không cần có yếu tố hậu quả. Theo Dự thảo mới nhất thì có 5 điều luật sẽ được sửa đổi, đó là các tội gây ô nhiễm không khí ; gây ô nhiễm nguồn nước; gây ô nhiễm đất; tội nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị, phế thải hoặc các chất không bảo đảm tiêu chuẩn bảo vệ môi trường; tội vi phạm chế độ bảo vệ đặc biệt đối với khu bảo tồn thiên nhiên (tương ứng với các điều 182,183,184,185 và 191 BLHS hiện hành). Theo đó, để khắc phục khó khăn cho cơ quan chức năng khi xác định “hậu quả nghiêm trọng”, các điều luật này đưa ra định lượng cứ vượt quá tiêu chuẩn cho phép là 10 lần (một số hành vi là 5 lần) thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, đại diện của Bộ Khoa học công nghệ và một số ý kiến khác lại cho rằng: quy định 5 hoặc 10 lần đều là …nhiều quá. Bởi có những hành vi chỉ cần vượt quá tiêu chuẩn 2, 3 lần (ví dụ thải chất phóng xạ gây ô nhiễm nguồn nước gây ung thư cho cả làng) đã quá đủ để phải chịu trách nhiệm hình sự. Do vậy cần cân nhắc khi đưa vào các quy định về số lần vượt quá tiêu chuẩn cho phép này.
Bên cạnh đó, một số hành vi vi phạm về môi trường có khả năng gây hậu quả lớn cho sức khoẻ, tính mạng của con người cũng đã được hình sự hoá bằng việc bổ sung một điều luật mới (tội mua bán, tái chế rác thải y tế nguy hại, chất thải rắn nguy hại – xem box bài). Ngoài ra, để xử lý tội phạm về môi trường, chủ trương sửa đổi BLHS lần này là nâng cao mức phạt tiền (với tư cách là hành phạt chính lẫn hình phạt bổ sung).
Thu Hằng
Tội mua bán, tái chế rác thải y tế nguy hại, chất thải rắn nguy hại: 1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: a, mua, bán hoặc tái chế chất thải y tế nguy hại. b, mua, bán hoặc tái chế chất thải rắn có chứa chất thải nguy hại vượt quá tiêu chuẩn cho phép từ 10 lần trở lên hoặc chất thải có chứa chất phóng xạ gây ô nhiễm môi trường quá mức cho phép từ 5 lần trở lên. 2. Gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm 3. Gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm 4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm các công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm. (Điều luật được bổ sung theo Dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều của BLHS) |
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.