Về thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm trong tố tụng hành chính

Kháng nghị giám đốc thẩm là hành vi tố tụng của chủ thể có thẩm quyền theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự yêu cầu Tòa án xem xét lại những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật khi có căn cứ theo quy định của pháp luật khi phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong giải quyết vụ án. Chủ thể có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm được pháp luật giới hạn trong phạm vi nhất định..



Theo đó Luật Tố tụng hành chính năm 2015 quy định về thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm (Điều 263) như sau:



1. Người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm được quyền kháng nghị trong thời hạn 03 năm kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.



2. Thời hạn kháng nghị phần dân sự trong bản án, quyết định hành chính của Tòa án được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.



Như vậy, so với quy định tại Điều 215 Luật Tố tụng hành chính năm 2010 thì Luật Tố tụng hành chính năm 2015 đã có những sửa đổi, bố sung như sau:



– Bỏ thời hạn quy định về thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm là 2 năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, vì việc quy định về thời hạn như vậy tạo nên sự mâu thuẫn, không thống nhất:Cũng cùng một trường hợp đương sự đã có đơn đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm trong thời hạn là một năm kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, theo quy định tại khoản 1 thì người có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm được quyền kháng nghị trong thời hạn hai năm. Nhưng theo quy định tại khoản 2 của điều luật thì cũng cùng một trường hợp tương tự là đương sự đã có đơn đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm trong thời hạn là một năm kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, người có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm được quyền kháng nghị vô thời hạn. Do vậy, khoản 2 của Điều luật này đã được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.



– Sửa đổi, bổ sung thời hạn kháng nghị phần dân sự trong bản án, quyết định hành chính của Tòa án được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự



– Bỏ khoản 3 của điều này vì việc quy định như trên cũng chưa phù hợp vì nếu tách phần dân sự (phần yêu cầu bồi thường thiệt hại do quyết định hành chính, hành vi hành chính trái pháp luật gây ra) trong vụ án hành chính từ đầu ngay sau khi thụ lý, thì việc giải quyết phần tranh chấp dân sự này được áp dụng theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Còn việc Tòa án các cấp đã xem xét phần dân sự (phần yêu cầu bồi thường thiệt hại do quyết định hành chính, hành vi hành chính trái pháp luật gây ra) trong quá trình giải quyết vụ án hành chính thì thời hạn kháng nghị phần dân sự trong bản án hành chính phải tuân theo quy định của Luật Tố tụng hành chính. Không thể áp dụng quy định thời hạn kháng nghị theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự cho một bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật. Do vậy, khi sửa đổi, bổ sung Luật Tố tụng hành chínhbỏ khoản 3 của điều luật này, vì không phù hợp và không cần thiết./.



Thanh Huyền






TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191