BÚN BÒ HUẾ KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NHÃN HIỆU!

TS. NGUYỄN THỊ HẢI VÂN – Giảng viên Trường Đại học Luật TP HCM

Bất kỳ người thứ ba nào có lợi ích liên quan, chẳng hạn như các cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống có bún bò Huế trên cả nước, đều có quyền nộp đơn yêu cầu Cục Sở hữu Trí tuệ không cấp giấy chứng nhận hoặc ra quyết định hủy bỏ “Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu Bún bò Huế”

Tiếp theo việc UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế ban hành “Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Bún bò Huế” theo Quyết định số 1623/QĐ-UBND ngày 13-7- 2016, dư luận cho rằng việc dùng Bún bò Huế như nhãn hiệu chứng nhận có thể sẽ hạn chế quyền của những cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống có bán bún bò Huế. Cũng có ý kiến cho rằng việc đăng ký bảo hộ và sử dụng thuật ngữ “Bún bò Huế” như nhãn hiệu là không phù hợp quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ. Căn cứ pháp lý nào cho phép đưa ra kết luận này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu.

Nhãn hiệu hàng hóa một loại tài sản đặc biệt: tài sản trí tuệ. Đây là một khái niệm tương đối mới, xuất hiện chính thức và được pháp luật công nhn trước đây chưa lâu trong pháp luật dân sự và từ năm 2005 khi Quốc hội thông qua Luật Sở hữu Trí tuệ (Luật SHTT). Trong phạm vi bài viết này cần xác định lại khái niệm cơ bản về nhãn hiệu và nhãn hiệu chứng nhận, cũng như xem xét mục đích sử dụng của loại nhãn hiệu này trước khi bàn về tính chính danh của nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế” và quyền được sử dụng thuật ngữ “bún bò Huế” của những cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống có bún bò Huế.

Luật Sở hữu Trí tuệ Việt Nam quy định “Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau”. Như vậy, chức năng chính của nhãn hiệu là để phân biệt. Cần thấy rằng mục đích của việc gán nhãn hiệu lên hàng hóa hay dịch vụ chính là để “trung thành hóa” khách hàng, có nghĩa là để khách hàng đã sử dụng sẽ dễ dàng tìm lại mặt hàng hay dịch vụ mình yêu thích hoặc hài lòng và để khách hàng tiềm năng dễ dàng nhận ra hàng hóa hay dịch vụ đó khi muốn tìm đến để sử dụng. Nhãn hiệu không có chức năng bảo đảm về chất lượng hàng hóa.

 

Nhãn hiệu chứng nhận là một khái niệm tồn tại song song và trực tiếp liên quan đến đối tượng của bài viết – nhãn hiệu chứng nhận Bún bò Huế. Theo quy định của Luật SHTT thì nhãn hiệu chứng nhận là nhãn hiệu dùng làm đối chứng các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hóa, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu.

Có thể nói chức năng của nhãn hiệu chứng nhận cụ thể hơn về cách thức sản xuất hoặc cung cấp dịch vụ cho một tổ chức nhất định đạt yêu cầu về cách thức sử dụng. Mục đích vẫn là tạo sự khác biệt giữa cơ sở có sử dụng nhãn hiệu chứng nhận và cơ sở còn lại trong cùng ngành.

Trong một chừng mực nào đó khái niệm nhãn hiệu nói chung có thể coi là bao hàm các khái niệm nhãn hiệu khác trong đó có nhãn hiệu chứng nhận. Vì vậy, các điều kiện công nhận nhãn hiệu cũng là điều kiện quy định chung cho các loại nhãn hiệu khác. Theo đó, để một nhãn hiệu được công nhận thì cần phải có (1) Dấu hiệu có thể làm nhãn hiệu vì pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam chỉ bảo hộ nhãn hiệu bằng hình ảnh mà không bảo hộ nhãn hiệu dưới dạng mùi hương hay âm thanh. Và (2) dấu hiệu dùng làm nhãn hiệu phải có khả năng phân biệt. Nói cách khác, “dấu hiệu phải có khả năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hoá, dịch vụ của chủ thể khác” ngoài việc dấu hiệu phải dễ ghi nhớ, dễ nhận biết.

Bún bò Huế không phải là một nhãn hiệu!Khi dấu hiệu dùng đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là tên gọi thông thường củahàng hóa dịch vụ được sử dụng rộng rãi, thường xuyên thì bị coi là dấu hiệu bị loại trừ. Nói một cách giản dị, không thể dùng từ “xà bông” để đăng ký nhãn hiệu độc quyền cho một loại xà bông; không thể dùng từ “kem đánh răng” để đăng ký thành nhãn hiệu độc quyền cho một loại kem đánh răng. Như vậy, không thể dùng thuật ngữ “Bún bò Huế” đơn thuần để đăng ký thành nhãn hiệu chứng nhận hoặc nhãn hiệu nói chung. Bởi vì, thuật ngữ “bún bò Huế” tồn tại như một từ ngữ được sử dụng trong cuộc sống hằng ngày để phân biệt với các món ăn có bún khác như bún thịt xào, bún riêu, bún ốc, bún thang, bún mắm, bún cá Sóc Trăng, canh bún …. Do đó, “bún bò Huế” là dấu hiệu không có khả năng phân biệt xét dưới góc độ pháp luật sở hữu trí tuệ.

Mở rộng ra đến trường hợp một số nhãn hiệu đã được bảo hộ độc quyền sử dụng trong một thời gian dài sau đó không được tiếp tục bảo hộ vì nhãn hiệu đó đã trở thành tên gọi thông thường để chỉ chung cho mặt hàng mang nhãn hiệu lẫn hàng cùng chủng loại của những nhà sản xuất khác trong thị trường. Ví dụ dùng “Honda” để chỉ xe hai bánh có gắn động cơ, hay Kleenex dùng để chỉ khăn giấy dùng qua rồi bỏ. Cách đây vài năm, hãng Nestlé của Thụy Sĩ đã khôn ngoan thực hiện việc đưa nhãn hiệu Maggi vào tự điển tiếng Việt. Đây chính là bước cần thiết để tránh cho nhãn hiệu bị phổ thông hóa không còn khả năng phân biệt dẫn đến không còn được bảo hộ. Và như vậy, từ nay trong tiếng Việt đã tồn tại danh từ riêng Maggi – nhãn hiệu hàng hóa chứ không chỉ maggi là nước chấm nói chung như không ít người dùng.

Trở lại trường hợp bún bò Huế, rõ ràng là nhãn hiệu chứng nhận Bún bò Huế của UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế trên thực tế không hội đủ điều kiện để được bảo hộ như là một nhãn hiệu. Việc đăng ký bảo hộ sẽ phải qua quá trình thẩm định của Cục Sở hữu Trí tuệ. Quyết định của Cục Sở hữu Trí tuệ có thể chấp nhận bảo hộ, cũng có thể không.

Ngay từ bây giờ bất kỳ người thứ ba nào có lợi ích liên quan, như các cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống có bún bò Huế tại địa phương hoặc trên cả nước đều có quyền nộp đơn yêu cầu Cục Sở hữu Trí tuệ không cấp giấy chứng nhận hoặc ra quyết định hủy bỏ “Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu Bún bò Huế” vì không đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ theo điều 96 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và sửa đổi năm 2009.

Hoa Kỳ, ngày 5-8-2016

SOURCE: BÁO NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐIỆN TỬ

Trích dẫn từ: http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/bun-bo-hue-khong-phai-la-mot-nhan-hieu-20160806225233619.htm

Các bài viết liên quan:


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191