Câu hỏi của khách hàng: Thủ tục nhập khẩu thực phẩm đã chế biến
Công ty em chuẩn bị nhập khẩu thực phẩm đã qua chế biến gồm có salad cá hồi, bánh bông lan nhân kem và Humberger bò chế biến sẵn đông lạnh về Việt Nam để bán, vậy cho em hỏi, công ty em cần thực hiện các thủ tục gì để nhập khẩu các mặt hàng này vào Việt Nam.
Luật sư Tư vấn Luật Ngoại thương – Gọi 1900.0191
Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.
1./ Thời điểm tư vấn: 07/01/2019
2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Thủ tục nhập khẩu thực phẩm đã chế biến
– Nghị định số 69/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý Ngoại thương;
– Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2018 Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm;
– Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT ngày 30 tháng 6 năm 2016 Quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn;
– Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNT ngày 30 tháng 6 năm 2016 Quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thuy sản;
– Thông tư 38/2015/TT-BTC Quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối vớỉ hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.
– Thông tư 39/2018/TT-BTC Sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25 tháng 3 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu
3./ Luật sư trả lời Thủ tục nhập khẩu thực phẩm đã chế biến
Thực phẩm đã chế biến sẵn, đông lạnh nhập khẩu về Việt Nam là loại hàng hóa nhập khẩu thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế theo quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm. Khi tiến hành nhập khẩu loại hàng hóa này, doanh nghiệp nhập khẩu không cần xin Giấy phép nhập khẩu hàng hóa. Tuy nhiên, với loại hàng hóa đặc thù ảnh hưởng đến sức khỏe, để được thông quan và kinh doanh tại Việt Nam, công ty bạn cần thực hiện các thủ tục dưới đây.
1. Thủ tục Công bố thực phẩm nhập khẩu:
Đối với những sản phẩm quý công ty dự định nhập khẩu để kinh doanh tại Việt Nam đều là các sản phẩm đã qua chế biến và bao gói sẵn, công ty cần thực hiện thủ tục tự công bố sản phẩm theo quy định.
Hồ sơ tự công bố sản phẩm bao gồm:
– Bản tự công bố sản phẩm theo Mẫu số 01 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2018 Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm;
– Phiếu kết quả kiểm nghiệm an toàn thực phẩm của sản phẩm trong thời hạn 12 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ được cấp bởi phòng kiểm nghiệm được chỉ định hoặc phòng kiểm nghiệm được công nhận phù hợp ISO 17025 gồm các chỉ tiêu an toàn do Bộ Y tế ban hành theo nguyên tắc quản lý rủi ro phù hợp với quy định của quốc tế hoặc các chỉ tiêu an toàn theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn tương ứng do tổ chức, cá nhân công bố trong trường hợp chưa có quy định của Bộ Y tế (bản chính hoặc bản sao chứng thực).
Việc tự công bố sản phẩm được thực hiện theo trình tự sau:
Doanh nghiệp tự công bố sản phẩm trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc trang thông tin điện tử của mình hoặc niêm yết công khai tại trụ sở mình và công bố trên Hệ thống thông tin dữ liệu cập nhật về an toàn thực phẩm (Trong trường hợp chưa có Hệ thống thông tin dữ liệu cập nhật về an toàn thực phẩm thì doanh nghiệp nộp 01 bản qua đường bưu điện hoặc trực tiếp đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ định để lưu trữ hồ sơ và đăng tải tên tổ chức, cá nhân và tên các sản phẩm tự công bố trên trang thông tin điện tử của cơ quan tiếp nhận – Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận bản tự công bố của tổ chức, cá nhân để lưu trữ hồ sơ và đăng tải tên tổ chức, cá nhân và tên các sản phẩm tự công bố trên trang thông tin điện tử của cơ quan tiếp nhận.
2. Kiểm tra Nhà nước về an toàn thực phẩm nhập khẩu:
Đối với loại sản phẩm mà công ty quý khách dự định nhập khẩu về Việt Nam để kinh doanh, thời điểm điểm ban đầu, quý khách được tiến hành đăng ký kiểm tra theo phương thức kiểm tra thông thường, theo đó chỉ kiểm tra hồ sơ của lô hàng nhập khẩu.
Hồ sơ đăng ký kiểm tra theo phương thức kiểm tra thông thường bao gồm:
– Giấy đăng ký kiểm tra thực phẩm nhập khẩu theo quy định tại Mẫu số 04 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP;
– Bản tự công bố sản phẩm;
– 03 (ba) Thông báo kết quả xác nhận thực phẩm đạt yêu cầu nhập khẩu liên tiếp theo phương thức kiểm tra chặt đối với các lô hàng, mặt hàng được chuyển đổi phương thức từ kiểm tra chặt sang kiểm tra thông thường (bản chính);
– Bản sao Danh mục hàng hóa (Packing list);
– Giấy chứng nhận đáp ứng các quy định về an toàn thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp (bản chính).
Trình tự, thủ tục tiến hành kiểm tra đối với trường hợp kiểm tra thông thường:
– Trước hoặc khi hàng về đến cửa khẩu, chủ hàng nộp hồ sơ đăng ký kiểm tra đến cơ quan kiểm tra nhà nước hoặc Cổng thông tin một cửa quốc gia phân hệ Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương (nếu đã áp dụng);
– Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan kiểm tra nhà nước có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ và ra thông báo thực phẩm đạt hoặc không đạt yêu cầu nhập khẩu theo Mẫu. Trường hợp yêu cầu bổ sung hồ sơ thì phải nêu rõ lý do và căn cứ pháp lý của việc yêu cầu;
– Chủ hàng có trách nhiệm nộp Thông báo kết quả xác nhận thực phẩm đạt yêu cầu nhập khẩu cho cơ quan hải quan để thông quan hàng hóa.
3. Thủ tục Kiểm dịch thực phẩm nhập khẩu (Xin Giấy Chứng nhận kiểm dịch nhập khẩu đối với sản phẩm động vật do Cục Thú ý cấp)
Các sản phẩm: humburger bò, salad cá hồi, bánh bông lan nhân kem là những sản phẩm từ thịt, trứng được chế biến, thuộc danh mục sản phẩm động vật thuộc diện phải kiểm dịch ban hành kèm theo Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT ngày 30 tháng 6 năm 2016 Quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn và Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNT ngày 30 tháng 6 năm 2016 Quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản.
Với hàng hóa phải kiểm dịch, doanh nghiệp cần xin Giấy phép kiểm dịch để được thông quan khi tiến hành thủ tục hải quan, cụ thể:
a) Kiểm dịch sản phẩm động vật trên cạn (đối với sản phẩm humburger bò, bánh bông lan nhân kem)
- Đăng ký kiểm dịch:
Hồ sơ đăng ký kiểm dịch sản phẩm động vật trên cạn nhập khẩu bao gồm:
– Văn bản đề nghị hướng dẫn kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu; (theo Mẫu 19 Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT);
– Đối với động vật, sản phẩm động vật thuộc đối tượng quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan khác, phải nộp văn bản hoặc giấy phép theo quy định. Thịt bò, bơ, trứng đều không phải là thuộc đối tượng quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan khác. Do đó, hồ sơ chỉ cần văn bản đề nghị hướng dẫn kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu theo mẫu nêu trên.
Hình thức gửi hồ sơ: Qua đường bưu điện hoặc gửi qua thư điện tử, fax sau đó gửi bản chính hoặc trực tiếp.
Cục Thú y sau khi tiếp nhận Hồ sơ sẽ xử lý theo thời hạn sau:
– Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, căn cứ tình hình dịch bệnh, phân tích nguy cơ, hệ thống quản lý giám sát dịch bệnh, giám sát vệ sinh thú y của nước xuất khẩu, Cục Thú y có văn bản đồng ý kiểm dịch sản phẩm động vật nhập khẩu và hướng dẫn tổ chức, cá nhân thực hiện kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu.
– Văn bản đồng ý và hướng dẫn kiểm dịch của Cục Thú y gửi cho chủ hàng và cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu qua thư điện tử.
- Khai báo kiểm dịch:
Sau khi được Cục Thú y chấp thuận, chủ hàng khai báo kiểm dịch với cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu theo quy định (Mẫu 3 Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT)
Hồ sơ khai báo kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn nhập khẩu bao gồm:
– Đơn khai báo kiểm dịch;
– Giấy chứng nhận kiểm dịch của nước xuất khẩu.
Trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ khai báo kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật hợp lệ, Cục Thú y quyết định và thông báo cho tổ chức, cá nhân đăng ký kiểm dịch về địa điểm, thời gian để tiến hành kiểm dịch theo quy định của Luật Thú y.
Đối với sản phẩm động vật nhập khẩu, Cục Thú y thực hiện kiểm dịch như sau:
– Kiểm tra hồ sơ khai báo kiểm dịch, thực trạng hàng hóa, nếu đạt yêu cầu thì lấy mẫu kiểm tra các chỉ tiêu vệ sinh thú y, bệnh theo quy định;
Kiểm tra Điều kiện vệ sinh thú y đối với phương tiện vận chuyển, kho bảo quản sản phẩm động vật theo quy định.
– Cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch nhập khẩu đối với sản phẩm động vật đạt yêu cầu vệ sinh thú y và thông báo cho cơ quan quản lý chuyên ngành thú y nơi đến;
– Hướng dẫn chủ hàng thực hiện các biện pháp vệ sinh, khử trùng, tiêu độc.
b) Kiểm dịch sản phẩm động vật thủy sản (đối với sản phẩm salad cá hồi).
Trình tự, nội dung kiểm dịch đối với sản phẩm thủy sản nhập khẩu được thực hiện tương tự sản phẩm động vật trên cạn nhập khẩu nêu trên với các thành phần hồ sơ như sau:
Hồ sơ đăng ký kiểm dịch sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu bao gồm:
Văn bản đề nghị hướng dẫn kiểm dịch theo Mẫu 02 TS Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư 26/2016/TT-BNNPTNT;
– Bản sao mẫu Giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu của cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu có xác nhận của doanh nghiệp (đối với động vật, sản phẩm động vật thủy sản có nguồn gốc từ những quốc gia, vùng lãnh thổ chưa có thỏa thuận về mẫu Giấy chứng nhận kiểm dịch với Việt Nam);
Hồ sơ khai báo kiểm dịch sảm phẩm động vật thuỷ sản nhập khẩu để tiêu thụ trong nước bao gồm:
– Đơn theo mẫu 03 TS Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNN;
– Bản sao có xác nhận của doanh nghiệp hoặc bản gốc Giấy chứng nhận kiểm dịch của nước xuất khẩu. Trường hợp nộp bản sao hoặc tại thời Điểm gửi hồ sơ chưa cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch của nước xuất khẩu thì phải gửi bản gốc Giấy chứng nhận kiểm dịch của nước xuất khẩu khi kiểm tra hàng hóa.
– Bản sao có xác nhận của chủ hàng Vận tải đơn
4. Thủ tục hải quan nhập khẩu
Hồ sơ hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu:
– Tờ khai hải quan theo các chỉ tiêu thông tin quy định tại mẫu số 01 Phụ lục II ban hành kèm Thông tư 39/2018/TT-BTC.
– Hóa đơn thương mại hoặc chứng từ có giá trị tương đương trong trường hợp người mua phải thanh toán cho người bán: 01 bản chụp.
Trường hợp chủ hàng mua hàng từ người bán tại Việt Nam nhưng được người bán chỉ định nhận hàng từ nước ngoài thì cơ quan hải quan chấp nhận hóa đơn do người bán tại Việt Nam phát hành cho chủ hàng.
Người khai hải quan không phải nộp hóa đơn thương mại trong các trường hợp sau:
+ Hàng hóa nhập khẩu để thực hiện hợp đồng gia công cho thương nhân nước ngoài;
+ Hàng hóa nhập khẩu không có hóa đơn và người mua không phải thanh toán cho người bán, người khai hải quan khai trị giá hải quan theo quy định tại Thông tư số 39/2015/TT-BTC ngày 25 tháng 03 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
– Vận đơn hoặc các chứng từ vận tải khác có giá trị tương đương đối với trường hợp hàng hóa vận chuyển bằng đường biển, đường hàng không, đường sắt, vận tải đa phương thức theo quy định của pháp luật (trừ hàng hóa nhập khẩu qua cửa khẩu biên giới đường bộ, hàng hóa mua bán giữa khu phi thuế quan và nội địa, hàng hóa nhập khẩu do người nhập cảnh mang theo đường hành lý): 01 bản chụp.
– Giấy chứng nhận kiểm tra chuyên ngành: 01 bản chính.
– Chứng từ chứng minh tổ chức, cá nhân đủ điều kiện nhập khẩu hàng hóa theo quy định của pháp luật về đầu tư: nộp 01 bản chụp khi làm thủ tục nhập khẩu lô hàng đầu tiên;
– Tờ khai trị giá: Người khai hải quan khai tờ khai trị giá theo mẫu, gửi đến Hệ thống dưới dạng dữ liệu điện tử hoặc nộp cho cơ quan hải quan 02 bản chính đối với trường hợp khai trên tờ khai hải quan giấy. Các trường hợp phải khai tờ khai trị giá và mẫu tờ khai trị giá thực hiện theo quy định tại Thông tư số 39/2015/TT-BTC;
– Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo quy định tại Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;
– Hợp đồng ủy thác: 01 bản chụp đối với trường hợp ủy thác nhập khẩu các mặt hàng thuộc diện phải có giấy phép nhập khẩu, chứng nhận kiểm tra chuyên ngành hoặc phải có chứng từ chứng minh tổ chức, cá nhân đủ điều kiện nhập khẩu hàng hóa theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về quản lý, kiểm tra chuyên ngành, pháp luật về quản lý ngoại thương mà người nhận ủy thác sử dụng giấy phép hoặc chứng từ xác nhận của người giao ủy thác;
- Trình tự thực hiện
Bước 1: Công ty quý khách hàng khai và đăng ký khai hải quan tại trụ sở Chi cục Hải quan cửa khẩu nơi quản lý địa điểm lưu giữ hàng hóa, cảng đích ghi trên vận tải đơn, hợp đồng vận chuyển hoặc Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu nơi doanh nghiệp có trụ sở hoặc nơi hàng hóa được chuyển đến.
Bước 2: Cơ quan hải quan kiểm tra tờ khai hải quan
Bước 3: Chấp thuận nhận thông tin khai Tờ khai hải quan và quyết định thông quan hàng hóa
Cơ quan hải quan kiểm tra các chứng từ liên quan thuộc hồ sơ hải quan do người khai hải quan nộp, xuất trình hoặc các chứng từ có liên quan trên cổng thông tin một cửa quốc gia quyết định việc thông quan hàng hóa hoặc kiểm tra thực tế hàng hóa để quyết định thông quan. Trong quá trình kiểm tra hàng hóa, cơ quan hải quan sẽ tiến hành kiểm tra nhà nước đối với sản phẩm nhập khẩu, kiểm tra chứng từ kiểm dịch, nếu lô hàng đã có đảm bảo được các giấy tờ và chất lượng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm thì hải quan ra quyết định thông quan. Doanh nghiệp được phép đưa hàng hóa vào kinh doanh buôn bán
Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.
Tham khảo thêm bài viết:
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.