Câu hỏi của khách hàng: Có tách khẩu được khi không có sổ hộ khẩu gốc không?
Em cần tư vấn gấp ạ ! Mong mọi người giúp đỡ! Chuyện là mẹ em là người giữ hộ khẩu và mẹ em thì không ở đây, em gọi kêu đem hộ khẩu về hơn năm rồi mà cứ hẹn tới hẹn lui, nên em sốt ruột quá! Đem về để em tách qua nội chứ cứ vầy không làm ăn gì được ! Nếu cứ tình cảnh hẹn này hoài thì có cách nào giúp em tách hộ khẩu được không ạ?
Luật sư Tư vấn Luật cư trú – Gọi 1900.0191
Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.
1./ Thời điểm tư vấn: 18/01/2019
2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Thủ tục thay đổi nơi thường trú
Luật cư trú năm 2006 được sửa đổi, bổ sung năm 2013
3./ Luật sư trả lời Có tách khẩu được khi không có sổ hộ khẩu gốc không?
Để quản lý sự phân bố dân cư của công dân Việt Nam, người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam, pháp luật nước ra có đưa ra và tổ chức thực hiện các quy định về việc đăng ký tạm trú, thường trú. Khi công dân có sự thay đổi về nơi thường trú của mình, chủ thể có nghĩa vụ phải thực hiện việc thay đổi nơi đăng ký thường trú. Để thực hiện thủ tục này, chủ thể thực hiện thủ tục phải xuất trình sổ hộ khẩu cho chủ thể có thẩm quyền.
Căn cứ Khoản 1 Điều 23 Luật cư trú, khi cá nhân đã đăng ký thường trú có thay đổi về chỗ ở hợp pháp có đủ điều kiện đăng ký thường trú tại nơi cư trú mới, cá nhân có trách nhiệm làm thủ tục thay đổi nơi đăng ký thường trú trong thời hạn mười hai tháng, kể từ ngày có đủ điều kiện đăng ký thường trú tại địa điểm này.
Trong trường hợp của bạn, bạn muốn tách sổ hộ khẩu từ nhà ngoại (ở với mẹ của bạn) sang nhà nội. Tuy nhiên, nếu là di chuyển từ một địa điểm cư trú này đến một địa điểm cư trú khác, bạn cần thực hiện việc chuyển hộ khẩu và đăng ký thay đổi thường trú mà không phải là tách sổ hộ khẩu. Bởi, việc tách sổ hộ khẩu chỉ được áp dụng khi “có cùng một chỗ ở hợp pháp”, tức là mẹ của bạn và nhà nội của bạn ở trên cùng một địa chỉ (trong cùng một ngôi nhà).
Về việc chuyển hộ khẩu và đăng ký thay đổi nơi thường trú.
-Căn cứ Điều 28 Luật cư trú quy định thì khi chuyển nơi thường trú, công dân sẽ được cấp Giấy chuyển hộ khẩu trong trường hợp:
+Chuyển đi ngoài phạm vi xã, thị trấn của huyện thuộc tỉnh;
+Hoặc chuyển đi ngoài phạm vi huyện, quận, thị xã của thành phố trực thuộc trung ương; thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Bạn cần nộp hồ sơ cấp giấy chuyển hộ khẩu bao gồm sổ hộ khẩu và phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu cho Trưởng công an xã, thị trấn (khi chuyển đi ngoài phạm vi xã, thị trấn của huyện thuộc tỉnh), cho Trưởng Công an huyện, quận, thị xã của thành phố trực thuộc trung ương, Trưởng Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh (khi chuyển đi ngoài phạm vi huyện, quận, thị xã của thành phố trực thuộc trung ương; thị xã, thành phố thuộc tỉnh).
Thời hạn giải quyết là 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.
-Sau khi có Giấy chuyển hộ khẩu, bạn cần làm thủ tục đăng ký thường trú tại nơi cư trú mới và chủ hộ hoặc người có quyền khác thực hiện việc thay đổi nơi đăng ký thường trú theo quy định tại Khoản 4 Điều 21 và Điều 29 Luật cư trú.
Căn cứ Điều 21 Luật cư trú quy định thì hồ sơ đăng lý thường trú gồm:
+Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; bản khai nhân khẩu;
+Giấy chuyển hộ khẩu theo quy định;
+Giấy tờ và tài liệu chứng minh hợp pháp;
+Giấy tờ chứng minh thuộc trường hợp đặc biệt được nhập vào sổ hộ khẩu của vợ/chồng/con/anh, chị, em ruột,… theo quy định tại Điều 20 Luật cư trú (nếu có);
Mà để có giấy chuyển hộ khẩu, bạn bắt buộc phải xuất trình được sổ hộ khẩu mà bạn đang đăng ký thường trú.
Tuy nhiên, trong trường hợp mẹ bạn cố tình không giao sổ hộ khẩu để cản trở việc bạn thay đổi nơi đăng ký thường trú, bạn có thể trình bày sự việc (dưới dạng văn bản) để nộp cho chủ thể thực hiện thủ tục chuyển hộ khẩu cho bạn, yêu cầu những chủ thể này can thiệp để yêu cầu mẹ của bạn giao sổ hộ khẩu tiếp tục thực hiện việc chuyển hộ khẩu theo nhu cầu của bạn. Đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của bạn không bị xâm phạm, bởi, chủ hộ là chủ thể có quyền giữ gìn, bảo quản sổ hộ khẩu của gia đình không có quyền ngăn cản bạn thực hiện việc thay đổi nơi thường trú, chủ hộ là người có nghĩa vụ thực hiện và hướng dẫn các thành viên trong hộ thực hiện quy định về đăng ký, quản lý cư trú.
Vậy, trong trường hợp của bạn, nếu không có sổ hộ khẩu, bạn sẽ không thể hoàn thành thủ tục thay đổi nơi đăng ký thường trú sang nhà nội được. Nhưng bạn có thể yêu cầu các chủ thể có thẩm quyền can thiệp, yêu cầu mẹ của bạn xuất trình sổ hộ khẩu phục vụ cho việc thay đổi nơi đăng ký thường trú của bạn theo quy định của pháp luật.
Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.
Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN