Xử lý sao khi phát hiện ra có cá nhân, đơn vị, tổ chức khác đang khai thác, sử dụng, nhái nhãn hiệu, thương hiệu, logo của mình để kiếm lợi nhuận một cách trái phép.
Đối với Doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, nhãn hiệu của sản phẩm hàng hóa giúp khách hàng nắm bắt, phân biệt được sản phẩn, hàng hóa dịch vụ này với các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ khác, cũng đồng nghĩa thông qua nhãn hiệu gắn với uy tín, chất lượng sản phẩm, hàng hóa mà công ty xây dựng, gây dựng trong suốt quá trình kinh doanh được khách hàng thừa nhận, biết đến. Do đó, trong bối cảnh nền kinh tế thị trường và hội nhập sâu rộng, các doanh nghiệp ngày nay ngày càng chú trọng đến việc bảo hộ nhãn hiệu của sản phẩm hàng hóa của mình và việc các nhãn hiệu bị đạo nhái gây nhầm lẫn cho khách hàng, người tiêu dùng cũng ngày càng trở lên phổ biến. Điển hình có thể nói đến một số nhãn hiệu đã và đang bị đạo nhái như: Sản phẩm nước suối Aquafia của PepsiCo bị đạo nhái dưới nhiều cái tên như Aquaroma, Aquafamily, Aqualeader, Aquatecha; hay vụ việc nhãn hiệu Kem 35 của Công ty cổ phần Tràng Tiền Tràng Tiền 35 bị làm nhái;……..
Vậy, câu hỏi đặt ra là khi các đơn vị cung cấp sản phẩm hàng hóa, dịch vụ phát hiện nhãn hiệu sản phẩm của mình đang bị một đơn vị khác đạo nhái thì phải xử lý thế nào?
Hiện nay, Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2009 đã đưa ra các quy định về quyền và các cách thức, hình thức bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của chủ sở hữu các đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, trên thực tế khi phát hiện sự việc bị đạo nhái hoặc bị sử dụng nhãn hiệu trái phép, các đơn vị/doanh nghiệp vẫn rất bối rối khi không biết phải bắt đầu từ đâu, gửi đơn đến đâu, và cách thức giải quyết thế nào, đặc biệt là những đơn vị không có đội ngũ nhân viên pháp chế vững vàng để nhanh chóng đưa ra giải pháp.
Để xử lý khi doanh nghiệp phát hiện có hành vi làm nhái nhãn hiệu của doanh nghiệp/đơn vị khác, theo chúng tôi điều đầu tiền phía doanh nghiệp cần làm là phải ngay lập tức thực hiện việc kiểm tra quyền sở hữu trí tuệ của mình đối với nhãn hiệu. Cụ thể:
– Đối với doanh nghiệp đã được cấp văn bằng bảo hộ đối với nhãn hiệu, doanh nghiệp cần kiểm tra hiệu lực của văn bằng bảo hộ nhãn hiệu, thời điểm được bảo hộ trên văn bằng để đảm bảo quyền sở hữu của mình đối với nhãn hiệu đang được pháp luật bảo vệ;
– Đối với doanh nghiệp đang trong thời gian xem xét, thẩm định để được cấp văn bằng bảo hộ thì kiểm tra tính hợp pháp của hồ sơ đăng ký bảo hộ đã nộp bao gồm thời điểm được chấp thuận về hình thức, nội dung đơn và tình trạng hiện tại của hồ sơ.
Bên cạnh việc kiểm tra quyền sở hữu trí tuệ của đơn vị mình với nhãn hiệu, doanh nghiệp cũng đồng thời kiểm tra quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp nhái nhãn hiệu với nhãn hiệu đang có dấu hiệu nhái lại nhãn hiệu của mình để từ đó đưa ra phương án xử lý, giải quyết.
– Với nhãn hiệu mà doanh nghiệp đã được bảo hộ và còn thời hạn bảo hộ theo quy định của pháp luật: Chúng tôi đưa ra các hướng xử lý đối với từng trường hợp doanh nghiệp đơn vị nhái nhãn hiệu có hay không tiến hành việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu như sau:
Trường hợp 1: Doanh nghiệp sử dụng nhãn hiệu nhái chỉ sử dụng và không tiến hành các thủ tục đăng ký bảo hộ đối với nhãn hiệu đó:
Với trường hợp này, đơn vị/doanh nghiệp có nhãn hiệu đã được bảo hộ cần ngay lập tức gửi Công văn tới phía đơn vị/doanh nghiệp sử dụng nhãn hiệu nhái yêu cầu chấm dứt ngay hành vi sử dụng trái phép nhãn hiệu của đơn vị mình. Điều này nhằm mục đích thông báo cho phía đơn vị biết về hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (để tránh trường hợp có đơn vị đó vô ý sử dụng nhãn hiệu đang được bảo hộ mà không hay biết). Nếu doanh nghiệp/đơn vị đó tiếp nhận công văn và hợp tác giải quyết, chấm dứt hành vi vi phạm, thì doanh nghiệp có nhãn hiệu bị nhái có thể bảo vệ quyền của mình mà không gây căng thẳng cho chính đơn vị mình hay đơn vị còn lại khi phải đưa đến cơ quan nhà nước giải quyết.
Tuy nhiên, trong trường hợp doanh nghiệp sử dụng nhãn hiệu nhái đã nhận được công văn thông báo về hành vi xâm phạm và yêu cầu chấm dứt hành vi xâm phạm mà vẫn cố tình tiếp tục sử dụng hoặc không hợp tác để thiện chí giải quyết. Doanh nghiệp có nhãn hiệu đang bị xâm phạm nên gửi tối thiểu thêm 02 công văn nữa, các công văn cách nhau tối từ 10 – 15 ngày để đảm bảo rằng, phía doanh nghiệp/đơn vị đang có hành vi xâm phạm trên đã được biết về hành vi của mình, đã biết được quan điểm giải quyết của đơn vị mình và cũng đã biết về những hậu quả pháp lý khi sự việc trở lên căng thẳng hơn.
Khi doanh nghiệp/đơn vị bị nhái nhãn hiệu đã thực hiện việc gửi Công văn yêu cầu lần thứ 3 cho doanh nghiệp/đơn vị vi phạm mà không có phản hồi thì doanh nghiệp/đơn vị có nhãn hiệu bị nhái có thể gửi đơn thư tới các cơ quan có thẩm quyền để yêu cầu các cơ quan xử lý và bảo vệ quyền lợi của mình bao gồm: Gửi đơn tới một trong các cơ quan như các cơ quan Thanh tra, Công an, Quản lý thị trường, Hải quan, Ủy ban nhân dân các cấp (khi áp dụng các biện pháp yêu cầu xử lý hành chính, hình sự với hành vi vi phạm); gửi đơn khởi kiện tới Tòa án nhân dân cấp huyện nơi doanh nghiệp/đơn vị xâm phạm có trụ sở để yêu cầu Tòa án giải quyết (đối với yêu cầu xử lý dân sự đòi bồi thường thiệt hại,…).
Trường hợp 2: Doanh nghiệp sử dụng nhãn hiệu bị nhái đã thực hiện việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu
Lúc này, mặc dù nhãn hiệu do bị nhái lại của đơn vị đã được đăng ký, tuy nhiên, vì yếu tố nào đó mà doanh nghiệp đạo nhái nhãn hiệu vẫn có thể thực hiện được thủ tục đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ. Khi phát hiện ra điều này, tùy thuộc vào giai đoạn thủ tục đăng ký nhãn hiệu theo quy định, doanh nghiệp có nhãn hiệu bị đạo nhái bên cạnh việc gửi Công văn đến công ty/doanh nghiệp đang có hành vi sử dụng nhãn hiệu đạo nhái yêu cầu chấm dứt hành vi sử dụng trái phép nhãn hiệu của công ty đồng thời gửi Công văn khiếu nại lên Cục Sở hữu trí tuệ yêu cầu xem xét, từ chối xem xét hoặc hủy bỏ hiệu lực của văn bằng bảo hộ đã cấp.
– Với doanh nghiệp có nhãn hiệu bị đạo nhái đã thực hiện việc đăng ký nhưng chưa được cấp văn bằng bảo hộ, doanh nghiệp cần kiểm tra từ thời điểm mình thực hiện thủ tục đăng ký. Nếu phía doanh nghiệp kia sử dụng nhãn hiệu nhái không thực hiện thủ tục đăng ký thì doanh nghiệp đã được cơ quan sở hữu trí tuệ chấp thuận đơn đăng ký và đang trong quá trình xem xét nội dung nhãn hiệu hoặc đang trong thời gian chờ cấp văn bằng thực hiện biện pháp giải quyết tương tự với trường hợp 1 nêu trên.
– Với nhãn hiệu của công ty đã sử dụng nhưng chưa đăng ký bảo hộ hoặc đã đăng ký nhưng hiệu lực văn bằng bảo hộ đã hết mà chưa gia hạn, lúc này, doanh nghiệp có nhãn hiệu cho là bị đạo nhái cần kiểm tra thông tin đăng ký nhãn hiệu của doanh nghiệp đang sử dụng nhãn hiệu nhái lại của mình. Nếu doanh nghiệp đó chưa thực hiện việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, doanh nghiệp cần tiến hành thủ tục này sớm nhất có thể để được cơ quan có thẩm quyền bảo hộ đối với nhãn hiệu của mình và từ đó có căn cứ và được thực hiện các biện pháp bảo vệ nhãn hiệu cho sản phẩm dịch vụ của mình.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.