Các biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự theo Luật Thi hành án dân sự năm 2014

Các biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự theo Luật Thi hành án dân sự năm 2014.

Trong quá trình tổ chức thi hành án dân sự, để ngăn chặn các hành vi nhằm trốn tránh, tẩu tán, hủy hoại tài sản dẫn đến không còn điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, kể từ khi Luật Thi hành án dân sự năm 2008 ra đời, qua lần sửa đổi, bổ sung năm 2014 đã dành không ít điều khoản quy định về các biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự và những nội dung có liên quan. Những quy định này đã kịp thời khắc phục những bất cập và tạo hành lang pháp lý cho Chấp hành viên thực thi nhiệm vụ, bào đảm các bản án, quyết định của Tòa án và cơ quan có thẩm quyền được thi hành một cách triệt để và hiệu quả. Để tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này, em chọn đề bài số 6: “Biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự” làm bài tập học kỳ của mình.

1. Một số vấn đề khái quát về biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự

  • Khái niệm

Biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự là biện pháp pháp lí đặt tài sản của người phải thi hành án trong tình trạng bị hạn chế hoặc cấm sử dụng, định đoạt nhằm ngăn chặn việc người phải thi hành án tẩu tán, định đoạt tài sản trốn tránh việc thi hành án và đôn đốc họ tự nguyện thực hiện nghĩa vụ thi hành án của mình do chấp hành viên áp dụng trước khi áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự[1]”.

  • Ý nghĩa của biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự

Thứ nhất, ngăn chặn người phải thi hành án tẩu tán, hủy hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án nên bảo đảm được hiệu lực của bản án, quyết định, quyền, lợi ích hợp pháp của người được thi hành án và bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.

Thứ hai, đốc thúc người phải thi hành tự nguyện thi hành nghĩa vụ của mình.

Thứ ba, việc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự là tiền đề, cơ sở cho việc áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự sau này, bảo đảm hiệu quả của việc thi hành án dân sự.

2. Các biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự theo pháp luật thi hành án dân sự hiện hành

Căn cứ vào nội dung bản án, quyết định; quyết định thi hành án; tính chất, mức độ, nghĩa vụ thi hành án; điều kiện của người phải thi hành án; yêu cầu bằng văn bản của đương sự và tình hình thực tế của địa phương, Chấp hành viên được lựa chọn việc áp dụng biện pháp bảo đảm thích hợp theo Điều 13 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/07/2015 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự (Nghị định số 62/2015/NĐ-CP). Theo đó, các biện pháp bảo đảm mà Chấp hành viên có thể lựa chọn bao gồm:

2.1. Biện pháp phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ

  • Bản chất của biện pháp phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ

Biện pháp phong tỏa tài khoản, tài sản tại ở gửi giữ là biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự được Chấp hành viên áp dụng trong trường hợp người phải thi hành án phải thi hành nghĩa vụ trả tiền và họ có tiền gửi trong tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác hoặc người thứ ba khác. Với góc nhìn này, biện pháp này không thể áp dụng đối với việc thi hành nghĩa vụ phải làm một công việc.

Việc áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ nhằm cô lập, đặt tài khoản, tài sản của người phải thi hành án trong tình trạng bị phong tỏa, không thể sử dụng được, ngăn chặn việc tẩu tán tiền trong tài khoản. Thông thường, biện pháp bảo đảm này có thể được chuyển tiếp thành biện pháp cưỡng chế khấu trừ tiền trong tài khoản của người phải thi hành án để thi hành nghĩa vụ trả tiền của người phải thi hành án nếu người phải thi hành án không tự nguyện áp dụng.

Biện pháp phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ được quy định tại Điều 67 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014 và được hướng dẫn chi tiết tại Nghị định số 62/2015/NĐ-CP. Trước đây, theo quy định tại Điều 67 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 và Điều 11 Nghị định số 58/2008/NĐ-CP ngày 13/07/2008 của Chính phủ quy định biện pháp bảo đảm là “phong tỏa tài sản” mà không quy định là biện pháp “phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ”. Sự thay đổi này xuất phát từ thực tế hoạt động thi hành án dân sự trong thời gian qua cho thấy nhiều trường hợp người phải thi hành án có tài sản không phải là tiền mà còn là các loại tài ản khác như kim khí quý, đá quý…đang gửi người khác giữ (ngân hàng, các tổ chức tín dụng, người thứ ba…) nhưng Luật Thi hành án dân sự năm 2008 không quy định Chấp hành viên được quyền áp dụng biện pháp bảo đảm phong tỏa đối với trường hợp này dẫn đến người phải thi hành án dễ dàng tẩu thoát, trốn tránh nghĩa vụ. Sự thay đổi này nhằm tạo điều kiện tốt hơn để bảo vệ quyền lợi của người được thi hành án.

  • Điều kiện áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ

Chấp hành viên áp dụng biện pháp này trong trường hợp có căn cứ khẳng định người phải thi hành án đang có tiền trong tài khoản nhất định (thông tin về tài khoản, về số tiền trong tài khoản có thể do đương sự cung cấp hoặc do Chấp hành viên xác định). Với mục đích nhằm ngăn chặn việc tẩu tán tiền trong tài khoản của người phải thi hành án thì Chấp hành viên có thể quyết định áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ của người phải thi hành án ở bất kỳ giai đoạn nào của quá trình thi hành án. Khi ra quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ, Chấp hành viên cần thông báo trước cho đương sự để tránh việc đương sự rút hết tiền trong tài khoản nhằm trốn tránh việc thi hành án. Khi tiến hành phong tỏa tài khoản, Chấp hành viên phải giao quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ cho cơ quan, tổ chức đang quản lý tài khoản của người phải thi hành án (khoản 2 Điều 67 Luật thi hành án năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014). Cơ quan, tổ chức đang quản lý tài khoản của người phải thi hành án phải thực hiện ngay quyết định của Chấp hành viên về phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ.

Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ, Chấp hành viên phải áp dụng biện pháp cưỡng chế hoặc ra quyết định chấm dứt việc phong tỏa theo quy định (khoản 3 Điều 67 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014). Đây là một quy định mới so với Luật Thi hành án dân sự năm 2008, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người phải thi hành án tự nguyện thi hành án và tương thích với quy định về thời hạn tự nguyện thi hành án là 10 ngày, kể từ ngày đương sự nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án theo Luật Thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014.

  • Thủ tục áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ

Căn cứ Điều 20 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, thủ tục phong tỏa tiền trong tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ được thực hiện như sau:

Quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ phải xác định rõ số tiền, tài sản bị phong tỏa. Chấp hành viên giao quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ cho người đại diện theo pháp luật của Kho bạc Nhà nước, tổ chức tín dụng, cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ hoặc người có trách nhiệm nhận văn bản của cơ quan, tổ chức đó và lập biên bản về việc giao quyết định. Biên bản phải có chữ ký của Chấp hành viên, người nhận quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ. Trường hợp người nhận quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ không ký thì phải có chữ ký của người chứng kiến. Quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ được ban hành sau khi Chấp hành viên lập biên bản phong tỏa phải được gửi ngay cho cơ quan, tổ chức, cá nhân nơi có tài khoản, tài sản bị phong tỏa.

Trường hợp người đại diện theo pháp luật hoặc người có trách nhiệm nhận văn bản của cơ quan, tổ chức không nhận quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ thì Chấp hành viên lập biên bản về việc không nhận quyết định, có chữ ký của người làm chứng hoặc chứng kiến và tiến hành niêm yết quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ của người phải thi hành án tại trụ sở, cơ quan, tổ chức đó. Người đại diện theo pháp luật hoặc người có trách nhiệm nhận văn bản của cơ quan, tổ chức không nhận quyết định phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật và phải bồi thường nếu có thiệt hại xảy ra.

Chấp hành viên có trách nhiệm bảo mật các thông tin về tài khoản, tài sản của người phải thi hành án bị áp dụng biện pháp bảo đảm được Kho bạc Nhà nước, tổ chức tín dụng, cơ quan, tổ chức, cá nhân nơi có tài khoản cung cấp.

2.2. Biện pháp tạm giữ tài sản, giấy tờ của đương sự

  • Bản chất và điều kiện áp dụng biện pháp tạm giữ tài sản, giấy tờ của đương sự

Biện pháp tạm giữ tài sản, giấy tờ của đương sự là biện pháp bảo đảm thi hành án được tiến hành trên các động sản, các động sản phải đăng ký quyền sở hữu, giấy tờ có giá hoặc bất động sản của người phải thi hành án; đặt những động sản, giấy tờ đăng ký của động sản trong tình trạng hạn chế quyền sử dụng nhằm ngăn chặn việc người phải thi hành án tẩu tán, hủy hoại tài sản để trốn tránh việc phải thi hành án[2]. Biện pháp tạm giữ tài sản, giấy tờ của đương sự được quy định tại Điều 68 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014. Theo Điều luật này, Chấp hành viên có thể áp dụng một cách độc lập hoặc đồng thời áp dụng cả hai biện pháp: tạm giữ tài sản của đương sự và tạm giữ giấy tờ của đương sự.

Biện pháp này khác biện pháp phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ ở chỗ: Đối tượng để bảo đảm thi hành án không phải là tiền mà là tài sản hoặc giấy tờ có liên quan đến việc thi hành án như giấy đăng ký xe mô tô, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… hoặc các tài sản có thể xử lý được để thi hành án. Nếu như biện pháp phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ chỉ được áp dụng khi Chấp hành viên đã xác định được số dư trong tài khoản của người phải thi hành án hoặc khi đương sự yêu cầu thì biện pháp này được áp dụng ngay cả trong trường hợp chưa xác định được chủ sở hữu của tài sản, giấy tờ bị tạm giữ.

  • Thủ tục áp dụng biện pháp tạm giữ tài sản, giấy tờ của đương sự

Theo quy định tại Điều 68 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014, Chấp hành viên đang thực hiện nhiệm vụ thi hành án có quyền tạm giữ tài sản, giấy tờ liên quan đến việc thi hành án mà đương sự, tổ chức, cá nhân khác đang quản lý, sử dụng. Cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ, thực hiện yêu cầu của Chấp hành viên trong việc tạm giữ tài sản, giấy tờ. (Đây là quy định mới theo Luật sửa đổi, bổ sung nhằm nhấn mạnh trách nhiệm phối hợp của cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan mà không chỉ là việc tham gia hỗ trợ).

Quyết định tạm giữ tài sản, giấy tờ phải xác định rõ loại tài sản, giấy tờ bị tạm giữ và Chấp hành viên phải giao quyết định này cho đương sự hoặc tổ chức, cá nhân đang quản lý, sử dụng.

Trường hợp cần tạm giữ ngay tài sản, giấy tờ mà chưa ban hành quyết định tạm giữ tài sản, giấy tờ thì Chấp hành viên yêu cầu giao tài sản, giấy tờ và lập biên bản về việc tạm giữ. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi lập biên bản, Chấp hành viên phải ban hành quyết định tạm giữ tài sản, giấy tờ. Biên bản, quyết định tạm giữ tài sản, giấy tờ phải được gửi ngay cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.

Khi tạm giữ tài sản, giấy tờ phải lập biên bản có chữ ký của Chấp hành viên và người đang quản lý, sử dụng tài sản, giấy tờ. Trường hợp người đang quản lý, sử dụng tài sản, giấy tờ không ký thì phải có chữ ký của người làm chứng. Biên bản tạm giữ tài sản, giấy tờ phải được giao cho người quản lý, sử dụng tài sản, giấy tờ.

Chấp hành viên yêu cầu đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp các giấy tờ, tài liệu cần thiết để chứng minh quyền sở hữu, sử dụng; thông báo cho đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về quyền khởi kiện yêu cầu xác định quyền sở hữu, sử dụng đối với tài sản, giấy tờ tạm giữ. Trường hợp cần thiết, Chấp hành viên phải xác minh, làm rõ hoặc yêu cầu Tòa án, cơ quan có thẩm quyền xác định người có quyền sở hữu, sử dụng đối với tài sản, giấy tờ tạm giữ. Quy định này tạo thêm điều kiện cho Chấp hành viên xác định đúng đắn hơn quyền sở hữu, sử dụng tài sản, giấy tờ để xử lý theo đúng quy định.

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có căn cứ xác định tài sản, giấy tờ tạm giữ thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án, Chấp hành viên phải ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định; trường hợp có căn cứ xác định tài sản, giấy tờ không thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án hoặc thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án nhưng đã thực hiện xong nghĩa vụ của mình thì Chấp hành viên phải ra quyết định trả lại tài sản, giấy tờ cho người co quyền sở hữu, sử dụng. (Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định thời hạn này là 15 ngày).

2.3. Biện pháp tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản

  • Bản chất và điều kiện áp dụng biện pháp tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản

Ngoài biện pháp phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ, tạm giữ giấy tờ, tài sản mà đương sự, tổ chức, cá nhân khác đang quản lý, sử dụng thì biện pháp bảo đảm thi hành án cũng có thể được tiến hành trên các động sản, bất động sản của người phải thi hành án thông qua việc quyết định tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản của người phải thi hành án nhằm ngăn chặn hoặc tạm dừng các hành vi của người phải thi hành án như chuyển quyền sở hữu, sử dụng, tẩu tán, hủy hoại, thay đổi hiện trạng tài sản. Biện pháp này được áp dụng đối với các động sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc bất động sản của người phải thi hành án và là tiền đề cho việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án như kê biên, xử lý tài sản (quyền sở hữu trí tuệ, động sản, bất động sản) của người phải thi hành án; cưỡng chế trả vật, chuyển quyền sử dụng đất.

Hiện nay, có rất nhiều tài sản, quyền tài sản mà việc chuyển dịch quyền sở hữu, sử dụng phải đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền như vốn góp của tổ chức, cá nhân tại doanh nghiệp; quyền sử dụng đất; phương tiện cơ giới… Đối với những tài sản này, để thực hiện mua bán, chuyển nhượng, các bên tham gia quan hệ mua bán, chuyển nhượng phải thực hiện thông quan việc đăng ký tại phòng đăng ký kinh doanh, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, nhưng trong trường hợp nhất định quyền sở hữu, sử dụng của bên mua, bên nhận chuyển nhượng chỉ được xác lập khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký.

  • Thủ tục áp dụng biện pháp tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản

Theo quy định Điều 69 Luật Thi hành án năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014 và Điều 19 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP thì trường hợp cần ngăn chặn hoặc phát hiện đương sự có hành vi chuyển quyền sở hữu, sử dụng, tẩu tán, hủy hoại, thay đổi hiện trạng tài sản, trốn tránh việc thi hành án, Chấp hành viên ra quyết định tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản của người phải thi hành án, tài sản chung của người phải thi hành án với người khác.

Quyết định tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản phải được gửi ngay cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan (như Phòng đăng ký kinh doanh, Văn phòng đăng ký quyền sở hữu nhà và sử dụng đất, một số cơ quan khác và người phải thi hành án) để tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản đó.

Chấp hành viên yêu cầu đương sự, cơ quan, tổ chức, cả nhân có liên quan cung cấp các giấy tờ, tài liệu cần thiết để chứng minh quyền sở hữu, sử dụng; thông báo cho đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về quyền khởi kiện yêu cầu xác định quyền sở hữu, sử dụng đối với tài sản. Trường hợp cần thiết, Chấp hành viên phải xác minh, làm rõ hoặc yêu cầu Tòa án, cơ quan có thẩm quyền xác định quyền sở hữu, sử dụng tài sản để thi hành án, giải quyết tranh chấp tài sản, yêu cầu hủy giấy tờ, giao dịch có liên quan đến tài sản theo quy định của pháp luật. Quy định này nhằm tạo điều kiện cho Chấp hành viên có cơ sở chắc chắn trong việc ra các quyết định tiếp theo để thi hành án. Đây cũng là một điểm mới trong Luật Thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014.

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có căn cứ xác định tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án, Chấp hành viên phải ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định; trường hợp có căn cứ xác định tài sản không thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án thì Chấp hành viên phải ra quyết định chấm dứt việc tạm dừng đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản. Điều 69 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ra quyết định tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản, Chấp hành viên phải thực hiện việc kê biên tài sản hoặc chấm dứt việc tạm dừng, việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản. Tuy nhiên, đối với những tài sản có giá trị lớn, phải đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì thời gian để xác minh theo Luật Thi hành án dân sự năm 2008 là quá ngắn, không khả thi. Do vậy, Luật Thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014 đã có sự thay đổi hợp lý hơn về thời hạn tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản là 10 ngày, kể từ ngày có căn cứ xác định tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án.

3. Thực trạng áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự và một số kiến nghị

3.1. Thực trạng áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự

Quy chế số 01/QCLN/NHNNVN-BTP ngày 18/03/2015 về phối hợp giữa Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tư pháp trong công tác thi hành án dân sự đã phát huy vai trò quan trọng trong công tác phối hợp, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm sự thống nhất trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của từng ngành, tạo chuyển biến tích cực trong công tác thi hành án dân sự liên quan đến tín dụng, ngân hàng. Tuy nhiên, còn một số tồn tại, hạn chế như: việc phối hợp có lúc, có nơi còn chưa đáp ứng yêu cầu, thể hiện ở việc cơ quan thi hành án dân sự còn chậm thụ lý vụ việc thi hành án của các tổ chức tín dụng; các tổ chức tín dụng không thực hiện yêu cầu của Chấp hành viên và cơ quan thi hành án dân sự trong việc phong tỏa hoặc khấu trừ tiền trong tài khoản…[3]

Cơ chế quản lý tài sản ở nước ta hiện nay còn thiếu minh bạch, các giao dịch kinh tế, dân sự hiện nay vẫn chủ yếu được thực hiện bằng hình thức thanh toán tiền mặt, do đó kiểm soát được thu nhập, tài sản của tổ chức, cá nhân và cũng gây khó khăn cho việc áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ.

Công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành ở một số địa phương, đơn vị có lúc, có việc còn chưa quyết liệt, thiếu sâu sát; việc nghiên cứu các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự chưa sâu, nên khi áp dụng còn lúng túng, sai sót; một số Chấp hành viên chưa kiên quyết áp dụng biện pháp bảo đảm và cưỡng chế để tổ chức thi hành dứt điểm việc thi hành án[4].

3.2. Một số kiến nghị

– Về pháp lý, theo ý kiến cá nhân, không nên quy định Chấp hành viên phải thông báo trước cho đương sự về việc phong tỏa tài khoản, việc thông báo có thể diễn ra sau khi đã tiến hành phong tỏa. Bởi hiện nay, việc thực hiện các giao dịch thông qua Ngân hàng, các tổ chức tín dụng diễn ra rất nhanh chóng, chẳng hạn như giao dịch rút tiền trong tài khoản tại ATM chỉ diễn ra trong thời gian rất ngắn.

– Về tổ chức

+ Cơ quan thi hành án cần phối hợp chặt chẽ hơn với các cơ quan công an, Tòa án, Viện kiểm sát, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng các biện pháp thi hành án dân sự cũng như trong toàn bộ quá trình thi hành án dân sự.

+ Tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, hướng dẫn xây dựng chương trình công tác, tổ chức rút kinh nghiệm. Việc rút kinh nghiệm cần được xây dựng dựa trên báo cáo, đánh giá của từng chấp hành viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình và phải được tổ chức hàng năm. Trong đó, các chấp hành viên cần chỉ rõ những khó khăn, bất cập tại sao không thể thi hành được để có hướng dẫn cụ thể trong từng trường hợp. Thường xuyên tổ chức các buổi gặp gỡ, trao đổi, rút kinh nghiệm về công tác phối hợp với các cơ quan, ban, ngành hữu quan đã tham gia quá trình hỗ trợ thi hành án.

Các biện pháp bảo đảm thi hành án có vai trò quan trọng, làm cơ sở cho việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án trong những trường hợp cần thiết. Các biện pháp này hỗ trợ cho việc thi hành các bản án, quyết định, góp phần đảm bảo hiệu lực thi hành bản án, quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, bảo vệ quyền và nghĩa vụ dân sự được ghi nhận trong bản án, quyết định cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tập thể, cá nhân.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Luật Thi hành án dân sự năm 2008;
  2. Luật Thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014;
  3. Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/07/2015 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự;
  4. Nghị định số 58/2008/NĐ-CP ngày 13/07/2008 của Chính phủ;
  5. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật thi hành án dân sự Việt Nam, Hà Nội – 2011;
  6. Phạm Thi Minh Hằng, Biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự, Khóa luận tốt nghiệp, Hà Nội – 2012;
  7. TS. Trần Anh Tuấn, Một số điểm mới của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 về biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự (Trường Đại học Luật Hà Nội, Những điểm mới của Luật Thi hành án dân sự năm 2008, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường, Chủ nhiệm đề tài: TS. Bùi Thị Huyền, Hà Nội – 2011);

[1] Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật thi hành án dân sự Việt Nam,  Hà Nội – 2011, trang 187

[2] Phạm Thi Minh Hằng, Biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự, Khóa luận tốt nghiệp, Hà Nội – 2012, trang 25

[3] http://thads.moj.gov.vn/noidung/tintuc/Lists/TuThucTien/View_Detail.aspx?ItemID=295

[4] http://www.noichinh.vn/tin-tuc-su-kien/tin-dia-phuong/201512/lai-chau-ket-qua-cong-tac-thi-hanh-an-dan-su-nam-2015-299447/

Các bài luận liên quan:


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191