Theo bản án sơ, phúc thẩm tuyên buộc ngân hàng nông nghiệp nông thôn chi nhánh Chợ Xóm mới Nha Trang phải trả giấy tờ nhà cho gia đình chúng tôi (vì không được công chứng, không đăng ký giao dịch bảo đảm). Tôi có làm đơn yêu cầu Cục Thi hành án tỉnh Khánh Hòa thi hành theo bản án của tòa. Nhưng đến nay đã hơn 8 tháng (240 ngày) cơ quan thi hành án vẫn không làm thủ tục để cưỡng chế. Xin hỏi thời gian theo qui định là bao nhiêu ngày kể từ ngày nộp đơn yêu cầu thi hành án, để cơ quan thi hành án tiến hành cưỡng chế theo luật định. Nếu cơ quan thi hành án cố tình kéo dài thời gian cưỡng chế thì tôi phải đơn gửi đến những cơ quan nào để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình? Xin chân thành cảm ơn, và mong nhận được sự phúc đáp!
Gửi bởi: phan thị thu hà
Trả lời có tính chất tham khảo
Theo quy định tại Điều 9 Luật THADS năm 2008 thì Nhà nước khuyến khích đương sự tự nguyện thi hành án. Người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành thì bị cưỡng chế thi hành án theo quy định của Luật này.
Căn cứ Điều 45 và Điều 46 Luật THADS, thời hạn tự nguyện thi hành án là 15 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án. Trường hợp cần ngăn chặn người phải thi hành án có hành vi tẩu tán, huỷ hoại tài sản hoặc trốn tránh việc thi hành án thì Chấp hành viên có quyền áp dụng ngay các biện pháp quy định tại Chương IV của Luật này. Hết thời hạn quy định nêu trên, người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành án thì bị cưỡng chế. Không tổ chức cưỡng chế thi hành án trong thời gian từ 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau, các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật và các trường hợp đặc biệt khác do Chính phủ quy định.
Tuy pháp luật hiện nay chưa quy định cụ thể bao nhiêu ngày sau khi hết thời hạn tự nguyện mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành án thì Chấp hành viên phải thực hiện cưỡng chế thi hành án, nhưng trách nhiệm của Chấp hành viên là phải tổ chức việc thi hành án, áp dụng biện pháp cưỡng theo luật định, không được chây lười trong công tác. Vì vậy, nếu sự việc đúng như nội dung bà nêu thì Chấp hành viên cơ quan thi hành án chậm thực hiện việc cưỡng chế theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp có lý do chính đáng.
Việc cưỡng chế THADS do Chấp hành viên thực hiện, do đó căn cứ Điều 142 Luật THADS, bà khiếu nại đến Cục trưởng Cục THADS tỉnh Khánh Hòa, nếu Chấp hành viên đó không phải là Cục trưởng Cục THADS tỉnh Khánh Hòa để giải quyết khiếu nại lần đầu. Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Cục trưởng Cục THADS tỉnh Khánh Hòa thì bà khiếu nại tiếp đến Tổng cục trưởng Tổng cục THADS thuộc Bộ Tư pháp để được giải quyết khiếu nại lần hai. Quyết định giải quyết khiếu nại của Tổng cục trưởng Tổng cục THADS thuộc Bộ Tư pháp có hiệu lực thi hành.
Việc cưỡng chế thi hành án buộc ngân hàng nông nghiệp nông thôn chi nhánh Chợ Xóm mới Nha Trang phải trả giấy tờ nhà cho gia đình bà thực hiện theo Điều 116 Luật THADS về cưỡng chế trả giấy tờ. Theo đó, Chấp hành viên ra quyết định cưỡng chế buộc người phải thi hành án trả giấy tờ cho người được thi hành án.Trường hợp người phải thi hành án không thực hiện thì Chấp hành viên cưỡng chế buộc người đó trả giấy tờ để thi hành án. Trường hợp xác định người thứ ba đang giữ giấy tờ phải trả thì Chấp hành viên yêu cầu người đó giao giấy tờ đang giữ, nếu người thứ ba không tự nguyện giao thì Chấp hành viên cưỡng chế buộc người đó giao giấy tờ để thi hành án.
Trường hợp giấy tờ không thể thu hồi được nhưng giấy tờ nhà có thể cấp lại thì Chấp hành viên yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ra quyết định hủy giấy tờ đó và cấp giấy tờ mới cho người được thi hành án.
Các văn bản liên quan:
Luật 26/2008/QH12 Thi hành án dân sự
Trả lời bởi: Lê Anh Tuấn – Tổng cục THADS
Tham khảo thêm:
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.