Tôi có ngươi bạn làm giám đốc một công ty và có đứng ra vay 200 triệu với tư cách cá nhân nhưng đóng dấu của công ty. Hỏi tài sản của công ty đó có bị ảnh hưởng gì không nếu anh ấy không có khả năng trả nợ? Tôi được biết tài sản của công ty đó chưa được viết hóa đơn giá trị gia tăng.
Gửi bởi: Nguyen Van Hiep
Trả lời có tính chất tham khảo
Bạn của anh đứng ra vay tiền với tư cách cá nhân nhưng có đóng dấu của công ty:
+ Nếu nội dung hợp đồng vay tiền thể hiện bạn của anh không nhân danh công ty ký hợp đồng, việc vay tiền chỉ là giao dịch cá nhân thì công ty không phải chịu trách nhiệm dân sự bằng tài sản của mình đối với nghĩa vụ trả nợ do bạn của anh thực hiện. Trừ trường hợp công ty của bạn anh là doanh nhiệp tư nhân và bạn của anh là chủ sở hữu doanh nghiệp đồng thời là giám đốc thì vốn đầu tư của doanh nghiệp có thể được đưa ra để thực hiện nghĩa vụ trả nợ trong trường hợp cần thiết.
+ Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005, Giám đốc doanh nghiệp có thể là người đại diện của doanh nghiệp, có quyền nhân danh doanh nghiệp ký kết hợp đồng; cũng có thể không phải là người đại diện của doanh nghiệp, không có quyền ký kết hợp đồng nhân danh doanh nghiệp.
Nếu bạn của anh nhân danh công ty ký hợp đồng vay tiền thì các trường hợp như sau có thể xảy ra:
– Trường hợp thứ nhất: Giám đốc là người đại diện của công ty (được quy định trong điều lệ của doanh nghiệp và thể hiện trên Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh), việc xác lập giao dịch nằm trong phạm vi đại diện.
Khoản 1 điều 93 Bộ luật Dân sự quy định: “Pháp nhân phải chịu trách nhiệm dân sự về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện nhân danh pháp nhân”. Theo đó, công ty của bạn anh phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ đối với hợp đồng vay tiền do bạn của anh nhân danh công ty xác lập.
Riêng trường hợp công ty là doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân, nếu giám đốc là đại diện theo pháp luật hoặc giám đốc là đại diện theo ủy quyền và việc nhân danh công ty ký kết hợp đồng vay tiền nằm trong phạm vi ủy quyền thì công ty cũng phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ đối với giao dịch do giám đốc xác lập.
– Trường hợp thứ hai: Giám đốc không phải là người đại diện của công ty, không có quyền nhân danh công ty xác lập, thực hiện giao dịch (theo quy định tại điều lệ của doanh nghiệp và thể hiện trên Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh).
Đối với giao dịch dân sự do người không có quyền đại diện xác lập, thực hiện, điều 145 Bộ luật Dân sự quy định:
“1. Giao dịch dân sự do người không có quyền đại diện xác lập, thực hiện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện, trừ trường hợp người đại diện hoặc người được đại diện đồng ý. Người đã giao dịch với người không có quyền đại diện phải thông báo cho người được đại diện hoặc người đại diện của người đó để trả lời trong thời hạn ấn định; nếu hết thời hạn này mà không trả lời thì giao dịch đó không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện, nhưng người không có quyền đại diện vẫn phải thực hiện nghĩa vụ đối với người đã giao dịch với mình, trừ trường hợp người đã giao dịch biết hoặc phải biết về việc không có quyền đại diện.
2. Người đã giao dịch với người không có quyền đại diện có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hoặc huỷ bỏ giao dịch dân sự đã xác lập và yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp người đó biết hoặc phải biết về việc không có quyền đại diện mà vẫn giao dịch.”
Trong trường hợp này, bạn anh không có quyền đại diện công ty ký kết hợp đồng vay tiền. Do đó, doanh nghiệp không có trách nhiệm đối với nghĩa vụ trong hợp đồng vay tiền, bạn của anh phải tự mình thực hiện nghĩa vụ trả nợ bằng tài sản cá nhân, trừ trường hợp đại diện hợp pháp của doanh nghiệp đồng ý thực hiện nghĩa vụ này hoặc bên cho vay biết hoặc phải biết về việc bạn anh không có quyền đại diện công ty.
– Trường hợp thứ ba: Giám đốc là người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp nhưng Hợp đồng vay tiền được xác lập vượt quá phạm vi đại diện.
Điều 146 Bộ luật Dân sự quy định:
“1. Giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người được đại diện đối với phần giao dịch được thực hiện vượt quá phạm vi đại diện, trừ trường hợp người được đại diện đồng ý hoặc biết mà không phản đối; nếu không được sự đồng ý thì người đại diện phải thực hiện nghĩa vụ đối với người đã giao dịch với mình về phần giao dịch vượt quá phạm vi đại diện.
2. Người đã giao dịch với người đại diện có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hoặc huỷ bỏ giao dịch dân sự đối với phần vượt quá phạm vi đại diện hoặc toàn bộ giao dịch dân sự và yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp người đó biết hoặc phải biết về việc vượt quá phạm vi đại diện mà vẫn giao dịch.”
Trong trường hợp này, bạn của anh đã ký hợp đồng vay tiền vượt quá phạm vi đại diện cho doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp không có trách nhiệm đối với nghĩa vụ trả nợ, bạn của anh phải tự mình thực hiện nghĩa vụ trả nợ bằng tài sản cá nhân; trừ trường hợp người có thẩm quyền của doanh nghiệp (Chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân, hội đồng thành viên của công ty TNHH hai thành viên trở lên, chủ sở hữu của công ty TNHH một thành viên, Đại hội đồng cổ đông của công ty cổ phần, Hội đồng thành viên của công ty hợp danh…) đồng ý hoặc không phản đối giao dịch này.
Đối với việc doanh nghiệp chưa được lập hóa đơn giá trị gia tăng, có thể do doanh nghiệp chưa thực hiện các thủ tục về phát hành hóa đơn giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên điều này không ảnh hưởng đến trách nhiệm dân sự của doanh nghiệp đối với người có quyền và nghĩa vụ liên quan.
Các văn bản liên quan:
Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự
Luật 60/2005/QH11 Doanh nghiệp
Trả lời bởi: CTV1
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.