Chồng tôi là người nước ngoài. Anh ấy đã có lập di chúc để lại tài sản cho một người ở quê anh ấy. Nay anh ấy kết hôn và sinh sống với tôi tại Việt Nam. Anh ấy muốn thay đổi người được thừa kế là tôi. Vậy anh ấy phải làm gì? Xin các bạn hãy giúp đỡ chúng tôi. Cảm ơn các bạn rất nhiều.
Gửi bởi: Trần Thị Ca
Trả lời có tính chất tham khảo
Pháp luật mỗi nước quy định về quyền sở hữu tài sản, quyền thừa kế tài sản khác nhau. Câu hỏi bạn đưa ra không nói rõ chồng bạn là người nước nào nên chúng tôi không thể tư vấn cụ thể cho bạn được. Do vậy, bạn nên tìm hiểu quy định pháp luật của nước đó, hoặc có thể xin tư vấn tại cơ quan ngoại giao của nước đó đặt tại Việt Nam. Dưới đây, chúng tôi nêu ra một số quy định của Pháp luật Việt Nam về quyền sở hữu tài sản và quyền thừa kế tài sản để bạn có thể tham khảo.
1. Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của pháp luật. Tài sản theo Điều 163 Bộ luật Dân sự bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản.
Chủ sở hữu là cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác có đủ ba quyền là quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt tài sản.
Chủ sở hữu có quyền bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để thừa kế, từ bỏ hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác phù hợp với quy định của pháp luật đối với tài sản.
2. Về thừa kế tài sản: Điều 631 Bộ luật Dân sự quy định: cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.
– Người lập di chúc có các quyền sau đây:
+ Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế;
+ Phân định phần di sản cho từng người thừa kế;
+ Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng;
+ Giao nghĩa vụ cho người thừa kế;
+ Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.
– Các hình thức di chúc:
Ðiều 651 BLDS quy định về Di chúc miệng như sau:
+ Trong trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa do bệnh tật hoặc các nguyên nhân khác mà không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng.
+ Sau ba tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.
Ðiều 655 BLDS quy định Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng:
+ Người lập di chúc phải tự tay viết và ký vào bản di chúc.
+ Việc lập di chúc bằng văn bản không có người làm chứng phải tuân theo quy định tại Ðiều 653 BLDS về nội dung di chúc.
Ðiều 656 BLDS quy định về Di chúc bằng văn bản có người làm chứng
+ Trong trường hợp người lập di chúc không thể tự mình viết bản di chúc thì có thể nhờ người khác viết, nhưng phải có ít nhất là hai người làm chứng. Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc.
Ðiều 657 BLDS về Di chúc có công chứng hoặc chứng thực
Người lập di chúc có thể yêu cầu công chứng hoặc chứng thực bản di chúc.
Ðiều 660 BLDS: Di chúc bằng văn bản có giá trị như di chúc được công chứng, chứng thực
Di chúc bằng văn bản có giá trị như di chúc được công chứng hoặc chứng thực bao gồm:
+ Di chúc của quân nhân tại ngũ có xác nhận của thủ trưởng đơn vị từ cấp đại đội trở lên, nếu quân nhân không thể yêu cầu công chứng hoặc chứng thực;
+ Di chúc của người đang đi trên tàu biển, máy bay có xác nhận của người chỉ huy phương tiện đó;
+ Di chúc của người đang điều trị tại bệnh viện, cơ sở chữa bệnh, điều dưỡng khác có xác nhận của người phụ trách bệnh viện, cơ sở đó;
+ Di chúc của người đang làm công việc khảo sát, thăm dò, nghiên cứu ở vùng rừng núi, hải đảo có xác nhận của người phụ trách đơn vị;
+ Di chúc của công dân Việt Nam đang ở nước ngoài có chứng nhận của cơ quan lãnh sự, đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước đó;
+ Di chúc của người đang bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh có xác nhận của người phụ trách cơ sở đó.
– Bộ luật dân sự còn quy định về việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc như sau:
+ Người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc vào bất cứ lúc nào.
+ Trong trường hợp người lập di chúc bổ sung di chúc thì di chúc đã lập và phần bổ sung có hiệu lực pháp luật như nhau; nếu một phần của di chúc đã lập và phần bổ sung mâu thuẫn nhau thì chỉ phần bổ sung có hiệu lực pháp luật.
+ Trong trường hợp người lập di chúc thay thế di chúc bằng di chúc mới thì di chúc trước bị hủy bỏ.
Như vậy, Pháp luật Việt Nam quy định, chủ sở hữu tài sản là cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình. Việc lập di chúc có thể được thay thế bất cứ lúc nào. Khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực pháp luật.
Các văn bản liên quan:
Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự
Trả lời bởi: CTV3
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.