Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự hiện nay
Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự năm 2014 đã khắc phục những điểm bất cập của Luật năm 2008 và sửa đổi, bổ sung một số quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục thi hành bản án, quyết định dân sự, hình phạt tiền, tịch thu tài sản, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, xử lý vật chứng, tài sản, án phí và quyết định dân sự trong bản án, quyết định hình sự… Những sửa đổi, bổ sung này cũng đánh dấu sự phát triển và hoàn thiện pháp luật về thi hành án dân sự (THADS) và cơ cấu tổ chức bộ máy của cơ quan THADS từ trung ương đến địa phương, về mối quan hệ với các cơ quan hữu quan nhằm tăng cường hiệu quả tổ chức và quản lý hoạt động THADS, góp phần quan trọng trong việc giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, trong thực tiễn thi hành, vẫn tồn tại nhiều vướng mắc, bất cập phát sinh từ thực tiễn nhưng chưa được sửa đổi. Bên cạnh đó, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thi hành án dân sự năm 2014 chưa cụ thể hóa, nên cơ quan THADS và chấp hành viên gặp nhiều lúng túng, khó khăn trong công tác thi hành. Điều đó được thể hiện ở các vấn đề sau:
Thứ nhất, trong công tác xác minh điều kiện thi hành án
Luật Thi hành án dân sự quy định thời hạn xác minh trong thi hành án chủ động là 10 ngày, nhưng trong quá trình áp dụng quy định này có một số bất cập như sau:
(i) Theo Điều 45 Luật Thi hành án dân sự hiện hành, thời hạn tự nguyện thi hành án là 15 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được hoặc được thông báo hợp lệ. Chấp hành viên Chi cục THADS huyện Quan Sơn, Thanh Hóa quyết định thi hành án, nhưng nếu đương sự tự nguyện thi hành án, thì kết quả xác minh của chấp hành viên không có giá trị.
(ii) Trong trường hợp kết quả xác minh xác định người phải thi hành án không có điều kiện thi hành án, mà theo quy định tại khoản 3 Điều 48 Luật Thi hành án dân sự: “Thời hạn ra quyết định hoãn thi hành án là 05 ngày làm việc, kể từ ngày có căn cứ hoãn thi hành án quy định tại khoản 1 điều này”. Như vậy, nếu ra quyết định hoãn thì không đúng quy định vì chưa hết thời gian tự nguyện thi hành án, nếu không ra quyết định hoãn thì không đúng khoản 3 Điều 48 Luật Thi hành án dân sự.
Do vậy, việc đảm bảo thời hạn xác minh theo quy định hiện hành đang là vấn đề rất khó thực hiện trên thực tế.
Thứ hai, về việc thực hiện thông báo thi hành án
Đây là hoạt động của chấp hành viên, cán bộ và cơ quan THADS nhằm làm cho đương sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan biết được quyền và nghĩa vụ của mình phát sinh trong quá trình tổ chức thi hành bản án, quyết định. Là hoạt động diễn ra thường xuyên, vì vậy, việc thông báo trong THADS có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm đảm bảo tính khách quan, minh bạch trong hoạt động thi hành án và là cơ sở để áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án. Đây là hình thức thông báo cuối cùng, có tính chất rộng rãi nhất, nhưng hiện nay, phần lớn các chấp hành viên và cơ quan THADS dễ hiểu sai, thực hiện sai các hình thức thông báo.
Điều 43 Luật Thi hành án dân sự quy định về điều kiện áp dụng hình thức thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng: (a) Chỉ khi pháp luật có quy định; hoặc (b) khi đương sự có yêu cầu. Tuy nhiên thực tế hiện nay, một số chấp hành viên và cơ quan THADS vẫn thực hiện trong trường hợp người được thi hành án yêu cầu cơ quan thi hành án thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng về các quyết định, văn bản để người được thi hành án nắm được. Điều này là hoàn toàn trái với quy định của điều luật đã quy định ở trên và hoàn toàn có thể xảy ra khiếu nại của người phải thi hành án với lý do cơ quan thi hành án thông báo không đúng hình thức, gây ảnh hưởng đến uy tín của họ. Cũng cần lưu ý, khi thực hiện thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng theo yêu cầu của người được nhận thông báo, chấp hành viên cần lưu lại văn bản yêu cầu cũng như văn bản thể hiện kết quả thông báo để làm cơ sở. Sau khi đã xác định có đủ cơ sở để áp dụng thì khi đó thông báo mới được thực hiện trên phương tiện thông tin đại chúng và thủ tục thông báo sẽ được thực hiện theo khoản 2, 3 Điều 43 Luật Thi hành án dân sự.
Trong suốt quá trình tổ chức thi hành bản án, quyết định, việc thông báo về thi hành án diễn ra không chỉ duy nhất một lần mà có thể phải thực hiện thường xuyên, điều này ảnh hưởng lớn đến việc đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có nắm được quyền, nghĩa vụ của mình hay không để thực hiện. Điều đó cũng quyết định đến hiệu quả của hoạt động thi hành án, đây cũng là một yếu tố đánh giá chất lượng hoạt động THADS. Vì vậy, việc nhận thức, áp dụng đúng, đủ các quy định của pháp luật về thông báo thi hành án là rất quan trọng và cần thiết. Chấp hành viên và cơ quan thi hành án không thể chủ quan để gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự.
Thứ ba, về vấn đề miễn, giảm trong thi hành án dân sự
Điều 61 Luật Thi hành án dân sự quy định một trong những điều kiện để được miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước là người phải thi hành án phải thi hành được một phần nghĩa vụ. Quy định này rất khó thực hiện trong thực tiễn vì rất nhiều vụ việc đủ điều kiện về thời gian nhưng người phải thi hành án không có khả năng thi hành dù khoản tiền rất nhỏ, gia đình người phải thi hành án thuộc hộ nghèo ở địa phương hoặc người phải thi hành án là người nước ngoài, không rõ địa chỉ… Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng án tồn đọng kéo dài nhiều năm nhưng không có biện pháp giải quyết dứt điểm. Mặt khác, tại điểm a khoản 3 Điều 61 Luật Thi hành án dân sự quy định: “Năm năm kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng” thì được xét miễn giảm, nhưng trên thực tế, một số vụ việc đã đủ điều kiện về thời gian nhưng giá trị còn lại trên 5 triệu đồng đến dưới 10 triệu đồng khi đề nghị giảm không được Tòa án, Viện kiểm sát chấp nhận do Luật Thi hành án dân sự không quy định, thậm chí có những trường hợp đã đề nghị và được xét giảm đến dưới 10 triệu đồng phải dừng lại không được xét giảm tiếp mà phải đợi đủ thời gian 10 năm để xét miễn.
Từ những vấn đề nêu trên, để công tác THADS đạt được hiệu quả cao hơn, điều kiện thực hiện nghiệp vụ của chấp hành viên được thuận lợi hơn, chúng tôi đề xuất một số giải pháp cơ bản sau đây:
Một là, cần phải quy định rõ về người được thi hành án tự xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án. Đây là quyền quan trọng của người được thi hành án, song thực tiễn cho thấy nhiều trường hợp chấp hành viên phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật khác, tiến hành tổ chức xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án còn gặp khó khăn thì người được thi hành án nhiều khi không thể tự xác minh được. Vì vậy, không nên quy định người được thi hành án phải chứng minh là áp dụng các biện pháp cần thiết mà không thể tự xác minh được điều kiện thi hành án của người phải thi hành án thì có thể đề nghị chấp hành viên xác minh. Mà nên quy định: “Chấp hành viên tổ chức xác minh khi có yêu cầu của người được thi hành án”.
Hai là, cần thiết phải sửa đổi quy định người phải thi hành án “đã thi hành được ít nhất bằng 1/20 khoản phải thi hành, nhưng giá trị không được thấp hơn mức án phí không có giá ngạch” là điều kiện bắt buộc để xét miễn, giảm. Thực tế cho thấy, sẽ là rất khó khăn trong công tác xét miễn, giảm đối với những trường hợp thi hành các khoản thu nộp ngân sách nhà nước trên 5.000.000 đồng mà người phải thi hành án hoàn toàn không có điều kiện để nộp, số vụ việc trên chiếm rất lớn tại các cơ quan thi hành án dân sự. Do vậy, cần sửa đổi, bổ sung về điều kiện, trình tự thủ tục, phối hợp liên ngành trong việc xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với người phải thi hành án tránh rườm rà, bất cập như hiện nay.
Ba là, hoàn thiện hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hànhLuật Thi hành án dân sự theo hướng đồng bộ, thống nhất với Luật, nhằm tạo cơ sở pháp lý thống nhất đồng thời đó cũng là điều kiện thuận lợi để các chấp hành viên tổ chức thi hành án đạt hiệu quả cao.
Bốn là, cụ thể hóa các quy định của Luật về sự phối hợp giữa các cơ quan hữu quan và chính quyền địa phương trong công tác THADS. Thực tế cho thấy, hiệu quả của công tác thi hành án phụ thuộc nhiều vào sự phối hợp của các cơ quan hữu quan và chính quyền cơ sở. Nhưng trong thực tiễn không phải lúc nào cũng nhận được sự phối hợp chặt chẽ trong hoạt động thi hành án như việc tống đạt các quyết định, văn bản, việc xác minh điều kiện thi hành án, cưỡng chế, định giá tài sản, việc xem xét trả lời những kiến nghị của cơ quan THADS.
Lê Hùng Cường
Chi cục THADS huyện Quan Sơn, Thanh Hóa
Tham khảo thêm:
- Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bán đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh Ninh Bình
- Tranh chấp trong kinh doanh và thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng trong kinh doanh theo pháp luật Việt Nam hiện nay
- Nâng cao hiệu quả bán đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự
- Người chuyển giới trong đời sống xã hội và pháp luật Việt Nam
- Người chuyển giới và pháp luật thế giới về người chuyển giới
- Thừa phát lại ở Bỉ – Một vài kinh nghiệm cho Việt Nam
- Giao dịch bất động sản qua sàn: “Lợi bất cập hại” giữ hay bỏ?
- Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) – Một số vấn đề cần bàn luận
- Thời hiệu áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong xử lý vi phạm hành chính
- Vấn đề sáp nhập doanh nghiệp – trường hợp miễn trừ đối với tập trung kinh tế bị cấm, cần được hướng dẫn áp dụng
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.
Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN