TƯ DUY LẠI SỰ PHÁT TRIỂN CỦA VIỆT NAM

TƯ DUY LẠI SỰ PHÁT TRIỂN CỦA VIỆT NAM

Picture  PHẠM CHI LAN (Nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng)

Điều đáng sợ nhất của chúng ta hiện nay là đứng yên trong khi cả thế giới đang chuyển động, đó là chia sẻ từ một số đồng chí cán bộ quản lý cấp cao khi trao đổi với tôi. Chúng ta không thể đứng yên để giữ ổn định được, bởi đứng yên đồng nghĩa với tụt hậu.

Nhìn lại nội hàm của đổi mới trong ba mươi năm qua

Đổi mới trong ba mươi năm qua thực chất là đổi mới từ cơ chế kinh tế tập trung bao cấp sang kinh tế thị trường, từ kinh tế một thành phần sang đa thành phần, trong đó khu vực tư nhân là động lực rất mạnh để phát triển; từ kinh tế khép kín sang mở cửa, hội nhập;từ quản lý tập trung sang phân cấp, phân quyền (vừa với hàm nghĩa phân cấp phân quyền để cho người dân được tự do làm những điều luật pháp không cấm, đặc biệt là quyền kinh doanh, vừa là phân cấp phân quyền trong bộ máy nhà nước như giữa trung ương và địa phương). Thực chất của quá trình đổi mới chính là mở rộng quyền và cơ hội lựa chọn trong hoạt động đầu tư và kinh doanh của người dân và điều chỉnh dần vai trò của nhà nước.

Tuy nhiên, trên thực tế đổi mới trong thời gian qua mới chủ yếu về kinh tế, trong khi giáo dục, văn hóa, xã hội… còn ít và chậm đổi mới, chưa đáp ứng yêu cầu, thậm chí cản trở sự phát triển của đất nước. Điển hình như lĩnh vực giáo dục đã góp phần khiến đất nước rơi vào bẫy lao động giá rẻ, không thể thoát khỏi tình trạng sản xuất gia công, nguồn nhân lực có chất lượng luôn bị thiếu thốn bấy lâu nay. Đại hội Đảng lần thứ 11, rồi Đại hội 12 đều nhấn mạnh Chiến lược 10 năm 2011-2020, trong đó ba đột phá chiến lược là cải cách thể chế, phát triển nguồn nhân lực và hạ tầng. Trong ba mục tiêu đó, cải cách thể chế thực sự đến giờ vẫn còn nhiều bế tắc, nên Thủ tướng luôn phải đưa vấn đề này vào chương trình hành động hằng năm, các diễn đàn ở Quốc hội và nhiều nơi khác cũng thường xuyên đề cập đến cải cách thể chế, đổi mới mô hình tăng trưởng, và Hội nghị TW 5 vừa rồi cũng vậy.

Những yếu tố quyết định thành công trong đổi mới

Những yếu tố quan trọng nhất dẫn tới thành công trong đổi mới thời gian qua là: Cách tiếp cận thực tế về trình tự và tiến độ cải cách, tránh gây sốc, thực hiện từng bước trên cơ sở đồng thuận; tranh thủ thế mạnh của đất nước, ban đầu tập trung vào các ngành sản xuất thâm dụng lao động và nông nghiệp; ưu tiên khai thác nguồn nhân lực; sử dụng các hiệp định thương mại quốc tế để vượt qua những cải cách khó khăn (từ yêu cầu của các hiệp định mà chúng ta mở cửa mạnh mẽ hơn, tạo điều kiện kinh doanh tốt hơn cho doanh nghiệp trong nước).

Tuy nhiên, còn có những yếu tố quan trọng khác mà Việt Nam chưa phát huy tốt. Trước hết là chúng ta chưa xây dựng được nhà nước với thiết chế, vai trò và năng lực phù hợp với điều kiện chuyển từ nền kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường. Thứ hai là thể chế kinh tế thị trường đến nay vẫn chưa hoàn thiện, vẫn còn cơ chế xin – cho nửa nhà nước, nửa thị trường. Thứ ba là chưa phát huy mạnh mẽ vốn xã hội (không chỉ là nguồn nhân lực, mà còn là sự gắn kết xã hội). Chúng ta chưa huy động được sự tham gia của người dân vào xây dựng chính sách, luật pháp, xã hội cũng như quá trình góp ý, giám sát nhà nước, mà chỉ huy động để họ tự làm ăn, tự kiếm sống. Thậm chí, trên một số phương diện sự tham gia lên tiếng của người dân ngày càng thiếu hiệu quả. Ví dụ, khi chúng tôi hỏi các doanh nghiệp, ngày càng nhiều doanh nghiệp cho biết họ không lên tiếng nữa, bởi nói mãi rồi mà không mang lại sự thay đổi. Trong cuộc đối thoại với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa rồi, năm vấn đề phần lớn các doanh nghiệp đưa ra cũng giống như trong cuộc đối thoại đầu tiên do nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải tổ chức cách đây 20 năm, chưa kể nhiều vấn đề doanh nghiệp kêu là phức tạp hơn cả cách đây 20 năm như tệ tham nhũng, đòi hỏi bôi trơn. Thứ tư là chúng ta lãng phí rất nhiều nguồn lực tri thức, kĩ năng, công nghệ trong và ngoài nước. Tổng kết 25 năm thu hút đầu tư nước ngoài của Bộ KH&ĐT cũng nói rằng cái kém nhất trong thu hút đầu tư vào Việt Nam là chuyển giao công nghệ. Kể cả những đơn vị nhân danh là đầu tư công nghệ cao ở Việt Nam nhưng giá trị gia tăng là rất nhỏ. Năm ngoái, nhóm nghiên cứu của trường Fulbright ở TP HCM làm một nghiên cứu đánh giá 10 năm hoạt động của Intel ở Việt Nam, kết quả cho thấy Việt Nam chỉ tạo ra 3% giá trị gia tăng của Intel, còn 97% vẫn là của họ. Hiệu quả sử dụng nguồn lực tri thức trong nước còn thấp một phần do cách tuyển dụng.

Việt Nam có nguy cơ đang đi theo mô hình phát triển nền kinh tế zombie (zombie economy), cứ tiếp tục tăng trưởng GDP nhưng thực chất không bền vững, thịnh vượng, bất bình đẳng xã hội gia tăng và chi phí về môi trường ngày càng nặng nề. Đây không chỉ là vấn đề riêng của Việt Nam mà đang hiện hữu ở nhiều nước khác. Việt Nam cần có sự thay đổi tư duy về phát triển, một cách rộng rãi hơn, có thể tạm gọi là mô hình phát triển hạnh phúc quốc gia, hay kinh tế cộng đồng… tốt nhất là “đi chậm hơn” chứ không đánh đổi tăng trưởng bằng mọi giá. Theo phát biểu của TS.Andrew Wells – Dang, Chuyên gia tư vấn cao cấp của Oxfam Việt Nam tại Hội thảo Xã hội dân sự thường niên lần 2, ngày 9/6/2017.

Một số cơ hội đổi mới mạnh bên trong và về quan hệ đối ngoại đã bị bỏ lỡ. Ví dụ năm 1997- 1998 xảy ra khủng hoảng tài chính khu vực, chúng ta không kịp đổi mới nhiều ngoài việc ra được Luật Doanh nghiệp năm 1999. Cơ hội hoàn tất BTA với Mỹ cũng bị chậm mất hơn một năm. Đến khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 là cơ hội để rất nhiều nước sắp xếp lại nền kinh tế hoặc cải cách nhưng Việt Nam cũng không tận dụng, thậm chí tệ hơn là chúng ta đã “cải lùi” khi bơm ra một gói kích cầu tương đương 8 – 9 tỉ USD (cao nhất trên thế giới nếu tính trên tổng GDP), phần lớn tiền rơi vào các nhóm lợi ích khác nhau, để lại cả một hệ quả nợ công, nợ xấu nặng nề.

Sáu chuyển đổi căn bản cần thực hiện

Báo cáo Việt Nam 2035 do Chính phủ Việt Nam và Worlbank đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình cao, hướng tới một xã hội thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ vào năm 2035 (theo OECD thì phải đến năm 2058 Việt Nam mới trở thành nước giàu) – xem Bảng 1.



Bảng 1: Khát vọng của Việt Nam tới năm 2035. Nguồn: Báo cáo Việt Nam 2035, Chính phủ VN và Ngân hàng Thế giới, 2016.

Để đạt được mục tiêu cao nhất của Báo cáo cũng rất khó, đòi hỏi tăng trưởng GDP bình quân đầu người phảiở mức 7%, tức là tăng GDP khoảng 8 – 9% trong 20 năm liên tục. Nhưng Việt Nam vẫn có thể làm được, với điều kiện phải có thay đổi đột phá về thể chế, và về đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ. Ba trụ cột chính mà Báo cáo chỉ ra là: thịnh vượng về kinh tế đi đôi với bền vững về môi trường; công bằng và hòa nhập xã hội; nhà nước có năng lực và trách nhiệm giải trình.

Để thúc đẩy tăng trưởng một cách bền vững, sáu chuyển đổi căn bản Việt Nam cần thực hiện là:

– Hiện đại hóa nền kinh tế, phát triển khu vực kinh tế tư nhân.

– Phát triển năng lực đổi mới sáng tạo về công nghệ và giáo dục.

– Nâng cao hiệu quả của quá trình đô thị hóa.

– Phát triển bền vững về môi trường và tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu

– Đảm bảo công bằng và hòa nhập xã hội cho các nhóm yếu thế cùng với sự phát triển của xã hội trung lưu.

– Xây dựng một Nhà nước pháp quyền hiện đại với nền kinh tế thị trường đầy đủ, hội nhập và xã hội dân chủ phát triển ở trình độ cao.

Về kinh tế, các biện pháp cải cách có tác động ngay là tạo môi trường thuận lợi để nâng cao năng lực cạnh tranh và năng suất của khu vực tư nhân trong nước; cải cách toàn diện khu vực doanh nghiệp nhà nước; tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo định hướng thị trường, hiện đại hóa, thương mại hóa nông nghiệp; tận dụng các cơ hội hội nhập quốc tế, tham gia hiệu quả các chuỗi giá trị toàn cầu (GVCs). Các biện pháp cải cách có tác động dài hạn: Học tập (cải cách giáo dục) và đổi mới sáng tạo; Đô thị hóa và mở rộng không gian phát triển; Đảm bảo bền vững về môi trường.

Về xã hội, có ba nhóm vấn đề chính cần giải quyết. Thứ nhất, nhóm vấn đề bất bình đẳng: cải thiện giáo dục, điều kiện dinh dưỡng, vệ sinh cho người dân tộc thiểu số; thực hiện các cam kết giúp người tàn tật hòa nhập xã hội; cung cấp các dịch vụ xã hội (tách khỏi hộ khẩu) cho người nhập cư; bình đẳng cho phụ nữ với việc xóa phân biệt tuổi nghỉ hưu, tăng cơ hội đào tạo và chọn lựa công việc, vấn đề giới tính khi sinh. Thứ hai, nhóm vấn đề già hóa dân số và yêu cầu của tầng lớp trung lưu, với hệ thống hưu trí, bảo trợ xã hội, bảo hiểm y tế; chất lượng hệ thống giáo dục, y tế và các dịch vụ. Thứ ba là vấn đề lao động: đảm bảo tiếng nói người lao động và vai trò công đoàn, tổ chức của giới chủ; hoàn thiện và thực thi Luật Lao động.

Về thể chế, hoàn thiện ba trụ cột của nhà nước hiện đại: Nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường đầy đủ, xã hội dân chủ phát triển:

Nhà nước pháp quyền (đây có thể coi là yêu cầu cấp bách nhất hiện nay): Nhà nước được tổ chức hợp lý; thiết chế nhà nước gắn kết và đồng bộ; bộ máy hành chính gọn nhẹ, dựa trên chức nghiệp thực tài; quốc hội chuyên nghiệp; tư pháp độc lập và có đủ năng lực; thực thi đầy đủ nguyên tắc pháp quyền, xóa khoảng cách giữa pháp luật và thực thi pháp luật; có cơ chế đảm bảo sự tham gia rộng rãi của người dân trong quá trình hoạch định chính sách;

Kinh tế thị trường đầy đủ: Vai trò của khu vực công – khu vực tư, lợi ích công-tư được phân định rạch ròi trong quan hệ giữa nhà nước và thị trường; kinh tế thị trường năng động và cạnh tranh; khu vực tư nhân là động lực cho tăng trưởng; nền kinh tế có sân chơi bình đẳng, quyền tài sản được bảo đảm và minh bạch; Nhà nước tuân thủ các nguyên tắc thị trường trong hoạch định chính sách kinh tế (phân bổ nguồn lực theo hiệu quả chứ không chia theo thành phần kinh tế hay chính sách ưu đãi mang tính chủ quan);

Xã hội dân chủ phát triển:Bảm đảm tiếng nói mạnh mẽ của người dân và xã hội trong quan hệ giữa nhà nước và xã hội; khung pháp lý và không gian cho người dân thực hiện quyền cơ bản và các quyền dân chủ khác; cơ chế buộc các cơ quan công quyền minh bạch và có trách nhiệm giải trình đối với người dân.

Để thực hiện sáu chuyển đổi nêu trên, thách thức lớn nhất trước hết là thay đổi tư duy của các nhà lãnh đạo và hoạch định chính sách để bắt kịp nhu cầu phát triển của đất nước và đòi hỏi của nhân dân. Chúng ta từng lo lắng rằng những thay đổi lớn sẽ gây bất ổn, nhưng đất nước là trên hết, đất nước mà không phát triển được thì sẽ dẫn tới những bất ổn còn lớn hơn. Cần nhận thức rõ bối cảnh thay đổi trong nước và trên thế giới để thực sự cải cách, tạo động lực mới để phát triển. Trước đây chúng ta dựa vào FDI và xuất khẩu là động lực chính của nền kinh tế, đến giờ khi khó khăn về FDI và xuất khẩu thì chúng ta mới nói nhiều hơn tới khu vực tư nhân trong nước là động lực quan trọng để phát triển. Nhưng vấn đề là phải thực sự cải cách để tạo động lực phát triển cho khu vực tư nhân chứ không chỉ dừng trên các văn bản, nghị quyết. Sự ám ảnh về vai trò quá lớn của nhà nước là không hợp lý, vì trong kinh tế thị trường các yếu tố cần phải điều chỉnh dần theo thời gian, theo quy luật phát triển tự nhiên chứ không phải nhà nước dẫn dắt tất cả. Cần xác định rõ vai trò, chức năng, cấu trúc của “nhà nước kiến tạo” trong quan hệ tương tác với thị trường và xã hội.

Cuối cùng, theo suy nghĩ của tôi, không nên chỉ theo đuổi mục tiêu tăng trưởng bao nhiêu phần trăm GDP. Hãy kỳ vọng một Việt Nam giàu có (RICH) theo hàm nghĩa nhân văn, trong đó có thể bền bỉ chống chịu được với các cú sốc (Resilient); luôn đổi mới sáng tạo, chống sức ỳ, vươn tới những giá trị tốt đẹp hơn (Innovative); kết nối giữa các tác nhân, các ngành, các vùng, hình thành các liên kết phát triển ở trong và ngoài nước để tạo thành sức mạnh cạnh tranh (Connecting); phát triển hài hòa về kinh tế, xã hội, văn hóa và môi trường (Harmonious). Đây là các “chỉ số” mềm nhưng có thể đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển của đất nước trong thời gian tới.



Bảng 2: Quy mô kinh tế so với quy mô dân số, so sánh Việt Nam và Trung Quốc. Nguồn: Báo cáo Việt Nam 2035.

Đầu thế kỷ 19, Việt Nam tương đương với Trung Quốc về vị thế cùng gần bằng 1.0. Trong quá trình phát triển sau đó, cả Việt Nam và Trung Quốc đều “đi xuống” về quy mô kinh tế. Tuy nhiên, Trung Quốc đã “bật lên” được, trong khi khả năng Việt Nam khôi phục lại quy mô kinh tế còn rất vất vả. Kỳ vọng là tới 2035 Việt Nam mới có thể đạt được ngưỡng 0.8 của năm 1820.

SOURCE: TẠP CHÍ TIA SÁNG ĐIỆN TỬ

Trích dẫn từ: http://tiasang.com.vn/-dien-dan/Tu-duy-lai-su-phat-trien-cua-Viet-Nam-10758


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191