NGHỊ ĐỊNH SỐ 94/2017/NĐ-CP NGÀY 10 THÁNG 8 NĂM 2017 VỀ HÀNG HÓA, DỊCH VỤ, ĐỊA BÀN THỰC HIỆN ĐỘC QUYỀN NHÀ NƯỚC TRONG HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI

NGHỊ ĐỊNH SỐ 94/2017/NĐ-CP NGÀY 10 THÁNG 8 NĂM 2017 VỀ HÀNG HÓA, DỊCH VỤ, ĐỊA BÀN THỰC HIỆN ĐỘC QUYỀN NHÀ NƯỚC TRONG HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật cạnh tranh ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật thương mại ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp ngày 26 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật doanh nghiệp ngày 26 tháng 11 năm 2014;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương;

Chính phủ ban hành Nghị định về hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại,

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định việc thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại bao gồm:

1. Nguyên tắc thực hiện hoạt động thương mại độc quyền nhà nước.

2. Danh mục hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện hoạt động thương mại độc quyền nhà nước.

3. Trách nhiệm của các chủ thể thực hiện hoạt động thương mại độc quyền nhà nước.

4. Trách nhiệm kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước đối với các chủ thể thực hiện hoạt động thương mại độc quyền nhà nước.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động thương mại độc quyền nhà nước và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

Độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại (hoạt động thương mại độc quyền nhà nước) là các hoạt động thương mại chỉ do cơ quan nhà nước có quyền thực hiện hoặc các tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao thực hiện.

Chương II

THỰC HIỆN ĐỘC QUYỀN NHÀ NƯỚC TRONG HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI

Điều 4. Nguyên tắc thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại

1. Chỉ thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu mà Nhà nước cần phải độc quyền liên quan đến quốc phòng, an ninh, đảm bảo lợi ích quốc gia hoặc các thành phần kinh tế khác không có nhu cầu và khả năng tham gia.

2. Cơ quan nhà nước có quyền thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại thông qua hình thức trực tiếp thực hiện hoặc chỉ định cho tổ chức, cá nhân thực hiện. Việc chỉ định phải do Thủ trưởng cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định bằng văn bản.

3. Hoạt động thương mại độc quyền nhà nước phải được thực hiện dưới sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật.

4. Bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương các cấp không được quy định hoạt động, hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện hoạt động thương mại độc quyền nhà nước. Đối với hàng hóa, dịch vụ, địa bàn phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an.

Điều 5. Danh mục hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại

1. Ban hành kèm theo Nghị định này Danh mục hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại (sau đây gọi tắt là Danh mục).

2. Danh mục quy định cụ thể hàng hóa, dịch vụ độc quyền nhà nước và hoạt động thương mại độc quyền nhà nước tương ứng với hàng hóa, dịch vụ độc quyền đó.

Điều 6. Cơ chế sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thuộc Danh mục

1. Hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thuộc Danh mục được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ trên cơ sở xem xét yêu cầu quản lý nhà nước do bộ, cơ quan ngang bộ hoặc Ủy ban nhân dân các tỉnh đề xuất hoặc theo đề nghị bằng văn bản thể hiện nhu cầu và khả năng tham gia của doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế vào các hoạt động thương mại đối với các hàng hóa, dịch vụ độc quyền nhà nước thuộc Danh mục.

2. Bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm xem xét các đề nghị của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế để đánh giá khả năng của doanh nghiệp trong việc đáp ứng các điều kiện đầu tư kinh doanh, các điều kiện đảm bảo an ninh, quốc phòng, lợi ích quốc gia và các điều kiện khác theo quy định của pháp luật có liên quan.

3. Bộ Công Thương chịu trách nhiệm tiếp nhận, tổng hợp các đề xuất, và phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan xem xét, đánh giá các đề xuất, báo cáo Chính phủ quyết định việc sửa đổi, bổ sung Danh mục.

4. Hồ sơ, trình tự, thủ tục đề nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung và việc sửa đổi, bổ sung Danh mục được thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đối với trường hợp sửa đổi, bổ sung Nghị định của Chính phủ.

Điều 7. Trách nhiệm của các chủ thể trực tiếp thực hiện độc quyền nhà nước

Các chủ thể trực tiếp thực hiện độc quyền nhà nước có các trách nhiệm sau đây:

1. Các tổ chức, cá nhân, các cơ quan nhà nước hoạt động thương mại trong lĩnh vực độc quyền nhà nước chịu các biện pháp kiểm soát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật cạnh tranh, pháp luật về giá và quy định của pháp luật có liên quan.

2. Các cơ quan nhà nước thực hiện hoạt động dự trữ quốc gia phải tuân thủ theo quy định của pháp luật dự trữ quốc gia.

3. Việc sử dụng vốn nhà nước của các doanh nghiệp nhà nước vào kinh doanh các hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục phải tuân thủ theo pháp luật về quản lý và sử dụng vốn nhà nước.

Điều 8. Trách nhiệm của các cơ quan nhà nước quản lý các chủ thể trực tiếp thực hiện hoạt động thương mại độc quyền nhà nước

Các cơ quan nhà nước quản lý các chủ thể trực tiếp thực hiện hoạt động thương mại độc quyền nhà nước có trách nhiệm kiểm tra, giám sát hoạt động thương mại độc quyền nhà nước của các chủ thể này như sau:

1. Thực hiện các trách nhiệm của chủ sở hữu vốn nhà nước được giao theo quy định của Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước vào sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, Luật doanh nghiệp.

2. Thực hiện chế độ giám sát, kiểm tra, báo cáo việc thực hiện chiến lược, kế hoạch; mục tiêu, nhiệm vụ được giao của các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

3. Tuân thủ các quy định tại khoản 2, 3, 4 Điều 6 và Điều 15 Luật cạnh tranh.

4. Các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm rà soát Danh mục và gửi đề xuất sửa đổi, bổ sung Danh mục tới Bộ Công Thương để tổng hợp, báo cáo trình Chính phủ.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 10 năm 2017.

Điều 10. Trách nhiệm thi hành

1. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện các quy định tại Nghị định này.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

XEM TOÀN VĂN NGHỊ ĐỊNH VÀ PHỤ LỤC KÈM THEO TẠI ĐÂY


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191