Câu hỏi của khách hàng: Chuyển quyền sử dụng đất cho con gái 8 tuổi thì phải làm thế nào?
Các bác các anh các chị cho cháu hỏi
CHÁU BỊ ỐM NẶNG, NAY MUỐN CHUYỂN QUYỀN Sử dụng ĐẤT CHO CON GÁI CHÁU 8 Tuổi dưới sự giám hộ của chị gái cháu 44 tuổi có được không ạ? Thủ tục có rườm rà không ạ? Quyền sở hữu nhà đất của con gái cháu có được đảm bảo không liên quan đến cháu nữa không ạ?
Luật sư Tư vấn Luật Đất đai – Gọi 1900.0191
Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.
1./ Thời điểm tư vấn: 21/12/2018
2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề người được đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
- Luật Đất đai 2013;
- Bộ luật Dân sự 2015;
3./ Luật sư trả lời Chuyển quyền sử dụng đất cho con gái 8 tuổi thì phải làm thế nào?
Luật Đất đai năm 2013 hiện nay không quy định về độ tuổi được đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, pháp luật dân sự quy định về người chưa thành niên thực hiện giao dịch dân sự có thể phải cần có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật. Đối với trường hợp của bạn, chúng tôi có những tư vấn như sau:
Thứ nhất, về tư cách pháp lý của người được giám hộ và người giám hộ. Điều 47 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định người được giám hộ bao gồm:
– Người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc không xác định được cha, mẹ;
– Người chưa thành niên có cha, mẹ nhưng cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; cha, mẹ đều bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con; cha, mẹ đều không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con và có yêu cầu người giám hộ;
– Người mất năng lực hành vi dân sự;
– Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
Trường hợp của con của bạn năm nay 8 tuổi, được xác định là người chưa thành niên. Khi đó, nếu cả cha và mẹ bé đều không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con và có yêu cầu người giám hộ thì bé thuộc đối tượng được giám hộ.
Đối với người giám hộ, pháp luật dân sự quy định cá nhân phải đáp ứng các điều kiện nhất định mới có thể trở thành người giám hộ. Cụ thể, Điều 49 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định cá nhân làm người giám hộ phải đáp ứng:
– Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
– Có tư cách đạo đức tốt và các điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ;
– Không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xoá án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác;
– Không phải là người bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con chưa thành niên.
Do đó, trong trường hợp bạn có yêu cầu, chị gái của bạn phải đáp ứng đủ các điều kiện trên thì mới có thể trở thành người giám hộ cho con bạn.
Thứ hai, về quyền đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền của người sử dụng đất của con gái bạn. Việc bạn chuyển quyền sử dụng đất sang cho con gái bạn thực chất là một giao dịch tặng cho quyền sử dụng đất. Pháp luật đất đai không có quy định về độ tuổi được phép đứng tên trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Việc nhận tặng cho đất cũng phù hợp với quy định pháp luật dân sự về năng lực hành vi dân sự, cụ thể tại Điều 20, Bộ luật Dân sự 2015 quy định về năng lực hành vi dân sự của người chưa thành niên từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi như sau: “…Người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi hoặc pháp luật có quy định khác…”
Trong trường hợp của bạn, việc tặng cho quyền sử dụng đất là hoàn toàn theo ý chí tự nguyện; con gái bạn cũng có đủ điều kiện nhận tặng cho theo quy định của pháp luật. Do đó, giao dịch tặng cho quyền sử dụng đất có hiệu lực pháp lý. Con gái bạn được phép đứng tên trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với mảnh đất trên. Sau khi được sang tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, con gái bạn hoàn toàn có các quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất đối với mảnh đất được tặng cho. Tuy nhiên, vì hiện tại con gái chị mới 8 tuổi, là đối tượng chưa thành niên nên theo quy định của pháp luật dân sự, quyền thực hiện các giao dịch đối với mảnh đất bị hạn chế, phải được sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật (tức là người giám hộ – chị gái bạn nếu con gái bạn thuộc đối tượng được giám hộ và chị gái bạn có đủ điều kiện trở thành người giám hộ).
Như vậy, pháp luật về đất đai hoàn toàn không đề cập đến tuổi tối thiểu hay tối đa để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trường hợp bé thuộc đối tượng cần được giám hộ, bạn nên lựa chọn yêu cầu một người đáng tin cậy và có đủ điều kiện để trở thành người giám hộ cho bé nhằm đảm bảo tốt nhất quyền lợi của bé (đặc biệt là đối với mảnh đất để lại). Tuy nhiên, trên thực tế việc cấp sổ đỏ cho người chưa thành niên gặp rất nhiều khó khăn, các cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận tỏ ra lúng túng trước việc cấp sổ đỏ cho người chưa thành niên vì cho rằng người chưa thành niên không thể thực hiện giao dịch mà quên đi vai trò của người đại diện theo pháp luật.
Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.
Tham khảo thêm bài viết:
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.
Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN