Câu hỏi của khách hàng: Có cách nào để biết người khác có tài khoản tại ngân hàng để phong tỏa
Mọi người cho m hỏi. Trong các biện pháp khẩn cấp tạm thời có biện pháp phong tỏa tài sản tại ngân hàng… có cách nào để biết người đó có tiền gửi tại các ngân hàng để yêu cầu Tòa án áp dụng không? Cảm ơn mọi người.
Luật sư Tư vấn Bộ luật Tố tụng dân sự – Gọi 1900.0191
Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.
1./ Thời điểm tư vấn: 29/09/2018
2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Biện pháp phong tỏa tài khoản ngân hàng, tổ chức tín dụng khác
Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015
3./ Luật sư trả lời Có cách nào để biết người khác có tài khoản tại ngân hàng để phong tỏa
Biện pháp khẩn cấp tạm thời là biện pháp tòa án quyết định áp dụng trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự nhằm giải quyết nhu cầu cấp bách của đương sự, bảo toàn tình trạng tài sản, bảo vệ bằng chứng hoặc bảo đảm thi hành án. Trong đó, biện pháp thường được áp dụng liên quan đến tài sản chính là “Phong tỏa tài sản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước; phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ” và việc áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản tại ngân hàng được quy định như sau:
Căn cứ Điều 124 Bộ luật Tố tụng dân sự:
“Điều 124. Phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước
Phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người có nghĩa vụ có tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước và việc áp dụng biện pháp này là cần thiết để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án.”
Bên cạnh đó Khoản 1 và Khoản 2 Điều 111 Bộ Luật Tố tụng dân sự như sau:
“Điều 111. Quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
1.Trong quá trình giải quyết vụ án, đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án quy định tại Điều 187 của Bộ luật này có quyền yêu cầu Tòa án đang giải quyết vụ án đó áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 114 của Bộ luật này để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, thu thập chứng cứ, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án.
2.Trong trường hợp do tình thế khẩn cấp, cần phải bảo vệ ngay chứng cứ, ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 114 của Bộ luật này đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện cho Tòa án đó.”
Căn cứ tại Khoản 10 Điều 114 Bộ luật Tố tụng dân sự có biện pháp khẩn cấp tạm thời đó là “Phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước; phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ”.
Theo đó, khi có căn cứ cho rằng việc áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản tại ngân hàng của bị đơn là cần thiết để bảo vệ lợi ích hợp pháp của nguyên đơn thì nguyên đơn hoàn toàn có thể làm đơn yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp “phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước”, trong đó ghi rõ lý do áp dụng. Sau khi nhận được đơn yêu cầu này, Tòa án sẽ sử dụng quyền lực của mình để yêu cầu bị đơn hoặc ngân hàng cung cấp thông tin về tài khoản ngân hàng của bị đơn, yêu cầu ngân hàng phong tỏa tài khoản tại ngân hàng của bị đơn nếu thấy cần thiết.
Vấn đề bạn đưa ra là làm thế nào để biết ai có tài khoản ngân hàng, nếu bị đơn không hợp tác thì điều này là không thể do tính bảo mật thông tin khách hàng của các ngân hàng, tổ chức tín dụng. Ngân hàng, tổ chức tín dụng sẽ chỉ cung cấp thông tin khách hàng trái với ý muốn của chính khách hàng đó khi có văn bản của cơ quan có thẩm quyền yêu cầu. Do đó, để biết thông tin này bạn cần có sự hợp tác của bị đơn hoặc làm đơn yêu cầu Tòa án sử dụng quyền lực của mình để yêu cầu bị đơn, ngân hàng cung cấp thông tin. Tuy nhiên, khi yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Tòa án sẽ là người đi xác minh và tiến hành kê biên tài sản của người bị yêu cầu khi có quyết định chính thức.
Như vậy, trong trường hợp của bạn, để biết cá nhân khác có tiền gửi ở ngân hàng hay không thì việc hợp tác của bên có tài khoản là rất cần thiết, nếu không có sự hợp tác của cá nhân đó thì bạn phải yêu cầu Tòa án sử dụng quyền lực để xác minh, phong tỏa tài khoản.
Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.
Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN