Một số vấn đề về thẩm quyền xét xử các tội phạm ở địa bàn thiết quân luật

Một số vấn đề về thẩm quyền xét xử các tội phạm ở địa bàn thiết quân luật

15/07/2013

Trong các vấn đề liên quan đến tổ chức, hoạt động của các Toà án, việc phân định thẩm quyền xét xử có vai trò rất quan trọng, chiếm vị trí trung tâm trong tố tụng hình sự. Xác định đúng đắn thẩm quyền xét xử của Toà án nói chung và thẩm quyền xét xử của các Toà án quân sự nói riêng có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng, hiệu quả hoạt động xét xử của Toà án các cấp xét từ góc độ pháp lý cũng như từ góc độ chính trị xã hội.

Để làm sáng tỏ cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc hoàn thiện thẩm quyền xét xử của của các Toà án quân sự, trong phạm vi bài viết này chúng tôi xin đề cập tới một nội dung rất quan trọng thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án quân sự đó là: Một số vấn đề về thẩm quyền xét xử của Toà án quân sự đối với các tội phạm xảy ra trong thời gian thiết quân luật và ở địa bàn thiết quân luật (gọi tắt là trong thời gian và địa bàn thiết quân luật). Trên cơ sở đó góp phần cho việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức Toà án nhân dân, Pháp lệnh Tổ chức Toà án quân sự cũng như các văn bản pháp luật khác có liên quan cho phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của công cuộc cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay.

1. Một số vấn đề về thẩm quyền xét xử các tội phạm ở địa bàn thiết quân luật

Tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XI đã thông qua Luật Quốc phòng số 39/2005/QHXI ngày 14 tháng 6 năm 2005, đây là đạo luật cơ bản có ý nghĩa cột sống để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về quốc phòng, quân sự. Luật Quốc phòng năm 2005 ra đời đã giải thích, quy định cụ thể thời điểm, thẩm quyền ban bố tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, thiết quân luật và giới nghiêm. Đây là những biện pháp hành chính đặc biệt của Nhà nước, là cơ sở pháp lý để Nhà nước chủ động xử lý các tình huống xảy ra, góp phần giữ vững chủ quyền an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, ổn định chính trị để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Theo khoản 9 Điều 3 Luật Quốc phòng quy định: Thiết quân luật là biện pháp quản lý nhà nước đặc biệt có thời hạn do Quân đội thực hiện. Nội dung này được làm rõ hơn tạiĐiều 32 của Luật Quốc phòng đó là: Khi an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở một hoặc một số địa phương bị xâm phạm tới mức chính quyền ở đó không còn kiểm soát được tình hình thì Chủ tịch nước ra lệnh thiết quân luật theo đề nghị của Chính phủ.

Như vậy, có thể hiểu việc thiết quân luật được thực hiện khi tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở một hoặc nhiều địa phương bị xâm phạm mà chính quyền, các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương không còn kiểm soát được tình hình, mất khả năng điều hành các hoạt động quản lý nhà nước; ví dụ như các cuộc biểu tình của nhân dân chống chính quyền, hoặc sự chống phá của các thế lực thù địch nổi dậy chống lại chính quyền làm cho chính quyền ở đó không còn kiểm soát được buộc Nhà nước phải thiết quân luật nhằm đảm bảo cho an ninh chính trị được ổn định.

Việc thiết quân luật nhằm bảo đảm cho các hoạt động của Nhà nước diễn ra theo đúng chương trình, kế hoạch bảo đảm cho vận mệnh đất nước và quyền lợi của nhân dân. Việc quản lý nhà nước tại địa bàn thiết quân luật trong thời gian thiết quân luật được giao cho quân đội thực hiện. Người chỉ huy đơn vị quân đội được giao quản lý địa bàn thiết quân luật có quyền ra lệnh áp dụng các biện pháp cần thiết để thực hiện lệnh thiết quân luật và chịu trách nhiệm về việc áp dụng các biện pháp đó. Căn cứ vào Lệnh của Chủ tịch nước về thiết quân luật Quyết định, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện lệnh thiết quân luật, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có trách nhiệm chỉ đạo, chỉ huy các đơn vị quân đội được giao thực hiện nhiệm vụ tại địa bàn địa phương thiết quân luật chấp hành đúng các quy định của pháp luật.

Chỉ thị 24/CT-TTg ngày 01/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức triển khai thi hành Luật Quốc phòng và Nghị định 32/CP/2009 ngày 03/4/2009 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quốc phòng về thiết quân luật như sau:

Trong trường hợp thi hành lệnh thiết quân luật, người chỉ huy quân đội được phép cấm hoặc hạn chế người, phương tiện đi lại; đình chỉ hoặc hạn chế hoạt động tại các nơi công cộng, cấm biểu tình, bãi công hoặc các cuộc tụ tập đông người trái phép; kịp thời giải tán các cuộc biểu tình, bạo loạn…

Khi thực hiện những lệnh này thì điều tiên quyết là mọi quyền và lợi ích hợp pháp khác của công dân luôn được pháp luật bảo vệ.

Nghị quyết 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị xác định việc đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp phải xoay quanh việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Ngành Toà án, trong đó xác định “Toà án có vị trí trung tâm và xét xử là hoạt động trọng tâm”. Một trong những định hướng quan trọng liên quan đến thẩm quyền xét xử của Toà án quân sự được đề cập trong Nghị quyết 49/NQ-TW là: “Nghiên cứu xác định hợp lý phạm vi thẩm quyền xét xử của Toà án quân sựtheo hướng Toà án quân sự chủ yếu xét xử các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm quân nhân, các tội liên quan đến bí mật quân sự…”. Đây là chủ trương mang tính định hướng chiến lược để Nhà nước, quân đội căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và hoạt động đặc thù của quân đội nghiên cứu xác định hợp lý phạm vi thẩm quyền xét xử của Toà án quân sự.

Căn cứ Nghị quyết 49/NQ-TW của Bộ Chính trị, Đảng uỷ quân sự Trung ương nay là Quân uỷ trung ương đã ra Nghị quyết số 67/NQ-ĐUQSTƯ ngày 08/3/2007 về việc thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp trong quân đội đến năm 2020. Nghị quyết đã xác định phương hướng, nhiệm vụ hoàn thiện thẩm quyền xét xử của Toà án quân sự như sau:

“Trên cơ sở thẩm quyền xét xử của Toà án quân sự theo quy định của pháp luật hiện hành, cần nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn về tổ chức, hoạt động và nhiệm vụ của quân đội, chú ý đến khách thể đặc biệt cần được bảo vệ là kỷ luật và sức mạnh chiến đấu của quân đội, yếu tố bí mật quân sự để xác định hợp lý phạm vi thẩm quyền xét xử của Toà án quân sự theo hướng: Các Toà án quân sự xét xử các vụ án hình sự mà người phạm tội là quân nhân tại ngũ, công nhân, công chức quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện, kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu, dân quân tự vệ phối thuộc với quân đội trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu và những vụ án hình sự do người khác phạm tội nhưng gây thiệt hại cho quân đội hoặc liên quan đến bí mật quân sự. Khi đất nước được tuyên bố trong tình trạng chiến tranh hoặc tình trạng khẩn cấp về quốc phòng thì Toà án quân sự xét xử tất cả các tội phạm xảy ra trong địa bàn thiết quân luật. Nghiên cứu đề nghị cơ quan có thẩm quyền giao cho Toà án quân sự xét xử các vụ án hành chính trong quân đội”.

Theo pháp luật hiện hành thì thẩm quyền xét xử của Toà án quân sự được quy định tại các Điều 170, 171, 172, 173 và các Điều 3, 4, 5, 22, 26, 29 Pháp lệnh Tổ chức Toà án quân sự; Thông tư liên tịch số 01/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 18/4/2005 của Toà án nhân dân tối cao – Viện kiểm sát nhân dân tối cao – Bộ Công an – Bộ Quốc phòng (viết tắt là thông tư liên tịch số 01) hướng dẫn thẩm quyền xét xử của Toà án quân sự, thì đối tượng phạm tội thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án quân sự như sau:

Quân nhân tại ngũ, công nhân, nhân viên quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu, dân quân tự vệ phối thuộc chiến đấu với quân đội và những người được trưng tậplàm nhiệm vụ quân sự do các đơn vị quân đội trực tiếp quản lý.

Những người không thuộc các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này mà phạm tội có liên quan đến bí mật quân sự hoặc gây thiệt hại cho quân đội.”

Đối với những người không còn phục vụ trong quân đội mà phát hiện hành vi phạm tội của họ đã được thực hiện trong thời gian phục vụ trong quân đội hoặc những người đang phục vụ trong quân đội mà phát hiện hành vi phạm tội của họ đã được thực hiện trước khi vào quân đội, thì Toà án quân sự xét xử những tội phạm có liên quan đến bí mật quân sự hoặc gây thiệt hại cho quân đội; những tội phạm khác do Toà án nhân dân xét xử.

Trong trường hợp vụ án vừa có bị cáo hoặc tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án quân sự, vừa có bị cáo hoặc tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án nhân dân thì thẩm quyền xét xử được thực hiện như sau:

– Trong trường hợp có thể tách vụ án thì Toà án quân sự xét xử những bị cáo và tội phạm theo quy định tại khoản 1 Điều 3 và Điều 4 của Pháp lệnh Tổ chức Toà án quân sự; những bị cáo và tội phạm khác thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án nhân dân;

– Trong trường hợp không thể tách vụ án thì Toà án quân sự xét xử toàn bộ vụ án.

Như vậy, cả bị cáo và tội phạm xảy ra trong thời gian và địa bàn thiết quân luật đều chưa được Bộ luật Tố tụng hình sự và Pháp lệnh Tổ chức Toà án quân sự quy định thuộc về thẩm quyền xét xử của Toà án quân sự. Mặt khác, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức Toà án nhân dân và Pháp lệnh Tổ chức Toà án quân sự và các văn bản hướng dẫn thẩm quyền xét xử của Toà án quân sự đều ra đời trước khi có Luật Quốc phòng. Vì vậy, các hoạt động tố tụng nói chung và hoạt động xét xử của Toà án quân sự đối với các tội phạm xảy ra trong thời gian và địa bàn thiết quân luật nói riêng chưa có một văn bản nào hướng dẫn thực hiện.

Nghiên cứu ngược thời gian chúng ta thấy, khi chưa có Luật Quốc phòng, theo quy định về thiết quân luật của Nhà nước ta tại Sắc lệnh số 77/SL ngày 29/5/1946 của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà quy định: Khi nào tình thế nghiêm trọng mà có thể phát sinh ra cuộc ngoại xâm hay nổi loạn to thì sẽ thiết quân luật. Chỉ có Chủ tịch Chính phủ dân chủ cộng hoà mới có quyền ký sắc lệnh thiết quân luật và định những nơi thiết quân luật. Khi thiết quân luật ở mỗi tỉnh nào thì bao nhiêu quyền hành chính trong tỉnh giao cả cho viên chỉ huy quân đội. Việc xử những vụ phạm pháp về khinh tội hay trọng tội sẽ giao cho Toà án quân sự. Tuy vậy, Toà án quân sự có thể tuỳ tiện để Toà án chuyên môn xử những việc thường.

Hay theo Sắc lệnh số 157/SL ngày 17/11/1950 Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hoà quy định:

Trong những vùng bị địch tạm chiếm có thể thiết lập một Toà án nhân dân vùng tạm bị chiếm, quản hạt của Toà án này có thể là một tỉnh, một số huyện trong nội tỉnh hay một số xã trong một huyện hay nhiều huyện. Toà án nhân dân vùng tạm bị chiếm do Nghị định Bộ trưởng Bộ Tư pháp thiết lập theo đề nghị của Uỷ ban kháng chiến hành chính liên khu sau khi hỏi Giám đốc Tư pháp. Nghị định sẽ định rõ quản hạt của Toà án được thành lập. Trong trường hợp cần thiết, Uỷ ban kháng chiến hành chính liên khu sau khi hỏi ý kiến Giám đốc Tư pháp liên khu có thể quyết định thành lập Toà án đó nhưng phải báo cáo ngay lên Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Toà án nhân dân vùng bị chiếm có thẩm quyền của Toà án nhân dân huyện, Toà án nhân dân tỉnh và Toà án quân sự. Các bản án đều được thi hành ngay về việc hình và hộ, Toà án nhân dân vùng bị chiếm thuộc quyền điều khiển của Toà án nhân dân tỉnh nếu quản hạt của Toà án nhân dân vùng tạm bị chiếm là một tỉnh thì trực thuộc quyền điều khiển của Toà án nhân dân liên khu hoặc Toà phúc thẩm. Việc xét xử các việc thuộc thẩm quyền của Toà án quân sự Toà án nhân dân vùng bị chiếm thuộc quyền điều khiển của Toà án quân sự liên khu và Uỷ ban kháng chiến hành chính liên khu. Nếu có Toà án nhân dân liên khu thì thuộc quyền điều khiển của Toà án nhân dân liên khu.

Từ những thông tư và các sắc lệnh trên chúng ta thấy trong thời gian đất nước mới giành được chính quyền cũng như trong chiến tranh và đặc biệt khi có lệnh thiết quân luật thì quyền hạn của quân đội và thẩm quyền xét xử các tội phạm của Toà án quân sự là rất rộng. Hầu như Toà án binh trong những năm tháng đó đảm nhiệm toàn bộ hoạt động tố tụng kể cả điều tra và xét xử tất cả các tội phạm. Bởi lẽ, trong tình hình lúc bấy giờ do chúng ta mới giành được chính quyền để bảo vệ chính quyền non trẻ đó đòi hỏi phải có sự chuyên chính mạnh mẽ thì mới đảm bảo giữ được chính quyền trên toàn cõi. Mặt khác, do thời bấy giờ chúng ta chưa có một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mọi công dân, tạo cho công dân có quyền bình đẳng trước pháp luật nên việc quy định và mở rộng quyền hạn cho quân đội nói chung cũng như thẩm quyền xét xử các tội phạm cho Toà án quân sự nói riêng là hoàn toàn phù hợp.

Mặt khác, xuất phát từ tính chất quan trọng của việc thiết quân luật để bảo vệ chủ quyền quốc gia, trật tự an toàn xã hội và giữ vững nền độc lập dân tộc, bảo vệ quyền lợi cho nhân dân thì hầu hết các tội phạm xảy ra trong thời gian đó đều giao cho Toà án quân sự xét xử cả khinh tội và trọng tội và Toà án quân sự còn có quyền cho hoặc không cho Toà án chuyên môn xử những việc thường. Luật Quốc phòng năm 2005 hiện nay quy định: Việc xét xử tội phạm xảy ra ở địa phương trong thời gian thi hành lệnh thiết quân luật do Toà án quân sự đảm nhiệm. Như vậy, cũng tương tự như trước đây, Luật Quốc phòng hiện nay xác định tất cả các tội phạm xảy ra trong thời gian và ở địa bàn thiết quân luật đều do Toà án quân sự xét xử tức là thẩm quyền xét xử chung của các Toà án quân sự không còn bó hẹp như quy định của Pháp lệnh Tổ chức Toà án quân sự và Thông tư liên tịch số 01/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 18/4/2005 của Toà án nhân dân tối cao – Viện kiểm sát nhân dân tối cao – Bộ Công an – Bộ Quốc phòng nữa mà đã được mở rộng, quy định này là hoàn toàn phù hợp với thực tế nhiệm vụ cách mạng trong tình hình hiện nay.

2. Việc xét xử các tội phạm của Tòa án quân sự trong một số trường hợp cụ thể

2.1. Người phạm tội, phạm tội trong thời gian thiết quân luật và ở địa bàn thiết quân luật

Đây là trường hợp đối tượng phạm tội là người thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án quân sự theo pháp luật hiện hành cũng như các đối tượng khác không thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án quân sự theo quy định của pháp luật hiện hành mà phạm tội trong thời gian và địa bàn thiết quân luật theo như quy định của Luật Quốc phòng năm 2005. Tất cả các đối tượng này đều thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án quân sự.

2.2. Người phạm tội vừa phạm tội trong thời gian và địa bàn thiết quân luật vừa phạm tội ngoài thời gian và ngoài địa bàn thiết quân luật

Đây là những trường hợp một người vừa phạm tội trong thời gian thiết quân luật và ở địa bàn thiết quân luật lại vừa phạm tội trước khi có lệnh thiết quân luật và ở ngoài địa bàn thiết quân luật. Theo quy định thì Toà án quân sự chỉ xét xử tội phạm xảy ra ở địa bàn thiết quân luật đối với mọi đối tượng, còn đối với dân thường tức là những người không thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án quân sự theo quy định của Pháp lệnh Tổ chức Toà án quân sự và Thông tư liên tịch số 01 thì thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án nhân dân. Tuy nhiên, trong những trường hợp này sẽ xảy ra hai trường hợp: một là, một người phạm tội trước khi có lệnh thiết quân luật và ở ngoài địa bàn thiết quân luật nhưng họ lại là đối tượng thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án quân sự theo như quy định của pháp luật hiện hành thì đương nhiên Toà án quân sự xét xử cả tội họ thực hiện trong thời gian và địa bàn thiết quân luật và các tội phạm mà họ thực hiện trước đó tức là Toà án quân sự xét xử toàn bộ vụ án; trường hợp thứ hai đó là thời gian phạm tội trước đó của họ không trong thời gian thiết quân luật, không thuộc địa bàn thiết quân luật và họ lại không phải là đối tượng thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án quân sự theo như các văn bản hướng dẫn hiện hành thì tuỳ từng trường hợp nếu quá trình điều tra tội phạm mà họ thực hiện trước đó thấy có khó khăn và ảnh hưởng đến việc xét xử kịp thời tội phạm mà họ thực hiện trong thời gian và ở địa bàn thiết quân luật, nếu thấy cần thiết phải tách vụ án thì Toà án nhân dân xét xử tội phạm của họ đã thực hiện trước đó còn các tội phạm mà họ thực hiện trong thời gian và thuộc địa bàn thiết quân luật thì do Toà án quân sự xét xử, còn nếu thấy việc điều tra các tội phạm mà họ thực hiện trước đó thuận lợi và không ảnh hưởng đến quyền tham gia theo tố tụng hình sự và lợi ích hợp pháp của người phạm tội thì Toà án quân sự xét xử toàn bộ vụ án.

Ngoài ra, qua nghiên cứu có ý kiến cho rằng trong những trường hợp này nên giao cho Toà án quân sự xét xử toàn bộ vụ án. Bởi lẽ, một mặt do tính chất nhiệm vụ và yêu cầu của tình thế cách mạng nếu việc thiết quân luật do yêu cầu của chiến tranh hoặc yêu cầu đặc biệt của công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Luật Quốc phòng quy định việc xét xử các tội phạm ở địa bàn thiết quân luật do Toà án quân sự đảm nhiệm một mặt do tính chất yêu cầu của việc thiết quân luật; mặt khác, chủ yếu mà pháp luật quan tâm đến đó là đối tượng thực hiện tội phạm, nên nếu người phạm tội thực hiện tội phạm ở địa bàn thiết quân luật và thực hiện cả tội phạm ở ngoài địa bàn thiết quân luật thì Toà án quân sự xét xử toàn bộ vụ án không nhất thiết phải tách vụ án ra để giao cho Toà án nhân dân xét xử mà vẫn bảo đảm quyền lợi cho bị cáo và cũng phù hợp với Sắc lệnh 77/SL ngày 29/5/1946 trước kia đó là ngoài việc xét xử những vụ phạm pháp về khinh tội và trọng tội Toà án quân sự có thể tuỳ tiện để cho Toà án chuyên môn xét xử những việc thường.

3. Địa bàn xét xử các tội phạm trong thời gian và địa bàn thiết quân luật

3.1. Quy định về phân định địa bàn xét xử của Tòa án quân sự

Theo quy định của pháp luật hiện hành nếu không có việc thiết quân luật thì việc xét xử của Toà án quân sự được thực hiện theo Quyết định số 79/2004/QĐ-BQP ngày 07/6/2004 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về phân định địa bàn xét xử của các Toà án quân sự. Theo đó, trong trường hợp địa bàn thiết quân luật thuộc về địa phương nào của quân khu, khu vực nào thì Toà án quân sự quân khu, khu vực đó sẽ thực hiện nhiệm vụ xét xử đối với các tội phạm ở địa bàn quân khu, khu vực đó, thẩm quyền xét xử của các Toà án quân sự các cấp vẫn thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự và các văn bản nêu trên. Tuy nhiên, khi thực hiện thẩm quyền xét xử các tội phạm trong thời gian và địa bàn thiết quân luật trong thực tế sẽ xảy ra một số trường hợp sau đây:

3.2. Địa bàn xét xử của Tòa án quân sự trong thời gian thiết quân luật

Khi địa bàn thiết quân luật trong phạm vi hẹp ở một hoặc một số địa phương và thuộc phạm vi của một quân khu, khu vực thì khi có tội phạm xảy ra thì Toà án quân sự quân khu, khu vực đó sẽ xét xử các vụ án theo thẩm quyền.

Khi địa bàn thiết quân luật ở nhiều địa phương, nhiều tỉnh và nhiều quân khu khác nhau thì tội phạm xảy ra ở địa phương nào, quân khu, khu vực nào thì quân khu, khu vực đó xét xử.

Trong trường hợp nếu địa bàn thiết quân luật ở nhiều tỉnh khác nhau hoặc nhiều quân khu, khu vựckhác nhau thì nếu tội phạm xảy ra ở tỉnh nào thuộc địa bàn của Toà án quân sự nào thì Toà án quân sự đó xét xử như trường hợp trên. Nếu tội phạm xảy ra ở hai tỉnh hoặc hai quân khu, khu vực khác nhau thì tuỳ từng trường hợp nếu Viện kiểm sát truy tố ra Toà án quân sự nào thì Toà án quân sự đó xét xử. Cụ thể như sau:

Theo quy định của pháp luật hiện hành khi chưa có thiết quân luật việc xét xử của Toà án quân sự được thực hiện theo văn bản liên ngành Viện kiểm sát quân sự trung ương và Toà án quân sự trung ương số 139/QĐLN ngày 26/5/1990 ” Hướng dẫn về quan hệ tố tụng giữa các Toà án quân sự và Viện kiểm sát quân sự trong truy tố và xét xử”.

Án xảy ra ở đơn vị nào, Viện kiểm sát quân sựđơn vị đó truy tố và tham gia xét xử tại Toà án quân sự nơi tội phạm được thực hiện;

Trong những trường hợp không xác định rõ nơi thực hiện tội phạm mà có bị can phạm tội trên nhiều địa bàn khác nhau thì Viện kiểm sát quân sự truy tố và tham gia xét xử nơi có đơn vị quản lý người phạm tội đóng quân.

Trường hợp vụ án có nhiều bị can thuộc nhiều đơn vị khác nhau và phạm tội ở nhiều nơi thì Viện kiểm sát quân sự truy tố và tham gia xét xử tại Toà án quân sự nơi có đơn vị quản lý bị can chính trong vụ án.

3.3. Địa bàn thiết quân luật khi có nhiều tội phạm xảy ra

Xuất phát từ việc quản lý nhà nước ở địa bàn thiết quân luật do quân đội quản lý, đảm nhiệm. Do vậy, chỉ huy đơn vị là người đứng đầu trong địa bàn đó có thẩm quyền quyết định mọi công việc có liên quan đến quản lý nhà nước ở địa bàn thiết quân luật. Vì vậy, việc giao cho Toà án quân sự xét xử toàn bộ các tội phạm xảy ra ở địa bàn thiết quân luật là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, do biên chế số lượng cán bộ Thẩm phán, Thư ký và bộ máy giúp việc của Toà án quân sự được xác định hoạt động trong điều kiện chỉ giải quyết số lượng án theo quy định của pháp luật ở điều kiện đất nước bình thường không có việc thiết quân luật. Cho nên, tuỳ vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể nếu địa bàn thiết quân luật hẹp, có thể chỉ ở một huyện hoặc một tỉnh và căn cứ vào số lượng tội phạm xảy ra không nhiều thì việc xét xử của Toà án quân sự sẽ đảm nhiệm được toàn bộ theo như biên chế và tổ chức hiện tại, nhưng nếu địa bàn thiết quân luật rộng, có thể ở nhiều huyện thậm chí nhiều tỉnh tội phạm xảy ra quá nhiều thì giải quyết thế nào.

Theo quy định tại Điều 39 của Pháp lệnh Tổ chức Toà án quân sự để đảm bảo cho các Toà án quân sự thực hiện chức năng, nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định điều động Thẩm phán từ Toà án quân sự này đến làm nhiệm vụ tại Toà án quân sự khác cùng cấp sau khi thống nhất ý kiến với Chánh án Toà án nhân dân tối cao. Quyết định số 615/QĐ-BQP ngày 21/4/2000 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc uỷ quyền thuyên chuyển Thẩm phán Toà án quân sự; theo quyết định này thì Bộ trưởng Bộ Quốc phòng uỷ quyền cho Chánh án Toà án quân sự Trung ương quyết định thuyên chuyển Thẩm phán từ Toà án quân sự này đến Toà án quân sự khác cùng cấp trong trường hợp cần thiết để làm nhiệm vụ xét xử. Do vậy, trong những trường hợp này căn cứ vào tình hình cụ thể số lượng các vụ án phải giải quyết nếu quá nhiều Toà án quân sự quản hạt quá tải thì Chánh án Toà án quân sự Trung ương sẽ thực hiện chức năng thẩm quyền của mình ra Quyết định điều động Thẩm phán từ Toà án quân sự này đến làm nhiệm vụ xét xử tại Toà án quân sự khác sau khi thống nhất với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Việc điều động các chức danh chuyên môn khác được thực hiện theo Thông tư liên tịch số 28/2004/TTLT-BQP-TANDTC ngày 04/3/2004 hướng dẫn về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức và điều động đối với các chức vụ quản lý, chức danh chuyên môn nghiệp vụ trong ngành Toà án quân sự. Cho nên, chúng tôi thấy cũng cũng hoàn toàn phù hợp và không ảnh hưởng gì đến việc xét xử các vụ án theo thời gian luật định cũng như chất lượng, hiệu quả của công tác xét xử.

3.4. Địa bàn thiết quân luật khi các Tòa án quân sự bị đánh chiếm không còn khả năng thực hiện hoạt động xét xử

Đây là những trường hợp do mất ổn định chính trị có thể do bạo loạn các phần tử phản động nổi dậy chống lại chính quyền bắt bớ, giết hại cán bộ chính quyền trong đó có việc đánh chiếm trụ sở, bắt giết cán bộ của Toà án quân sự làm cho việc xét xử các tội phạm ở địa bàn quản hạt của các Toà án quân sự đó không đảm nhiệm được. Trong những trường hợp này vì chưa có văn bản nào hướng dẫn nhưng theo chúng tôi ta có thể coi đây là trường hợp đặc biệt của tranh chấp thẩm quyền theo Điều 175 Bộ luật Tố tụng hình sự. Cho nên, những vụ án xảy ra ở địa bàn thiết quân luật thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án quân sự khu vực mà Toà án quân sự khu vực quản hạt không còn khả năng xét xử thì sẽ do Chánh án Toà án Toà án quân sự quân khu đó quyết định giao cho Toà án quân sự khu vực còn lại của quân khu đó xét xử. Trường hợp nếu quân khu đó chỉ có một Toà án quân sự khu vực hiện tại như Toà án quân sự Thủ đô Hà Nội và tương lai sau này như các Toà án quân sự của các quân khu khác khi không còn khả năng xét xử thì việc xét xử các vụ án ở địa bàn đó sẽ do Chánh án Toà án quân sự trung ương quyết định. Nếu những vụ án ở địa bàn thiết quân luật thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án quân sự quân khu quản hạt mà Toà án quân sự quân khu đó không còn khả năng xét xử thì sẽ do Chánh án Toà án quân sự trung ương quyết định giao cho Toà án quân sự quân khu khác xét xử sau khi thống nhất ý kiến với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

4. Việc xét xử phúc thẩm các tội phạm ở địa bàn thiết quân luật của các Tòa án quân sự

Việc xét xử phúc thẩm các vụ án ở địa bàn thiết quân luật; trước hết chúng ta vẫn tuân thủ việc xét xử phúc thẩm các vụ án hình sự theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Tức là việc xét xử vẫn phải thực hiện theo quy trình khi bản án, quyết định của Toà án sơ thẩm xét xử có kháng cáo, kháng nghị hoặc bị kháng cáo, kháng nghị thì Toà án án quân sự quân khu và tương đương sẽ xét xử phúc thẩm. Tuy nhiên, cũng tương tự như Toà án quân sự khu vực tuỳ từng trường hợp cụ thể Chánh án Toà án quân sự trung ương có thể điều động Thẩm phán của Toà án quân sự quân khu này sang xét xử ở Toà án quân sự quân khu khác nếu số lượng án nhiều để đảm bảo kịp thời, đúng thời gian luật định hoặc quyết định giao cho Toà án quân sự quân khu khác xét xử phúc thẩm các vụ án sơ thẩm có kháng cáo hoặc bị kháng cáo, kháng nghị nếu Toà án quân sự quân khu thuộc địa bàn quản hạt không còn khả năng xét xử.

4.1. Việc xét xử các vụ án xảy ra Tòa án quân sự đã thụ lý nhưng chưa xét xử thì lệnh thiết quân luật đã bãi bỏ

Trong những trường hợp này vụ án đó cho dù đối tượng có thuộc thẩm quyền xét xử hay không thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án quân sự theo quy định của pháp luật hiện hành thì Toà án quân sự vẫn xét xử toàn bộ vụ án. Bởi lẽ, cho dù lệnh thiết quân luật đã được bãi bỏ nhưng theo quy định của Luật Quốc phòng thì tất cả các tội phạm xảy ra trong thời gian thiết quân luật do Toà án quân sự đảm nhiệm. Tức là chỉ cần xác định thời điểm phạm tội của họ xem có nằm trong khoảng thời gian thiết quân luật và có thuộc địa bàn thiết quân luật theo quy định của lệnh thiết quân luật hay không còn việc điều tra, truy tố, xét xử tội phạm đó khi lệnh thiết quân luật còn hay đã hết hiệu lực thì không liên quan và ảnh hưởng gì đến việc tiến hành tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng đang tiến hành tố tụng đối với tội phạm đó.

Trường hợp khi lệnh thiết quân luật đã được bãi bỏ mới phát hiện tội phạm của một người được thực hiện trong thời gian và ở địa bàn thiết quân luật thì do Toà án quân sự hay Toà án nhân dân xét xử. Về nguyên tắc theo quy định của Luật Quốc phòng thì: Tất cả các tội phạm xảy ra trong thời gian và ở địa bàn thiết quân luật đều do Toà án quân sự xét xử. Tuy nhiên, do tính chất của việc thiết quân luật xét thấy trật tự an toàn xã hội đã được ổn định, việc thiết quân luật không còn cần thiết và Nhà nước đã ra lệnh bãi bỏ lệnh thiết quân luật thì theo chúng tôi trong những trường hợp này Toà án quân sự chỉ xét xử khi đối tượng phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án quân sự theo quy định của pháp luật hiện hành, còn nếu đối tượng phạm tội đó không thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án quân sự theo quy định của pháp luật hiện hành thì giao cho Toà án nhân dân xét xử; bởi lẽ: Có trường hợp khi lệnh thiết quân luật được bãi bỏ thời gian rất dài mới phát hiện được hành vi phạm tội của họ thực hiện trong thời gian và địa bàn thiết quân luật lúc đó khi tình hình đã chuyển biến, tính chất, yêu cầu cấp thiết phải trừng trị đối với tội phạm đó không còn nữa thì cũng không nhất thiết cứ phải Toà án quân sự xét xử mà nên giao cho Toà án nhân dân xét xử sẽ thuận lợi hơn. Còn trường hợp ngay sau khi lệnh thiết quân luật được bãi bỏ mà phát hiện tội phạm của họ được thực hiện trong thời gian và địa bàn thiết quân luật thì Toà án quân sự hay Toà án nhân dân xét xử sẽ được giải quyết theo quy định về tranh chấp thẩm quyền xét xử theo quy định tại Điều 175 Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành.

4.2. Việc bảo vệ các phiên tòa do tòa án quân sự xét xử trong thời gian và địa bàn thiết quân luật

Xuất phát từ tình hình thực tiễn việc xét xử các vụ án hình sự của các Toà án quân sự hiện tại chủ yếu được thực hiện thông qua các phiên toà xét xử lưu động, công khai tại các đơn vị, địa phương nơi xảy ra tội phạm với mục đích thông qua phiên toà để mọi người nắm bắt được diễn biến vụ án, đồng thời răn đe giáo dục, nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật cho quân nhân, nhân dân và các đối tượng khác.

Hiện tại căn cứ vào việc Chỉ thị 2045/CT-QP ngày 25/9/2000 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về tổ chức lực lượng cảnh vệ bảo vệ trụ sở và phục vụ hoạt động xét xử của các Toà án quân sự. Tuy nhiên, trong tình hình thực tế hiện nay khi chưa xảy ra việc thiết quân luật thì lực lượng cảnh vệ trong các đơn vị quân đội do không phải là lực lượng chuyên trách, mặt khác nhiều đơn vị không đủ quân số chỉ có khung thường trực nên việc bảo vệ các phiên toà lớn, phiên toà xét xử điển hình, phiên toà xét xử điểm là rất khó khăn. Vì vậy, theo chúng tôi trong thời gian thiết quân luật khi Toà án quân sự xét xử các vụ án hình sự tại địa bàn thiết quân luật thì ngoài việc sử dụng lực lượng cảnh vệ của quân đội trong các đơn vị, người chỉ huy phụ trách địa bàn thiết quân luật, theo yêu cầu của Toà án yêu cầu lực lượng cảnh sát làm nhiệm vụ bảo vệ các phiên toà do Toà án nhân dân xét xử khi chưa có lệnh thiết quân luật có nghĩa vụ phối hợp với các đơn vị quân đội làm nhiệm vụ bảo vệ các phiên toà xét xử của các Toà án quân sự và dẫn giải bị cáo về các trại giam, trại tạm giam theo yêu cầu của Toà án quân sự.

4.3. Việc báo cáo hoạt động xét xử của Tòa án quân sự trong thời gian và địa bàn thiết quân luật

Căn cứ vào tính chất, mục đích của hoạt động thiết quân luật; khi thiết quân luật mọi hoạt động quản lý nhà nước tại địa bàn thiết quân luật được giao cho quân đội thực hiện. Do vậy, căn cứ vào tình hình tội phạm xảy ra trong địa bàn, Toà án quân sự có thẩm quyền xét xử và Toà án được giao xét xử các vụ án xảy ra trong thời gian và địa bàn thiết quân luật phải trực tiếp liên hệ với người chỉ huy quân đội cao nhất được giao quản lý địa bàn thiết quân luật để phối hợp hiệp đồng cụ thể về các mặt của công tác bảo đảm cho hoạt động xét xử của Toà án quân sự. Người chỉ huy cao nhất trong địa bàn thiết quân luật có nghĩa vụ chỉ đạo các đơn vị quân đội thuộc quyền và các lực lượng khác liên quan có trách nhiệm phối hợp với Toà án quân sự thực hiện các công tác bảo đảm để xét xử các vụ án theo yêu cầu của Toà án quân sự.

5. Một số kiến nghị đề xuất hoàn thiện các quy định của pháp luật về thẩm quyền xét xử của các Tòa án quân sự trong thời gian và địa bàn thiết quân luật

Quán triệt Nghị quyết 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Nghị quyết số 67/NQ-ĐUQSTƯ ngày 08/3/2007 của Đảng uỷ quân sự trung ương nay là Quân uỷ trung ương về lãnh đạo thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp trong Quân đội đến năm 2020, từ trước tới nay về thẩm quyền xét xử của Toà án quân sự luôn xác định Toà án quân sự có thẩm quyền xét xử tất cả các tội phạm do quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng gây ra và những người khác phạm tội liên quan đến bí mật quân sự hoặc gây thiệt hại cho quân đội. Thẩm quyền trên xuất phát từ khách thể quan trọng nhất mà các Toà án quân sự tập trung bảo vệ là kỷ luật và sức mạnh chiến đấu của quân đội. Việc củng cố tăng cường thiết chế quân sự, chính trị trong đó có các cơ quan tư pháp trong quân đội là rất cần thiết nhằm tăng cường công tác pháp chế, đấu tranh chống diễn biến hoà bình phòng chống tội phạm góp phần giữ nghiêm kỷ luật và tăng cường sức mạnh chiến đấu của quân đội, góp phần quan trọng trong đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ nghiêm pháp luật nhà nước. Để bảo đảm sự thống nhất của pháp luật, căn cứ vào Điều 32 của Luật Quốc phòng quy định về việc xét xử các tội phạm trong thời gian thi hành lệnh thiết quân luật do Toà án quân sự đảm nhiệm. Cho nên, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức Toà án nhân dân, Pháp lệnh Tổ chức Toà án quân sự và các văn bản pháp luật khác cần bổ sung quy định và có các hướng dẫn cụ thể về hoạt động tố tụng không những của Toà án quân sự mà còn hoạt động tố tụng của các cơ quan như điều tra và Viện kiểm sát quân sự đối với hoạt động điều tra, truy tố các tội phạm xảy ra trong thời gian và địa bàn thiết quân luật. Cụ thể chúng tôi xin đề xuất và kiến nghị một số nội dung cụ thể sau đây:

1. Các văn bản như Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức Toà án nhân dân, Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân, Pháp lệnh Tổ chức Tòa án quân sự, Pháplệnh Tổ chức Viện kiểm sát quân sự, Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự cần sửa đổi, bổ sung thêm nội dung trình tự thủ tục tố tụng đối với các vụ án xảy ra trong thời gian và địa bàn thiết quân luật. Cụ thể như sau:

– Điều 171 Bộ luật Tố tụng hình sự bổ sung thêm khoản 3 với nội dung sau:

2. Toà án quân sự xét xử mọi tội phạm xảy ra trong thời gian và địa bàn thiết quân luật.

– Điều 5 Pháp lệnh Tổ chức Toà án quân sự đề nghị bổ sung thêm khoản 3 với nội dung sau:

3. Khi đất nước hoặc vùng lãnh thổ được tuyên bố trong tình trạng chiến tranh hoặc tình trạng khẩn cấp về quốc phòng thì Toà án quân sự xét xử tất cả các tội phạm xảy ra trong thời gian và địa bàn thiết quân luật.

4. Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cần có văn bản liên ngành hướng dẫn các cơ quan Công an, Viện kiểm sát và các Toà án địa phương trong việc phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng, các đơn vị trong quân đội thực hiện việc giải quyết các tội phạm xảy ra trong thời gian và địa bàn thiết quân luật.

5. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có văn bản hướng dẫn cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và sự phối hợp của các đơn vị quân đội thực hiện nhiệm vụ tại địa bàn thiết quân luật với các cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án trong trong việc điều tra, truy tố, xét xử các tội phạm xảy ra trong thời gian và địa bàn thiết quân luật.

6. Liên ngành các cơ quan tiến hành tố tụng trong quân đội cần ban hành cơ chế phối hợp giải quyết các vụ án hình sự trong thời gian và địa bàn thiết quân luật. Quy định về chế độ báo cáo hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các tội phạm trong thời gian và địa bàn thiết quân luật./.

Vũ Thành Long

Chánh tòa, Tòa Phúc thẩm Tòa án Quân sự Trung ương

Tham khảo thêm:


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191