Quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu

Quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu

1. Khái niệm nhãn hiệu

Hiện nay, “nhãn hiệu (trademark) là yếu tố đặc trưng gắn liền giữa lĩnh vực sở hữu công nghiệp và thị trường thương mại, được sử dụng trong thời gian dài bởi các nhà sản xuất, các thương nhân nhằm xác định nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa hay dịch vụ của họ, đồng thời phân biệt những hàng hóa, dịch vụ đó với các hàng hóa, dịch vụ được sản xuất hay bán bới các chủ thể khác.” Yếu tố quan trọng nhất của nhãn hiệu chính là chức năng phân biệt nguồn gốc của hàng hóa và dịch vụ. Chính vì vậy, chức năng này luôn giữ vai trò trung tâm, được đề cập đến rất nhiều trong pháp luật về nhãn hiệu ở hầu hết các nước trên thế giới.

Tại Việt Nam, Khoản 16 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung 2009, 2019 quy định: “Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.”

2. Điều kiện bảo hộ đối với nhãn hiệu

Điều 72 Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam 2005 sửa đổi bổ sung 2009, 2019 quy định: “Nhãn hiệu được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

1. Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều mầu sắc;

2. Có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác.”

Như vậy, nhãn hiệu được cấp văn bằng bảo hộ phải đồng thời đáp ứng hai tiêu chí sau:

Tiêu chí bảo hộ thứ nhất, nhãn hiệu phải hội tụ đủ hai yếu tố.

Thứ nhất, là các dấu hiệu có thể nhìn thấy, có thể tri giác được; thứ hai, các dấu hiệu cụ thể được xem xét là nhãn hiệu được tồn tại dưới dạng chữ cái, từ, ngữ, hình ảnh, hình vẽ, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiên bằng một hay nhiều màu sắc. Theo quy định của pháp luật đặc điểm thứ nhất của nhãn hiệu là các dấu hiệu có thể nhìn thấy được, có nghĩa là con người chỉ có thể nhận thức được, nắm bắt được về chúng qua khả năng thị giác của con người. Người tiêu dùng qua quan sát, nhìn ngắm để phát hiện ra loại hàng hoá, dịch vụ có gắn với nhãn hiệu đó để lựa chọn. Theo pháp luật của một số nước trên thế giới, việc bảo hộ đối với nhãn hiệu được áp dụng đối với cả các loại nhãn hiệu là những dấu hiệu âm thanh như âm nhạc, tiết nhạc mà con người có thể nhận biết được qua thính giác hoặc nhãn hiệu là các dấu hiệu mùi hương mà con người có thể nhận biết thông qua khứu giác hay nhãn hiệu hàng hoá chỉ đơn thuần được thể hiện thông qua một màu sắc nhất định. Nhãn hiệu có thể được thể hiện thông qua các dấu hiệu chữ cái, từ, ngữ; hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc kết hợp của các yếu tố chữ cái, từ, ngữ và các dấu hiệu hình, được thể hiện bằng một hay nhiều màu sắc. Yếu tố màu sắc là không thể thiếu được đối với nhãn hiệu hàng hóa bởi ưu điểm gây ấn tượng đối với thị giác con người, qua đó nó giúp cho nhãn hiệu thực hiện được chức năng phân biệt của mình. Luật SHTT quy định các dấu hiệu bị loại trừ khi xem xét để cấp văn bằng bảo hộ tại Điều 73, các dấu hiệu sau đây không được bảo hộ dưới danh nghĩa nhãn hiệu: Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với hình quốc kì, quốc huy của các nước; biểu tượng, cờ, huy hiệu, tên viết tắt, tên đầy đủ của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp của Việt Nam và tổ chức quốc tế nếu không được cơ quan, tổ chức đó cho phép, ví dụ: Tên viết tắt của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) hay Tổ chức thương mại thế giới (WTO) sẽ không được dùng để làm nhãn hiệu; tên thật, biệt hiệu, bút danh, hình ảnh của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân của Việt Nam và của nước ngoài; dấu chứng nhận, dấu kiểm tra, dấu bảo hành của tổ chức quốc tế mà tổ chức đó có yêu cầu không được sử dụng, trừ trường hợp chính tổ chúc này đăng kí các dấu đó làm nhãn hiệu chứng nhận, ví dụ như dấu hiệu chứng nhận ISO 9000 cho các sản phẩm hàng hoá đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế hay dấu hiệu CF chúng nhận cho chất lượng của các sản phẩm hàng hoá khi xuất khẩu sang thị trường các nước EU; dấu hiệu làm hiểu sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc có tính lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ, tính năng, công dụng, chất lượng, giá trị hoặc các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ.

Tiêu chí bảo hộ thứ hai: “Nhãn hiệu được coi là có khả năng phân biệt nếu được tạo thành từ một hoặc một số yếu tố dễ nhận biết, dễ ghi nhớ hoặc từ nhiều yếu tố kết hợp thành một tổng thể dễ nhận biết, dễ ghi nhớ…” (Khoản 1 Điều 74 Luật SHTT).

Yếu tố được hiểu là một bộ phận của dấu hiệu mà không thể hiểu là toàn bộ hay bản thân dấu hiệu đó. Quy định của điều luật chỉ đòi hỏi một hoặc một số các yếu tố thuộc dấu hiệu phải tạo nên được sự dễ nhận biết và dễ ghi nhớ của nhãn hiệu. Nhãn hiệu dễ nhận biết là nhãn hiệu bao gồm các yếu tố đủ để tác động vào nhận thức, tạo nên ấn tượng có khả năng lưu giữ trong trí nhớ hay tiềm thức của con người. Bất kì ai khi tiếp xúc với chúng đều dễ dàng tri giác và dễ ghi nhớ nhận biết về chúng khi đặt bên cạnh các loại nhãn hiệu khác. Có thể có nhiều yếu tố độc đáo không giống với những cái đã có nhưng lại có quá nhiều chi tiết phức tạp hoặc quá nhiều hình vẽ rắc rối khiến cho người tiếp cận khó nắm bắt và không thể ghi nhớ được nội dung hoặc cấu trúc của nó. Nhãn hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt nếu nhãn hiệu đó là dấu hiện thuộc một trong các trường hợp sau đây: Các hình và hình hình học đơn giản không có khả năng phân biệt và gây ấn tượng cho thị giác như các hình quá phức tạp gồm nhiều đường nét rắc rối hoặc quá đơn giản như hình chữ nhật. hình tam giác, hình tròn… thường dùng trong toán học không được cách điệu hay được thể hiện thông qua các màu sắc độc đáo. Các chữ số, chữ cái, chữ thuộc các ngôn ngữ thông dụng. Ngôn ngữ thông dụng được hiểu là bất kì ngôn ngữ nào được sử dụng và được nhiều người biết đến tại Việt Nam. Hiện nay, một dấu hiệu sẽ có khả năng được đăng kí tại Cục sở hữu trí tuệ nếu dấu hiệu này thuộc ngôn ngữ tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga và tiếng Trung Quốc.

Ngoại lệ được áp dụng cho các trường hợp trên: Đó là trường hợp các dấu hiệu này đã được sử dụng và đã được thừa nhận một cách rộng rãi với danh nghĩa một nhãn hiệu. Để chứng minh được ngoại lệ này đòi hỏi người nộp đơn đăng kí nhãn hiệu phải đưa ra được các chứng cứ đầy đủ và thuyết phục.

+ Dấu hiệu, biểu tượng quy ước, hình vẽ hoặc tên gọi thông thường của hàng hóa, dịch vụ thuộc bất kì ngôn ngữ nào đã được sử dụng rộng rãi, thường xuyên, nhiều người biết đến. Những dấu hiệu, biểu tượng quy ước như 5 hình tròn lồng vào nhau là biểu tượng của các thế vận hội thể thao, hình chữ thập biểu tượng cho ngành y tế, hình cán cân công lí biểu tượng cho ngành tư pháp… sẽ không được đăng kí bảo hộ là nhãn hiệu. Những hình vẽ hay ảnh chụp của chính sản phẩm hàng hóa hay tên gọi thông thường của sản phẩm cũng không được sử dụng làm nhãn hiệu.

+ Dấu hiệu chỉ thời gian, địa điểm, phương pháp sản xuất, chủng loại, số lượng, tính chất, thành phẩm, công dụng, giá trị hoặc các đặc tính khác mang tính mô tả hàng hóa, dịch vụ. Thực chất đây chỉ là các dấu hiệu có chức năng thông tin về các vấn đề cần thiết liên quan đến quá trình sử dụng sản phẩm mà hoàn toàn không có chức năng phân biệt bởi nhiều khi hàng hóa cùng loại của các cơ sở sản xuất khác nhau cũng có thể có cũng công dụng, tính chất, thành phần. Tuy nhiên, có một ngoài lệ là nếu các dấu hiệu đó đã đạt được khả năng phân biệt thông qua quá trình sử dụng trước thời điểm nộp đơn đăng kí nhãn hiệu thì cũng sẽ được chấp nhận làm nhãn hiệu.

+ Dấu hiệu mô tả hình thức pháp lí, lĩnh vực kinh doanh của chủ thể kinh doanh.

+ Dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lí của sản phẩm, dịch vụ trừ trường hợp dấu hiệu đó đã được sử dụng và được thừa nhận rộng rãi hoặc được bảo hộ dưới dạng nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận.

+ Dấu hiệu không phải là nhãn hiệu liên kết trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lãn với nhãn hiệu đã được đăng kí cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự trên cơ sở đăng kí có ngày ưu tiên sớm hơn trong trường hợp đơn đăng kí được hưởng quyền ưu tiên, kể cả đơn đăng kí nhãn hiệu được nộp theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

+ Dấu hiệu trùng hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của các loại hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự; hay nhãn hiệu của các loại hàng hóa, dịch vụ không trùng hoặc không tương tự nhưng có khả năng làm tổn hại đến khả năng phân biệt hay uy tín của các loại nhãn hiệu đó.

Việc xác định một nhãn hiệu có trùng với một nhãn hiệu khác hay không chúng ta chỉ cần xem xét là chúng có phải là bản photocopy y nguyên của nhau hay không, điều đó không khó khăn. Nhưng để xác định tính tương tự tới mức gây nhầm lẫn giữa các loại nhãn hiệu với nhau đôi khi là một công việc khá phức tạp. Có thể có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến khả năng gây ra nhầm lẫn giữa hai nhãn hiệu nhưng cũng có khi không yếu tố nào được coi là có tính quyết định hơn yếu tố nào. Việc đưa ra tiêu chuẩn hay đáp số chung cho mọi trường hợp để xác định tính tương tự có khả năng gây nhầm lẫn là công việc không thể do đặc điểm riêng biệt của mỗi trường hợp là khác nhau. Tuy nhiên, có thể tham khảo một số tiêu chí sau đây để xác định tính tương tự gây nhầm lẫn giữa hai hay nhiều nhãn hiệu (các tiêu chí này không phải sắp xếp theo thứ tự quan trọng): Sự tương tự về cấu trúc (như thêm các thành phần thứ yếu không có khả năng phân biệt vào một nhãn hiệu đã tồn tại từ trước hoặc ngược lại loại bỏ hay thay đổi thành phần thứ yếu của nhãn hiệu khác để làm thành nhãn hiệu của mình); ý nghĩa và hình thức thể hiện của các nhãn hiệu; sự tương tự về bản chất, phương thức lưu thông (kênh thương mại) trên thị trường của các loại nhãn hiệu; mức độ nổi tiếng của một trong các nhãn hiệu có khả năng gây nhầm lẫn; tổng thể các yếu tố khác có liên quan đến các loại nhãn hiệu này (xem xét về sự thỏa thuận giữa người nộp đơn đăng kí dấu hiệu như một nhãn hiệu với chủ sở hữu của một nhãn hiệu sẵn có).

Như vậy, thứ nhất, nhãn hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt nếu nhãn hiệu đó là dấu hiệu trùng hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của các hàng hóa và dịch vụ trùng hoặc tương tự trong các trường hợp sau:

+ Nhãn hiệu của người khác đã được sử dụng và đã được thừa nhận một cách rộng rãi từ trước ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên trong trường họp đơn được hưởng quyền ưu tiên;

+ Nhãn hiệu mà giấy chứng nhận đăng kí nhãn hiệu đó đã hết hiệu lực hoặc bị đình chỉ hiệu lực bảo hộ nhưng thời gian tính từ khi hết hiệu lực hoặc bị đình chỉ hiệu lực chưa quá 5 năm, trừ trường hợp hiệu lực bị đình chỉ vì lí do nhãn hiệu không được sử dụng;

+ Nhãn hiệu được công nhận là nổi tiếng, thậm chí trong cả trường hợp nhãn hiệu nổi tiếng đó được đăng kí cho hàng hóa, dịch vụ không tương tự nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có khả năng làm ảnh hưởng đến khả năng phân biệt của nhãn hiệu nổi tiếng hoặc việc đăng kí nhãn hiệu nhằm lợi dụng uy tín của nhãn hiệu nổi tiếng. Ví dụ, một người xin nộp đơn đăng kí nhãn hiệu Nokia cho các sản phẩm đồ gia dụng cũng không được chấp nhận mặc dù nó không trùng hay tương tự với các sản phẩm điện thoại của nhãn hiệu nổi tiếng Nokia.

Thứ hai, nhãn hiệu bi coi là không có khả năng phân biệt nếu nhãn hiệu đó là dấu hiệu trùng hoặc tương tự với các đối tượng sở hữu công nghiệp sau:

+ Tên thương mại đang được sử dụng của người khác nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ;

+ Chỉ dẫn địa lí đang được bảo hộ nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể làm người tiêu dùng hiểu sai lệch về nguồn gốc địa lí của hàng hóa. Đặc biệt, đối với các chỉ dẫn địa lí được đăng kí để sử dụng cho rượu vang, rượu mạnh thì các dấu hiệu trùng hoặc có chứa chỉ dẫn địa lí đó hoặc được dịch nghĩa, phiên âm từ chỉ dẫn địa lí đó cũng không được chấp nhận nếu dấu hiệu được đăng kí để sử dụng cho rượu vang, rượu mạnh không có nguồn gốc xuất xử từ khu vực địa lí mang chỉ dẫn địa lí đó;

+ Kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ trên cơ sở đơn đăng kí kiểu dáng công nghiệp có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn.

3. Phân loại nhãn hiệu

Việc phân loại nhãn hiệu thành có nghĩa rất quan trọng cả về lý luận cũng như thực tiễn. Thứ nhất, nó cho phép xác định đặc trưng của một loại nhãn hiệu mà thông qua đó ảnh hưởng tới khả năng cảm nhận và ghi nhớ nhãn hiệu của người tiêu dùng, tới khả năng đăng ký và được chấp nhận BHNH đó. Thứ hai, nó ảnh hưởng tới việc quy định chế độ pháp lý đối với từng loại nhãn hiệu, phân biệt nhãn hiệu với các đối tượng khác của quyền sở hữu công nghiệp như kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại. Thực tế, nhãn hiệu có thể được phân loại theo một số tiêu chí như sau:

– Theo hình thức, có các loại nhãn hiệu như: nhãn hiệu từ ngữ; nhãn hiệu chữ cái và số; nhãn hiệu là hình vẽ, hình ảnh; nhãn hiệu hình khối; nhãn hiệu kết hợp (chữ, hình, hình khối, số…); và nhãn hiệu đặc biệt (nhãn hiệu mùi, âm thanh, ánh sáng… ).

+ Nhãn hiệu từ ngữ là nhãn hiệu mà trong thành phần của nhãn hiệu chứa đựng các dấu hiệu là từ ngữ, là sự kết hợp giữa các chữ cái tạo thành một từ có nghĩa hoặc được trình bày thành một cụm từ, một câu… sự kết hợp này có thể được trình bày dưới dạng thông thường hoặc dạng cách điệu. Có thể thấy, nhãn hiệu từ ngữ có khả năng được bảo hộ mạnh hơn so với các nhãn hiệu khác. Bởi các nhãn hiệu từ ngữ thường dễ cảm nhận, dễ ghi nhớ hơn thông qua thính giác, thị giác của người tiếp xúc. Thứ hai, việc tạo ra các nhãn hiệu từ ngữ là không hạn chế do khả năng sắp xếp kết hợp giữa các chữ cái thành các tổ hợp từ, cụm từ, câu. Thứ ba, việc đăng ký nhãn hiệu là từ ngữ, có thể thể hiện được nhiều hơn ý tưởng của chủ sở hữu nhãn hiệu cho các hàng hóa và dịch vụ mà mình cung ứng ra thị trường. Và cuối cùng, việc đăng ký nhãn hiệu là từ ngữ, còn có lợi thế lớn hơn trong quá trình quảng cáo, đưa hàng hóa, dịch vụ ra thị trường bằng các kênh thông tin khác nhau.

+ Nhãn hiệu chữ cái và số: Loại nhãn hiệu này có thể là sự kết hợp của các chữ cái riêng lẻ, hoặc những con số, hoặc là sự kết hợp của cả phần chữ và phần số. Loại này cũng khá phổ biến trong quá trình đăng ký BHNH. Các thành phần này có thể được trình bày cách điệu thành các dòng khác nhau, hoặc được trình bày trên cùng một dòng, với kích cỡ như nhau, hoặc khác nhau, tùy theo ý tưởng của chủ sở hữu nhãn hiệu. Theo quy định của pháp luật hiện hành, nhãn hiệu chữ cái phải bao gồm tử ba chữ cái trở lên, hoặc từ hai chữ cái, nhưng phải đọc được thành từ hoặc phải được trình bày cách điệu dưới dạng đồ họa hoặc dạng đặc biệt khác. Ngoài ra, nếu nhãn hiệu là sự sắp xếp, kết hợp của một dãy dài các ký tự hoặc các từ ngữ không thể nhận biết, hoặc ghi nhớ được thì cũng không có khả năng phân biệt, do đó cũng không thể đăng ký làm nhãn hiệu.

+ Nhãn hiệu là hình vẽ, hình ảnh: là những nhãn hiệu mà chủ yếu được cảm nhận thông qua thị giác, và được trình bày theo chiều hướng nghệ thuật. Loại nhãn hiệu này có thể là hình vẽ của các con vật, đồ vật được tiếp xúc hàng ngày, hoặc là hình ảnh được trình bày trên mặt phẳng, là sự kết hợp của các đường nét, màu sắc…. Loại này cũng khá phổ biến và có ưu thế lớn trong việc quảng cáo hướng tới người tiêu dùng.

+ Nhãn hiệu hình khối: là nhãn hiệu được hình thành thông qua việc kết hợp các đường nét và màu sắc trên không gian 3 chiều. Loại nhãn hiệu này cũng có tính phân biệt tương đối cao. Điển hình cho loại nhãn hiệu này có thể thấy như hình dáng chai “COCA-COLA” của Công ty Coca-cola hay hình ngôi sao 3 cánh nổi trong vòng tròn của MERCEDES.

+ Nhãn hiệu kết hợp: là một nhãn hiệu được tạo ra trên cơ sở kết hợp các yếu tố về từ ngữ, chữ cái, chữ số và các yếu tố hình ảnh, hình khối. Thông thường, nhãn hiệu kết hợp sẽ được tạo ra từ phần từ ngữ và phần hình ảnh, trong đó phần từ ngữ và phần hình ảnh thường minh họa cho nhau, có tác dụng bổ trợ nhau, tạo nên khả năng phân biệt cho nhãn hiệu. Theo như hướng dẫn tại mục 39.6 Thông tư 01-2007: “Một dấu hiệu kết hợp được coi là có khả năng phân biệt khi dấu hiệu chữ và dấu hiệu hình kết hợp thành một tổng thể có khả năng phân biệt, cụ thể:

a) Dấu hiệu chữ và dấu hiệu hình đều có khả năng phân biệt và tạo thành tổng thể có khả năng phân biệt;

b) Thành phần mạnh của nhãn hiệu (yếu tố tác động mạnh vào cảm giác người tiêu dùng, gây chú ý và ấn tượng về nhãn hiệu khi quan sát) là dấu hiệu chữ hoặc dấu hiệu hình có khả năng phân biệt, mặc dù thành phần còn lại không có hoặc ít có khả năng phân biệt;

c) Trường hợp dấu hiệu kết hợp gồm các dấu hiệu chữ và dấu hiệu hình không có hoặc ít có khả năng phân biệt nhưng cách thức kết hợp độc đáo của các dấu hiệu đó tạo ra một ấn tượng riêng biệt thì tổng thể kết hợp đó vẫn được coi là có khả năng phân biệt;

d) Dấu hiệu kết hợp gồm các thành phần chữ và hình không có hoặc ít có khả năng phân biệt nhưng tổng thể kết hợp đó đã đạt được khả năng phân biệt qua quá trình sử dụng theo quy định tại điểm 39.5 của Thông tư này.”

+ Nhãn hiệu đặc biệt: là các nhãn hiệu như mùi, âm thanh, ánh sáng. Nếu các nhãn hiệu từ ngữ , hình ảnh thông thường thường được cảm nhận thông qua thính giác và thị giác của con người, thì các nhãn hiệu đặc biệt lại được cảm nhận bằng các giác quan khác như thính giác, vị giác, khứu giá. Hiện tại các loại nhãn hiện và vẫn chưa được chấp nhận bảo hộ theo quy định của pháp luật Việt Nam.

– Theo mức độ nổi tiếng, có nhãn hiệu thông thường và nhãn hiệu nổi tiếng:

+ Nhãn hiệu thông thường là loại nhãn hiệu được bảo hộ và sử dụng trên lãnh thổ Việt Nam, và có số lượng người tiêu dùng biết đến hạn chế hơn, có thể chỉ tính trong phạm vi ngành nghề, hoặc trong lĩnh vực nhất định.

+ Nhãn hiệu nổi tiếng “là nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam”[1].

– Theo số lượng chủ thể của nhãn hiệu, có nhãn hiệu cá nhân, nhãn hiệu tập thể:

+ Nhãn hiệu cá nhân: là nhãn hiệu do cá nhân làm chủ sở hữu. Khái niệm cá nhân được hiểu theo nghĩa rộng, có thể bao gồm các công ty, doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh cá thể…

+ Nhãn hiệu tập thể là nhãn hiệu thuộc sở hữu của tập thể, “là nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các thành viên của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu đó với hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của tổ chức đó”[2].

– Theo tính chất của nhãn hiệu, có nhãn hiệu thông thường, nhãn hiệu liên kết, nhãn hiệu chứng nhận:

+ Nhãn hiệu thường: là nhãn hiệu do một chủ thể đăng ký, dùng để phân biệt hàng hóa dịch vụ của chủ thể này với chủ thể khác.

+ Nhãn hiệu liên kết: “là các nhãn hiệu do cùng một chủ thể đăng ký, trùng hoặc tương tự nhau dùng cho sản phẩm, dịch vụ cùng loại hoặc tương tự nhau hoặc có liên quan với nhau.”[3]

+ Nhãn hiệu chứng nhận: “là nhãn hiệu mà chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng trên hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân đó để chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hóa, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu.”[4]

4 Phân loại các yếu tố hình của nhãn hiệu

Theo đề nghị của một số Cơ quan Sở hữu công nghiệp của các nước là thành viên của Liên minh Paris, Văn phòng liên hiệp quốc tế bảo vệ sở hữu trí tuệ (BIRPI), tiền thân của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), đã bắt đầu làm việc với một Ủy ban chuyên gia được thành lập năm 1967 bởi Ủy ban điều phối trong Liên minh BIRPI về soạn thảo một Bảng phân loại quốc tế các yếu tố hình của nhãn hiệu. Bảng phân loại này được thiết lập theo một Thỏa ước được ký kết ngày 12 tháng 6 năm 1973 tại Hội nghị ngoại giao Viên.

Các nước thành viên Thỏa ước Viên về thiết lập Bảng phân loại các yếu tố hình của nhãn hiệu (từ đây trở đi được gọi tắt tương ứng là “Thỏa ước Viên” và

“Bảng phân loại”) đã thông qua và áp dụng một bảng phân loại chung cho các yếu tố hình của nhãn hiệu.

Bảng phân loại tạo thành một hệ thống có thứ bậc, xuất phát từ cái chung đến cái cụ thể, khi chia tất cả các yếu tố hình thành các lớp, các nhóm và các phân nhóm.

Ở những vị trí thích hợp các ghi chú để giải thích được đưa vào. Các ghi chú này liên quan đến một lớp về tổng thể (bao gồm tất cả các nhóm của nó) hoặc một nhóm hoặc phân nhóm đã quy định nào.

Các phân nhóm có hai loại. Để bổ sung cho các phân nhóm chính, có các phân nhóm phụ dành cho các yếu tố hình đã được các phân nhóm chính đề cập, nhưng không được coi là hữu dụng cho nhóm theo một tiêu chí cụ thể để trợ giúp việc tra cứu được dự kiến trước.

Mỗi lớp, nhóm và phân nhóm được gắn cho một chữ số theo một hệ thống mã hóa đặc biệt. Mỗi yếu tố hình trong một phân nhóm được biểu thị bằng ba chữ số: chữ số thứ nhất có thể là bất kỳ số nào từ 1 đến 29, biểu thị lớp; chữ số thứ hai có thể là bất kỳ số nào từ 1 đến 19, biểu thị nhóm; và chữ số thứ ba có thể là bất kỳ số nào từ 1 đến 30, biểu thị phân nhóm. Chẳng hạn, sự thể hiện “một bé gái đang ăn” thuộc về lớp 2 (con người), nhóm 5 (trẻ em), phân nhóm chính 3 (con gái). Nếu các phân nhóm phụ được sử dụng, yếu tố hình có thể được xác định bổ sung bằng phân nhóm phụ 18 (Trẻ em đang uống hoặc đang ăn, mã A2.5.18). Việc mã hóa của ví dụ này sẽ được biểu thị như sau: 2.5.3, 18.

Số lượng các nhóm và phân nhóm thay đổi theo các lớp và nhóm mà chúng trực thuộc. Trong các nhóm và phân nhóm, những số nhất định được phép để trống cho phép đưa vào những nhóm hoặc phân nhóm mới khi cần thiết.

Xuất bản phẩm này về Bảng phân loại xuất bản lần thứ bảy, tất cả bao gồm: 29 lớp, 145 nhóm, 806 phân nhóm chính và 903 phân nhóm phụ

LỚP 1             Thiên thể, các hiện tượng tự nhiên, các bản đồ địa lý

LỚP 2             Người

LỚP 3             Động vật

LỚP 4             Những nhân vật siêu nhiên, thần thoại, tưởng tượng hoặc không có khả năng nhận diện

LỚP 5             Thực vật

LỚP 6             Phong cảnh

LỚP 7             Công trình xây dựng, kết cấu để quảng cáo, cổng hoặc thanh chắn

LỚP 8             Thực phẩm

LỚP 9             Hàng dệt, quần áo, vật liệu may, đồ để đội, đồ đi chân

LỚP 10           Thuốc lá, vật dụng cho người hút thuốc, diêm, đồ dùng du lịch, quạt, đồ trang điểm

LỚP 11           Dụng cụ nội trợ

LỚP 12           Đồ nội thất, thiết bị vệ sinh

LỚP 13           Thiết bị chiếu sáng, đài điện tử không dây, thiết bị đốt nóng, thiết bị nấu ăn hay làm lạnh, máy giặt, thiết bị sấy

LỚP 14           Đồ sắt, công cụ, thang

LỚP 15           Máy, động cơ, dụng cụ

LỚP 16           Thiết bị viễn thông, ghi hoặc sao chép, máy tính, máy ảnh, máy quay phim, thiết bị quang học

LỚP 17           Dụng cụ đo thời gian, đồ trang sức, cân và đo

LỚP 18           Phương tiện vận chuyển, thiết bị cho động vật

LỚP 19           Đồ đựng và bao gói, sự thể hiện của các sản phẩm tạp hóa

LỚP 20           Chất liệu để viết, vẽ hoặc sơn, đồ dùng văn phòng, văn phòng phẩm và sách vở

LỚP 21           Trò chơi, đồ chơi, đồ thể thao, vòng ngựa gỗ

LỚP 22           Nhạc cụ và các phụ kiện của chúng, phụ tùng âm nhạc, chuông, tranh, tác phẩm điều khắc

LỚP 23           Vũ khí, đạn dược, binh giáp

LỚP 24           Huy hiệu, đồng tiền, biểu trưng, biểu tượng

LỚP 25           Các kiểu trang trí, các bề mặt hay phông nền có trang trí

LỚP 26           Các hình hình học và hình khối

LỚP 27           Các dạng chữ viết, số

LỚP 28           Câu viết bằng các ký tự khác nhau

LỚP 29           Màu sắc

5. Thủ tục đăng kí nhãn hiệu

5.1. Tài liệu tối thiểu

– 02 Tờ khai đăng ký nhãn hiệu, đánh máy theo mẫu số: 04-NH Phụ lục A của Thông tư 01/2007/TT-BKHCN [Phần mô tả nhãn hiệu: mẫu nhãn hiệu phải được mô tả để làm rõ các yếu tố cấu thành của nhãn hiệu và ý nghĩa tổng thể của nhãn hiệu nếu có; nếu nhãn hiệu có từ, ngữ thuộc ngôn ngữ tượng hình thì từ, ngữ đó phải được phiên âm; nhãn hiệu có từ, ngữ bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt. Nếu nhãn hiệu có chứa chữ số không phải là chữ số ả-rập hoặc la-mã thì phải dịch ra chữ số ả-rập; phần Danh mục các hàng hoá/dịch vụ trong tờ khai phải được phân  nhóm phù hợp với bảng phân loại quốc tế về hàng hoá, dịch vụ (theo Thoả ước Nice lần thứ 11)]

– 05 Mẫu nhãn hiệu kèm theo (mẫu nhãn hiệu kèm theo phải giống hệt mẫu nhãn hiệu dán trên tờ khai đơn đăng ký kể cả về kích thước và màu sắc. Mẫu nhãn hiệu phải được trình bày rõ ràng với kích thước của mỗi thành phần trong nhãn hiệu không lớn hơn 80mm và không nhỏ hơn 8mm, tổng thể nhãn hiệu phải được trình bày trong khuôn mẫu nhãn hiệu có kích thước 80mm x 80mm. Nếu yêu cầu bảo hộ màu sắc thì tất cả các mẫu nhãn hiệu trên tờ khai và kèm theo đều phải được trình bày đúng màu sắc cần bảo hộ);

– Chứng từ nộp phí, lệ phí.

Trường hợp đơn đăng ký nhãn hiệu là nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận, ngoài các tài liệu tối thiểu nêu trên, đơn đăng ký cần phải có thêm các tài liệu sau:

– Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận;

– Bản thuyết minh về tính chất, chất lượng đặc trưng (hoặc đặc thù) của sản phẩm mang nhãn hiệu (nếu nhãn hiệu được đăng ký là nhãn hiệu tập thể dùng cho sản phẩm có tính chất đặc thù hoặc là nhãn hiệu chứng nhận chất lượng của sản phẩm hoặc là nhãn hiệu chứng nhận nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương);

– Bản đồ khu vực địa lý (nếu nhãn hiệu đăng ký là nhãn hiệu chứng nhận nguồn gốc địa lý của sản phẩm, hoặc nhãn hiệu chứa địa danh hoặc dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương).

– Văn bản của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho phép sử dụng địa danh hoặc dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương để đăng ký nhãn hiệu (nếu nhãn hiệu đăng ký là nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận có chứa địa danh hoặc dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương).

5.2. Các tài liệu khác (nếu có)

– Giấy uỷ quyền (nếu nộp đơn đăng ký nộp thông qua các tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp);

– Tài liệu xác nhận được phép sử dụng các dấu hiệu đặc biệt (nếu nhãn hiệu yêu cầu bảo hộ có chứa các biểu tượng, cờ, huy hiệu của cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế…);

– Tài liệu xác nhận quyền đăng ký;

– Tài liệu xác nhận thụ hưởng quyền đăng ký từ người khác;

– Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên (nếu đơn có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên).

5.3. Yêu cầu chung đối với đơn đăng ký

– Mỗi đơn chỉ được yêu cầu cấp một văn bằng bảo hộ và loại văn bằng bảo hộ được yêu cầu cấp phải phù hợp với nhãn hiệu nêu trong đơn;

– Mọi tài liệu của đơn đều phải được làm bằng tiếng Việt. Đối với các tài liệu được làm bằng ngôn ngữ khác theo quy định tại các điểm 7.3 và 7.4 của Thông tư 01/2007/TT-BKHCN thì phải được dịch ra tiếng Việt;

– Mọi tài liệu đều phải được trình bày theo chiều dọc (riêng hình vẽ, sơ đồ và bảng biểu có thể được trình bày theo chiều ngang) trên một mặt giấy khổ A4 (210mm x 297mm), trong đó có chừa lề theo bốn phía, mỗi lề rộng 20mm, theo phông chữ Times New Roman, chữ không nhỏ hơn cỡ 13, trừ các tài liệu bổ trợ mà nguồn gốc tài liệu đó không nhằm để đưa vào đơn.

– Đối với tài liệu cần lập theo mẫu thì bắt buộc phải sử dụng các mẫu đó và điền đầy đủ các thông tin theo yêu cầu vào những chỗ thích hợp;

– Mỗi loại tài liệu nếu bao gồm nhiều trang thì mỗi trang phải ghi số thứ tự trang đó bằng chữ số Ả-rập;

– Tài liệu phải được đánh máy hoặc in bằng loại mực khó phai mờ, một cách rõ ràng, sạch sẽ, không tẩy xóa, không sữa chữa; trường hợp phát hiện có sai sót không đáng kể thuộc về lỗi chính tả trong tài liệu đã nộp cho Cục Sở hữu trí tuệ thì người nộp đơn có thể sữa chữa các lỗi đó, nhưng tại chỗ bị sửa chữa phải có chữ ký xác nhận (và đóng dấu, nếu có) của người nộp đơn;

– Thuật ngữ dùng trong đơn phải thống nhất và là thuật ngữ phổ thông (không dùng tiếng địa phương, từ hiếm, từ tự tạo). Ký hiệu, đơn vị đo lường, phông chữ điện tử, quy tắc chính tả dùng trong đơn phải theo tiêu chuẩn Việt Nam);

– Đơn có thể kèm theo tài liệu bổ trợ là vật mang dữ liệu điện tử của một phần hoặc toàn bộ nội dung tài liệu đơn.

5.4. Phí, lệ phí đăng ký nhãn hiệu

– Lệ phí nộp đơn: 150.000VNĐ

– Phí công bố đơn: 120.000VNĐ

– Phí tra cứu phục vụ TĐND: 180.000VNĐ/01 nhóm sản phẩm, dịch vụ

– Phí tra cứu cho sản phẩm, dịch vụ thứ 7 trở đi: 30.000VNĐ/01 sản phẩm, dịch vụ

– Phí thẩm định nội dung: 550.000VNĐ/01 nhóm sản phẩm, dịch vụ

– Phí thẩm định nội dung cho sản phẩm/dịch vụ thứ 7 trở đi: 120.000VNĐ/01 sản phầm, dịch vụ.

5.5. Thời hạn xử lý đơn đăng ký nhãn hiệu

Kể từ ngày được Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận, đơn đăng ký nhãn hiệu được xem xét theo trình tự sau:

– Thẩm định hình thức: 01 tháng

– Công bố đơn: trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày đơn đăng ký nhãn hiệu có Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ

– Thẩm định nội dung: không quá 09 tháng, kể từ ngày công bố đơn.

5.6. Hình thức nộp đơn

Người nộp đơn có thể lựa chọn hình thức nộp đơn giấy hoặc hình thức nộp đơn trực tuyến qua Cổng dịch vụ công trực tuyến của Cục Sở hữu trí tuệ, cụ thể:

a) Hình thức nộp đơn giấy

Người nộp đơn có thể nộp đơn đăng ký nhãn hiệu trực tiếp hoặc qua dịch vụ của bưu điện đến một trong các điểm tiếp nhận đơn của Cục Sở hữu trí tuệ, cụ thể:

– Trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ, địa chỉ: 386 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.

– Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại thành phố Hồ Chí Minh, địa chỉ: Lầu 7, tòa nhà Hà Phan, 17/19 Tôn Thất Tùng, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.

– Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại thành phố Đà Nẵng, địa chỉ: Tầng 3, số 135 Minh Mạng, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng.

Trường hợp nộp hồ sơ đơn đăng ký nhãn hiệu qua bưu điện, người nộp đơn cần chuyển tiền qua dịch vụ của bưu điện, sau đó phô tô Giấy biên nhận chuyển tiền gửi kèm theo hồ sơ đơn đến một trong các điểm tiếp nhận đơn nêu trên của Cục Sở hữu trí tuệ để chứng minh khoản tiền đã nộp.

(Lưu ý: Khi chuyển tiền phí, lệ phí đến một trong các điểm tiếp nhận đơn nêu trên của Cục Sở hữu trí tuệ, người nộp đơn cần gửi hồ sơ qua bưu điện tương ứng đến điểm tiếp nhận đơn đó).

b) Hình thức nộp đơn trực tuyến

– Điều kiện để nộp đơn trực tuyến: Người nộp đơn cần có chứng thư số và chữ ký số, đăng ký tài khoản trên Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến và được Cục Sở hữu trí tuệ phê duyệt tài khoản để thực hiện các giao dịch đăng ký quyền SHCN.

– Trình tự nộp đơn trực tuyến: Người nộp đơn cần thực hiện việc khai báo và gửi đơn đăng ký nhãn hiệu trên Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến của Cục Sở hữu trí tuệ, sau khi hoàn thành việc khai báo và gửi đơn trên Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến, Hệ thống sẽ gửi lại cho người nộp đơn Phiếu xác nhận nộp tài liệu trực tuyến. Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày gửi đơn trực tuyến, người nộp đơn phải đến một trong các điểm tiếp nhận đơn của Cục Sở hữu trí tuệ vào các ngày làm việc trong giờ giao dịch để  xuất trình Phiếu xác nhận tài liệu nộp trực tuyến và tài liệu kèm theo (nếu có) và nộp phí/lệ phí theo quy định. Nếu tài liệu và phí/lệ phí đầy đủ theo quy định, cán bộ nhận đơn sẽ thực hiện việc cấp số đơn vào Tờ khai trên Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến, nếu không đủ tài liệu và phí/lệ phí theo quy định thì đơn sẽ bị từ chối tiếp nhận. Trong trường hợp Người nộp đơn không hoàn tất thủ tục nộp đơn theo quy định, tài liệu trực tuyến sẽ bị hủy và Thông báo hủy tài liệu trực tuyến được gửi cho Người nộp đơn trên Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến.[5]


[1] Xem Khoản 20 Điều 4 Luật SHTT

[2] Xem Khoản 17 Điều 4 Luật SHTT

[3] Xem Khoản 19 Điều 4 Luật SHTT

[4] Xem Khoản 18 Điều 4 Luật SHTT

[5] Xem Cục Sở hữu trí tuệ (2021), Thủ tục đăng kí nhãn hiệu, tại http://www.noip.gov.vn/vi_VN/web/guest/nhan-hieu


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191