Trình tự phiên tòa Sơ thẩm vụ án Hành chính:
1) Chuẩn bị xét xử
Chuẩn bị xét xử vụ án hành chính là việc Tòa án có thẩm quyền tiến hành thu thập các tài liệu, chứng cứ của vụ án; bước đầu đánh giá chứng cứ nhằm giúp Tòa án có các quyết định chính xác trong việc giải quyết vụ án; đồng thời còn giúp Tòa án có những kiến nghị kịp thời với cơ quan có thẩm quyền trong việc ban hành và thực hiện các quyết định hành chính liên quan đến công tác quản lý hành chính Nhà nước.
Thời hạn chuẩn bị xét xử được quy định tại Điều 117 Luật Tố tụng hành chính 2010 như sau:
a) 04 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 104 của Luật này;
b) 02 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 104 của Luật này.
c) Đối với vụ án phức tạp hoặc có trở ngại khách quan thì Chánh án Toà án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử một lần, nhưng không quá 02 tháng đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này và không quá 01 tháng đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.
Giai đoạn chuẩn bị xét xử vụ án hành chính sẽ tập trung
– Xác định được nội dung của vụ án, quyền và lợi ích của người khởi kiện, nội dung quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu kiện; xác định quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu kiện có hợp pháp hay không. Từ đó xác định có hay không có quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm hại.
– Thu thập đầy đủ những chứng cứ liên quan đến vụ án theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định đế việc xét xử vụ án hành chính được khách quan và công bằng, nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức bị xâm phạm.
Giai đoạn này tạo điều kiện cho Thẩm phán được phân công làm Chủ toạ phiên toà tiến hành nghiên cứu một cách đầy đủ, kỹ lưỡng các tình tiết liên quan của vụ án để nắm được thực chất của vấn đề và đưa ra các quyết định hợp sau đây:
a) Đưa vụ án ra xét xử;
b) Tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án;
c) Đình chỉ việc giải quyết vụ án.
Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Toà án phải mở phiên toà; trường hợp có lý do chính đáng, thì thời hạn mở phiên toà có thể kéo dài, nhưng không quá 30 ngày.
2) Phiên tòa sơ thẩm
2.1. Khai mạc phiên tòa:
– Thủ tục chuẩn bị:
+ Thư ký trình bày nội quy phiên tòa:
“Điều 127. Nội quy phiên toà
- Người dưới 16 tuổi không được vào phòng xử án, trừ trường hợp được Toà án triệu tập tham gia phiên toà.
- Mọi người trong phòng xử án phải đứng dậy khi Hội đồng xét xử vào phòng xử án, phải tôn trọng Hội đồng xét xử, giữ gìn trật tự và tuân theo sự điều khiển của Chủ toạ phiên toà.
- Chỉ những người được Hội đồng xét xử cho phép mới được hỏi, trả lời hoặc phát biểu. Người hỏi, trả lời hoặc phát biểu phải đứng dậy, trừ trường hợp vì lý do sức khoẻ được Chủ toạ phiên toà cho phép ngồi để hỏi, trả lời hoặc phát biểu.”
+ Kiểm tra, xác định sự có mặt, vắng mặt của những người tham gia phiên toà theo giấy triệu tập của Toà án; nếu có người vắng mặt thì cần phải làm rõ lý do;
+ Ổn định trật tự trong phòng xử án;
+ Thư ký yêu cầu mọi người trong phòng xử án đứng dậy khi HĐXX vào phòng xử án.
– Thủ tục khai mạc phiên tòa:
+ Ổn định chỗ ngồi, Chủ tọa phiên tòa khai mạc phiên tòa và đọc Quyết định đưa vụ án ra xét xử.
+ Thư ký Tòa án báo cáo với Hội đồng xét xử về sự có mặt, vắng mặt của những người tham gia phiên tòa theo giấy triệu tập của Tòa án và lý do vắng mặt.
+ Chủ toạ phiên toà kiểm tra lại sự có mặt của những người tham gia phiên toà theo giấy triệu tập của Toà án và kiểm tra căn cước của đương sự.
+ Yêu cầu Đương sự tự kê khai họ tên, địa chỉ, nơi làm việc; xử lý tình huống vắng mặt của những người tham dự phiên tòa (nếu có).
Luật sư lưu ý cần nắm vững các quy định của pháp luật để đưa ra yêu cầu hoặc tư vấn cho khách hàng đưa ra những yêu cầu phù hợp liên quan đến việc vắng mặt của những người tham dự phiên tòa.
+ Chủ toạ phiên toà phổ biến quyền, nghĩa vụ của các đương sự và của những người tham gia tố tụng khác.
“Điều 49. Quyền, nghĩa vụ của đương sự
- Cung cấp tài liệu, chứng cứ để chứng minh và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
- Được biết, đọc, ghi chép, sao chụp và xem các tài liệu, chứng cứ do đương sự khác cung cấp hoặc do Toà án thu thập.
- Yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức đang lưu giữ, quản lý chứng cứ cung cấp chứng cứ đó cho mình để giao nộp cho Toà án.
- Đề nghị Toà án xác minh, thu thập chứng cứ của vụ án mà tự mình không thể thực hiện được; đề nghị Toà án triệu tập người làm chứng, trưng cầu giám định, định giá tài sản, thẩm định giá tài sản.
- Yêu cầu Toà án áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời.
- Tham gia phiên toà.
- Đề nghị Toà án tạm đình chỉ giải quyết vụ án.
- Ủy quyền bằng văn bản cho luật sư hoặc người khác đại diện cho mình tham gia tố tụng.
- Yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng.
- Đề nghị Toà án đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng.
- Đối thoại trong quá trình Toà án giải quyết vụ án.
- Nhận thông báo hợp lệ để thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình.
- Tự bảo vệ hoặc nhờ người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.
- Tranh luận tại phiên toà.
- Kháng cáo, khiếu nại bản án, quyết định của Toà án.
- Đề nghị người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật.
- Được cấp trích lục bản án, bản án, quyết định của Toà án.
- Cung cấp đầy đủ, kịp thời các tài liệu, chứng cứ có liên quan theo yêu cầu của Toà án.
- Phải có mặt theo giấy triệu tập của Toà án và chấp hành các quyết định của Toà án trong thời gian giải quyết vụ án.
- Tôn trọng Toà án, chấp hành nghiêm chỉnh nội quy phiên toà.
- Nộp tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí, án phí, lệ phí theo quy định của pháp luật.
- Chấp hành nghiêm chỉnh bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật.
- Các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Điều 50. Quyền, nghĩa vụ của người khởi kiện
- Các quyền, nghĩa vụ của đương sự quy định tại Điều 49 của Luật này.
- Rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện; thay đổi, bổ sung nội dung yêu cầu khởi kiện, nếu thời hiệu khởi kiện vẫn còn.
Điều 51. Quyền, nghĩa vụ của người bị kiện
- Các quyền, nghĩa vụ của đương sự quy định tại Điều 49 của Luật này.
- Được Toà án thông báo về việc bị kiện.
- Sửa đổi hoặc hủy bỏ quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, danh sách cử tri bị khởi kiện; dừng, khắc phục hành vi hành chính bị khởi kiện.
Điều 52. Quyền, nghĩa vụ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan
- 1. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có thể có yêu cầu độc lập, tham gia tố tụng với bên khởi kiện hoặc với bên bị kiện.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập thì có các quyền, nghĩa vụ của người khởi kiện quy định tại Điều 50 của Luật này.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nếu tham gia tố tụng với bên khởi kiện hoặc chỉ có quyền lợi thì có các quyền, nghĩa vụ quy định tại Điều 49 của Luật này.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nếu tham gia tố tụng với bên bị kiện hoặc chỉ có nghĩa vụ thì có các quyền, nghĩa vụ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 51 của Luật này”
+ Chủ toạ phiên toà giới thiệu những người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch.
+ Chủ toạ phiên toà hỏi những người có quyền yêu cầu thay đổi những người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch xem họ có yêu cầu thay đổi ai không và lý do yêu cầu thay đổi.
Giải quyết việc thực hiện quyền yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng (nếu có) của các chủ thể tham gia phiên tòa;
+ Hỏi người GĐ, người phiên dịch có xuất trình thêm chứng cứ bổ sung;
+ Hỏi về đề xuất bổ sung người làm chứng; Hỏi về việc người KK có rút, sửa đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện không? Xử lý tình huống người bị kiện sửa đổi, hủy bỏ QĐHC bị khiếu kiện?
+ Hỏi đương sự về việc có nhờ luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp không? Hỏi Luật sư có tiếp tục nhận là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự không?
+ Chủ tọa hỏi VKS có bổ sung gì về thủ tục không?
2.2. Thủ tục hỏi
Hội đồng xét xử xác định đầy đủ các tình tiết của vụ án bằng cách nghe ý kiến của người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hoặc người đại diện của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng, người giám định, đối chiếu các ý kiến này với tài liệu, chứng cứ đã thu thập được.
Sau khi nghe xong lời trình bày của đương sự, việc hỏi từng người về từng vấn đề được thực hiện theo thứ tự Chủ toạ phiên toà hỏi trước rồi đến Hội thẩm nhân dân, sau đó đến người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, đương sự, những người tham gia tố tụng khác và Kiểm sát viên.
– Chủ tọa yêu cầu đương sự trình bày nội dung khởi kiện.
– Người bị kiện bổ sung nội dung sự việc, đưa ra quan điểm phản biện về yêu cầu của người khởi kiện;
– Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trình bày bổ sung nội dung sự việc đưa ra ý kiến, quan điểm và căn cứ của mình về yêu cầu KK hoặc về quan điểm phản biện của người bị kiện (người đại diện, người bảo vệ, người làm chứng, người giám định có thể bổ sung phần nội dung sự việc hoặc LS có thể trình bày thay cho đương sự khi đương sự ủy quyền.)
– Chủ tọa phiên tòa điều hành phần đặt câu hỏi theo thứ tự:
+ HĐXX (Chủ toạ phiên toà hỏi trước rồi đến Hội thẩm nhân dân)
+ Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, đương sự, những người tham gia tố tụng khác
+ Kiểm sát viên.
Đối tượng bị hỏi gồm: đương sự, người đại diện của đương sự, người làm chứng hoặc người giám định (nếu có);
– Công bố các tài liệu của vụ án
Hội đồng xét xử công bố các tài liệu của vụ án trong các trường hợp sau đây:
+ Người tham gia tố tụng không có mặt tại phiên toà mà trong giai đoạn chuẩn bị xét xử đã có lời khai;
+ Những lời khai của người tham gia tố tụng tại phiên toà mâu thuẫn với những lời khai trước đó;
+ Khi Hội đồng xét xử thấy cần thiết hoặc khi có yêu cầu của Kiểm sát viên, người tham gia tố tụng.
Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc, giữ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật đời tư của cá nhân theo yêu cầu của đương sự thì Hội đồng xét xử không công bố các tài liệu có trong hồ sơ vụ án.
– Nghe băng ghi âm, đĩa ghi âm, xem băng ghi hình, đĩa ghi hình
Theo yêu cầu của Kiểm sát viên, người tham gia tố tụng hoặc khi xét thấy cần thiết, Hội đồng xét xử cho nghe băng ghi âm, đĩa ghi âm, xem băng ghi hình, đĩa ghi hình tại phiên toà, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 153 của Luật này.
– Xem xét vật chứng
+ Vật chứng, ảnh hoặc biên bản xác nhận vật chứng được đưa ra để xem xét tại phiên toà.
+ Hội đồng xét xử có thể cùng với các đương sự đến xem xét tại chỗ những vật chứng không thể đưa đến phiên toà được nếu thấy cần thiết.
Việc xem xét, công bố tài liệu và lời khai tại phiên tòa chỉ được thực hiện khi có yêu cầu của đương sự, luật sư, kiểm sát viên hoặc HĐXX thấy cần thiết. Vì vậy, nếu xét thấy đủ điều kiện cần thiết, luật sư có thể tự mình hoặc hướng dẫn khách hàng đề xuất để HĐXX thực hiện theo thủ tục quy định trong Luật TTHC.
2.3. Thủ tục tranh luận
Khi nhận thấy các tình tiết của vụ án đã được xem xét đầy đủ thì Chủ toạ phiên toà hỏi Kiểm sát viên, đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và những người tham gia tố tụng khác xem họ có yêu cầu hỏi vấn đề gì nữa không; trường hợp có người yêu cầu và xét thấy yêu cầu đó là có căn cứ thì Chủ toạ phiên toà quyết định tiếp tục việc hỏi; còn nếu không thì HĐXX kết thúc việc hỏi và chuyển sang phần tranh luận tại phiên toà.
– Trình tự phát biểu khi tranh luận được thực hiện như sau:
+ Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện phát biểu. Người khởi kiện có quyền bổ sung ý kiến;
+ Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kiện phát biểu. Người bị kiện có quyền bổ sung ý kiến;
+ Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phát biểu. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền bổ sung ý kiến.
Trường hợp đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự vắng mặt tại phiên toà nhưng có gửi văn bản bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thì Hội đồng xét xử phải công bố văn bản này tại phiên toà.
Trường hợp đương sự không có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì họ tự mình phát biểu khi tranh luận.
Khi phát biểu về đánh giá chứng cứ, đề xuất quan điểm của mình về việc giải quyết vụ án, người tham gia tranh luận phải căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã thu thập được và đã được xem xét, kiểm tra tại phiên toà cũng như kết quả việc hỏi tại phiên toà. Người tham gia tranh luận có quyền đáp lại ý kiến của người khác. Chủ toạ phiên toà không được hạn chế thời gian tranh luận, tạo điều kiện cho những người tham gia tranh luận trình bày hết ý kiến, nhưng có quyền cắt những ý kiến không có liên quan đến vụ án.
+ Sau khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử; việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng hành chính, kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án.
2.4. Nghị án và tuyên án:
Sau khi kết thúc phần tranh luận, HĐXX vào phòng nghị án để nghị án.
Hội đồng xét xử phải thông báo cho những người có mặt tại phiên toà và người tham gia tố tụng vắng mặt tại phiên toà biết giờ, ngày và địa điểm tuyên án; nếu Hội đồng xét xử đã thực hiện việc thông báo mà có người tham gia tố tụng vắng mặt thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành việc tuyên án.
Qua tranh luận hoặc qua nghị án, nếu xét thấy có tình tiết của vụ án chưa được xem xét, việc xét hỏi chưa đầy đủ hoặc cần xem xét thêm chứng cứ thì Hội đồng xét xử quyết định trở lại việc hỏi và tranh luận.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.