Vợ vay tiền không chi tiêu cho gia đình thì chồng có phải chịu trách nhiệm không?

Câu hỏi của khách hàng: Vợ vay tiền không chi tiêu cho gia đình thì chồng có phải chịu trách nhiệm không?

Nhờ luật sư tư vấn giúp tôi, vợ tôi có vay tiền một số người, tôi không hề biết và mục đích vay tiền không chi tiêu gì trong gia đình. Khi tôi biết chuyện đành phải bán hết nhà cửa, đất đai, những thứ có giá trị trong gia đình cũng chỉ trả được 1 nửa số nợ (tất cả các khoản nợ tôi ko biết và ko ký bất cứ giấy nợ nào). Có 1 đồng nghiệp cho vợ tôi vay 240 triệu làm đơn phong tỏa tài sản của tôi nhưng nhà cửa tôi đã bán cho 1 số chủ nợ, bây giờ tài sản của tôi không còn gì cả. Xin hỏi tôi có phải chịu trách nhiệm trước pháp luật không? Và người cho vay là 3% một tháng có là cho vay nặng lãi không? Trong giấy nợ vợ tôi chỉ ghi vay 240 triệu không ghi lãi, trong 2 năm đã trả 80 triệu tiền lãi(trả qua tài khoản), vây nếu đưa ra pháp luật vợ tôi phải trả chủ nợ bao nhiêu a? Rất mong sự tư vấn của mọi người.


Luật sư Tư vấn Luật dân sự – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 11/01/2018

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng

  • Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014
  • Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;
  • Bộ luật Dân sự năm 2015;
  • Nghị quyết số 02/2005/NQ-HĐTP ngày 27 tháng 4 năm 2005 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao (đã hết hiệu lực).

3./ Luật sư trả lời Vợ vay tiền không chi tiêu cho gia đình thì chồng có phải chịu trách nhiệm không?

Nghĩa vụ về tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng được pháp luật quy định cụ thể trong Luật Hôn nhân và gia đình. Căn cứ Điều 27 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về trách nhiệm liên đới của vợ, chồng như sau:

– Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch do một bên thực hiện bao gồm các giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình hoặc giao dịch khác phù hợp với quy định về đại diện tại các điều 24, 25 và 26 của Luật này (đại diện giữa vợ và chồng; đại diện giữa vợ và chồng trong quan hệ kinh doanh; đại diện giữa vợ và chồng trong trường hợp giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với tài sản chung nhưng chỉ ghi tên vợ hoặc chồng)

– Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới về các nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng (quy định tại Điều 37 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014).

Theo đó, khi vợ bạn tự mình xác lập giao dịch vay tiền của người khác mà không sử dụng vào mục đích thiết yếu của gia đình và không thuộc các giao dịch liên quan đến đại diệ của vợ chồng hay thực hiện nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng theo quy định trên, thì bạn không có trách nhiệm liên đới trả nợ. Do đó, bạn không phải chịu trách nhiệm pháp lý gì trong trường hợp vợ bạn không thể trả hết số nợ trên.

Về yêu cầu phong tỏa tài sản của bên cho vay 240 triệu đồng. Phong tỏa tài sản là một trong những biện pháp khẩn cấp tạm thời được quy định trong pháp luật về tố tụng dân sự. Căn cứ Điều 126 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định về phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ như sau:

Phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người có nghĩa vụ có tài sản và việc áp dụng biện pháp này là cần thiết để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án”.

Theo đó, căn cứ để phong tỏa tài sản là người có nghĩa vụ có tài sản và việc áp dụng biện pháp này là cần thiết để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án. Tức là tài sản bị phong tỏa phải thuộc sở hữu của người có nghĩa vụ. Theo thông tin bạn cung cấp, bạn đã bán hết nhà và các tài sản khác để trả nợ, do đó, những tài sản này đã không còn thuộc quyền sở hữu của người có nghĩa vụ trả nợ (vợ bạn) nữa. Vì vậy, Tòa án không thể ra quyết định phong tỏa những tài sản mà gia đình bạn đã bán để trả nợ. Khi người cho vay yêu cầu Tòa án phong tỏa tài sản này thì Tòa không ra quyết định phong tỏa do không còn căn cứ, bạn sẽ không phải chịu trách nhiệm pháp lý về việc đã đem bán những tài sản này.

Hơn nữa, không phải trong mọi trường hợp đương sự có yêu cầu Tòa án đều áp dụng biện pháp phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ. Bời lẽ, theo quy định tại khoản 4 Điều 133 Bộ luật Tố tụng dân sự, Tòa án chỉ được phong tỏa tài sản có giá trị tương đương với nghĩa vụ tài sản mà người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có nghĩa vụ phải thực hiện. Theo đó, kể cả khi gia đình bạn còn tài sản, thì khi có yêu cầu, Tòa án cũng chỉ được phong tỏa những tài sản có giá trị tương đương nghĩa vụ trả nợ mà vợ bạn còn phải thực hiện (bao gồm 240 triệu dồng nợ gốc, tiền lãi trên khoản nợ gốc, lãi chậm trả khi quá hạn nếu các bên có thỏa thuận về thời hạn vay). Tương đương theo tinh thần của Nghị quyết số 02/2005/NQ-HĐTP ngày 27 tháng 4 năm 2005 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao (đã hết hiệu lực nhưng chưa có văn bản thay thế quy định về vấn đề này), trong trường hợp người yêu cầu Tòa án áp dụng BPKCTT yêu cầu phong tỏa tài khoản, tài sản có giá trị thấp hơn nghĩa vụ tài sản mà người bị áp dụng BPKCTT có nghĩa vụ thực hiện, thì Tòa án chỉ được phong tỏa tài khoản, tài sản có giá trị từ mức yêu cầu trở xuống.

Về lãi suất 3%/tháng, căn cứ khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về thỏa thuận lãi suất như sau:

“1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.”.

Theo đó, lãi suất các bên thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm, tức là không quá 1.67%/tháng. Theo thông tin bạn cung cấp, lãi suất cho vay là 3%/tháng, như vậy là đã vượt quá mức lãi suất theo luật định, do đso, phần vượt quá không có hiệu lực. Vợ của bạn có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố phần thỏa thuận về lãi suất 3%/tháng vô hiệu, bên cho vay hoàn trả lại phần lãi 80 triệu đã nhận. Trường hợp khởi kiện ra Tòa yêu cầu trả nợ, vợ của bạn chỉ có nghĩa vụ trả nợ theo lãi suất 1.67%/tháng theo luật định, phần vượt quá không có hiệu lực. Nghĩa vụ trả nợ của vợ bạn bao gồm: tiền nợ gốc, lãi suất (1.67%/tháng), lãi suất trên số tiền chậm trả (nếu có thỏa thuận về thời hạn trả nợ).

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191