Những đặc điểm cơ bản của các tội xâm phạm sở hữu

MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM CƠ BẢN CỦA CÁC TỘI XÂM PHẠM SỞ HỮU

  1. Các tội xâm phạm sở hữu quy định trong chương XIV Bộ luật hình sự năm 1999 là các tội được sát nhập từ các tội xâm phạm sở hữu xã hội chủ nghĩa quy định tại chương IV và các tội xâm phạm sở hữu của công dân quy định tại chương VI Bộ luật hình sự năm 1985.

Về tội phạm, chương XIV chỉ còn quy định 13 tội danh phản ảnh đúng bản chất của tên chương là các tội xâm phạm sở hữu, một số tội tuy có xâm phạm sở hữu nhưng xuất phát từ bản chất của hành vi nên được nhà làm luật quy định ở các chương khác như: Tội tham ô; tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản  được quy định tại Mục A Chương XXI các tội phạm về tham nhũng.v.v…

Về hình phạt, Bộ luật hình sự năm 1999 quy định trong tất cả các tội đều nhẹ hơn hình phạt trong các tội xâm phạm sở hữu xã hội chủ nghĩa và nặng hơn hình phạt trong các tội xâm phạm tài sản của công dân quy định trong Bộ luật hình sự năm 1985. Hình phạt bổ sung được quy định ngay trong cùng một điều luật.

  1. Đa số các tội xâm phạm sở hữu là các tội có tính chất chiếm đoạt. Trong số 13 tội quy định trong chương XIV Bộ luật hình sự năm 1999, thì có tới 8 tội có tính chất chiếm đoạt đó là các tội: Cướp tài sản; bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; cưỡng đoạt tài sản; cướp giật tài sản; công nhiên chiếm đoạt tài sản; trộm cắp tài sản; lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Đặc điểm nổi bật của các tội xâm phạm sở hữu là có tính chất chiếm đoạt, nhưng không phải tội phạm nào có tính chất chiếm đoạt đều là tội xâm phạm sở hữu. Ngược lại tội xâm phạm sở hữu không nhất thiết có tính chất chiếm đoạt như các tội: chiếm giữ trái phép tài sản; sử dụng trái phép tài sản; huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản; thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản và vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản không phải là các tội có tính chất chiếm đoạt.

  1. Đa số các tội xâm phạm sở hữu là các tội được thực hiện do cố ý. Trong số 13 tội quy định trong chương XIV Bộ luật hình sự năm 1999, thì có tới 11 tội được thực hiện do cố ý, đó là các tội: Cướp tài sản; bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; cưỡng đoạt tài sản; cướp giật tài sản; công nhiên chiếm đoạt tài sản; trộm cắp tài sản; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; chiếm giữ trái phép tài sản; sử dụng trái phép tài sản và huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản. Chỉ có hai tội được thực hiện do vô ý, đó là các tội: thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản và vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản.
  2. Hậu quả của các tội xâm phạm sở hữu gây ra chủ yếu là thiệt hại về tài sản. Có thể nói, thiệt hại về tài sản là thước đo để đánh giá tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội. Trong một số tội, giá trị tài sản bị thiệt hại còn là căn cứ để phân biệt tội phạm với hành vi vi phạm như: Công nhiên chiếm đoạt tài sản; trộm cắp tài sản; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; chiếm giữ trái phép tài sản; sử dụng trái phép tài sản; huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản; thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản và vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản, nếu chưa đến mức quy định của Bộ luật hình sự thì chưa bị coi là tội phạm. Ví dụ: trộm cắp dưới 500.000 đồng nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng, chưa bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt, chưa bị kết án về hành vi chiếm đoạt hoặc tuy đã bị kết án về hành vi chiếm đoạt những đã được xoá án thì chưa bị coi là tội phạm.

Tuy nhiên, đối với một số tội phạm, ngoài thiệt hại về tài sản, tội xâm phạm sở hữu còn xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người; xâm phạm đến trật tự an toàn xã hội; xâm phạm đến hoạt động của các cơ quan, tổ chức… Ví dụ: Tội cướp tài sản, ngoài việc xâm phạm đến tài sản, trong nhiều trường hợp còn xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ của con người; Lợi dụng chức vụ quyền hạn để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, để lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, để sử dụng trái phép tài sản còn xâm phạm đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức…

Tham khảo thêm:


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191