TỘI CƯỚP TÀI SẢN (ĐIỀU 133)
Cướp tài sản là dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể tự vệ được nhằm chiếm đoạt tài sản.
Tội cướp tài sản quy định tại Điều 133 Bộ luật hình sự là tội phạm được nhập từ tội cướp tài sản xã hội chủ nghĩa quy định tại Điều 129 và tội cướp tài sản của công dân quy định tại Điều 151 Bộ luật hình sự năm 1985. So với Bộ luật hình sự năm 1985 thì Điều 133 Bộ luật hình sự năm 1999 có nhiều sửa đổi bổ sung, nhất là đối với các tình tiết là yếu tố định khung hình phạt, quy định cụ thể hơn, dễ áp dụng hơn.
Tội cướp tài sản quy định tại Điều 133 Bộ luật hình sự nói chung có khung hình phạt nặng hơn tội cướp tài sản của công dân và nhẹ hơn tội cướp tài sản xã hội chủ nghĩa quy định tại Bộ luật hình sự năm 1985.
Về cơ cấu, tội cướp tài sản quy định tại Điều 133 được cấu tạo thành 5 khoản ( Điều 129 có 2 khoản và Điều 151 có 3 khoản).
Về giá trị tài sản là tình tiết định khung hình phạt được quy định bằng một số tiền nhất định thay cho việc quy định tài sản bị chiếm đoạt có giá trị lớn như Bộ luật hình sự năm 1985.
Về thương tích hoặc tổn hại sức khỏe của nạn nhân là tình tiết định khung hình phạt cũng được quy định cụ thể bằng tỷ lệ thương tật thay cho việc quy định thương tích nặng hoặc tổn hại nặng đến sức khoẻ như Bộ luật hình sự năm 1985.
Hình phạt bổ sung được quy định nay trong điều luật.
CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM
- Các dấu hiệu về chủ thể của tội phạm
Người phạm tội cướp tài sản phải là người đủ từ 14 tuổi trở lên và khi thực hiện hành vi phạm tội không mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình. Bởi vì, tội cướp tài sản quy định tại Điều 133 Bộ luật hình sự là tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý và theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự thì, người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
- Các dấu hiệu về mặt khách thể của tội phạm
Đối với tội cướp tài sản, khách thể của tội phạm bao gồm cả quan hệ về tài sản và quan hệ nhân thân, hay nói cách khác, tội cướp tài sản là tội phạm cùng một lúc xâm phạm hai khách thể, nhưng khách thể bị xâm phạm trước là quan hệ nhân thân, thông qua việc xâm phạm đến nhân thân mà người phạm tội xâm phạm đến quan hệ tài sản ( dùng vũ lực nhằm chiếm đoạt tài sản ), nếu không xâm phạm đến quan hệ nhân thân thì người phạm tội cướp tài sản không thể xâm phạm đến quan hệ tài sản được. Đây cũng là đặc trưng cơ bản của tội cướp tài sản, nếu chỉ xâm phạm đến một trong hai quan hệ xã hội thì chưa phản ảnh đầy đủ bản chất của tội cướp tài sản, đây cũng là dấu hiệu để phân biệt tội cướp tài sản với các tội khác xâm phạm sở hữu và các tội mà người phạm tội có hành vi dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc nhưng không nhằm chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, do tội cướp tài sản cùng một lúc xâm phạm hai khách thể, trong đó quan hệ nhân thân lại quan trọng hơn quan hệ sở hữu nên có ý kiến cho rằng, không nên xếp tội cướp tài sản trong Chương “các tội xâm phạm sở hữu” mà nên xếp vào Chương “các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người”. Việc nhà làm luật xếp tội cướp tài sản vào Chương các tội xâm phạm sở hữu là căn cứ vào mục đích cuối cùng của người phạm tội là nhằm chiếm đoạt tài sản, còn việc gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người chỉ là phương tiện để đạt mục đích. Cách lý giải này có nhiều nhân tố hợp lý, nhưng cũng chưa lý giải được vì sao tội tham ô nhà làm luật lại xếp vào Mục A “các tội phạm về tham nhũng” trong Chương “các tội phạm về chức vụ”, mặc dù mục đích cuối cùng của người phạm tội cũng là nhằm chiếm đoạt tài sản ? Trong khi đó, xét về góc độ khoa học luật hình sự khi chia khách thể thành khách thể loại là nhằm mục đích sắp xếp các chương trong Bộ luật hình sự. Trên thế giới hiện nay, có nước xếp tội cướp tài sản trong Chương “các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người”. Nhưng cũng có nưới xếp vào Chương “các tội xâm phạm sở hữu” như nước ta. Việc nhà làm luật xếp tội cướp tài sản vào Chương này hay Chương khác chỉ có ý nghĩa trong việc nghiên cứu khoa học lập pháp, chứ không có ý nghĩa trong việc xác định các dấu hiệu pháp lý cấu thành tội cướp tài sản.
Do tội cướp tài sản cùng một lúc xâm phạm đến hai khách thể, nên trong cùng một vụ án có thể có thể có một người bị hại, nhưng cũng có thể có nhiều người bị hại, có người bị hại chỉ bị xâm phạm đến tài sản; có người bị hại bị xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự; có người bị hại bị xâm phạm đến cả tài sản, tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự.
- Các dấu hiệu thuộc mặt khách quan của tội phạm
Hành vi dùng vũ lực
Hành vi dùng vũ lực là hành vi ( hành động) mà người phạm tội đã thực hiện, tác động vào cơ thể của nạn nhân như: Đấm, đá, bóp cổ, trói, bắn, đâm, chém… Hay có thể nói một cách khái quát là hành vi dùng sức mạnh vật chất nhằm chiếm đoạt tài sản. Hành vi dùng vũ lực có thể làm cho nạn nhân bị thương tích, bị tổn hại đến sức khoẻ hoặc bị chết, nhưng cũng có thể chưa gây ra thương tích đáng kể ( không có tỷ lệ thương tật). Ví dụ: Lê Xuân H dùng tay bóp cổ bà M để chiếm đoạt chiệc dây chuyền vàng và một đôi hoa tai của bà M trong lúc bà M đang nằm ngủ. Tuy bà M bị H bóp cổ nhưng không để lại thương tích, cũng không ảnh hưởng đến sức khoẻ và không có tỷ lệ thương tật, nhưng hành vi của H vẫn được coi là hành vi dùng vũ lực.
Nói chung, người phạm tội dùng vũ lực chủ yếu đối với người có trách nhiệm về tài sản. Tuy nhiên cũng không loại trừ trường hợp người phạm tội dùng vũ lực đối bất cứ người nào mà người phạm tội cho rằng họ sẽ cản trở việc thực hiện tội cướp mà người phạm tội thực hiện. Người có trách nhiệm về tài sản có thể có mặt tại nơi xảy ra vụ cướp, nhưng cũng có thể không có mặt ở nơi xảy ra vụ cướp tài sản, thì người phạm tội vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản. Ví dụ: Đặng Hải Q, Nguyễn Lâm B và Lưu Ngọc C bàn bạc vào kho của Công ty vật tư thương mại khống chế thủ kho để chiếm đoạt hàng hoá trong kho. Khi đi, Q mang theo một súng K54, B mang theo một dao găm, còn C lái xe Lam để chuyên chở tài sản chiếm đoạt được. Khi đến kho, chúng không gặp thủ kho, nên đã phá khoá vào kho khuân tài sản ra xe Lam do C lái. Trong khi chúng đang khuân tài sản lên xe thì thấy có hai người đi xe máy qua, sợ bị phát hiện, Q đã dùng súng bắn về phía hai người đi xe máy làm hai người này sợ hãi phải quay xe chạy. Sau đó chúng tiếp tục lấy thêm một số tài sản rồi tẩu thoát. Trong trường hợp này, tuy Q, B và C không trực tiếp dùng vũ lực với người có trách nhiệm về tài sản và người có trách nhiệm về tài sản cũng không có ở nơi xảy ra vụ án, nhưng hành vi của các bị cáo vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản vì chúng đã có hành vi dùng vũ lực với người mà chúng cho rằng cản trở việc thực hiện tội phạm của chúng.
Đối với những vụ cướp có nhiều người cùng tham gia (đồng phạm), không nhất thiết tất cả những người tham gia đều phải dùng vũ lực, mà chỉ cần một hoặc một số người dùng vũ lực, còn những người khác có thể không dùng vũ lực hoặc chỉ đe doạ dùng vũ lực, nhưng tất cả những người cùng tham gia đều bị coi là dùng vũ lực. Ví dụ: Đào văn T, Trần Văn H và Bùi Công D rủ nhau chặn đường để cướp xe máy. Khi anh Đinh Văn K là người làm nghề xe thồ ( xe ôm) đi qua, H và D đến giả vờ hỏi anh K, còn T dùng thanh sắt mang theo đánh mạnh vào đầu anh K rồi cả bọn cướp xe bỏ chạy. Mặc dù chỉ một mình T có hành vi dùng vũ lực, nhưng hành vi của H và D cũng bị coi là hành vi dùng vũ lực, cả T, H và D đều phạm tội cướp với vai trò cùng là người thực hành. Về lý luận cũng như thực tiễn xét xử, gặp phải trường hợp này, nhiều người cho rằng chỉ có T là người thực hành còn D và H chỉ là người giúp sức.
Hành vi đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc
Hành vi đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc là hành vi dùng lời nói hoặc hành động nhằm đe doạ người bị hại nếu không đưa tài sản thì vũ lực sẽ được thực hiện ngay. Ví dụ: dí dao vào cổ, dí súng vào bụng yêu cầu người bị hại giao ngay tài sản nếu không sẽ bị đâm, bị bắn ngay lập tức.
Đe doạ dùng vũ lực là chưa dùng vũ lực, nếu người phạm tội vừa đe doạ, vừa dùng vũ lực, mặc dù việc dùng vũ lực không mạnh mẽ bằng vũ lực mà người phạm tội đe doạ người bị hại, nhưng vẫn bị coi là đã dùng vũ lực. Ví dụ: Nguyễn Văn L gặp chị Trần Thị H trên một đoạn đường vắng, L lao ra chặn chị H lại, H liền túm cổ áo chị H, đồng thời rút dao trong người ra dí vào cổ chị H buộc chị H phải cởi dây chuyền, hoa tai đưa cho L. Hành vi của L phải coi là hành vi dùng vũ lực chứ không phải là hành vi đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc.
Việc xác định thế nào là đe doạ dùng vũ lực không khó bằng việc xác định thế nào là đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc. Đây là dấu hiệu rất quan trong để phân biệt tội cướp tài sản với tội cưỡng đoạt tài sản, nếu đe doạ dùng vũ lực nhưng không ngay tức khắc thì đó là là dấu hiệu của tội cưỡng đoạt tài sản. Ngay tức khắc là ngay lập tức không chần chừ, khả năng xảy ra là tất yếu nếu người bị hại không giao tài sản cho người phạm tội. Khả năng này không phụ thuộc vào lời nói hoặc hành động của người phạm tội mà nó tiềm ẩn ngay trong hành vi của người phạm tội. Đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc, cũng có nghĩa là nếu người bị hại không giao tài sản hoặc không để cho người phạm tội lấy tài sản thì vũ lực sẽ được thực hiện. Tuy nhiên, vì vũ lực chưa xảy ra nên việc đánh giá người phạm tội có dùng vũ lực hay không, trong trường hợp người bị hại không giao tài sản lại là một vấn đề phức tạp. Thông thường người phạm tội không bao giờ nhận là sẽ dùng vũ lực ngay tức khắc nếu người bị hại không giao tài sản hoặc không để người phạm tội lấy tài sản. Vì vậy để xác định trường hợp người phạm tội đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hay không, ngoài lời khai của người phạm tội, các cơ quan tiến hành tố tụng còn phải căn cứ vào các tình tiết khác của vụ án như: Không gian, thời gian, hoàn cảnh lúc xảy ra sự việc; vào công cụ, phương tiện phạm tội người phạm tội sử dụng… Ví dụ: Trong đêm tối, trên một đoạn đường vắng, một người dùng dao dí vào cổ người khác, yêu cầu người này phải giao tài sản cho mình, nếu không sẽ giết. Ngay lúc đó có tổ tuần tra phát hiện nên bắt được người phạm tội. Trong trường hợp dù người phạm tội có khai rằng, chỉ có ý định doạ chứ không có ý định dùng vũ lực với người bị hại thì cũng không có căn cứ để tin lời khai của người phạm tội là đúng, mà trường hợp này phải xác định người phạm tội đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc.
Hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được
Hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được , là hành vi không phải là dùng vũ lực, cũng không phải là đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc nhưng lại làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được. Để xác định hành vi này, trước hết phải xuất phát từ phía người bị hại phải là người bị tấn công, nhưng không phải bị tấn công bởi hành vi dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc mà bị trấn công bởi hành vi khác. Như vậy, hành vi khác mà nhà làm luật quy định trong cấu thành trước hết nó phải là hành vi tấn công người bị hại, mức độ tấn công tới mức người bị hại không thể chống cự được. Ví dụ: A bỏ thuốc ngủ vào cốc nước để B uống, sau khi uống nước, B đã ngủ say không biết gì, do đó A mới chiếm đoạt được tài sản của B. Thực tiễn xét xử, không chỉ xảy ra trường hợp người phạm tội cho người bị hại uống thuốc ngủ mà nhiều trường hợp người phạm tội dùng những thủ đoạn nguy hiểm như xịt Ê te, cho người bị hại uống thuốc mê, thậm chí cả thuốc độc làm cho người bị hại không còn khả năng chống cự nhằm chiếm đoạt tài sản. Trong trường hợp, người phạm tội tìm cách chuốc rượu cho người bị hại uống thật say để chiếm đoạt tài sản cũng cần phải xác dịnh hành vi này là hành vi làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được.
Trước khi Bộ luật hình sự năm 1985 được ban hành, các văn bản pháp luật hình sự, cũng như các hướng dẫn về tội cướp tài sản ( tài sản xã hội chủ nghĩa và tài sản riêng của công dân) chỉ quy định cướp là dùng bạo lực để chiếm đoạt, mà không quy định trường hợp đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được. Tại Điều 4 Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa ngày 21-10-1970 và tại Điều 3 Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản riêng của công dân ngày 21-10-1970 đều chỉ quy định “ kẻ nào dùng bạo lực để chiếm đoạt…” 7. Do thực tiễn xét xử có nhiều trường hợp người phạm tội không dùng bạo lực ( vũ lực), mà dùng những thủ đoạn cũng rất nguy hiểm nhằm chiếm đoạt tài sản, nếu chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội về tội cưỡng đoạt hoặc tội trộm cắp thì không tương xứng với tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội, nên khi xây dựng Bộ luật hình sự năm 1985, nhà làm luật đã đưa vào cấu thành của tội cướp ( cướp tài sản xã hội chủ nghĩa và cướp tài sản của công dân) một số hành vi là dấu hiệu khách quan của cấu thành như: đe doạ dùng ngay tức khắc vũ lực hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được. Bộ luật hình sự năm 1999 vẫn giữ nội dung này chỉ hoán vị từ “ dùng ngay tức khắc vũ lực” thành “dùng vũ lực ngay tức khắc”.
Theo quan niệm truyền thống thì tội cướp tài sản là tội phạm có cấu thành hình thức, không cần có hậu quả xảy ra là tội phạm đã hoàn thành. Quan niệm này chỉ đúng đối với trường hợp tội cướp tài sản được thực hiện bằng hành vi dùng vũ lực hoặc bằng hành vi đe doạ dùng vũ lực nay tức khắc, nhưng đối với trường hợp bằng hành vi khác thì tội cướp tài sản không hẳn là tội phạm có cấu thành hình thức. Ví dụ: A muốn chiếm đoạt tài sản của B bằng cách bỏ thuốc mê vào trong cốc nước cho B uống với ý thức sau khi uống, B sẽ bị mê không biết gì nữa, A sẽ gỡ dây chuyền vàng, nhẫn vàng, đồng hồ của B, nhưng B phát hiện trong nước có mùi lạ nên không uống, do đó A không chiếm đoạt được tài sản của B. Trong trường hợp này, A đã thực hiện hết các hành vi khách quan của cấu thành, nhưng hậu quả không xảy ra ngoài ý thức chủ quan của A. Về lý luận cũng như thực tiễn xét xử, nếu coi trường hợp phạm tội này là tội phạm đã hoàn thành rõ ràng không phù hợp với lý luận về các giai đoạn thực hiện tội phạm. ở một số nước, trong đó có các nước cộng hoà thuộc Liên Xô trước đây, không coi hành vi dùng thuốc mê, thuốc ngủ… làm cho người bị hại lâm vào tình trạng không chống cự được để chiếm đoạt tài sản là hành vi phạm tội cướp tài sản mà coi hành vi này là tội trộm cắp với thủ đoạn xảo quyệt hoặc nguy hiểm. Nếu coi hành vi này là hành vi phạm tội trộm cắp tài sản thì rõ ràng trường hợp phạm tội của A đối với B vừa nêu trên phải coi là phạm tội chưa đạt. Nếu như trước đây, việc xác định tội phạm chưa đạt hay tội phạm đã hoàn thành không ảnh hưởng nhiều lắm đến việc quyết định hình phạt, vì theo khoản 3 Điều 15 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định: “Đối với hành vi chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt, hình phạt được quyết định theo các Điều của Bộ luật này về các tội tương ứng tuỳ theo tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, mức độ thực hiện ý định phạm tội và những tình tiết khác khiễn cho tội phạm không thực hiện đến cùng”. Nhưng theo quy định tại Điều 52 Bộ luật hình sự năm 1999, việc xác định thời điểm hoàn thành của tội phạm có một ý nghĩa rất quan trọng trong việc quyết định hình phạt. Theo khoản 3 Điều 52 Bộ luật hình sự năm 1999 “ đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình, thì chỉ có áp dụng các hình phạt này trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng ; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định”. Việc nhà làm luật đưa vào cấu thành tội cướp tài sản dấu hiệu “có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể tự vệ được nhằm chiếm đoạt tài sản” đã làm cho việc xác định thời điểm hoàn thành của tội cướp có những quan điểm trái ngược nhau. Có ý kiến vẫn cho rằng, dù nhà làm luật có đưa thêm vào trong cấu thành dấu hiệu mới cũng không làm thay đỏi bản chất của tội cướp tài sản, nên tội cướp tài sản không có giai đoạn phạm tội chưa đạt mà chỉ có giai đoạn chuẩn bị phạm tội và tội phạm hoàn thành. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, do nhà làm luật thêm vào cấu thành tội cướp dấu hiệu “có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể tự vệ được nhằm chiếm đoạt tài sản” nên tội cướp tài sản vừa là tội có cấu thành hình thức, vừa là tội có cấu thành vất chất. Nếu người phạm tội dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc thì tội cướp tài sản là tội phạm có cấu thành hình thức, còn nếu người phạm tội có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể tự vệ được nhằm chiếm đoạt tài sản thì tội cướp tài sản là tội phạm có cấu thành vật chất và như vậy tội cướp tài sản có giai đoạn phạm tội chưa đạt, bởi lẽ: Trong trường hợp người phạm tội đã thực hiện hết các hành vi thuộc mặt khách quan của cấu thành nhưng vì lý do khách quan nên tội phạm vẫn không xảy ra theo ý muốn của người phạm tội. Ví dụ: A đã bỏ thuốc mê vào cốc nước để cho B uống nhằm chiếm đoạt tài sản của B; B đã uống cóc nước có thuốc mê, nhưng không bị mê nên A không chiếm đoạt được tài sản của B.
Hậu quả của tội phạm
Đối với tội cướp tài sản, hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành. Hậu quả của tội phạm chỉ là dấu hiệu định khung hình phạt hoặc chỉ là tình tiết để xem xét khi quyết định hình phạt.
Do khách thể của tội cướp là hai quan hệ xã hội ( quan hệ tài sản và quan hệ nhân thân) nên tội cướp tài sản được gọi là tội gép và do đó hậu quả của tội cướp tài sản có thể là thiệt hại về tài sản nhưng cũng có thể là những thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm. Ví dụ: A dùng dao đâm bị thương B để cướp chiệc xe máy của B, trong trường hợp này, hậu quả do A gây ra cho B vừa là tài sản ( chiếc xe máy) vừa là sức khoẻ ( B bị thương tích ). Cũng có trường hợp thiệt hại gây ra vừa là tài sản vừa là danh dự, nhân phẩm. Ví dụ: A có ý định chiếm đoạt chiệc dây chuyền vàng của chị H, A đã nấp trong bụi cây chờ chị H đi qua, A lao ra ôm vật chị H và giật chiệc dây chuyền vàng trên cổ của chị H, trong lúc vật lộn, A đã xé rách áo ngoài, áo trong (Xu chiêng) của chị H, làm chị H phải ở trần chạy về trước sự chứng kiến của nhiều người.
Nếu hậu quả xảy ra là thiệt hại về tính mạng thì cần phân biệt hai trường hợp: trường hợp người phạm tội giết người nhằm chiếm đoạt tài sản thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hai tội: tội giết người và tội cướp tài sản, nhưng nếu người phạm tội không có ý định giết người mà chỉ có ý định cướp tài sản nhưng chẳng may người bị hại bị chết thì người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản với tình tiết làm chết người. Tuy nhiên, nếu sau khi đã cướp tài sản bị đuổi bắt mà người phạm tội giết người để tẩu thoát thì còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người
Nếu hậu quả xảy ra là thiệt hại về sức khoẻ thì người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản với tình tiết gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác nếu người bị hại có tỷ lệ thương tật từ 11% trở lên.
Nếu hậu quả xảy ra là thiệt hại về nhân phẩm danh dự mà hành vi xâm phạm của người phạm tội không có liên quan gì đến mục đích chiếm doạt thì ngoài tội cướp tài sản, người phạm tội còn bị truy cứu về các tội phạm tương ướng với với hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm. Ví dụ: A, B, C bàn bạc đón đường nếu ai đi xe máy qua sẽ cướp xe. Khi thấy chị L đi xe máy qua, chúng chặn xe rút dao găm ra đe doạ buộc chị L phải giao xe cho chúng. Sau khi cướp được xe, B và C lấy xe chở nhau bỏ chạy, còn A ở lại dùng dao khống chế chị L để B và C chạy thoát. Trong khi khống chế chị L, A nảy ý định giao cấu với chị L nên A buộc chị L phải cho A giao cấu nếu không A sẽ giết. Do quá sợ hãi nên chị L buộc phải để cho A giao cấu.
- Các dấu hiệu thuộc mặt chủ quan của tội phạm
Người phạm tội không chỉ cố ý thực hiện hành vi phạm tội mà còn phải có mục đích chiếm đoạt tài sản thì mới là tội cướp tài sản. Như vậy, ý thức chiếm đoạt của người phạm tội phải có trước khi thực hiện hành vi dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể tự vệ được. Nếu có hành vi tấn công nhưng vì động cơ và mục đích khác chứ không nhằm chiếm đoạt tài sản, nhưng sau đó người bị tấn công bỏ chạy, để lại tài sản và người có hành vi tấn công lấy tài sản đó thì không phải là tội cướp tài sản mà tuỳ vào trường hợp cụ thể mà truy cứu trách nhiệm hình sự người có hành vi tấn công theo các tội tương ứng, riêng hành vi chiếm đoạt của người có hành vi tấn công có thể là hành vi phạm tội công nhiên chiếm đoạt hoặc chiếm giữ trái phép tuỳ thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Thực tiễn xét xử cho thấy hầu hết những trường hợp khi tấn công người phạm tội không có ý định chiếm đoạt tài sản mà vì động cơ mục đích khác như để trả thù, nhưng sau khi đã thực hiện hành vi tấn công, người bị tấn công bỏ chạy để lại tài sản, người có hành vi tấn công lấy tài sản đó đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội về tội cướp tài sản trong trường hợp này rõ ràng là không chính xác.
Ví dụ: Khoảng 21 giờ ngày 15-10-1996, trên đường từ thôn Trung Đức, xã Hợp Đức về xã Hoà Nghĩa, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng, Phạm Văn Hiếu gặp Đặng Bá Hùng; Hiếu rủ Hùng về nhà Hiếu chơi, Hùng đồng ý. Hiếu chở Hùng bằng xe đạp của mình, khi đến ngang khu vực kho lương thực xã Hoà Nghĩa. Theo lời khai của Hùng và Hiếu thì do đường xấu nên Hiếu vấp phải ổ gà làm cho xe đạp bị đổ, Hùng ngồi sau bị ngã, cùng lúc đó có một thanh niên mà sau này Hiếu và Hùng mới biết là Nguyễn Văn Mạnh người cùng xóm đi xe đạp Mi-ni Nhật từ phía sau đâm vào xe của Hiếu. Hùng ở phía sau túm tóc và đánh Mạnh, Hiếu thấy vậy cũng lao vào đấm đá Mạnh làm Mạnh lăn xuống bờ ruộng, Hùng lao theo đám đá và dùng tay bóp cổ Mạnh, anh Mạnh chống cự quyết liệt và hô: “cướp ! cướp !” Hiếu thấy xe của Mạnh để trên đường nên đã lấy đạp đi luôn, còn Hùng ở lại vẫn đánh nhau với Mạnh và bị Mạnh dùng gạch đập vào đầu làm Hùng bị choáng. Nhân dân trong làng nghe tiếng hô cướp liền chạy ra đưa cả hai đi cấp cứu ở trạm xá. Sau đó nghe anh Mạnh kể lại mới biết Hùng và Hiếu đánh Mạnh và lấy đi một xe đạp của anh. Sau khi điều trị, kết quả giám định pháp y kết luận anh Mạnh bị giảm sức khoẻ 2%. Về phần Hiếu, sau khi lấy được xe đạp của anh Mạnh, Hiếu đem đến chòi cá cách nơi xảy ra sự việc khoảng 1 km cất giấu và ngủ luôn ở chòi cá, sáng hôm sau nghe tin Hùng bị bắt, Hiếu đã ra tự thú và nộp lại chiếc xe đạp để trả lại cho anh Mạnh; gia đình Hiếu đã bồi thường cho anh Mạnh 500.000 đồng tiền thuốc điều trị vết thương.
Tại bản án sơ thẩm số 19 ngày 30-1-1997 Toà án nhân dân thành phố H áp dụng điểm c khoản 2 Điều 151; điểm h khoản1, khoản 2, khoản 3 Điều 38 Bộ luật hình sự năm 1985, phạt Đặng Bá Hùng 4 năm tù, còn đối với Phạm Văn Hiếu bị phạt 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo với thời gian thử thách là 4 năm đều về tội cướp tài sản của công dân.
Sau khi xét xử sơ thẩm, Đặng bá Hùng kháng cáo đề nghị Toà án cấp phúc thẩm xem xét lại tội danh cho mình vì Hùng cho rằng y không có mục đích chiếm đoạt chiếc xe đạp của anh Mạnh mà việc này là ý đồ riêng của Hiếu.
Tại bản án phúc thẩm số 1007 ngày 28-6-1997 Toà phúc thẩm giảm hình phạt cho Đặng Bá Hùng xuống còn 3 năm tù và cho hưởng án treo về tội cướp tài sản của công dân.
Các bị cáo đánh anh Mạnh không phải là nhằm mục đích lấy chiếc xe đạp Mi-ni Nhật của anh mà là vì anh Mạnh đụng xe vào xe của các bị cáo. “ Do đường xấu nên Hiếu và Hùng dắt xe đi bộ. Cùng lúc đó anh Nguyễn Văn Mạnh đi xe đạp Mi-ni Nhật từ phía sau đến, bánh trước xe đạp của anh Mạnh va vào bánh sau xe đạp của Hiếu. Từ việc này Hùng đã đánh anh Mạnh, Hiếu cũng xông váo đánh anh Mạnh”. Như vậy cả Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm đều xác định hành vi dùng vũ lực của các bị cáo không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người bị tấn công, do đó cũng không có căn cứ để xác định hành vi dùng vũ lực của các bị cáo là hành vi thuộc dấu hiệu khách quan của cấu thành tội cướp. Việc Hiếu lấy xe của anh Mạnh là do Hiếu lợi dụng lúc anh Mạnh đang đánh nhau với Hùng không thể giữ được xe, nên hiếu mới lấy đi được và khi phát hiện thấy Hiếu đã lấy xe của mình, anh Mạnh hô cướp! Cướp! cũng là lẽ thường tình. Hành vi của Hiếu chỉ là hành vi thái quá của một người cùng gây thương tích cho anh Mạnh và hành vi này không cấu thành tôị cướp tài sản của công dân mà là hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản của công dân quy định tại Điều 137 Bộ luật hình sự.
Đối với Đặng Bá Hùng, sau khi Hiếu đã lấy xe đạp của anh Mạnh, Hùng còn tiếp tục tấn công anh Mạnh để Hiếu chạy thoát, thì cũng không vì thế mà cho rằng Hùng đồng phạm với Hiếu về tội công nhiên chiếm đoạt với vai trò giúp sức, vì giúp cho kẻ phạm tội tẩu thoát không có nghĩa là đồng phạm với họ về về hành vi phạm tội mà họ thực hiện, vì ý định chiếm đoạt của Hiếu cũng như hành vi chiếm đoạt của Hiếu, Hùng chỉ chứng kiến mà không được bàn bạc từ trước.8
Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm kết án Đặng Bá Hùng và Phạm Văn Hiếu về tội cướp tài sản rõ ràng là không chính xác, không đúng với ý thức chủ quan của người phạm tội.
Đối với trường hợp sau khi giết người, người phạm tội mới thấy tài sản của nạn nhân nên đã chiếm đoạt tài sản đó, thực tiễn xét xử cho thấy các cơ quan tiến hành tố tụng cũng đều truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi chiếm đoạt tài sản này là tội cướp tài sản. Ví dụ: Nguyễn Văn M ngoại tình với Lê Thị H là vợ của anh Đặng Văn H. M và thị H bàn bạc giết anh H để hai người được tự do “quan hệ” với nhau. Một hôm anh H đi làm về, M và H nấp ở bụi cây ven đường đã xông ra dùng dao găm đâm chết anh H. Hành động xong, thị H bỏ về nhà, còn M ở lại để giấu xác nạn nhân nhằm trốn tránh pháp luật. Trong lúc giấu xác nạn nhân, M thấy trong túi anh H có 5.000.000 và một đồng hồ Seiko nên M đã chiếm đoạt số tài sản này của nạn nhân. Trong vụ án này, lức đầu M chỉ có ý định giết nạn nhân để được tự do quan hệ với thị H, nhưng sau khi giết nạn nhân, thấy nạn nhân có tài sản M mới nảy sinh ý định chiếm đoạt do đó không thoả mãn dấu hiệu chủ quan của cấu thành tội cướp tài sản9. Một số nước, trong đó có Liên xô cũ coi hành vi chiếm đoạt tài sản của người đã chết là hành vi trộm cắp tài sản.
Tuy nhiên, thực tiễn xét xử cũng có nhiều trường hợp tuy lúc đầu người phạm tội không có ý định chiếm đoạt tài sản, nhưng trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội, người phạm tội đã nảy sinh ý định chiếm đoạt và sau đó tiếp tục có hành vi dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc để chiếm đoạt bằng được tài sản thì hành vi chiếm đoạt tài sản vẫn bị coi là hành vi phạm tội cướp tài sản. Khoa học luật hình sự coi trường hợp này là trường hợp “chuyển hoá” từ tội phạm này sang tội phạm khác ( đầu trộm đuôi cướp). Ví dụ: Tuấn, Thảo và Hùng rủ nhau đến nhà anh Q để trộm cắp. Khi bọn chúng đang bê chiếc Ti vi ra khỏi nhà, bị anh Q phát hiện lao vào giằng lại chiếc Ti vi thì bị tên Hùng dùng dao găm đâm vào tay anh Q một nhát, sau đó chúng tiếp tục bê chiếc Ti vi bỏ chạy.
Như vậy, mục đích giữ lại tài sản sau khi đã chiếm đoạt được bằng cách dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc, hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được cũng là cướp tài sản. Tuy nhiên thực tiễn xét xử, việc phân biệt thế nào là hành hung để tẩu thoát với hành hung để cố tình giữ lại tài sản trong một số trường hợp rất khó, vì nó xảy ra một cách đan xen liên tiếp với nhau, nhất là đối với tài sản gọn nhẹ có thể bỏ túi được. Theo quan niệm truyền thống và thực tiễn xét xử thì được coi là chuyển hoá từ tội phạm khác sang tội cướp tài sản nếu người phạm tội đã có tài sản trong tay, bị chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản giằng giật lại tài sản mà người phạm tội cố tình dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc để giữ bằng được tài sản đã chiếm đoạt; đối với tài sản gọn nhẹ, người phạm tội có thể bỏ túi được, chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản không biết tài sản người phạm tội chiếm đoạt trước đó để ở đâu nhưng vẫn đuổi theo nhằm bắt người phạm tội, đồng thời lấy lại tài sản bị chiếm đoạt. Trong quá trình đuổi bắt, bị người phạm tội dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc đối với người đuổi bắt thì không bị coi là chuyển hoá thành tội cướp tài sản mà chỉ coi hành vi dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc là hành vi hành hung để tẩu thoát. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, quan niệm và thực tiễn xét xử như vậy không phù hợp với lý luận về sự chuyển hoá, vì xét từ khía cạnh nào thì người phạm tội cũng không chịu bỏ lại tài sản để tấu thoát nên phải coi việc dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc để tẩu thoát có mang theo tài sản là chuyển hoá thành tội cướp tài sản, chỉ coi là hành hung để tấu thoát khi người phạm tội vứt bỏ lại tài sản, chỉ chạy thoát thân.
Trường hợp, người phạm tội dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực vừa nhằm mục đích trả thù vừa nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì vẫn phải truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản, nếu hành vi dùng vũ lực gây thiệt hại đến tính mạng người bị hại thì người phạm tội còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự thêm tội giết người.
CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ
- Cướp tài sản không có các tình tiết định khung hình phạt
Theo quy định tại khoản 1 Điều 133 Bộ luật hình sự, thì người phạm tội cướp tài sản không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 133 có thể bị phạt từ ba năm đến mười năm tù. Khoản 1 Điều 133 Bộ luật hình sự là cấu thành cơ bản của tội cướp tài sản, là tội phạm rất nghiêm trọng. So với tội cướp tài sản quy định tại Bộ luật hình sự năm 1985 thì khoản 1 Điều 133 Bộ luật hình sự năm 1999 nặng hơn khoản 1 Điều 151 và nhẹ hơn khoản 1 Điều 129 Bộ luật hình sự năm 198510. Vì vậy, đối với hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau ngày 4-1-2000 ( ngày Chủ tịch nước công bố Bộ luật hình sự năm 1999), mới phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử thì chỉ áp dụng khoản 1 Điều 133 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với hành vi cướp tài sản của Nhà nước, còn đối với hành vi cướp tài sản của công dân thì vẫn vẫn áp dụng khoản 1 Điều 151 Bộ luật hình sự năm 1985 để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội.
Theo quy định tại điểm d Mục 3 Nghị quyết 32/1999/QH10 ngày 21-12-1999 của Quốc hội, thì không xử lý về hình sự đối với người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi về tội phạm có mức cao nhất của khung hình phạt đến bảy năm tù; nếu vụ án đang được điều tra, truy tố, xét xử thì phải đình chỉ; trong trường hợp người đó đã bị kết án và đang chấp hành hình phạt hoặc đang được tạm đình chỉ thi hành án, thì họ được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại; nếu người bị kết án chưa chấp hành hình phạt hoặc đang được hoãn thi hành án, thì được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt. Do chưa được giải thích cụ thể, nên về lý luận và thực tiễn xét xử có những quan điểm khác nhau về quy định tại điểm d Mục 3 Nghị quyết số 32/1999/QH10 ngày 21-12-1999 của Quốc hội. Có ý kiến cho rằng, đối với người phạm tội cướp tài sản của công dân thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 151 Bộ luật hình sự năm 1985 xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Một số Toà án đã ra quyết định miễn chấp hành phần hình phạt còn lại hoặc miễn chấp hành toàn bộ hình phạt đối với người phạm tội cướp tài sản của công dân thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 151 Bộ luật hình sự năm 1985 nếu khi thực hiện tội phạm họ dưới 16 tuổi. Để khắc phục tình trạng hiểu và áp dụng Nghị quyết số 32/1999/QH10 ngày 21-12-1999 của Quốc hội không thống nhất, nên tại điểm b Mục 3 Nghị quyết 229/2000/NQ-UBTVQH10 ngày 28-1-2000 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã quy định: “Người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu Bộ luật hình sự năm 1999 quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 7 năm tù đối với tội phạm mà người đó thực hiện” thì mới thuộc trường hợp được áp dụng điểm d Nghị quyết số 32/1999/QH10 ngày 21-12-1999 của Quốc hội. Ví dụ: A phạm tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản của công dân xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 152 Bộ luật hình sự năm 1985, nay khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản có khung hình phạt từ hai năm đến bảy năm tù nên A được áp dụng điểm d Mục 3 Nghị quyết số 32/1999/QH10 ngày 21-12-1999 của Quốc hội.
Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội cướp tài sản theo khoản 1 Điều 133 Bộ luật hình sự, Toà án cần căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự ( từ Điều 45 đến Điều 54). Nếu các tình tiết khác như nhau thì mức hình phạt đối với người phạm tội phu thuộc vào những yếu tố sau:
– Người phạm tội dùng vũ lực phải bị phạt nặng hơn người chỉ đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc;
– Người phạm tội dùng vũ lực gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân có tỷ lệ thương tật dưới 11% phải bị phạt nặng người phạm tội không gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân;
– Người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng phải bị phạt nặng hơn người phạm tội không có tình tiết tăng nặng;
– Người phạm tội không có tình tiết giảm nhẹ phải bị phạt nặng hơn người phạm tội có tình tiết giảm nhẹ;
– Người phạm tội chiếm đoạt được tài sản phải bị phạt nặng hơn người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản.
- Cướp tài sản thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 133 Bộ luật hình sự
Cướp tài sản có tổ chức
Phạm tội cướp tài sản có tổ chức, là trường hợp nhiều người cố ý cùng bàn bạc, cấu kết chặt chẽ với nhau, vạch ra kế hoạch để thực hiện việc cướp tài sản, dưới sự điều khiển thống nhất của người cầm đầu.
Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm (khoản 3 Điều 20 Bộ luật hình sự )11
Phạm tội có tổ chức, là trường hợp nhiều người cố ý cùng bàn bạc, cấu kết chặt chẽ với nhau, vạch ra kế hoạch để thực hiện một tội phạm, dưới sự điều khiển thống nhất của người cầm đầu.
Trong vụ án cướp tài sản có tổ chức, cũng như trong các vụ án hình sự khác có tổ chức, tuỳ thuộc vào quy mô và tính chất mà có thể có những người giữ những vai trò khác nhau như: Người tổ chức, người thực hành, người xúi dục, người giúp sức.
Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm. Người tổ chức có thể có những hành vi như: khởi xướng việc tội phạm; vạch kế hoạch thực hiện tội phạm cũng như kế hoạch che giấu tội phạm; rủ rê, lôi kéo người khác cùng thực hiện tội phạm; phân công trách nhiệm cho những người đồng phạm khác để thống nhất thực hiện tội phạm; điều khiển hành động của những người đồng phạm; đôn đốc, thúc đẩy người đồng phạm khác thực hiện tội phạm…
Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm. Trực tiếp thực hiện tội phạm là trực tiếp có hành vi thuộc mặt khách quan của cấu thành tội phạm như: trực tiếp cầm dao chém nạn nhân, cầm súng bắn nạn nhân, trực tiếp chiếm đoạt tài sản, trực tiếp nhận hối lộ v.v… Người thực hành là người có vai trò quyết định việc thực hiên tội phạm, vì họ là người trực tiếp thực hiên tội phạm. Nếu không có người thực hành thì tội phạm chỉ dừng lại ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội, mục đích tội phạm không được thực hiện; hậu quả vật chất của tội phạm chưa xảy ra và trách nhiệm hình sự đối với những người đồng phạm khác sẽ được xem xét theo quy định tại Điều 17 Bộ luật hình sự. Trách nhiệm hình sự của những người đồng phạm khác rõ ràng phụ thuộc vào hành vi của của người thực hành.
Thực tiễn xét xử cho thấy, không phải bao giờ người thực hành cũng thực hiện đúng những hành vi do các đồng phạm khác đặt ra, có trường hợp người thực hành tự ý không thực hiện tội phạm hoặc tự ý nửa chừng chấm dứt việc thực hiên tội phạm, nhưng thực tế cũng không ít trường hợp người thực hành tự ý thực hiện những hành vi vượt quá yêu cầu của các đồng phạm khác đặt ra, Khoa học luật hình sự gọi là hành thái quá của người thực hành trong vụ án có đồng phạm. Luật hình sự của nhiều nước ghi rõ chế định “ thái quá’ của người thực hành trong Bộ luật hình sự hoặc trong các văn bản luật hình sự. Ở nước ta chế định này chưa được ghi nhận trong Bộ luật hình sự, nhưng về lý luận cũng như thực tiến xét xử đều thừa nhận chế định này khi cần phải xem xét đến trách nhiệm hình sự của người thực hành cũng như những người đồng phạm khác trong một vụ án có đồng phạm. Hiện nay, đa số ý kiến cho rằng khi Bộ luật hình sự của nước ta được sửa đổi, bổ sung, cần quy định chế định “ hành vi thái quá của người thực hành” cùng với chế định đồng phạm đã được quy định tại Điều 17 Bộ luật hình sự hiện hành.
Về lý luận cũng như thực tiễn xét xử đã khẳng định, hành vi thái quá của người thực hành trong vụ án có đồng phạm và hậu quả do hành vi thái quá đó gây ra chỉ người thực hành phải chịu trách nhiệm hình sự còn những người đồng phạm khác không phải chịu về việc “thái quá” đó. Như vây, khi nghiên cứu tình trạng loại trừ trách nhiệm hình sự của những người đồng phạm khác đối với hành vi thái quá của người thực hành chúng ta chỉ có thể nghiên cứu nội dung của sự “thái quá” mà người thực hành đã gây ra, từ đó xác định trách nhiệm hình sự của người thực hành về hành vi thái quá đó mà loại trừ trách nhiệm hình sự đối với những người đồng phạm khác.
Hành vi thái quá của người thực hành là việc người thực hành tự ý thực hiện hành vi tội phạm mà những người đồng phạm khác không mong muốn. Ví dụ: Trần Q A, Nguyễn Văn C, Bùi Quốc T, Bùi Quốc L vì thua bạc nên Bùi Quốc T bàn bạc với đồng bọn về nhà mình doạ mẹ của T để buộc mẹ của T phải đưa chìa khoá tủ mở lấy tiền tiếp tục đi đánh bạc, cả bọn đồng ý. Vì T và L là anh em và là con của bà M, nên chúng giao cho A và C trực tiếp thực hiện. Trước khi đi cả bọn thống nhất chỉ doạ bà M để bà đưa chìa khoá tủ chứ không được làm bất cứ điêù gì gây đau đớn cho bà. T và L còn nói, nếu má tao có sao chúng mày đừng có trách. Sau khi đã bàn bạc thống nhất, vào lúc nửa đêm A và C lẻn vào nhà bà M, lợi dụng lúc bà M đang ngủ, A dùng tay chẹn vào cổ bà M, còn C doạ : “ chìa khoá tủ để ở đâu không đưa đây chúng tao giết !”. Bị tấn công bất ngờ, bà M không kịp trở tay buộc phải đưa chùm chìa khoá cho C. Trong lúc C đang mở tủ để lục soát tìm tiền, thì A dùng một quả chanh nhét vào miệng bà M và lấy khăn bịt miệng bà M lại, nhưng vì bà M giãy giụa làm quả chanh trong miệng bật ra, đồng thời bà M kêu cứu. Sợ bị lộ, A vật bà M xuống ngồi lên bụng bà, rồi dùng tay bóp cổ bà cho đến khi bà M không còn giãy giụa nưã y mới bỏ tay ra, C thấy A hành động như vậy hỏi, sao mày làm như vậy ? thì A trả lời, bà ấy chỉ xỉu thôi không chết đâu mà sợ, cùng lúc này C đã lục tủ lấy được bọc tiền của bà M rồi cả hai bỏ chạy ra điểm hẹn với T và L. Thấy A và C đến T hỏi ngay má tao có sao không, cả A và C đều trả lời không việc gì hết. T bảo L về nhà xem tình hình còn T, A và C tiếp tục đi đánh bạc. Khi L về nhà thấy má mình bất động đã đưa đi bệnh viện cấp cứu, nhưng bà M đã chết. Trong ví dụ này, ngay từ khi bàn bạc phạm tội cướp tài sản , chúng thống nhất chỉ làm cho bà M sợ để bà đưa chìa khoá tủ, nhưng trong khi thực hiện tội phạm A đã có hành vi thái quá làm cho bà M bị chết, vì vậy chỉ có A bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người, còn C, T, L chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản.
Thực tiễn xét xử cho thấy hành vi thái quá của người thực hành không chỉ đơn giản mà nó được biểu hiện dưới nhiều khía cạnh khác nhau như: Lúc đầu chỉ bàn cướp nhưng khi thực hiện lại giết người; lúc đầu chỉ bàn đánh cho một trận nhưng khi thực hiện lại lấy tài sản của người bị đánh. Chính vì tội phạm xảy ra muôn hình muôn vẻ Nên khoa học luật hình sự chia hành vi thái quá ra làm hai loại chính: Thái quá về chất lượng của hành vi và thái quá về số lượng của hành vi.
Thái quá về chất lượng của hành vi là trường hợp người thực hành trong vụ án có đồng phạm thực hiện hành vi thái quá đó không cùng tính chất với tội phạm mà những người đồng phạm khác có ý định thực hiện, nếu hành vi thái quá cấu thành tội phạm thì tội phạm đó không cùng tính chất với tội phạm mà những người đồng phạm khác có ý định thực hiện. Ví dụ: Trần Văn Tuấn bàn với Đặng Văn Hùng và Phạm Quốc Hưng chặn đường để cướp của, nhưng trước khi đi, Hùng bị kẹt nên chỉ có Tuấn và Hưng thực hiện. Khi phát hiện thấy người đi xe máy chạy qua Hưng và Tuấn ra chặn lại để cướp tài sản thì phát hiện người đi xe máy là một phụ nữ, nên cả hai tên nảy ý định hiếp dâm và chúng đã thực hiện hành vi hiếp dâm, đồng thời cướp của nạn nhân sợi dây chuyền. Hành động xong, Hưng và Tuấn về kể cho Hùng nghe đã cướp được dây chuyền vàng, hôm sau Hùng mang dây chuyền đi bán thì bị phát hiện và bị bắt giữ. Trong quá trình điều tra, Hùng mới biết ngoài hành vi cướp tài sản thì Hưng và Tuấn còn hiếp dâm người bị hại. Hành vi thái quá của Hưng và Tuấn là hành vi thái quá về chất lượng vì tội hiếp dâm không cùng tính chất với tội cướp tài sản của công dân. Việc xác định thái quá về chất lượng không mấy khó khăn và cũng chính vì thế mà xác định trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự đối với những người đồng phạm khác không phải là người thực hành cũng dễ dàng hơn so với trường hợp thái quá về số lượng hành vi.
Thái quá về số lượng hành vi là trường hợp người thực hành trong vụ án có đồng phạm thực hiện hành vi thái quá mà hành vi đó cùng tính chất với hành vi tội phạm mà những người đồng phạm khác có ý định thực hiện. Về lý luận cũng như thực tiễn xét xử loại thái quá này rất khó xác định cho nên không ít trường hợp rõ ràng là người thực hành trong vụ án có đồng phạm có hành vi thái quá nhưng những người đồng phạm khác vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi thái quá đó. Do đó để phân biệt hành vi đã thái quá hay chưa cần phải nghiên cứu nó ở những mức độ khác nhau
Trường hợp thứ nhất:
Hành vi thái quá của người thực hành trong vụ án có đồng phạm đã cấu thành một tội phạm khác và tội phạm này cùng tính chất vơí tội phạm mà những người đồng phạm khác có ý định thực hiện. Ví dụ: Do có thù tức với Đặng Văn H Nên Trần Tuấn A, Phạm Quốc B và Nguyễn Hồng C bàn bạc tìm H để đánh cho H một trận. Khi gặp H, cả ba tên lao vào dùng chân tay đấm đá cho tới khi H ngã gục. Thấy vậy, B và C nói: “Thôi thế là dủ đừng đánh nữa không thì nó chết mất”, rồi B và C bỏ đi. Nhưng A vẫn ở lại tiếp tục dùng gót chân thúc mạnh vào hai mạng sườn và dận lên ngực H cho tới khi H bất tỉnh. Hậu quả là H bị chết. Kết quả giám định kết luận H bị chết là do bị vỡ lá lách, chảy máu trong, phổi xung huyết mất máu cấp. Trong ví dụ này, hành vi thái quá của A đã cấu thành tội phạm khác ( tội giết người) nhưng hành vi này cùng tính chất với hành vi của những người đồng phạm khác ( cùng đấm đá, cùng xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ của con người ).
Trường hợp thứ hai:
Hành vi thái quá của người thực hành chưa cấu thành tội phạm khác mà nó vẫn là tội phạm mà những người đồng phạm khác có ý định thực hiện. Ví dụ: Lê Khắc T, Trần M và Vũ Văn B bàn với nhau về việc chặn đường cướp xe đạp của học sinh đi học về . T và B được phân công trực tiếp ra chăn xe còn M có nhiệm vụ dùng dao đe doạ để T và B cướp xe tẩu thoát. Nhưng sau khi T và B đã cướp được xe đạp tẩu thoát thì M còn tiếp tục khống chế nạn nhân lục soát và lấy đi 500.000 đồng và một đồng hồ của nạn nhân. Trong ví dụ này, rõ ràng M có hành vi thái quá, nhưng hành vi thái quá này không cấu thành một tội phạm khác riêng biệt, cả M, T và B đều tội phạm cướp tài sản, nhưng tính chất và mức đội tội phạm của B và T có khác M. Nếu các tình tiết khác của vụ án như nhau thì T và B phải chịu hình phạt nhẹ hơn M.
Sự phân biệt hai loại hành vi thái quá như trên chỉ có ý nghĩa trong công tác nghiên cứu khoa học, còn thực tiễn xét xử dù là thái quá về chất lượng hay về số lượng của hành vi thì những người đồng phạm khác đều không phải chụi trách nhiệm hình sự về hành vi thái quá của người thực hành.
Đối với các vụ án phạm tội có tổ chức, khi xác định những người đồng phạm khác có phải chịu trách nhiệm về hành vi vượt quá của người thực hành hay không cũng có nhiều phức tạp. Bởi vì trong quá trình thực hiện tội phạm, người thực hành có nhiều hành vi nhằm đạt được mục đích mà những người đồng phạm khác mong muốn, trong đó có hành vi được những người đồng phạm khác biết trước và đồng tình, nhưng cũng có những hành vi không được những người đồng phạm khác biết trước, không mong muốn hậu quả của những hành vi đó xảy ra, nhưng có thái độ bỏ mặc, muốn ra sao thì ra. Vậy vấn đề trách nhiệm hình sự đối với những người đồng phạm khác được xác định như thế nào khi người thực hành có những hành vi gây ra hậu quả mà mình không biết, không mong muốn ? Ví dụ: A,B và C chỉ bàn bạc với nhau về việc đến uy hiếp chủ nhà để cướp tài sản. Khi đi chúng có mang theo dao găm, dây trói, giẻ và chanh để bịt miệng. Tới nơi, A và B trói chủ nhà, nhét chanh vào miệng chủ nhà ,lấy giẻ buộc lại và giao cho C canh giữ. Thấy giẻ bịt miệng chủ nhà tuột ra, C sợ chủ nhà kêu cứu, nên đã bóp cổ làm chủ nhà bị chết ngạt. Về trường hợp này, có ý kiến cho rằng hành vi bóp cổ chủ nhà của C là hành vi thái quá nên C phạm giết người và cướp tải sản, còn A và B không chịu trách nhiệm về hành vi và hậu quả do hành vi thái quá của C nên chỉ tội phạm cướp tài sản. Nhưng ý kiến thứ hai lại cho rằng, tuy A,B và C không bàn bạc với nhau từ trước về việc giết người, nhưng A và B bỏ mặc cho C hành động, không quan tâm đến hậu quả do hành vi của C gây ra miễn là cướp được tài sản; việc C bóp cổ chủ nhà cũng là nhằm cho đồng bọn thực hiện trót lọt việc lấy tài sản mà cả A và B đều mong muốn. Do đó cái chết của chủ nhà do C trực tiếp gây ra nhưng phải buộc cả A và B cùng phải chịu trách nhiệm hình sự.
Hành vi thái quá của người thực hành, về lý luận cũng như pháp luật của các nước trên thế giới còn có nhiều cách đánh giá khác nhau, nhưng qua thực tiễn xét xử ở nước ta cũng như một số nước thừa nhận: Nếu những người đồng phạm để cho người thực hành hoàn T tự do hành động nhằm đạt được mục đích của tội phạm mà những người đồng phạm khác có ý định thực hiện, thì mọi hành vi của người thực hành không được coi là hành vi thái quá và những người đồng phạm khác phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của người thực hành gây ra. Tuy nhiên, khi xem xét hành vi của người thực hành được tự do hành đồng để đạt được mục đích mà các người đồng phạm khác đặt ra phải chú ý một điểm là: Hành vi đó phải là dấu hiệu của cấu thành tội phạm mà tội phạm đó đã được những người đồng phạm khác bàn bạc thống nhất như trường hợp ví du trên hành vi bóp cổ chủ nhà của C cũng là hành vi vũ lực (dấu hiệu của tội cướp tài sản). Thì những người đồng phạm khác mới phải chịu trách nhiệm hình sự. Nếu hành vi dó lại là dấu hiệu cấu thành một tội độc lập khác, thì hành vi đó lại được coi là thái quá và những người đồng phạm khác không phải chịu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp ví dụ trên, giả thiết C không bóp cổ chủ nhà chết mà lại hiếp dâm chủ nhà thì hành vi diếp dâm của C là hành vi thái quá và A, B không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm mà C thực hiện.
Việc để cho người thực hành tự do hành động, tức là người thực hành không bị ràng buộc bởi bất kỳ hành vi nào của những người đồng phạm khác. Nếu những người đồng phạm khác lại có hành vi ngăn cản hay hành động tích cực để ngăn chặn hậu quả, nhưng người thực hành vẫn cố tình thực hiện thì hành vi của người thực hành dù có là dấu hiệu câú thành tội phạm mà những người đồng phạm khác có ý định thực hiện thì những người này cũng không phải chịu trách nhiệm hình sự. Ví dụ: Trương Q T, Vũ Minh H và Hoàng Công V bàn bạc đến nhà cậu ruột của V để cướp. V không trực tiếp thực hiện mà giao cho T và H chỉ được trói chủ nhà để uy hiếp lấy tài sản chứ không được gây án mạng. Vì sợ bọn H làm ẩu, nên trước khi đi, V đã kiểm tra và giữ lại hai dao găm mà bọn H định mang theo. Trên đường đến nhà cậu của V để cướp, H và T tự ý về nhà H lấy một khẩu súng ngắn mà H đã chuẩn bị từ trước, vì chúng cho rằng không có vũ khí thì không thể làm gì được. Tới nơi, H và T dùng súng uy hiếp bắt trói chủ nhà, rồi lục soát tài sản. Trong khi bọn chúng đang lục soát thì chủ nhà tự cởi được trói, kêu cứu, H đã dùng súng bắn chết chủ nhà. Trong trường hợp này hành vi của H cũng là hành vi nhằm thực hiện tội cướp mà cả V đã bàn bạc từ trước, nhưng V đã có những hành động tích cực nhằm hạn chế ngăn chặn hậu quả nên V không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người do H và T gây ra.
Thực tiễn xét xử cũng có những trường hợp nếu chỉ căn cứ vào hành động hoặc lời nói của những người đồng phạm khác ( chủ mưu, tổ chức, xúi dục, giúp sức) thì thấy họ có ý thức bỏ mặc cho hậu quả do người thực hành thực hiện tội phạm nên đã buộc những người này phải chịu trách nhiệm về hậu quả mà người thực hành gây ra, nhưng căn cứ vào nội dung hành động và lời nói của họ thì họ không có ý thức bỏ mặc cho hậu quả do người thực hành gây ra và như vậy họ không thực hiện được mục đích của mình. Ví dụ: Nguyễn Tiến N là đội phó đội điều tra Công an huyện Y, tỉnh P và Tống Viết Q là điều tra viên được phân công điều tra vụ án mà Hà Văn T là người tiêu thụ tài sản do ngươì khác tội phạm mà có, trong qúa trình điều tra, mặc dù có căn cứ đề xác định rằng T đã tiêu thụ 17 cái mày bơm bị trộm cắp chứ không phải chỉ có 4 cái như T thừa nhận, nên phải ra lệnh bắt giam T để tiếp tục làm rõ hành vi tội phạm của T. T được giam chung với một số phạm nhân trong đó có Bùi Xuân Ph là tên đã có nhiều tiền án tiền sự được các phạm nhân khác mệnh danh là đầu gấu trong buồng giam. Q đã nhiều lần lấy lời khai của T nhưng T một mực không nhận, N và Q nói với Ph phải đánh cho T một trận thì nó mới khai đúng sự thật. Để lấy lòng cán bộ điều tra và cũng vì sợ không đánh T thì sẽ không được yên nên Ph đã tổ chức cho các phạm nhân cùng buồng đánh đập T rất dã man làm cho T bị ngất xỉu phải đưa đi cấp cứu nhưng bị chết. Khi xem xét trách nhiệm của Nguyễn Tiến N và Tống Viết Q có ý kiến cho rằng, mặc dù Q và N không có ý định tước đoạt tính mạng của T từ trước, nhưng đã có ý thức bỏ mặc cho hậu quả xảy ra không có biện pháp ngăn chặn và việc Ph cùng các phạm nhân khác đánh chết T là do câu nói của Q và N “ đánh cho nó một trận để nó khai ra sự thật”. Do đó, Q và N phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người với vai trò xúi dục. Tuy nhiên, nghiên cứu kỹ nội dung lời nói của N và Q chúng ta thấy, nếu N và Q để mặc cho bọn Ph đánh chết anh T thì về thực tế không đạt được mục đích là làm cho T khai ra sự thật, còn về pháp lý nói đánh cho một trận để nó khai ra chứ không phải đánh cho một trận cho nó biết thế nào là tù tội, hoặc mày cứ đánh cho nó một trận muốn ra sao thì ra. Vì thế trong trường hợp này việc bọn Ph đánh quá tay làm anh T bị chết là ngoài mục đích của N và Q, và hành vi của Ph và đồng bọn là hành vi thái quá của người thực hành nên những người đồng phạm khác không phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên hành vi của N và Q nói đánh cho nó một trận cũng tức là mong muốn cho T bị thương tích hoạc bị tổn hại đến sức khoẻ, nên hành vi của N và Q phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích theo khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự vì có tình tiết gây hậu quả chết người.
Tóm lại, vấn đề loại trứ trách nhiệm hình sự đối với những người đồng phạm khác (không phải là người thực hành) trong vụ án có đồng phạm không chỉ có liên quan đến hành vi thái quá của người thực hành mà còn liên quan đến nhiều chế định khác như: Tự ý nửa chừng chấm dứt việc tội phạm, vấn đề lỗi, các điều kiện của đồng phạm và phạm tội có tổ chức.v.v… nhưng hành vi thái quá của người thực hành lại liên quan trực tiếp đến việc loại trừ trách nhiệm hình sự đối vơí người đồng phạm khác, nên có thể nói hành vi thái quá của người thực hành chính là điều kiện (căn cứ) để loại trừ trách nhiệm hình sự đối với những người đồng phạm khác.
Người xúi dục là người kính động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm. Hành vi kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm chỉ được coi là người đồng phạm trong vụ án có tổ chức, khi hành vi xúi dục có liên quan trực tiếp đến toàn bộ hoạt động tội phạm của những người đồng phạm khác và người thực hiện tội phạm trước khi bị xúi dục chưa có ý định tội phạm, vì có người khác xúi dục nên họ mới nảy sinh ý định tội phạm. Nếu việc xúi dục không liên quan trực triếp đến hoạt động tội phạm của những người đồng phạm khác và người thực hiện tội phạm đã có sẵn ý định tội phạm, thì không phải là người xúi dục trong vụ án có đồng phạm (phạm tội có tổ chức). Ví dụ: Lê Tiến D đi thăm đồng thấy A đang đuổi B để đánh, D liền hô: “đánh bỏ mẹ chúng nó đi !” nhưng chỉ hô như vậy rồi thôi. Sau đó A vẫn đuổi đánh B và lấy đi chiếc xe đạp của B . Hành vi của D tuy có vẻ xúi dục người khác, nhưng khi D có hành vi xúi dục thì ý định tội phạm của A đã có sẵn từ trước nên hành vi xúi dục của D không có ý nghĩa gì đến việc phạm tội của A, dù D có hô hay không hô câu “đánh bỏ mẹ nó đi” thì cũng không làm thay đổi ý định tội phạm của A, nên không thể coi D là người xúi dục được.
Người xúi dục là người phạm tội giấu mặt, dân gian thường gọi là kẻ “ném đã giấu tay”. Tuy nhiên, nếu xúi dục trẻ em dưới 14 tuổi, người không có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện tội phạm, thì hành vi xúi dục được coi là hành vi thực hành thông qua hành vi của người không chịu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp này, người không phải chịu trách nhiệm hình sự trở thành phương tiện, công cụ để người xúi dục thực hiện tội phạm. Nếu xúi dục trẻ em từ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi tội phạm thì người xuí dục còn phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “xúi dục người chưa thành niên tội phạm” (điểm n khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự ).
Trong trường hợp người xúi dục lại là người tố chức và cùng thực hiện tội phạm, thì họ trở thành người tố chức và nếu xúi người chưa thành niên tội phạm thì họ còn phải chịu tình tiết tăng nặng” xúi dục người chưa thành niên tội phạm”.
Hành vi xúi dục phải cụ thể, tức là người xúi dục phải nhằm vào tội phạm cụ thể và người phạm tội cụ thể nếu chỉ có lời nói có tính chất thông báo hoặc gợi ý chung chung thì không phải là người xúi dục và không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi tội phạm của người thực hiện tội phạm. Ví dụ: Nguyễn Quang T cùng ngồi uống nước với một số thanh niên. Trong lúc uống nước, T nói: ” Tao vừa đi qua Ngân hàng thấy nhiều người đến gửi tiền tiết kiệm lắm, đứa nào bạo gan ra đó nhất định kiếm được”. Trong số thanh niên ngồi uống nước có Trần Quốc P và Đặng Văn V là những tên đã có nhiều tiền án, tiền sự về tội trộm cắp, nghe T nói vậy, liền bàn nhau ra Ngân hàng dùng dao khống chế một phụ nữ để chiếm đoạt số tiền hơn 10 triệu. Khi bị bắt, P và V khai vì do T nói nên chúng tôi mới bàn với nhau đi chấn lột. Đúng là trong trường hợp này, T có nói một câu như có vẻ xúi dục, nhưng câu nói của T không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc P và V cướp tài sản. Mặt khác, T cũng không phải là người xúi dục P và V cướp tài sản, cũng không được P và V hứa chia tiền hoặc tài sản nếu cướp được.
Người giúp sức là người tạo điều những điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm. Trong một vụ án có đồng phạm, vai trò của người giúp sức cũng rất quan trọng, nếu không có người giúp sức thì người thực hiện tội phạm sẽ gặp khó khăn. Ví dụ: Phạm Thị H hứa với Trần Công T sẽ tiêu thụ toàn bộ số tài sản nếu T cướp được. vì có sự hứa hẹn của H nên đã thúc đẩy T quyết tâm phạm tội vì đã có nơi tiêu thụ tài sản cướp được.
Người giúp sức có thể giúp bằng lời khuyên, lời chỉ dẫn; cung cấp phương tiện phạm tội hoặc khắc phục những trở ngại cho việc thực hiện tội phạm; hứa che giấu người phạm tội, phương tiện, xoá dấu vết, hứa tiêu thụ tài sản do phạm tôi mà có…
Hành vi tạo những điều kiện về tinh thần thường được biểu hiện như: Hứa hẹn sẽ che giấu hoặc hứa ban phát cho người phạm tội một lợi ích tinh thần nào đó như: hứa gả con, hứa đề bạt, thăng cấp, tăng lương cho người phạm tội, bày vẽ cho người phạm tội cách thức thực hiện tội phạm như: nói cho người phạm tội biết người bị hại hay đi về đường nào để người phạm tội phục cướp…
Hành vi tạo điều kiện vật chất cho việc thực hiện tội phạm là hành vi cung cấp phương tiện phạm tội như: cung cấp dao, súng, côn gỗ, xe máy, xe ô tô… để người phạm tội thực hiện tội phạm.
Dù tạo điều kiện tinh thần hay vật chất cho việc thực hiện tội phạm thì hành vi đó cũng chỉ tạo điều kiện dễ dàng cho việc thực hiện tội phạm chứ người giúp sức không trực tiếp thực hiện tội phạm.
Hành vi tạo điều kiện cho việc thực hiện tội phạm cuả người giúp sức cũng có thể là hành vi của người tổ chức, nhưng khác với ngừơi tổ chức, người giúp sức không phải là người chủ mưu. cầm đầu, chỉ huy mà chỉ có vai trò thứ yếu trong vụ án có đồng phạm. Nếu các tình tiết khác như nhau thì người giúp sức bao giờ cũng được áp dụng hình phạt nhẹ hơn những người đồng phạm khác.
Cần chú ý rằng, khi đã xác định vụ án được thực hiện có tổ chức thì tất cả những người trong vụ án đều bị áp dụng tình tiết “phạm tội có tổ chức”. Tuy nhiên, trách nhiệm hình sự đối với từng người còn tuỳ thuộc vào vai trò của họ trong vụ án như đã phân tích ở trên.
Phạm tội cướp tài sản có tính chất chuyên nghiệp
Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp là người phạm tội lấy việc phạm tội là nguồn sống chính cho mình.
Phạm tội cướp tài sản có tính chất chuyên nghiệp là người phạm tội lấy việc cướp tài sản là nguồn sống chính cho mình.
Bộ luật hình sự năm 1985 chưa coi trường hợp phạm tội này là tình tiết tăng nặng hoặc là tình tiết định khung hình phạt. Nhưng qua thực tiễn xét xử, có một số tội phạm, người phạm tội đã lấy việc phạm tội là nguồn thu nhập chính của bản thân, nhất là đối với các tội phạm về kinh tế như tội “làm hàng giả, tội buôn bán hàng giả”, các tội xâm phạm sở hữu như tội “cướp tài sản”, tội “trộm cắp tài sản”, tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”… Và hành vi này cần phải trừng trị nghiêm khắc để phòng ngừa tội phạm, nên nhà làm luật đã bổ sung tình tiết “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” là tình tiết định khung tăng nặng của một số tội phạm.
Bộ luật hình sự năm 1999 coi trường hợp phạm tội có tính chất chuyên nghiệp là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự và trong một số tội phạm nhà làm luật quy định là tình tiết định khung hình phạt. Việc nhà làm luật coi trường hợp phạm tội có tính chất chuyên nghiệp là tình tiết tăng nặng hoặc là tình tiết định khung hình phạt là một yêu cầu cần thiết do thực tiễn xét xử đặt ra.
Khi áp dụng tình tiết này, cần lưu ý rằng khái niệm chuyên nghiệp được hiểu ở đây không đồng nghĩa với khái niệm nghề nghiệp của một người, vì không thể coi phạm tội là một nghề kiếm sống, tính chất chuyên nghiệp của hành vi phạm tội thể hiện ở chỗ tội phạm đó được lặp đi lặp lại nhiều lần mà người phạm tội coi việc phạm tội đó là phương tiện kiếm sống. Ví dụ: Hoàng Văn N là một kẻ sống lang thang không nghề nghiệp, thường tụ tập một số người cùng cảnh ngộ như mình chuyên trộm, cướp để sinh sống. Tuy nhiên, không phải hành vi phạm tội nào cứ lặp đi, lặp lại nhiều lần đều coi là có tính chất chuyên nghiệp, mà chỉ những hành vi mà người phạm tội coi đó là phương tiện kiếm sống thì mới là có tính chất chuyên nghiệp. Ví dụ: Trần Văn Đ là học sinh lớp 12, bị kỷ luật đuổi học, Đ đã rủ Bùi Văn C dùng dao nhọn “Thái Lan” liên tiếp gây ra hai vụ cướp xe đạp trước cổng Công viên. Hành vi của Đ và C chỉ bị coi là phạm tội nhiều lần chứ không bị coi là phạm tội có tính chất chuyên nghiệp.
Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp và phạm tội nhiều lần đều giống nhau ở điểm, người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội nhiều lần (từ hai lần trở lên), nhưng khác nhau ở chỗ: Phạm tội nhiều lần, người phạm tội không lấy việc phạm tội làm Phương tiện sống và họ chỉ phạm một tội, nhưng tội phạm đó được thực hiện nhiều lần. Còn phạm tội có tính chất chuyên nghiệp, người phạm tội có thể chỉ phạm một tội, nhưng có thể phạm nhiều tội với nhiều lần khác nhau, nhưng lại lấy việc phạm tội đó là phương tiện kiếm sống thường xuyên. Hiện nay, cũng có quan điểm cho rằng, đối với trường hợp một người chỉ phạm một tội, nhưng được thực hiện nhiều lần trong một thời gian nhất định mà hành vi phạm tội đó được lặp đi, lặp lại thì cũng phải coi là phạm tội có tính chất chuyên nghiệp, chứ không nhất thiết phải xác định người phạm tội phải lấy việc phạm tội làm phương tiện kiếm sống. Quan điểm này, theo chúng tôi là không có cơ sở khoa học, và nếu cứ coi trường hợp phạm tội nhièu lần nào cũng là phạm tội có tính chất chuyên nghiệp thì không thể lý giải được sự khác nhau giữa phạm tội có tính chất chuyên nghiệp với phạm tội nhiều lần. Tuy nhiên, phạm tội cướp tài sản có tính chất chuyên nghiệp là trường hợp không chỉ phạm tội cướp tài sản nhiều lần, mà người phạm tội còn phải lấy việc cướp tài sản là nguồn sống chính cho bản thân. Do đó, sự khác nhau giữa tình tiết là yếu tố định khung với tình tiết tăng nặng về trường hợp phạm tội có tính chất chuyên nghiệp chính là ở chỗ này.
Tái phạm nguy hiểm
Tái phạm nguy hiểm là trường hợp đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội rất nghiêm trọng, tội dặc biệt nghiêm trọng do cố ý, hoặc tái phạm, chưa được xoá án mà lại phạm tội do cố ý (điểm a và điểm b khoản 2 Điều 49 Bộ luật hình sự ).
So với trường hợp tái phạm nguy hiểm được quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điêu 40 Bộ luật hình sự năm 1985, thì Bộ luật hình sự năm 1999 quy định về tái phạm nguy hiểm có một số điểm khác như sau:
– Nếu Bộ luật hình sự năm 1985 quy định: “đã bị phạt tù về tội nghiêm trọng” thì Bộ luật hình sự năm 1999 quy định: “đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng”.
– Nếu Bộ luật hình sự năm 1985 quy định: “mà lại phạm tội nghiêm trọng”, thì Bộ luật hình sự năm 1999 quy định: “mà lại phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng”.
– Nếu Bộ luật hình sự năm 1985 quy định: “mà lại phạm tội ít nghiêm trọng do cố ý hoặc tội nghiêm trọng”, thì Bộ luật hình sự năm 1999 quy định: “mà lại phạm tội do cố”.
Như vậy, tái phạm nguy hiểm theo Bộ luật hình sự năm 1999 có đặc điểm sau:
– Đã hai lần phạm tội đều là tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng, hoặc một trong hai lần đó là tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, trong đó có một lần đã bị kết án. Ví dụ: Đã bị kết án về tội giết người theo khoản 2 Điều 93, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội cướp tài sản.
– Đã tái phạm, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội do cố ý, không phân biệt tội đó là tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng hay tội đặc biệt nghiêm trọng.
– Bộ luật hình sự năm 1985 và Bộ luật hình sự năm 1999 đều không quy định: “đã tái phạm nguy hiểm, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội mới” thì có bị coi là tái phạm nguy hiểm hay không? Đây cũng là vấn đề về lý luận cũng như thực tiễn xét xử còn ý kiến trái ngược nhau. Có ý kiến cho rằng, Bộ luật hình sự không quy định thì không được áp dụng vì nếu áp dụng là làm xấu đi tình trạng của người phạm tội. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, một người đã tái phạm, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội mới còn bị coi là tái phạm nguy hiểm huống hồ người đã tái phạm nguy hiểm, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội mới thì càng phải coi họ là tái phạm nguy hiểm. Chúng tôi cho rằng, chỉ coi là tái phạm nguy hiểm đối với trường hợp mà Bộ luật hình sự quy định “đã tái phạm…”, tức là đã tái phạm nguy hiểm, chưa được xoá án tích mà còn phạm tội do cố ý thì mới bị coi là tái phạm nguy hiểm, còn nếu phạm tội do vô ý dù là tội đó là tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng, thì cũng không coi là tái phạm nguy hiểm.
Tái phạm nguy hiểm là tình tiết định khung hình phạt đối với tội cướp tài sản hay bất cứ tội phạm nào khác hoàn toàn giống với tái phạm nguy hiểm là tình tiết tăng nặng quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự. Chỉ cần xác định lần phạm tội cướp này là thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm theo đùng các quy định về tái phạm nguy hiểm quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 49 Bộ luật hình sự là được, mà không cần phải xác định lần phạm tội trước đây có phải là tội cướp tài sản hay không.
Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác
Trong các vụ án cướp tài sản, có trường hợp người phạm tội chỉ dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản mà không cần sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác đối với người bị hại. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử cho thấy có nhiều trường hợp người phạm tội cướp tài sản sử dụng vũ khí, sử dụng phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm đối với người bị hại nhằm chiếm đoạt tài sản. Việc người phạm tội sử dụng vũ khí, sử dụng phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác đối với người bị hại được coi như là một trường hợp phạm tội cướp tài sản có tính chất và mức độ nguy hiểm hơn người phạm tội không sử dụng vũ khí, sử dụng phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác đối với người bị hại.
Vũ khí, theo Quy chế quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (ban hành theo Nghị định số 47/CP, ngày 12-8-1996 của Chính phủ) bao gồm: vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao, súng săn và vũ khí thô sơ.
Vũ khí quân dụng là các loại súng trường, súng ngắn, súng liên thanh; các loại pháo, dàn phóng, bệ phóng tên lửa, súng cối, hoá chất độc và nguồn phóng xạ, các loại đạn; bom, mìn, lựu đạn, ngư lôi, thuỷ lôi, vật liệu nổ quân dụng, hoả cụ và vũ khí khác dùng cho mục đích quốc phòng – an ninh.
Vũ khí thể thao là các loại súng trường, súng ngắn thể thao chuyên dùng các cỡ; các loại súng hơi, các loại vũ khí khác dùng trong luyện tập, thi đấu thể thao và các loại đạn dùng cho các loại súng thể thao nói trên.
Vũ khí thô sơ là dao găm, kiếm, giáo, mác, đinh ba, đại đao, mã tấu, quả đấm bằng kim loại hoặc chất cứng, cung, nỏ, côn các loại và các loại khác do Bộ Nội vụ ( nay là Bộ Công an) quy định. Tuy nhiên, cho đến nay ngaòi các loại vũ kí thô sơ được quy định tại Quy chế quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (ban hành theo Nghị định số 47/CP, ngày 12-8-1996 của Chính phủ) thì Bộ Công an chưa có quy định thêm các loại vũ khí thô sơ khác.
Khi áp dụng tình tiết sử dụng vũ khí đối với người phạm tội cướp tài sản cần chú ý:
– Nếu người phạm tội có mang vũ khí nhưng không sử dụng vũ khí trong khi thực hiện hành vi dũng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc thì không coi là sử dụng vũ khí để cướp. Ví dụ: A luôn có một khẩu súng K54 giấu trong người, trong lúc đang ngồi uống bia với B và C; cả ba rủ nhau ra bến xe để hoạt động phạm tội. Khi ra bến xe, chúng phát hiện một phụ nữ bế con nhỏ vào nhà vệ sinh công cộng, cả ba bám theo; B đến gần nói: “cho chúng tao ít tiền”; chị M thấy A,B,C đứng vây quanh mình, định kêu cứu thì bị B dùng tay bịt miệng chị M, còn A ôm chị M để C lục soát lấy được 3.000.000 đồng của chị M. Trong trường hợp hợp này, tuy A có vũ khí trong người, nhưng không sử dụng vũ khí để doạ chị M, nên trường hợp phạm tội cướp tài sản của A,B,C không phải là sử dụng vũ khí quy định tại điểm b khoản 2 Điều 133 Bộ luật hình sự mà chỉ thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 133 Bộ luật hình sự. Việc nhà làm luật quy định thuật ngữ “sử dụng” thay cho thuật ngữ “dùng” vũ khí quy định tại điểm b khoản 2 Điều 129 và Điều 151 Bộ luật hình sự năm 1985 là chính xác hơn, vì nếu chỉ nói dùng vũ khí thì mới chỉ nói đến mục đích của việc sử dụng chứ chưa nói nên được hành vi sử dụng.
– Nếu người phạm tội sử dụng loại vũ khí đã mất tính năng tác dụng như: Súng hỏng, lựu đạn đã tháo kíp nổ… nhưng người bị hại không biết thì người phạm tội vẫn bị coi là phạm tội có sử dụng vũ khí, kể cả trường hợp người phạm tội biết vũ khí đó mất tác dụng nhưng vẫn có ý thức sử dụng để đe doạ người bị hại. Ví dụ: Võ Minh Tân và Võ Đức An ( bị cụt cả hai châchấp hành là hai bác cháu. Tân nghe nói anh Ngô Văn Nghĩa trúng số đề nên bảo An đến nhà anh Nghĩa “xin” tiền. An dồng ý. Đúng 19 giờ, ngày 17-6-1989, Tân đến nhà An, An lấy súng Colt 45 giấu vào người rồi bảo Tân bồng y lên xe lăn và đẩy đến nhà anh Nghĩa. Đén nơi, An gọi anh Nghĩa ra bảo phải đưa cho bon y 20.000 đồng. Anh Nghĩa không đưa mà mời An vào nhà uống nước. An không vào mà rút súng ra chĩa thẳng vào người anh Nghĩa buộc anh Nghĩa phải đưa tiền. Anh Ngô Bá Hành thấy vậy đã khuyên can An không được làm thế, nhưng An càng làm hung dữ, la chửi, đe doạ bắt anh Nghĩa phải đưa tiền. Bà con cạnh nhà anh Nghĩa thấy vậy đã đánh kẻng báo động; nhân dân trong xóm kéo đến vây bắt quả tang cùng với khẩu súng Colt 45 dã gỉ, không có băng đạn và cũng không có đạn. Tại cơ quan điều tra cùng như tại phiên toà, An thừa nhận khẩu súng Colt 45 y nhặt được đêm về cất giấu trong nhà, đã lâu không lau chùi nên đã gỉ, súng không có băng đạn và cũng không có đạn. Khi được Tân rủ đi xin tiền, y lấy đem theo để doạ anh Nghĩa bắt phải đưa tiền. Mặc dù súng không có đạn, nhưng người bị hại và những người khác vẫn tin rằng súng đó có dạn mà quá sợ hãi thì hành vi sử dụng súng đó thực sự đã gây ra nguy hiểm cho xã hội. Nếu người bị hại biết súng của An không có đạn thì cũng không có việc sợ hãi và bà con trong xóm cũng không việc gì phải đánh kẻnh báo động, vây bắt An và đồng bọn.
– Nếu người phạm tội sử dụng vũ khí giả như súng nhựa, súng gỗ để đe doạ người bị hại nhằm chiếm đoạt tài sản và người bị hại cũng tưởng là súng thật nên quá sợ hãi mà giao tài sản cho người phạm tội thì không thuộc trường hợp cướp có sử dụng vũ khí, vì súng giả không được coi là vũ khí. Tuy nhiên, người phạm tội vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm d khoản 2 Điều 133 nhưng thuộc trường hợp “sử dụng thủ đoạn nguy hiểm khác”.
– Người phạm tội sử dụng vũ khí để cướp tài sản, ngoài việc bị áp dụng diểm d khoản 2 Điều 133 Bộ luật hình sự, nếu vũ khí dó là vũ khí quân dụng còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sử dụng trái phép vũ khí quân dụng theo Điều 232 Bộ luật hình sự.
Phương tiện nguy hiểm là những vật mà người phạm tội sử dụng khi cướp tài sản có khả năng gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe của người bị hại như: Các loại dao ( dao bầu, dao nhọn, dao rựa, dao quắm, dao phát bờ, lưới lam, móc sắt…); các loại chất độc, chất cháy ( ête, thuốc mê, thuốc ngủ, a xít, chất phóng xạ…).
Sử dụng phương tiện nguy hiểm là hành vi của người phạm tội thông qua những vật chứa đựng tính nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ của con người. Việc đánh giá những vật có khả năng gây nguy hại đến tính mạng, sức khoẻ của con người không phụ thuộc vào cách sử dụng những vật đó như thế nào, mà chỉ cần xác định tính năng, tác dụng của các vật mà người phạm tội sử dụng có chứa đựng khả năng gây nguy hại đến tính mạng, sức khoẻ của con người là người phạm tội cướp tài sản đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm d khoản 2 Điều 133 Bộ luật hình sự rồi
Thực tiễn xét xử cho thấy, các vụ cướp tài sản người phạm tội có sử dụng phương tiện nguy hiểm, nhưng các phương tiện đó hầu hết là vũ khí thô sơ. Tuy nhiên, do Bộ công an chưa có quy định các loại vũ khí thô sơ ngoài quy định tại Nghị định số 47/CP, ngày 12-8-1996 của Chính phủ, nên vẫn còn nhiều vật chứa đựng tính nguy hại cho tính mạng, sức khoẻ của con người mà người phạm tội sử dụng khi thực hiện hành vi cướp tài sản. Do đó, khi áp dụng tình tiết này, cần chú ý:
– Nếu các vật đã được quy định tại Nghị định số 47/CP, ngày 12-8-1996 của Chính phủ là vũ khí thô sơ thì cần xác định người phạm tội sử dụng vũ khí. Chỉ coi là sử dụng phương tiện nguy hiểm nếu những vật đó chưa được Nghị định số 47/CP, ngày 12-8-1996 của Chính phủ quy định là vũ khí thô sơ.
– Mặc dù điều luật quy định phương tiện nguy hiểm, nhưng không vì thế mà cho rằng chỉ những vật dùng vào việc chuyên chở mới là phương tiện, mà phương tiện còn bao gồm cả những vật mà người phạm tội thông qua đó mà tác động người bị hại. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, nhà làm luật dùng thuật ngữ phương tiện nguy hiểm dễ làm cho mọi người hiểu rằng đó là những phương tiện chuyên chở như xe máy, ô tô, tầu thuyền chứ không phải những vật. Theo ý kiến này thì nên dùng thuật ngữ sử dụng công cụ nguy hiểm để không bị nhầm với phương tiện chuyên chở.
Thủ đoạn nguy hiểm là việc người phạm tội sử dụng phương pháp gây nguy hại đến tính mạng, sức khoẻ của người bị hại và những người khác như: Bỏ thuốc độc vào bể nước uống; dùng dây xiết cổ nạn nhân; dìm nạn nhân xuống nước; dùng dây chăng qua đường khi người bị hại đi xe máy qua vướng vào dây bị ngã để cướp xe máy; dùng khoá dây, xích sắt vụt nạn nhân để cướp tài sản.v.v… Tính nguy hiểm của những thủ đoạn mà người phạm tội sử dụng khong phụ thuộc vào phương tiện mà phụ thuộc vào phương pháp sử dụng, có thể phương tiện không chứa đựng khả năng gây nguy hại cho tính mạng, sức khoẻ nhưng do người phạm tội biết cách sử dụng những phương tiện đó nên tạo ra khả năng gây nguy hại cho tính mạng, sức khoẻ của người bị hại hoặc của người khác. Ví dụ: quả chanh và chiếc khăn mùi soa bản thân nó không chứa đựng khả năng nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ của người bị hại nhưng người phạm tội dùng quả chanh nhét vào mồm nạn nhân và lấy khăn mùi soa bịt chặt lại thì khả năng gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ của người bị hại sẽ nhiều hơn. Một chiếc dây thừng, bản thân nó không chứa đựng khả năng gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ của con người nhưng nếu người phạm tội dùng nó để xiết cổ nạn nhân thì lại rất nguy hiểm. Tuy nhiên, đối với một sô loại vũ khí tính nguy hiểm cũng phụ thuộc vào phương pháp sử dụng nhưng nếu người phạm tội sử dụng nó để cướp tài thì vẫn thuộc trường hợp quy định tại điểm d khoản 2 Điều 133 Bộ luật hình sự. Ví dụ: Một viên đạn súng trường nếu để rời không lắp vào nòng súng thì không chứa đựng khả năng nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ của người nhưng người phạm tội cướp tài sản sử dụng để tấn công người bị hại nhằm chiếm đoạt tài sản thì vẫn bị coi là sử dụng vũ khí để cướp và người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm d khoản 2 Điều 133 Bộ luật hình sự.
đ. Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%
Người phạm tội cướp tài sản nếu có hành vi dùng vũ lực hoặc có hành vi khác xâm phạm đến người bị hại mà có tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm d khoản 2 Điều 133 Bộ luật hình sự.
Có thể nói, đây là tình tiết định khung mới đối với tội cướp tài sản, vì theo điểm c khoản 2 Điều 129 và Điều 151 Bộ luật hình sự năm 1985 thì người bị hại phải bị thương tích nặng hoặc tổn hại nặng đến sức khỏe thì người phạm tội mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 129 và Điều 151 Bộ luật hình sự năm 1985. Thương tích nặng hoặc tổn hại nặng đến sức khỏe của người khác phải có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên, tỷ lệ thương tật dưới 31% chưa phải là thương tích nặng hoặc tổn hại nặng đến sức khỏe. Vì vậy, nếu người phạm tội cướp tài sản trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% và sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới phát hiện xử lý thì không áp dụng khoản 2 Điều 133 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với hành vi cướp tài sản xã hội chủ nghĩa. Đối với hành vi cướp tài sản của công dân thì càng không được áp dụng cả khoản 1 và khoản 2 Điều 133 Bộ luật hình sự năm 1999 mà phải áp dụng khoản 1 Điều 129 và khoản 1 Điều 151 Bộ luật hình sự năm 1985 đối với người phạm tội.
Thương tích của người bị hại hoặc của người khác bao gồm cả thương tích do hành vi dùng vũ lực hoặc hành vi khác nhằm chiếm đoạt tài sản và thương tích do hành vi hành hung để tẩu thoát gây nên. Ví dụ: A dùng một đoạn cây chọc vào bánh xe đạp của B làm cho B bị ngã xe nhằm cướp xe của B, nhưng vì có nhiều người, nên A chưa lấy được xe của B thì phải bỏ chạy. A cùng mọi người đuổi bắt B, nên đã bị B dùng đoạn cây đánh mạnh vào đầu A làm cho A bị thương. Thương tích của A khi bị ngã xe chỉ có 4% nhưng thương tích bị B dùng cây đánh vào đầu là 21%, tổng thương tích của B là 25%.
Nếu người phạm tội gây thương tích cho nhiều người và tỷ lệ thương tật của mỗi người chưa đến 11%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của nhiều người cộng lại từ 11% đến 30% thì người phạm tội cũng bị truy cứu theo điểm đ khoản 2 Điều 133 Bộ luật hình sự.
Tỷ lệ thương tật của người bị hại hoặc của người khác phải do Hội đồng giám định pháp y xác định. Vì vậy cơ quan tiến hành tố tụng cần trưng cầu giám định pháp y nếu người bị hại và những người khác bị thương tích hoặc tổn hại đến sức khoẻ để làm căn cứ xác định người phạm tội bị truy cứu theo khoản nào của Điều 133 Bộ luật hình sự.
Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng
Trong nhiều trường hợp người phạm tội cướp tài sản mới thực hiện hành vi vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được, nhưng chưa chiếm đoạt được tài sản. Tuy nhiên, cũng không ít trường hợp người phạm tội cướp đã lấy được tài sản. Nhưng dù người phạm tội có lấy được tài sản hay không mà tài sản đó ( tài sản mà người phạm tội định chiếm đoạt) có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000, thì người phạm tội vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm e khoản 2 Điều 133 Bộ luật hình sự. Có thể coi tình tiết này là tình tiết được thay thế tình tiết “chiếm đoạt tài sản có giá trị lớn” quy định tại điểm d khoản 2 Điều 129 và Điều 151 Bộ luật hình sự năm 1985.
Đối với trường hợp người phạm tội lấy được tài sản, thì căn cứ vào giá bán tài sản đó tại đại phương xảy ra tội phạm để xác định giá trị tài sản bị chiếm đoạt, chứ không căn cứ vào giá người bị hại mua hoặc giá người phạm tội bán cho người khác. Trong trường hợp cần thiết thì cơ quan tiến hành tố tụng phải tiến hành định giá để xác định giá trị tài sản bị chiếm đoạt, nhất là đối với tài sản có giá trị sấp sỉ 50.000.000 hoặc 200.000.000 đồng hoặc tài sản không được lưu thông trên thị trường.
Đối với trường hợp người phạm tội chưa lấy được tài sản thì việc xác định giá trị tài sản cần phải phân biệt:
– Nếu có căn cứ xác định người phạm tội có ý định chiếm đoạt một loại tài sản nào đó như: định cướp chiếc xe máy của người khác, biết người bị hại vừa lĩnh 100.000.000 ở Ngân hàng nên chặn đường để cướp… thì căn cứ vào giá của tài sản định cướp để xác định giá trị tài sản bị cướp;
– Nếu có căn cứ xác định người phạm tội không biết tài sản mình bị cướp có giá trị bao nhiêu, gồm những tài sản gì thì cũng căn cứ vào giá trị thật của tài sản mà người phạm tội định chiếm đoạt để xác định giá trị tài sản bị cướp. Ví dụ: A, B, và C chặn đường xem có ai đi qua thì cướp tài sản. Bọn chúng gặp một người mặc quần áo Bộ đội, đeo ba lô đi qua, nên cả bọn xông ra đấm đá định cướp chiếc ba lô, nhưng bị người này chống cự quyết liệt nên chúng không lấy được chiếc ba lô. Sau khi xảy ra sự việc thì biết trong ba lô của người bị hại có nhiều tài sản có giá trị lên tới 190.000.000. Tuy nhiên, có trường hợp người phạm tội bắt trói người bảo vệ và đột nhập vào kho chứa hàng trăm chiếc ti vi mầu, nhưng chưa lấy được chiéc ti vi nào thì bị phát hiện. Nếu căn cứ vào giá trị toàn bộ số ti vi có trong kho để xác định giá trị tài sản bị chiếm đoạt thì người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 4 Điều 133, nên có ý kiến cho rằng, trong trường hợp người phạm tội không xác định rõ mục đích chiếm đoạt ( có gì cũng cướp) hoặc không biết rõ giá trị tài sản mà mình chiếm đoạt mà chưa lấy được tài sản thì chỉ nên truy cứu người phạm tội theo khoản 1 Điều 133 Bộ luật hình sự. Vấn đề này, chắc chắn các cơ quan có trách nhiệm sẽ phải giải thích hoặc hướng dẫn, nhưng chúng tôi cho rằng nên căn cứ vào giá trị thật của tài sản mà người phạm tội định chiếm đoạt để làm căn cứ xác định giá trị tài sản bị cướp. Bởi lễ, đối với những người phạm tội cướp tài sản, nhất là những vụ cướp có tổ chức với quy mô lớn, dùng cả ô tô, tầu thuỷ để làm phương tiện để chở hàng hoá cướp được mà không căn cứ vào giá trị tài sản thật mà cúng định cướp thì không góp phần vào việc đấu tranh phòng và chống lọai tội phạm nguy hiểm này.
Gây hậu quả nghiêm trọng
Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng nói chung và phạm tội cướp tài sản gây hậu quả nghiêm trọng nói riêng là trường hợp do hành vi phạm tội mà gây ra những thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người; thiệt hại nghiêm trọng về tài sản cho cơ quan, tổ chức và những thiệt hại nghiêm trọng khác phi vật chất. Tất nhiên những hậu quả này không phải là những tình tiết định khung hình phạt quy định tại khoản 2 Điều 133 Bộ luật hình sự. nhưng nó cũng phải tương đương với các tình tiết định khung quy định tại khoản 2 Điều 133 Bộ luật hình sự vì nó cũng là một tình tiết được quy định trong cùng một khung hình phạt. Đây là vấn đề không phải không phải ai cũng nhận thức như nhau, vì có quan điểm muốn đưa ra một đại lượng chung cho tất cả các trường hợp phạm tội mà không thấy rằng mỗi tội phạm có tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội chủ nghĩa khác nhau, cùng là gây ra hậu quả chết người, nhưng nếu do vô ý gây ra tính chất mức độ nguy hiểm không thể bằng do hành vi cố ý gây ra, nếu do vô ý thì làm chết một người có thể được coi là hậu quả nghiêm trọng, nhưng nếu do cố ý gây chết một người lại là hậu quả rất nghiêm trọng, trong một số trường hợp còn là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Vì vậy khi đánh giá hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng cần phải căn cứ vào hành vi phạm tội cụ thể ược quy định trong một điều khoản cụ thể; không thể có một hậu quả chung cho tất cả các tội phạm.
Căn cứ vào các quy định tại khoản 2 Điều 133 Bộ luật hình sự, qua thực tiễn xét xử có thể coi trường hợp sau đây là trường hợp cướp tài sản gây hậu quả nghiêm trọng:
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của một người có tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% không phải là do hành vi dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công không thể chống cự được ( không phải là hậu quả do hành vi khách quan của cấu thành tội cướp tài sản gây nên);
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người mà tỷ lệ thương tật của mỗi người chưa đến 11%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người bị thương tích từ 11% đến 30%;
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của một người với tỷ lệ thương tật dưới 11% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị dưới 50.000.000 đồng;
– Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, ngoài tài sản bị chiếm đoạt
– Ngoài những thiệt hại về về tính mạng, sức khoẻ hoặc tài sản có thể xác định được như đã nêu trên, còn những thiệt hại phi vật chất cũng cần được xác định để đánh giá hậu quả do hành vi cướp tài sản gây ra, như ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự an toàn xã hội; gây hoang mang cho nhiều người trên một địa bàn nhất định, làm cho nhiều người vì quá sợ hãi nên phải bỏ học, bỏ việc làm, không giám lao động sản xuất, không giám buôn bán.v.v… Những thiệt hại phi vật chất, đòi hỏi cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải căn cứ vào từng vụ cướp tài sản cụ thể, trong một hoàn cảnh cụ thể, xảy ra ở một địa bàn cụ thể, mới có thể xác định được chính xác.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định từ điểm a đến điểm g khoản 2 Điều 133 Bộ luật hình sự, người phạm tội có thể bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm. Khi áp dụng hình phạt theo khoản 2 Điều 133 Bộ luật hình sự đối với người phạm tội cần chú ý:
Nếu các tình tiết khác của vụ án như nhau thì:
– Nếu người phạm tội cướp tài sản có nhiều tình tiết định khung quy định tại khoản 2 Điều 133, thì hình phạt phải cao hơn người phạm tội có ít tình tiết định khung hình phạt;
– Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự thì hình phạt phải nhẹ hơn người phạm tội không có hoặc có ít tình tiết giảm nhẹ;
– Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, thì hình phạt phải nặng hơn người không có hoặc có ít tình tiết tăng nặng;
– Thiệt hại gây ra càng lớn thì hình phạt càng nặng và ngược lại.
Trong trường hợp người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, Toà án có thể áp dụng hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt quy định tại khoản 2 Điều 133 Bộ luật hình sự nhưng không được dưới ba năm tù, vì theo quy định tại Điều 47 Bộ luật hình sự, thì “Toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà điều luật đã quy định nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật”13
- Cướp tài sản thuộc các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 133 Bộ luật hình sự
Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%
Trường hợp phạm tội này tương tự như trường hợp phạm tội quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 133 Bộ luật hình sự, chỉ khác ở chỗ tỷ lệ thương tật của người bị hại hoặc của những người khác từ 31% đến 60%. Đây là tỷ lệ thương tật thuộc loại rất nặng, nên người phạm tội phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 3 Điều 133 Bộ luật hình sự có khung hình phạt cao hơn khoản 2 Điều 133 Bộ luật hình sự.
Tương tự như trường hợp quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 133 Bộ luật hình sự, nếu người phạm tội gây thương tích cho nhiều người và tỷ lệ thương tật của mỗi người chưa đến 31%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của nhiều người cộng lại từ 31% đến 60% thì người phạm tội cũng bị truy cứu theo điểm a khoản 3 Điều 133 Bộ luật hình sự .
Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng
Trường hợp phạm tội này tương tự như trường hợp phạm tội quy định tại điểm e khoản 2 Điều 133 Bộ luật hình sự, chỉ khác ở chỗ giá trị tài sản bị chiếm đoạt là từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng . Đây là tài sản có giá trị rất lớn, nên người phạm tội phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 3 Điều 133 Bộ luật hình sự có khung hình phạt cao hơn khoản 2 Điều 133 Bộ luật hình sự.
Gây hậu quả rất nghiêm trọng
Hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi cướp tài sản gây ra cũng phải tương đương với các tình tiết định khung quy định tại khoản 3 Điều 133 Bộ luật hình sự vì nó cũng là một tình tiết được quy định trong cùng một khung hình phạt. Căn cứ vào các quy định tại khoản 3 Điều 133 Bộ luật hình sự, qua thực tiễn xét xử có thể coi trường hợp sau đây là trường hợp cướp tài sản gây hậu quả rất nghiêm trọng:
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của một người có tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% không phải là do hành vi dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công không thể chống cự được ( không phải là hậu quả do hành vi khách quan của cấu thành tội cướp tài sản gây nên);
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người mà tỷ lệ thương tật của mỗi người chưa đến 31%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người bị thương tích từ 31% đến 60%;
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của một người với tỷ lệ thương tật dưới 31% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị dưới 500.000.000 đồng;
– Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, ngoài tài sản bị chiếm đoạt;
– Ngoài những thiệt hại về về tính mạng, sức khoẻ hoặc tài sản có thể xác định được như đã nêu trên, còn những thiệt hại phi vật chất cũng cần được xác định để đánh giá hậu quả do hành vi cướp tài sản gây ra, như ảnh hưởng rất xấu đến việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự an toàn xã hội; gây hoang mang cho nhiều người trên một địa bàn nhất định, làm cho rất nhiều người vì quá sợ hãi nên phải bỏ học, bỏ việc làm, không giám lao động sản xuất, không giám buôn bán.v.v… Những thiệt hại phi vật chất, đòi hỏi cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải căn cứ vào từng vụ cướp tài sản cụ thể, trong một hoàn cảnh cụ thể, xảy ra ở một địa bàn cụ thể, mới có thể xác định được chính xác. Mức độ thiệt hại trong trường hợp này phải được xác định là rất nghiêm trọng thì người phạm tội mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 3 Điều 133 Bộ luật hình sự
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định từ điểm a đến điểm c khoản 3 Điều 133 Bộ luật hình sự người phạm tội có thể bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm. Cũng tương tự như trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 133 Bộ luật hình sự, khi áp dụng hình phạt theo khoản 3 Điều 133 Bộ luật hình sự đối với người phạm tội cần chú ý:
Nếu các tình tiết khác của vụ án như nhau thì:
– Nếu người phạm tội cướp tài sản có nhiều tình tiết định khung quy định tại khoản 3 Điều 133, thì hình phạt phải cao hơn người phạm tội có ít tình tiết định khung hình phạt;
– Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự thì hình phạt phải nhẹ hơn người phạm tội không có hoặc có ít tình tiết giảm nhẹ;
– Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, thì hình phạt phải nặng hơn người không có hoặc có ít tình tiết tăng nặng;
– Thiệt hại gây ra càng lớn thì hình phạt càng nặng và ngược lại.
Cũng tương tự như trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 133 Bộ luật hình sự, trong trường hợp người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, Toà án có thể áp dụng hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt quy định tại khoản 3 Điều 133 Bộ luật hình sự nhưng không được dưới bảy năm tù.
- Cướp tài sản thuộc các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 133 Bộ luật hình sự
Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người
Trường hợp phạm tội này tương tự như trường hợp phạm tội quy định tại điểm đ khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều 133 Bộ luật hình sự, chỉ khác ở chỗ tỷ lệ thương tật của người bị hại hoặc của những người khác từ 61% trở lên hoặc làm chết người. Đây là trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, nên người phạm tội phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 4 Điều 133 Bộ luật hình sự có khung hình phạt tù từ mười tám năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Riêng đối với trường hợp làm chết người cần phân biệt với trường hợp giết người để cướp tài sản. Làm chết người là trước khi thực hiện hành vi cướp tài sản, người phạm tội không có ý thức giết người, hành vi dùng vũ lực của người phạm tội chưa gây ra cái chết cho người bị tấn công, nhưng trong quá trình thực hiện hành vi cướp tài sản hoặc sau khi đã cướp được tài sản, người phạm tội bỏ mặc cho hậu quả xảy ra nên người bị tấn công bị chết. Ví dụ: A,B,C trói người bảo vệ kho để cướp tài sản nhưng sau khi chúng bỏ đi, do kho nằm ở khu vực xa dân nên người bảo vệ kho không được ai mở trói nên bị chết do bị khát và đói.
Tương tự như trường hợp quy định tại điểm đ khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều 133 Bộ luật hình sự, nếu người phạm tội gây thương tích cho nhiều người và tỷ lệ thương tật của mỗi người chưa đến 61%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của nhiều người cộng lại từ 61% trở lên thì người phạm tội cũng bị truy cứu theo điểm a khoản 4 Điều 133 Bộ luật hình sự .
Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên
Trường hợp phạm tội này tương tự như trường hợp phạm tội quy định tại điểm e khoản 2 và điểm b khoản 3 Điều 133 Bộ luật hình sự, chỉ khác ở chỗ giá trị tài sản bị chiếm đoạt là từ 500.000.000 đồng trở lên. Đây là tài sản có giá trị đặc biệt lớn, nên người phạm tội phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 4 Điều 133 Bộ luật hình sự có khung hình phạt tù từ mười tám năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng
Hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do hành vi cướp tài sản gây ra cũng phải tương đương với các tình tiết định khung quy định tại khoản 4 Điều 134 Bộ luật hình sự vì nó cũng là một tình tiết được quy định trong cùng một khung hình phạt. Căn cứ vào các quy định tại khoản 4 Điều 133 Bộ luật hình sự, qua thực tiễn xét xử có thể coi trường hợp sau đây là trường hợp cướp tài sản gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng:
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của một người có tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc gây chết người, nhưng không phải là do hành vi dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công không thể chống cự được (không phải là hậu quả do hành vi khách quan của cấu thành tội cướp tài sản gây nên);
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người mà tỷ lệ thương tật của mỗi người chưa đến 61%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người bị thương tích từ 61% trở lên;
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của một người với tỷ lệ thương tật dưới 31% đến 60% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 500.000.000 đồng trở lên;
– Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 500.000.000 đồng trở lên, ngoài tài sản bị chiếm đoạt;
– Ngoài những thiệt hại về về tính mạng, sức khoẻ hoặc tài sản có thể xác định được như đã nêu trên, còn những thiệt hại phi vật chất cũng cần được xác định để đánh giá hậu quả do hành vi cướp tài sản gây ra, như ảnh hưởng đặc biệt xấu đến việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; gây ảnh hưởng đặc biệt xấu đến an ninh, trật tự an toàn xã hội; gây hoang mang cho rất nhiều người trên một vùng nhiều địa phương nhất định, làm cho rất nhiều người vì quá sợ hãi nên phải bỏ học, bỏ việc làm, không giám lao động sản xuất, không giám buôn bán.v.v… Những thiệt hại phi vật chất, đòi hỏi cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải căn cứ vào từng vụ cướp tài sản cụ thể, trong một hoàn cảnh cụ thể, xảy ra ở một địa bàn cụ thể, mới có thể xác định được chính xác. Mức độ thiệt hại trong trường hợp này phải được xác định là đặc biệt nghiêm trọng thì người phạm tội mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 4 Điều 133 Bộ luật hình sự
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định từ điểm a đến điểm c khoản 4 Điều 133 Bộ luật hình sự người phạm tội có thể bị phạt tù từ mười tám năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình. Cũng tương tự như trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 133 Bộ luật hình sự, khi áp dụng hình phạt theo khoản 4 Điều 133 Bộ luật hình sự đối với người phạm tội cần chú ý:
Nếu các tình tiết khác của vụ án như nhau thì:
– Nếu người phạm tội cướp tài sản có nhiều tình tiết định khung quy định tại khoản 3 Điều 133, thì hình phạt phải cao hơn người phạm tội có ít tình tiết định khung hình phạt;
– Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự thì hình phạt phải nhẹ hơn người phạm tội không có hoặc có ít tình tiết giảm nhẹ;
– Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, thì hình phạt phải nặng hơn người không có hoặc có ít tình tiết tăng nặng;
– Thiệt hại gây ra càng lớn thì hình phạt càng nặng và ngược lại.
Cũng tương tự như trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 133 Bộ luật hình sự, trong trường hợp người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, Toà án có thể áp dụng hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt quy định tại khoản 4 Điều 133 Bộ luật hình sự nhưng không được dưới mười tám năm tù.
Khung hình phạt quy định tại khoản 4 Điều 133 có mức thấp nhất là 18 năm tù, còn mức cao nhất là tử hình. Vậy, trường hợp nào Toà án phạt người phạm tội tù có thời hạn, trường hợp nào phạt tù chung thân, còn trường hợp nào bị phạt tử hình ? Đây là vấn đề về lý luận cũng như thực tiễn xét xử có nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần hướng dẫn cụ thể (cá thể hoá) trường hợp phạm tội nào Toà án có thể phạt tù có thời hạn, trường hợp nào phạt tù chung thân và trường hợp nào phạt tử hình, để tránh tình trạng áp dụng pháp luật không thống nhất. Nhưng đa số ý kiến lại cho rằng, nhà làm luật đã quy định các trường hợp phạm tội theo từng khung hình phạt là đã cá thể hoá tới mức cần thiết tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, còn việc quyết định hình phạt như thế nào, mức hình phạt cụ thể là bao nhiêu trong khung hình phạt đó là hoàn toàn thuộc trách nhiệm của Hội đồng xét xử, căn cứ vào quy định của Bộ luật hình sự, cân nhắc tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ, và tăng nặng trách nhiệm hình sự. Nếu hướng dẫn qúa chi tiết, cụ thể như có một “ba rem” sẽ dẫn đến tình trạng các Thẩm phán ỷ lại, mặt khác thực tế xét xử cho thấy không có một vụ án nào giống vụ án nào, ngay cả khi các tình tiết của vụ án tương tự như nhau nhưng xảy ra ở địa bàn khác nhau, thì tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội cũng khác nhau, chưa kể đến các yếu tố về nhân thân, về điều kiện hoàn cảnh, động cơ, mục đích phạm tội … đều rất khác nhau, nên không thể có “ba rem” sẵn. Nhà làm luật quy định khung hình phạt từ… đến cũng chính là nhằm bảo đảm nguyên tắc xử lý và nguyên tắc quyết định hình phạt. Tội phạm là hiện tượng xã hội, nên không thể cân đo, đong, đếm như toán học được.
Thực tiễn xét xử cho thấy, những trường hợp chỉ phạm tội cướp tài sản, người phạm tội bị kết án tử hình không nhiều, mà thông thường người phạm tội bị kết án từ hình trong những trường hợp cướp tài sản có kèm theo giết người, trong đó hình phạt tử hình đối với người phạm tội là hình phạt của tội giết người. Những trường hợp bị phạt tử hình về tội cướp tài sản, thường là những trường hợp người phạm tội đã có nhiều tiền án tiền sự, là người chủ mưu, cầm đầu trong các vụ án có tổ chức, nhưng “băng cướp’ nguy hiểm, hoạt động trên địa bàn rộng, trên trục đường giao thông, trên các phương tiện giao thông, gây hoang mang trong nhân dân…
- Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội cướp tài sản
Theo quy định tại khoản 5 Điều 133 Bộ luật hình sự thì ngoài hình phạt chính, người phạm tội cướp tài sản còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.
So với tội cướp tài sản xã hội chủ nghĩa và tội cướp tài sản của công dân quy định tại Điều 129 và Điều 151 Bộ luật hình sự năm 1985 thì hình phạt bổ sung đối với tội cướp tài sản quy định tại Điều 133 Bộ luật hình sự năm 1999 có nhiều điểm được sửa đổi bổ sung.
Hình phạt tiền là loại hình phạt mới được quy định đối với tội cướp tài sản, mức phạt tiền là từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, có thể nói đây là khung hình phạt tiền đối với tội cướp tài sản. Vì vậy, nếu Toà án áp dụng hình phạt tiền là hình phạt bổ sung đối với người phạm tội cướp tài sản thì không được phạt trên một trăm triệu đồng, nhưng nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự thì có thể phạt dưới mười triệu đồng nhưng không được dưới một triệu đồng vì theo quy định tại khoản 3 Điều 30 Bộ luật hình sự mức phạt tiền không được dưới một triệu đồng. Tuy nhiên vấn đề này cũng có ý kiến cho rằng, hình phạt bổ sung không thể có nhiều khung hình phạt, không có quy định một khung hình phạt, không có khung hình phạt nhẹ nhất và không có quy định việc chuyển sang khung hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn. nên dù người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ cũng không được áp dụng dưới mức thấp nhất mà điều luật quy định.14 Quan điểm này, chỉ đúng với các loại hình phạt bổ sung khác, nhưng đối với hình phạt bỏ sung là hình phạt tiền thì không hẳn là như vậy, vì hình phạt tiền dù là hình phạt chính hay hình phạt bổ sung bao giờ cũng quy định một mức tiền từ… đồng đến… đồng, nên phải coi đó là khung hình phạt tiền và không phải tội phạm nào nhà làm luật cũng quy định mức tối thiểu và mức tối đa như nhau, đo đó có thể áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt tiền. Mặt khác, hình phạt bổ sung cũng là hình phạt nên khi quyết định hình phạt cũng phải tuân theo các quy định của Bộ luật hình sự vê quyết định hình phạt. Đối với các loại hình phạt bổ sung khác không có trường hợp quyết định dưới mức thấp nhất của khung hình phạt là vì mức tối thiểu và mức tối đa của loại hình phạt đó được quy định ở phần chung Bộ luật hình sự và trong từng tội phạm ở phần điều luật đều như nhau ( từ một năm đến năm năm). Ví dụ: Thời hạn quản chế quy định tại Điều 38 Bộ luật hình sự và tại khoản 5 Điều 133 Bộ luật hình sự về tội cướp tài sản đều từ một năm đến năm năm, nếu quyết định hình phạt dưới một năm là trái với Điều 38 Bộ luật hình sự. Trong trường hợp này, nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ thì chỉ có thể được áp dụng một năm ( mức thấp nhất của khung hình phạt ) hoặc không bị áp dụng hình phạt quản chế.
Việc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản của người phạm tội cướp tài sản phải chú đến các quy định tại Điều 40 Bộ luật hình sự về loại hình phạt này. Chỉ tịch thu tài sản thuộc quyền sở hữu của người phạm tội, nhưng là tài sản ngoài tài sản bị cướp; không tịch thu các loại tài sản là đồ trang sức, vật kỷ niệm của người phạm tội. Nếu tịch thu toàn bộ tài sản thì vẫn phải để cho người phạm tội và gia đình họ có điều kiện sinh sống.
Khi áp dụng hình phạt cấm cư trú đối với người phạm tội cướp tài sản cần quyết định hình phạt rõ cấm cư trú ở địa phương cụ thể nào ( xã, phường, thị trấn, huyện, quận, thị xã, tỉnh, thành phố ) không nên cấm một cách chung chung là “cấm bị cáo cư trú ở thành phố, thị xã…” Nói chung nếu đã áp dụng hình phạt quản chế đối với người phạm tội thì không áp dụng hình phạt cấm cư trú đối với họ nữa vì nội dung của hình phạt quản chế là cư trú bắt buộc, dưới sự kiểm soát của chính quyền và nhân dân địa phương, không được tự ý ra khỏi nơi cư trú, bị tước một số quyền công dân và bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định.
Tham khảo thêm:
- Phân tích Tội hành hạ người khác
- Phân tích Tội hiếp dâm
- Phân tích Tội hiếp dâm trẻ em
- Phân tích Tội cưỡng dâm
- Phân tích Tội cưỡng dâm trẻ em
- Phân tích Tội giao cấu với trẻ em
- Phân tích Tội dâm ô đối với trẻ em
- Phân tích Tội lây truyền HIV cho người khác
- Phân tích Tội cố ý truyền HIV cho người khác
- Phân tích Tội mua bán phụ nữ
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.