Phân tích Tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em

TỘI MUA BÁN, ĐÁNH TRÁO HOẶC CHIẾM ĐOẠT TRẺ EM (ĐIỀU 120)

Đây là tội phạm bao gồm nhiều hành vi phạm tội độc lập với nhau nhưng cùng xâm phạm đến một đối tượng, đó là trẻ em. Loại tội phạm này cũng tương tự nhưột só tội phạm khác quy định trong Bộ luật hình sự, nhà làm luật quy định nhiều hành vi phạm tội tương tự với nhau về tính chất mức đọ nguy hiểm cho xã hội trong cùng một điều luật, nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm. Thực tiễn xét xử cho thấy nhiều vụ án, người phạm tội vừa có hành vi chiếm đoạt, vừa có hành vi mua bán, lại vừa có hành vi đánh tráo trẻ em, nếu tách các hành vi đó ra để truy cứu trách nhiệm hình sự về từng tội phạm riêng thì cũng không thoả đáng, nên nhà làm luật quy định chung trong cùng một điều luật để tuỳ từng trường hợp cụ thể, các cơ quan tiến hành tố tụng vận dụng cho phù hợp.

Tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em là tội phạm trước đây được quy định tại Điều 149 Bộ luật hình sự năm 1985 thuộc Chương các tội xâm phạm chế độ hôn nhân gia đình và các tội phạm đối với người chưa thành niên, với tên tội danh là “tội bắt trộm, mua bán hoặc đánh tráo trẻ em”. Nay được đưa về chương các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự con người với tên tội danh là “tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em” là hoàn toàn chính xác về kỹ thuật lập pháp và thực tiễn xét xử. Vì, tội phạm này đích thực xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự con người mà người bị xâm phạm là trẻ em. Nếu trước đây chỉ quy định hành vi bắt trộm trẻ em, nhưng thực tiễn xét xử có nhiều trường hợp người phạm tội không bắt trộm mà dùng nhiều thủ đoạn, thậm chí dùng cả vũ lực để bắt trẻ em, nên nhà làm luật thay từ bắt trộm trẻ em thành từ chiếm đoạt trẻ em là hoàn toàn chính xác.

CÁC DẤU HIỆU CỦA TỘI PHẠM

  1. Đối với người phạm tội

Theo điều văn của điều luật thì “người nào mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em dưới bất kỳ hình thức nào” đều bị coi là tội phạm. Quy định này cần hiểu là:

– Mua bán trẻ em là hành vi coi trẻ em như một món hàng để trao đổi lấy tiền hoặc lợi ích vật chất khác. Như vậy, hành vi mua bán trẻ em cũng giống như hành vi mua bán phụ nữ. Tuy nhiên, mục đích của việc mua bán trẻ em có những trường hợp xuất phát từ tình cảm. Ví dụ: Vì không có con nên vợ chồng anh D chị K đã mua một bé gái về làm con nuôi hoặc vì phong tục tập quán như: Do không có con trai, nên vợ chồng anh T chị N đã mua một bé trai về làm con nuôi đẻ có người nỗi dõi tổ tiên. Có trường hợp lại do mê tín dị đoan cho rằng phải nuôi một bé trai thì vợ chồng mới sinh được con trai, nên vợ chồng anh B chị H đã mua một bé trai về nuôi để hy vọng mình sẽ sinh được con trai. v.v… chứ không hoàn toàn mang tính thương mại thuần tuý. Cho dùvới động cơ, mục đích nào thì hành vi mua bán trẻ em cũng đều bị pháp luật cấm và người có hành vi này vẫn bị coi là tội phạm.

– Đánh tráo trẻ em là dùng trẻ em này để đổi lấy một trẻ em khác theo ý muốn của mình. Việc đánh tráo này thường xảy ra trong các nhà hộ sinh, khi đứa trẻ sinh ra ngoài ý muốn của cha mẹ chúng như: mong muốn có con trai thì lại sinh ra con gái hoặc ngược lại. Hành vi đánh tráo có thể do chính bố mẹ đứa trẻ thực hiện nhưng cũng có thể do thầy thuốc hoặc nhân viên y tế trong Bệnh viện hoặc nhà hộ sinh thực hiện hoặc do người khác thực hiện.

– Chiếm đoạt trẻ em dưới bất kỳ hình thức nào là hành vi dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực, dùng thủ đoạn gian dối, lén lút, công nhiên hoặc thủ đoạn khác để chiếm đoạt trẻ em. Chỉ có hình vi chiếm đoạt nhà làm luật mới quy định dưới bất kỳ hình thức nào, còn hành vi mua bán và hành vi đánh tráo không thể quy định mua bán hoặc đánh tráo dưới bất kỳ hình thức nào. Chiếm đoạt dưới bất kỳ hình thức nào là để phân biệt với trường hợp trước đây quy định bắt trộm trẻ em chỉ mới nói lên hình thức lén lút, còn thực tế có nhiều vụ án người phạm tội không chỉ bắt trộm mà còn dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực, dùng thủ đoạn gian dối… để bắt đứa trẻ.

Khi xác định trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội, các cơ quan tiến hành tố tụng cần căn cứ vào hành vi phạm tội cụ thể của người phạm tội để xác định tội danh đối với họ. Nếu người phạm tội chỉ có hành vi mua bán thì tội danh của họ là tội “mua bán trẻ em”, nếu hành vi của người phạm tội là hành vi chiếm đoạt thì định tội là “chiếm đoạt trẻ em”, nếu hành vi của người phạm tội là hành vi chiếm đoạt thì định tội là “chiếm đoạt trẻ em”.

Trường hợp người phạm tội có hai hành vi hoặc cả ba hành vi quy định trong điều luật thì tuỳ từng trường hợp có thể định tội ” mua bán và đánh tráo trẻ em “hoặc” mua bán, đánh tráo và chiếm đoạt trẻ em”, không nên định tội  “mua bán hoặc chiếm đoạt trẻ em” vì định tội như vậy, không biết người phạm tội có hành vi nào.

Trường hợp người phạm tội mua bán một trẻ em và chiếm đoạt một trẻ em khác thì truy cứu người phạm tội về hai tội danh khác nhau: tội mua bán trẻ em và  tội chiếm đoạt trẻ em và áp dụng Điều 50 Bộ luật hình sự để tổng hợp hình phạt như trong trường hợp một người phạm nhiều tội.

  1. Đối với người bị hại

Người bị hại là người dưới 16 tuổi. Tuổi của người bị hại là một tình tiết thuộc yếu tố khách quan không phụ thuộc vào ý thức chủ quan của người phạm tội; chỉ cần xác định người bị hại là người dưới 16 tuổi mà người phạm tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt là phạm tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em rồi.

Nói chung đối với trường hợp trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, người phạm tội thường có hành vi mua bán, nhất là đối với những trẻ em gái, người phạm tội thường có hành vi mua bán, đối với trẻ em dưới 13 tuổi người phạm tội thường có hành vi mua bán để giao cho người khác, nhất là người nước ngoài làm con nuôi, đối với các trẻ em mới đẻ người phạm tội thường có hành vi chiếm đoạt, đánh tráo nhằm thoả mãn nhu cầu của mình hoặc của người khác.

Nếu trẻ em bị chiếm đoạt bằng hình thức bắt cóc làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản thì người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự hình sự về tội bắt cóc nhằm chiếm doạt tài sản quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự mà không bị truy cứu về tội này.

CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

  1. Mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt một trẻ em và không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 120 Bộ luật hình sự ( khoản 2 Điều 120)

Đây là trường hợp phạm tội không có các tình tình tiết định khung hình phạt quy định tại khoản 2 Điều 120 Bộ luật hình sự và người phạm tội bị truy cứ trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 120 có khung hình phạt từ ba năm đến đến mười năm tù, là tội phạm rất nghiêm trọng, nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, thì Toà án có thể áp dụng mức hình phạt ba năm tù, trường hợp áp dụng hình phạt dưới ba năm tù hoặc chuyển sang hình phạt khác nhẹ hơn phải hết sức thận trọng và là cá biệt.

  1. Phạm tội có tổ chức ( điểm a khoản 2 Điều 120)

Cũng như trường hợp phạm tội có tổ chức khác, mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em có tổ chức là trường hợp nhiều người tham gia, trong đó có người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy có người trực tiếp thực hiện tội phạm, có người xúi giục, hoặc giúp sức, nhưng tất cả đều chung một mục đích là làm thế nào để mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt được trẻ em. Mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em có tổ chức là trường hợp phạm tội nguy hiểm hơn trường hợp phạm tội không có tổ chức, vì phạm tội có tổ chức do có sự phận công, cấu kết chặt chẽ giữa những người thực hiện tội phạm nên chúng dễ dàng thực hiện việc mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em và cũng dễ dàng che giấu hành vi phạm tội của mình.

  1. Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp ( điểm b khoản 2 Điều 120)

Cũng giốn như trường hợp phạm tội có tính chất chuyên nghiệp khác, phạm tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt được trẻ em có tính chất chuyên nghiệp là người phạm tội lấy việc mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt được trẻ em là nguồn sống chính cho mình.

Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp là tình tiết thuộc đặc điẻm cá nhân người phạm tội, có thể có ở người phạm tội này mà không có ở người phạm tội khác. Trong vụ án co đồng phạm hoặc phạm tội có tổ chức có thể chỉ có một hoặc một số người thuộc trường hợp có tính chất chuyên nghiệp, chứ không phải tất cả những người đồng phạm đều phải chịu chung tình tiết có tính chất chuyên nghiệp với người phạm tội có tình tiết này.

  1. Phạm tội vì động cơ đê hèn ( điểm c khoản 2 Điều 120)

 Mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em vì động cơ đê hèn cũng tương tự như trường hợp phạm tội vì động cơ đê hèn khác, chỉ khác ở chỗ, sự hèn hạ của người phạm tội lại không trực tiếp xâm phạm đến thể xác của người định trả thù mà thông qua hành mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt con em của người muốn trả thù, làm cho tinh thần của người mà người phạm tội muốn trả thù bị suy sụp. Ví dụ: Chỉ vì chị H không đồng ý kết hôn với T, nên T đã bắt con của chị H giấu ở một nơi rồi giả vờ tìm kiếm để gây cảm tình với chị H, để chị H đồng ý kết hôn với T. So với Điều 149 Bộ luật hình sự năm 1985 thì tình tiết này là tình tiết định khung tăng nặng mới được quy định, nên không áp dụng đối với hành vi phạm tội thực hiện trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới phát hiện xử lý.

  1. Mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt nhiều trẻ em ( điểm d khoản Điều 120)

Mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt nhiều trẻ em là trường hợp một người hoặc nhiều người một lần hoặc nhiều lần cộng lại đã mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt từ hai trẻ em trở lên. Do điều luật không quy định tình tiết “phạm tội nhiều lần” như đối với một số tội phạm khác nên cần phải hiều mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt nhiều trẻ em bao gồm cả trường hợp một lần và trường hợp nhiều lần, nhưng số lượng trẻ em bị mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt từ hai trẻ em trở lên là người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm d khoản 2 Điều 120 Bộ luật hình sự. Khi áp dụng tình tiết này cần chú ý:

– Nếu một người mua bán một trẻ em và đánh tráo một trẻ em thì người phạm tội chỉ bị truy cứu về tội ” mua bán, đánh tráo trẻ em” với tình tiết ” mua bán, đánh tráo nhiều trẻ em;

– Nếu mua bán một trẻ em, đánh tráo một trẻ em và chiếm đoạt một trẻ em thì người phạm tội cũng chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm d khoản 2 Điều 120 Bộ luật hình sự nhưng tội danh phải ghi là “mua bán, đánh tráo và chiếm đoạt trẻ em”;

– Nếu mua bán nhiều lần và mỗi lần một trẻ em thì người phạm tội cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm d khoản 2 Điều 120 Bộ luật hình sự với tình tiết ” mua bán nhiều trẻ em”;

– Nếu mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt nhiều lần, nhưng chỉ có một trẻ em bị mua bán, đánh tráo hoặc bị chiếm đoạt thì người phạm tội chỉ bị truy cứu theo khoản 1 Điều 120 Bộ luật hình sự.

  1. Để đưa ra nước ngoài ( điểm đ khoản 2 Điều 120)

Mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em để đưa ra nước ngoài là trường hợp trước, trong hoặc sau khi mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt  trẻ em người phạm tội có ý định đưa đứa trẻ đó ra nước ngoài. Nếu đứa trẻ đó chưa bị đưa ra nước ngoài, nhưng nếu có căn cứ xác định người phạm tội có ý định đưa đứa trẻ ra nước ngoài, thìnpt vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm đ khoản 2 Điều 120 Bộ luật hình sự với tình tiết “để đưa ra nước ngoài”.

Mục đích của việc đưa đứa trẻ ra nước ngoài làm gì, người phạm tội có thể biết và cũng có thể không biết (không buộc người phạm tội phải biết), nhưng nếu người phạm tội biết đưa đứa trẻ ra nước ngoài để sử dụng vào mục đích vô nhân đạo hoặc vào mục đích mại dâm thì người phạm tội còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm e hoặc điểm g khoản 2 Điều 120 Bộ luật hình sự.

  1. Để sử dụng vào mục đích vô nhân đạo ( điẻm e khoản 2 Điều 120)

 ua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em để sử dụng vào mục đích vô nhân đạo là trường hợp sử dụng đứa trẻ bị mua bán, bị đánh tráo, bị chiếm đoạt vào mục đích trái với nhân đạo như: sử dụng đứa trẻ vào việc trộm cắp, lừa đảo, lao động cực nhọc để lấy tiền hoặc sử dụng đứa trẻ vào những mục đích tàn ác khác. So với Điều 149 Bộ luật hình sự năm 1985 thì tình tiết này là tình tiết định khung tăng nặng mới được quy định, nên không áp dụng đối với hành vi phạm tội thực hiện trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới phát hiện xử lý.

  1. Để sử dụng vào mục đích mại dâm (điểm g khoản 2 Điều 120)

Mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em để sử dụng vào mục đích mại dâm là trường hợp sử dụng đứa trẻ bị mua bán, bị đánh tráo, bị chiếm đoạt vào việc mại dâm như: Mua các em gái về buộc phải bán dâm, bán các em gái cho các ổ mại dâm. Nếu người phạm tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em để sử dụng vào việc chứa mại dâm hoặc môi giới mại dâm thì còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chứa mại dâm theo Điều 254  hoặc tội môi giới mại dâm theo Điều 255 Bộ luật hình sự. So với Điều 149 Bộ luật hình sự năm 1985 thì tình tiết này cũng là tình tiết định khung tăng nặng mới được quy định, nên không áp dụng đối với hành vi phạm tội thực hiện trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới phát hiện xử lý.

  1. Người phạm tội là người thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm (điểm h khoản 2 Điều 120)

Cũng tường tự như các trường hợp tái phạm nguy hiểm khác, người phạm tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm là người đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em hoặc đã tái phạm, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em.

Vì tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em là tội phạm rất nghiêm trọng ( khoản 1 Điều 120) là tội đặc biệt nghiêm trọng ( khoản 2 Điều 120). Do đó, nếu người phạm tội đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xoá án tích hoặc đã tái phạm, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em thì  người phạm tội theo khoản nào của Điều 120 cũng thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm, nếu phạm tội có một trong các tình tiết quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g hoặc điểm i khoản 2 thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hai tình tiết định khung hình phạt là tái phạm nguy hiểm và các tình tiết tương ứng theo các điểm từ a đến g hoặc điểm i khoản 2 Điều 120 Bộ luật hình sự .

  1. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng ( điểm i khoản 2 Điều 120)

Mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em gây hậu quả nghiêm trọng là trường hợp do hành vi phạm tội mà gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho xã hội như: làm cho đứa trẻ bị ốm đau dẫn đến tử vong; làm cho người thân của đứa trẻ phải bỏ công việc đi tìm đứa trẻ mất nhiều ngày, tốn kém đến thời gian, tiền bạc; làm ảnh hưởng lớn đến các chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước như chính sách cho người nước ngoài nhận trẻ em nước ta làm con nuôi v.v…

Khi đánh giá hành vi mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em gây hậu quả nghiêm trọng cần căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, trong một hoàn cảnh cụ thể, xem xét một cách khách quan toàn diện tất cả các tình tiết của vụ án và hậu quả do hành vi mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em gây  ra  để xác định hậu quả của hành vi do người phạm tội thực hiện đã nghiêm trọng chưa.

Phạm tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em thuộc các trường hợp: có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; vì động cơ đe hèn; mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt nhiều trẻ em; đẻ đưa ra nước ngoài; để sử dụng vào mục đích vô nhân đạo; đẻ sử dụng vào mục đích mại dâm; tái phạm nguy hiểm; gây hậu quả nghiêm trọng thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 120 Bộ luật hình sự có khung hình phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân. Đây là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, nếu người phạm tội chỉ có một tình tiết định khung hình phạt trong khi đó không có tình tiết tăng nặng mà lại có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự thì có thể được áp dụng hình phạt phạt dưới mười lăm năm tù, nhưng không được dưới ba năm tù, vì theo Điều 47 Bộ luật hình sự khi quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà điều luật đã quy định nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật. Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết định khung hình phạt lại có tình tiết tăng nặng, không có hoặc chỉ có một tình tiết giảm nhẹ thì không được quyết định mức hình phạt thấp nhất của khung hình phạt. So với khoản 2 Điều 149 Bộ luật hình sự năm 1985 thì khung hình phạt quy định ở khoản 2 Điều 120 Bộ luật hình sự năm 1999 là nặng hơn, nên không áp dụng đối với hành vi phạm tội thực hiện trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới phát hiện xử lý.

Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm hoặc phạt quản chế từ một năm đến năm năm theo khoản 3 Điều 120 Bộ luật hình sự. So với Điều 150 Bộ luật hình sự năm 1985 thì hình phạt bổ sung quy định tại khoản 3 Điều 120 Bộ luật hình sự năm 1999 là quy định không có lợi cho người phạm tội, bởi vì theo Điều 150 Bộ luật hình sự năm 1985 thì chỉ đối với trường hợp tái phạm nguy hiểm thì người phạm tội mới có thể bị phạt quản chế từ một năm đến năm năm, không quy định hình phạt tiền, hình phạt cấm dảm nhiệm chức vụ, hình phạt cấm làm hành nghề hoặc công việc nhất định. Do đó đối với trường hợp phạm tội này không áp dụng đối với hành vi phạm tội thực hiện trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới phát hiện xử lý.

Tham khảo thêm:


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191