1.Thời điểm có hiệu lực của quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự
1. Quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn có hiệu lực kể từ thời điểm cơ quan thực hiện biện pháp ngăn chặn nhận được hay tu thời điểm nào? Cơ sở pháp luật là như thế nào?
2. Trường hợp như tôi thì có được tiếp tục làm các thủ tục sang tên hay không?
Tôi xin chân thành cảm ơn!
Gửi bởi: Dương Văn Thành
Trả lời có tính chất tham khảo
Pháp luật hiện nay không quy định cơ quan thi hành án dân sự được quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm thời, do đó nội dung ông nêu về biện pháp ngăn chặn là không chính xác.
Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 66, 67, 68 và Điều 69 Luật Thi hành án dân sự thì Chấp hành viên có quyền tự mình hoặc theo yêu cầu bằng văn bản của đương sự áp dụng ngay biện pháp bảo đảm thi hành án nhằm ngăn chặn việc tẩu tán, huỷ hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án. Khi áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án, Chấp hành viên không phải thông báo trước cho đương sự. Người yêu cầu Chấp hành viên áp dụng biện pháp bảo đảm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về yêu cầu của mình. Trường hợp yêu cầu áp dụng biện pháp bảo đảm không đúng mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng biện pháp bảo đảm hoặc cho người thứ ba thì phải bồi thường.
Quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự là quyết định cá biệt và quyết định này có hiệu lực ngay. Do vậy, nếu trường hợp ông nêu là quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự có hiệu lực kể từ ngày ban hành 21/01/2012, cá nhân, cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm chấp hành.
Các văn bản liên quan:
Luật 26/2008/QH12 Thi hành án dân sự
Trả lời bởi: Lê Anh Tuấn – Tổng cục Thi hành án dân sự
2.Có thể ra mấy quyết định thi hành án?
Tòa án tuyên: Nguyễn Văn A phải nộp án phí hình sự là 200.000 đồng, tuyên trả cho Nguyễn Văn A 01 chiếc xe Honda. Vậy cơ quan thi hành án khi ra quyết định thi hành án chủ động phải ra mấy quyết định, bởi vì có nơi ra 2 quyết định A phải nộp tiền và được nhận lại xe, có nơi chỉ ra một quyết định chung cho cả hai nội dung.
Gửi bởi: La Văn Nhiều
Trả lời có tính chất tham khảo
Khoản 1 Điều 37 Luật Thi hành án dân sự quy định Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành đối với phần bản án, quyết định sau đây: Hình phạt tiền, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí; trả lại tiền, tài sản cho đương sự; tịch thu sung quỹ nhà nước, tịch thu tiêu huỷ vật chứng, tài sản; thu hồi quyền sử dụng đất và tài sản khác thuộc diện sung quỹ nhà nước; quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được bản án, quyết định, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định thi hành án. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi nhận được quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời do Toà án chuyển giao hoặc do đương sự giao trực tiếp, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định thi hành án và phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành.
Điều 5 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự. quy định Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra một quyết định thi hành án chung cho các khoản thuộc diện chủ động thi hành trong một bản án, quyết định. Trường hợp trong bản án, quyết định có các khoản về trả lại tiền, tài sản thì đối với mỗi người được thi hành án, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra một quyết định thi hành án. Trường hợp trong một bản án, quyết định có nhiều người phải thi hành án phải thi hành nhiều khoản thì đối với mỗi người phải thi hành án, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra một quyết định thi hành án chung cho các khoản mà người đó phải thi hành.
Căn cứ quy định nêu trên, trong trường hợp bạn hỏi, do bản án có khoản tuyên trả cho Nguyễn Văn A 01 chiếc xe honda, vì vậy Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án đối với khoản này và ra quyết định thi hành án khác đối với khoản Nguyễn Văn A phải nộp án phí hình sự 200.000 đồng là không trái pháp luật. Tuy nhiên, do Nguyễn Văn A vừa được tuyên trả xe máy nhưng lại phải nộp tiền án phí nên khi ra quyết định thi hành án và tổ chức việc thi hành án, cơ quan thi hành án cần thi hành đồng bộ, bảo đảm hiệu quả của cả hai việc thi hành án, tránh tình trạng trả xe cho Nguyễn Văn A nhưng không thu được tiền án phí.
Các văn bản liên quan:
Nghị định 58/2009/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự
Luật 26/2008/QH12 Thi hành án dân sự
Trả lời bởi: Lê Anh Tuấn – Tổng cục Thi hành án dân sự
3.Chấp hành viên có thẩm quyền sao y bản chính bản án không?
Một số chấp hành viên thực hiện việc đóng dấu sao y bản chính lên bản án và sử dụng được không?
Gửi bởi: Quách Vĩnh Phong
Trả lời có tính chất tham khảo
Sao y bản chính là việc sao chép nguyên văn cả về hình thức và nội dung của văn bản chính và có dấu thị thực của cơ quan nhà nước. Theo pháp luật Việt Nam hiện nay, cơ quan có thẩm quyền xác nhận sao y bản chính các tài liệu, văn bản gốc là các công chứng viên, người đại diện có thẩm quyền của cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội ban hành văn bản được sao y, cơ quan nào đã ban hành văn bản thì cơ quan đó có thẩm quyền cấp bản sao văn bản.
Về thẩm quyền sao y bản chính đối với bản ánl, thì bản án à một trong những văn bản đặc thù phải tuân thủ theo các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự hiện hành. Điều 241 Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành quy định trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày tuyên án đương sự sẽ được Tòa án giao hoặc gửi bản án cho các đương sự khởi kiện và Viện kiểm sát cùng cấp và trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc phiên tòa các đương sự sẽ được Tòa án cấp trích lục bản án nếu có yêu cầu. Do đó, bản án chỉ được cơ quan duy nhất là Tòa án nhân dân sao từ bản chính dưới hình thức trích lục. Tuy nhiên, hiện nay cũng có ý kiến cho rằng theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18/5/2007 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 04/2012/NĐ-CP ngày 20/01/2012 thì Phòng Tư pháp cấp huyện, cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài và UBND cấp xã cũng có thẩm quyền chứng thực bản án của Tòa án nhân dân vì UBND cấp xã có thẩm quyền chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt. Bản án là một trong những văn bản bằng tiếng Việt nên thỏa mãn các điều kiện về đối tượng chứng thực mà Nghị định 79 quy định nên ý kiến thứ hai cho rằng UBND cấp xã hoàn toàn có thẩm quyền chứng thực bản án của Tòa án nhân dân.
Đối với cơ quan thi hành án dân sự thì do không phải là cơ quan ra bản án và cũng không phải là cơ quan có thẩm quyền chứng thực theo Nghị định số 79/2007/NĐ-CP nêu trên, nên về nguyên tắc không có thẩm quyền sao y bản chính đối với bản án. Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động thi hành án dân sự cho thấy trong một số trường hợp cần phải sao chụp hồ sơ thi hành án, trong đó có bản án của Toà án để gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét, nghiên cứu phục vụ cho việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiểm sát, giám sát, hướng dẫn nghiệp vụ thi hành án hoặc trong trường hợp lưu lại hồ sơ làm căn cứ cho việc kiểm tra, theo dõi việc thi hành án đó khi thực hiện uỷ thác thi hành án, vì vậy cơ quan thi hành án dân sự xác nhận tài liệu phô tô đó bằng hình thức đóng dấu sao y bản chính, đóng dấu của cơ quan thi hành án và có chữ ký, họ tên của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự hoặc Chấp hành viên hoặc người khác được Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự uỷ quyền. Việc sao các tài liệu của hồ sơ thi hành án dân sự, trong đó có bản án, quyết định của Toà án chỉ có ý nghĩa trong nội bộ Ngành thi hành án dân sự hoặc phục vụ những hoạt động liên quan đến việc thi hành án nêu trên, mà không có ý nghĩa như quy định về sao y bản chính tại Bộ luật Tố tụng dân sự và Nghị định số 79/2007/NĐ-CP nêu trên.
Các văn bản liên quan:
Nghị định 79/2007/NĐ-CP Về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký
Bộ luật 24/2004/QH11 Tố tụng dân sự
Nghị định 04/2012/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung Điều 5 của Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký
Trả lời bởi: Lê Anh Tuấn – Tổng cục Thi hành án dân sự
4.Đương sự đã yêu cầu không thi hành án, sau đó lại có yêu cầu tiếp tục thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự có tiếp tục thụ lý giải quyết được không?
Đương sự đã yêu cầu không thi hành án, sau đó lại có yêu cầu tiếp tục thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự có tiếp tục thụ lý giải quyết được không?
Gửi bởi: Nguyễn Đức Hiếu
Trả lời có tính chất tham khảo
Điều 50 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 về đình chỉ thi hành án quy định:
1. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định đình chỉ thi hành án trong các trường hợp sau đây:
a) Người phải thi hành án chết không để lại di sản hoặc theo quy định của pháp luật nghĩa vụ của người đó theo bản án, quyết định không được chuyển giao cho người thừa kế;
b) Người được thi hành án chết mà theo quy định của pháp luật quyền và lợi ích của người đó theo bản án, quyết định không được chuyển giao cho người thừa kế hoặc không có người thừa kế;
c) Đương sự có thoả thuận bằng văn bản hoặc người được thi hành án có văn bản yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự không tiếp tục việc thi hành án, trừ trường hợp việc đình chỉ thi hành án ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba;
d) Bản án, quyết định bị hủy một phần hoặc toàn bộ;
đ) Người phải thi hành án là tổ chức đã bị giải thể, không còn tài sản mà theo quy định của pháp luật nghĩa vụ của họ không được chuyển giao cho tổ chức khác;
e) Có quyết định miễn hoặc giảm một phần nghĩa vụ thi hành án;
g) Tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với người phải thi hành án;
h) Người chưa thành niên được giao nuôi dưỡng theo bản án, quyết định đã thành niên.
2. Thời hạn ra quyết định đình chỉ thi hành án là 05 ngày làm việc, kể từ ngày có căn cứ đình chỉ thi hành án theo quy định tại khoản 1 Điều này.
Căn cứ quy định tại điểm c khoản 1 Điều 50 Luật Thi hành án dân sự nêu trên thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định đình chỉ thi hành án trong trường hợp đương sự có thoả thuận bằng văn bản hoặc người được thi hành án có văn bản yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự không tiếp tục việc thi hành án. Trong trường hợp này, các bên đương sự không có quyền yêu cầu thi hành án trở lại tại cơ quan thi hành án dân sự, nên cơ quan thi hành án dân sự không thụ lý lại vụ việc đã đình chỉ thi hành án đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, trong trường hợp này các đương sự vẫn được quyền tiếp tục thi hành án không thông qua cơ quan thi hành án dân sự như tự thi hành án với nhau hoặc yêu cầu Thừa phát lại thi hành (nếu ở thành phố Hồ Chí Minh) trong thời hiệu yêu cầu thi hành án theo quy định tại khoản 1 Điều 35 của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh.
Các văn bản liên quan:
Nghị định 61/2009/NĐ-CP Về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh
Luật 26/2008/QH12 Thi hành án dân sự
Trả lời bởi: Lê Anh Tuấn – Tổng cục Thi hành án dân sự
5.Thi hành án dân sự đối với quyết định giám đốc thẩm
Tôi là cháu của ông Trần Nhứt Nghệ là bị đơn. Nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt. Tại bản án dân sự phúc thẩm 196/2006/DSPT ngày 07/06/2006 thì ông Trần Nhứt Nghệ thua kiện phải giao cho bà Nguyệt 2.600m2 đất nông nghiệp và bà Nguyệt hỗ trợ cho ông Nghệ 12.100.00đ số cây nhãn và bưởi. Ông Nghệ khiếu nại bản án. Ngày 26/12/2006, biên bản cưỡng chế của cơ quan thi hành án buộc ông Nghệ giao đất cho bà Nguyệt và bà Nguyệt nộp cho cơ quan thi hành án 12.100.000đ (ông Nghệ không nhận tiền). Ngày 10/03/2010, Quyết định giám đốc thẩm hủy bản án dân sự phúc thẩm 196/2006/DSPT. Nay tôi muốn khiếu nại về việc thi hành án ngày 26/12/2006 và bồi thường thiệt hại cây trái trên đất thì khiếu nại ở đâu? Chân thành cám ơn.
Gửi bởi: Ngô Thị Kim Chi
Trả lời có tính chất tham khảo
Trường hợp anh nêu, tại thời điểm ngày 26/12/2006 cơ quan thi hành án dân sự thực hiện việc cưỡng chế thi hành án, biên bản cưỡng chế của cơ quan thi hành án buộc ông Nghệ giao đất cho bà Nguyệt và bà Nguyệt nộp cho cơ quan thi hành án 12.100.000đ thì bản án của Toà án đang có hiệu lực pháp luật và phải được thi hành. Do đó, cơ quan thi hành án dân sự tổ chức việc thi hành án, cưỡng chế thi hành án là có cơ sở pháp luật, đúng với nội dung bản án của Toà án đang có hiệu lực thi hành lúc đó. Vì thế, cơ quan thi hành án dân sự không sai trong việc thi hành án đó.
Sau khi cơ quan thi hành án dân sự thực hiện xong việc cưỡng chế thì ngày 10/03/2010 mới có Quyết định giám đốc thẩm hủy bản án dân sự phúc thẩm 196/2006/DSPT. Do anh không nêu rõ quyết định giám đốc thẩm huỷ bản án nhưng giao về cho Toà án nào xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm lại. Vì vậy, việc giải quyết phụ thuộc vào kết quả xét xử mới của Toà án. Khi đó, việc thi hành án, kể cả việc giải quyết bồi thường thiệt hại cho ông Nghệ (nếu có) tuỳ tình hình cụ thể thực hiện theo quy định tại Điều 134, 135 hoặc Điều 136 Luật Thi hành án dân sự, như sau:
Điều 134. Thi hành quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm tuyên giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật
Trường hợp quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm tuyên giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật mà bản án, quyết định đó chưa thi hành hoặc đã thi hành được một phần thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định tiếp tục thi hành án. Trường hợp bản án, quyết định đó đã thi hành xong thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự thông báo cho Toà án đã ra quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm, Viện kiểm sát cùng cấp và đương sự.
Điều 135. Thi hành quyết định giám đốc thẩm tuyên giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của Toà án cấp dưới đã bị huỷ hoặc bị sửa
1. Trường hợp quyết định giám đốc thẩm tuyên giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của Toà án cấp dưới đã bị huỷ hoặc bị sửa thì việc thi hành được thực hiện theo quyết định giám đốc thẩm và bản án, quyết định đúng pháp luật của Toà án cấp dưới đã bị huỷ hoặc bị sửa.
2. Đối với phần bản án, quyết định của Toà án cấp dưới không bị huỷ, bị sửa mà chưa được thi hành thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định tiếp tục thi hành án; nếu đã thi hành xong thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự thông báo cho Toà án đã ra quyết định giám đốc thẩm, Viện kiểm sát cùng cấp và đương sự.
3. Đối với phần bản án, quyết định của Tòa án hủy, sửa bản án, quyết định của Tòa án cấp dưới mà đã thi hành được một phần hoặc đã thi hành xong thì đương sự có thể thỏa thuận với nhau về việc hoàn trả tài sản, phục hồi lại quyền tài sản.
Trường hợp tài sản thi hành án là động sản phải đăng ký quyền sở hữu và bất động sản còn nguyên trạng thì cưỡng chế trả lại tài sản đó cho chủ sở hữu.
Trường hợp tài sản đã được chuyển dịch hợp pháp cho người thứ ba chiếm hữu ngay tình thông qua bán đấu giá hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó người này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị huỷ, sửa hoặc tài sản thi hành án đã bị thay đổi hiện trạng thì chủ sở hữu tài sản ban đầu không được lấy lại tài sản nhưng được bồi hoàn giá trị của tài sản.
Trường hợp có yêu cầu về bồi thường thiệt hại thì cơ quan ra bản án, quyết định bị huỷ, sửa giải quyết theo quy định của pháp luật.
Điều 136. Thi hành quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm tuyên huỷ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật
1. Trường hợp quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm tuyên huỷ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để xét xử sơ thẩm lại hoặc xét xử phúc thẩm lại thì việc thi hành án được thực hiện theo bản án, quyết định sơ thẩm mới có hiệu lực pháp luật hoặc bản án phúc thẩm mới.
2. Trường hợp quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm tuyên hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án đã xét xử vụ án và đình chỉ giải quyết vụ án mà phần tài sản trong bản án, quyết định bị hủy đã thi hành được một phần hoặc đã thi hành xong thì thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 135 của Luật này.
Các văn bản liên quan:
Luật 26/2008/QH12 Thi hành án dân sự
Trả lời bởi: Lê Anh Tuấn – Tổng cục Thi hành án dân sự
6.Kê biên tài sản đang thế chấp tại Ngân hàng
Bản án số 51/DSST, ngày 21/02/2010 của Tòa án huyện H có hiệu lực thi hành buộc bà Nguyễn Thị A phải trả cho ông Đoàn Văn B số tiền là 50.000.000đ và lãi do chậm trả. Đến ngày 02/3/2010, ông B làm đơn yêu cầu thi hành án, Chi cục Thi hành án dân sự huyện ra quyết định theo quy định, giao Chấp hành viên tổ chức thi hành. Qua quá trình xác minh thì bà A có diện tích đất 5.000m2 lúa, ngoài ra không còn gì khác, nhưng diện tích đất lúa bà A đã thế chấp Ngân hàng NNPTNT với số tiền là 250.000.000đ. Chấp hành viên phát công văn yêu cầu Ngân hàng phối hợp thi hành, Ngân hàng đã đồng ý. Ngày 12/6/2010, Chấp hành viên đã tiến hành kê biên diện tích đất trên của bà B để thi hành cho Ngân hàng và ông B. Nhưng Viện kiểm sát huyện không đồng ý cho Ngân hàng phối hợp, yêu cầu cơ quan thi hành án chỉ kê biên tương ứng với phần nợ mà bà A nợ ông B, riêng phần nợ Ngân hàng do chưa có án nên không được tổ chức thi hành. Viện kiểm sát cho rằng chỉ thi hành khi đã có bản án, ở đây phần bà A nợ Ngân hàng là chưa có án nên cơ quan thi hành án không được tổ chức thi hành. Hỏi: Viện kiểm sát yêu cầu như vậy là có đúng không? Trong trường hợp này nếu theo yêu cầu của Viện kiểm sát thì có được kê biên một phần tài sản mà bà A đã thế chấp cho Ngân hàng để thi hành cho một mình ông B được không?
Gửi bởi: Võ Thành Trí
Trả lời có tính chất tham khảo
Trong trường hợp bạn nêu, do không có hồ sơ thi hành án, chúng tôi không biết được quan điểm của Viện kiểm sát nhân và của người phải thi hành án cụ thể như thế nào? giá trị tài sản thế chấp khi kê biên là bao nhiêu? tài sản đó tách ra từng phần thì có làm mất hoặc giảm đáng kể giá trị không? Vì thế, chúng tôi không khẳng định đúng hay sai một cách chính xác. Tuy nhiên, chúng tôi trao đổi một số ý kiến để bạn tham khảo như sau:
– Về nguyên tắc, cơ quan thi hành án dân sự muốn kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án đang thế chấp cho người khác để đảm bảo thi hành án thì phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 90 Luật Thi hành án dân sự năm 2008. Theo đó, trường hợp người phải thi hành án không còn tài sản nào khác hoặc có tài sản nhưng không đủ để thi hành án, Chấp hành viên có quyền kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án đang cầm cố, thế chấp nếu giá trị của tài sản đó lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm và chi phí cưỡng chế thi hành án. Khi kê biên tài sản đang cầm cố, thế chấp, Chấp hành viên phải thông báo ngay cho người nhận cầm cố, nhận thế chấp; khi xử lý tài sản kê biên, người nhận cầm cố, nhận thế chấp được ưu tiên thanh toán theo quy định tại khoản 3 Điều 47 của Luật này.
– Theo quy định khoản 1 Điều 8 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự thì việc áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án phải tương ứng với nghĩa vụ của người phải thi hành án và các chi phí cần thiết. Trường hợp người phải thi hành án chỉ có một tài sản duy nhất lớn hơn nhiều lần so với nghĩa vụ phải thi hành án mà tài sản đó không thể phân chia được hoặc việc phân chia làm giảm đáng kể giá trị của tài sản thì Chấp hành viên vẫn có quyền áp dụng biện pháp bảo đảm, cưỡng chế để thi hành án.
Các văn bản liên quan:
Luật 26/2008/QH12 Thi hành án dân sự
Trả lời bởi: Lê Anh Tuấn – Tổng cục Thi hành án dân sự
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.