Không kiện ra tòa thì làm gì để đòi tiền khi bên kia vi phạm thỏa thuận

Câu hỏi của khách hàng: Không kiện ra tòa thì làm gì để đòi tiền khi bên kia vi phạm thỏa thuận

Hôm nay em có vào Lotte mua đồ và giữ xe ở bãi giữ xe ngoài trời, em không biết là bãi giữ xe và Lotte có hợp đồng gì không nhưng ở Lotte đây là bãi giữ xe duy nhất. Sau khi mua đồ tầm khoảng nửa tiếng đi ra thì chiếc xe không còn nữa và em vẫn còn giữ thẻ xe. Sau khi lên công an lấy lời khai của hai bên thì giữa em và đại diện bên quản lý bãi xe có làm thoả thuận. Em yêu cầu mức giá bồi thường là 40 triệu, vì xe còn mới, em mua chưa được 2 tháng và đi chưa tới 1000 km. Trị giá chiếc xe bao gồm giấy tờ là 45 triệu, thì bên đại diện quản lý bãi giữ xe có hẹn bên em cho thời gian một tuần để họp và sau khi họp sẽ hẹn bên em để đưa ra mức bồi thường bên đó có thể bồi thường. Nhưng em muốn hỏi nếu thoả thuận của cả hai không thực hiện được thì sẽ ra toà, mà khả năng em sẽ được nhận bao nhiêu tiền bồi thường và hình thức trả sẽ như thế nào.
Em không học về chuyên ngành luật nên mấy chuyện này em hơi mù tịt, mà lại sắp đến tết nên em khá lo. Anh chị này ở đây đã từng phải trường hợp như em hoặc hiểu biết về vấn đề này thì giúp em với. Em
Cám ơn rất nhiều.


Luật sư Tư vấn Bộ luật dân sự – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 24/11/2018

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Nghĩa vụ bồi thường của bên giữ tài sản khi để mất

Bộ luật dân sự năm 2015

3./ Luật sư trả lời Có thỏa thuận nhưng không thực hiện kiện ra tòa thì làm gì để nhận được tiền

Theo thông tin bạn cung cấp thì giữa bạn và bên quản lý bãi xe đã xác lập với nhau một hợp đồng gửi giữ tài sản. Do vậy, bên giữ tài sản có nghĩa vụ bảo quản tài sản theo thỏa thuận và trả lại tài sản cho bên gửi tài sản đúng như tình trạng lúc nhận giữ. Việc bên giữ tài sản không trả được tài sản trên như thỏa thuận thì bên giữ có trách nhiệm bồi thường cho bên gửi tài sản. Mức bồi thường được thỏa thuận giữa hai bên. Nếu không thỏa thuận được thì có thể yêu cầu Tòa án giải quyết.

Căn cứ Điều 554 Bộ luật dân sự:

Điều 554. Hợp đồng gửi giữ tài sản

Hợp đồng gửi giữ tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng, bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công.

Theo thông tin bạn cung cấp thì tài sản gửi giữ là chiếc xe máy của bạn, bạn là bên gửi tài sản, phía bảo vệ (quản lý bãi xe) là bên giữ tài sản. Căn cứ Khoản 2 Điều 556 Bộ luật dân sự thì bạn có quyền “yêu cầu bồi thường thiệt hại, nếu bên giữ làm mất, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng”. Như vậy, bạn có quyền yêu cầu bên giữ tài sản bồi thường thiệt hại do làm mất xe của bạn trong thời gian gửi giữ mà hai bên đã thỏa thuận trừ trường hợp việc mất xe là do trường hợp bất khả kháng.

Trường hợp bất khả kháng được hiểu là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khác phục được mặc dù đã áp dựng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép (đoạn 2 Khoản 1 Điều 156 Bộ luật dân sự). Mà trong trường hợp của bạn thì chiếc xe bị trộm mất, điều này là do bên giữ xe không thực hiện đầy đủ các biện pháp an ninh. Việc này chỉ được coi là sự kiện bất khả kháng khi bên giữ xe đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và trong khả năng cho phép nhưng việc mất xe vẫn xảy ra (ví dụ như xe bị cướp, hay bạn làm mất vé xe làm một cá nhân khác nhặt được và lấy xe đi,…).

Trong trường hợp của bạn, nếu bên giữ xe đưa ra một mức bồi thường không hợp lý, bạn có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật dân sự. Tòa án sẽ căn cứ vào các quy định của pháp luật để quyết định mức bồi thường của bên kia và bên kia có nghĩa vụ bồi thường như quyết định/ bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Nếu bên giữ xe không bồi thường như nội dung trên thì bạn có quyền yêu cầu cơ quant hi hành án áp dụng các biện pháp nhất định để yêu cầu bên kia thực hiện việc bồi thường theo đúng quy định.

Căn cứ Điều 360361 Bộ luật dân sự thì bên giữ xe mà làm mất có nghĩa vụ bồi thường toàn bộ thiệt hại do việc vi phạm nghĩa vụ gây ra. Thiệt hại này bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần. Trong trường hợp của bạn, bạn yêu cầu bồi thường thiệt hại về vật chất, đó là những tổn thất vật chất thực tế xác định được, bao gồm tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.

Thông thường thì việc xác định tổn thất sẽ dựa trên các kết luận giám định của chủ thể có thẩm quyền, nhưng trong trường hợp của bạn, tài sản bị mất dẫn tới không có tài sản để giám định nên thông thường việc xác định giá trị tài sản/ tổn thất sẽ xác định giá trị tại thời điểm bạn mua. Trừ trường hợp có bên cung cấp được chứng cứ chứng minh giá trị chính xác hơn của tài sản tại thời điểm họ nhận tài sản.

Như vậy, trong trường hợp của bạn. Nếu hai bên không thể thỏa thuận được mức giá hợp lý và đưa ra Tòa thì giá trị chiếc xe sẽ được xác định là giá trị tại thời điểm mua tài sản của bạn, tức là 45 triệu đồng. Trừ trường hợp bên kia có chứng cứ xác định được chính xác hơn giá trị của chiếc xe khi được giao thì giá trị được xác định theo giá tài sản tại thời điểm xe được giao cho bên giữ.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191