Bị người khác đánh đập báo công an không được thì phải xử lý thế nào

Câu hỏi được gửi từ khách hàng: Bị người khác đánh đập báo công an không được thì phải xử lý thế nào?

Dạ việc xảy ra vào ngày hôm qua , nhà mẹ con mở tiệm tạp hóa buôn bán, con của nhà đối diện mang 2000đ sang mua bánh tránh trộn, vì giá bánh tráng trộn là 7000đ, nên mẹ con không bán. (Nhà Bên đó có mượn mẹ con 6 triệu đồng , và tiền quán của 2 tháng vừa rồi 2 triệu nữa).

Sau đó cha của đứa bé đứng trước cửa nhà họ dùng lời miệt thị mẹ con (Con cam đoan là mẹ con không hề trả lời lại ), sau đó ông đi vào nhà mang 1 thanh gậy qua quán nhà con đánh vào đầu mẹ con ( Sức đàn ông đánh hết sức vào phụ nữ ). Sau đó đánh cái thứ 2 thì được bà ngồi gần mẹ con cầm ghế mủ cản lại được . Ông lại tiếp tục lôi đầu mẹ con đập xuống đất , thẳng tay đấm 2 đấm vào mặt mẹ con ( vì nhà lúc đó chỉ có phụ nữ nên không ai can ông được, ông rất lực lưỡng ) . Sau đó cha con về thì ông chạy về nhà ông. Cha con thấy mẹ con bị như vậy nên nóng giật buôn miệng chửi Ông nhà đối diện ” Đ*….M . Mày chỉ giỏi đánh đàn bà , bộ mày đánh đàn bà phụ nữ quen rồi hả ” ( Vì Ông ấy rất vũ phu chuyên đánh vợ con) Xong ông đó nghe cầm rựa qua đe dọa ….

” Tao chặt luôn đầu vợ mày còn được huống chi đánh ” 

Xong ông cầm rựa chạy qua sân nhà con hất lật mấy cái lồng gà của Cha con nên cha con chạy ra can thì bị ông đánh vào mặt , ( Cha rất mạnh khỏe và to con nữa nên cú đánh của ông không hề hấn gì ).Ba con tức xô ông không biết té thế nào mà trật tay và nằm xuống đất , Cha con tưởng chỉ té thôi không sao nên Cha con đá thêm 1 cái nữa vào ngực … Sau đó do con sợ quá nên không biết diễn biến sau thế nào…Mà hiện tại mẹ con ra công an phường Trình bày thì nhận được sự trả lời lõng lẻo không quan tâm chỉ yêu cầu giải hòa …
Hiện tại mẹ con đang trong phòng chụp CT, (Mẹ con mới sanh được 5 tháng) nên giờ mẹ con rất yếu, khuôn mặt sưng biến dạng 2 bên 
Mà bên phía bên kia còn đòi đền bù … Con cam đoan những điều con kể là sự thật 100% mong các bác xem tường trình và hướng dẫn giờ con phải làm sao.

Hiện tại mẹ con mới sinh, nếu kiện với Hội Phụ Nữ thì có được hỗ trợ về pháp luật không ạ.


Luật sư Tư vấn  Luật Hình sự – Gọi 1900.0191

Dựa trên những thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi đưa ra trả lời như sau:

1./ Thời điểm pháp lý

Ngày 29 tháng 06 năm 2018

2./ Cơ sở Pháp Luật liên quan tới vấn đề xử lý khi bị người khác đánh

  • Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015;
  • Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017
  • Luật Trợ giúp pháp lý 2006

3./ Luật sư tư vấn

Trên cơ sở quy định pháp luật, hành vi của người háng xóm nêu trên là hành vi đặc biệt nguy hiểm cho xã hội. Hành vi này có thể đã cấu thành tội cố ý gây thương tích ( Điều 134 ) hoặc tội giết người ( Điều 123) theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành. Do đó, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, gia đình bạn cần xử lý như sau:

  • Trình báo tố giác tội phạm:

Với trường hợp này, gia đình bạn có thể trình báo, tố giác tội phạm tới cơ quan công an xã hoặc trực tiếp tại Cơ quan điều tra Công an hoặc Viện kiểm sat nhân dân cấp huyện nơi mình đang sinh sống để trình báo về hành vi nêu trên theo Điều 143, 144 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.

Hình thức tố giác: bằng đơn trình báo, tố giác tội phạm hoặc trình báo tố giác trực tiếp tại cơ quan.

Căn cứ Điều 145 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, trách nhiệm của cơ quan tiếp nhận tố giác phải tiến hành như sau:

Điều 145. Trách nhiệm tiếp nhận và thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố

1. Mọi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố phải được tiếp nhận đầy đủ, giải quyết kịp thời. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận không được từ chối tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

2. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố gồm:

a) Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;

b) Cơ quan, tổ chức khác tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm.

3. Thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố:

a) Cơ quan điều tra giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố theo thẩm quyền điều tra của mình;

b) Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo thẩm quyền điều tra của mình;

c) Viện kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trong trường hợp phát hiện Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng không được khắc phục.

4. Cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố có trách nhiệm thông báo kết quả giải quyết cho cá nhân, cơ quan, tổ chức đã tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

Theo đó, trường hợp này, khi gia đình bạn đã trình báo lên cơ quan công an xã mà cơ quan này không tiến hành xác minh, xử lý, gia đình bạn có thể gửi trực tiếp đơn tố giác lên cơ quan điều tra công an huyện về hành vi của đối tượng hàng xóm để được giải quyết theo thủ tục. Trường hợp các cơ quan có thẩm quyền không thực hiện việc xác minh theo chức năng, nhiệm vụ của mình, gia đình bạn có quyền khiếu nại để được bảo vệ và đảm bảo quyền lợi hợp pháp chính đáng của mình.

  • Trợ giúp pháp lý:

Trường hợp này, mẹ bạn là người trực tiếp bị xâm phạm về sức khỏe, tuy nhiên, ở đây có dấu hiệu của phạm tội cho nên bất cứ cá nhân công dân nào khi phát hiện hành vi phạm tội đều có quyền trình báo tố giác tới cơ quan công an để cơ quan này thực hiện chức năng quản lý nhà nước về trật tự xã hội. Đối với vấn đề trợ giúp pháp lý, Hội Phụ nữ không phải tổ chức có chức năng trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006.

Bên cạnh đó, Căn cứ Điều 10 Luật Trợ giúp pháp lý 2006, các đối tượng được trợ giúp pháp lý bao gồm:

1. Người nghèo.

2. Người có công với cách mạng.

3. Người già cô đơn, người tàn tật và trẻ em không nơi nương tựa.

4. Người dân tộc thiểu số thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.

Như vậy, trường hợp của mẹ bạn, gia đình bạn cần phải gửi đơn trình báo hoặc trực tiếp trình báo, tố giác tội phạm tới cơ quan điều tra cấp trên để được bảo vệ quyền lợi bị xâm phạm và ngăn chặn hành vi phạm tội. Với trường hợp của mẹ bạn, nếu thuộc các đối tượng trợ giúp pháp lý mẹ bạn làm đơn tới Trung tâm trợ giúp pháp lý tại địa phương mình yêu cầu được trợ giúp về pháp lý và đảm bảo các quyền lợi của mình.

Với những tư vấn về câu hỏi Bị người khác đánh đập báo công an không được thì phải xử lý thế nào, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp trên, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

Bài liên quan:


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191