Một số nhận định về sự ra đời của Luật Biển Việt Nam
Chiều ngày 21/6/2012, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Biển với với 99,2% số đại biểu tán thành. Luật Biển Việt Nam gồm 7 chương, 55 Điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013. Luật Biển Việt Nam ra đời trong bối cảnh hiện nay có ý nghĩa và vai trò quan trọng thể hiện ở những khía cạnh cơ bản sau:
1. Thể hiện vai trò là thành viên của UNCLOS 1982 và DOC 2002.
Một trong những nguyên tắc cơ bản của Luật Quốc tế đó là nguyên tắc tận tâm, thiện chí thực hiện các cam kết quốc tế (pacta sunt servanda), theo đó, khi một quốc gia tham gia ký kết, gia nhập bất kỳ điều ước quốc tế nào đều phải tuân thủ và thực thi nó. Việt Nam gia nhập UNCLOS 1982 và tham gia ký kết DOC 2002 đã thể hiện được vai trò, tiếng nói của Việt Nam trong đời sống chính trị – pháp lý quốc tế. Việc Quốc hội thông qua Luật Biển phù hợp với các quy định của UNCLOS 1982 và DOC 2002, một lần nữa đã khẳng định Việt Nam là một trong những thành viên tích cực của UNCLOS 1982 và DOC 2002. Điều này sẽ giúp cho Việt Nam nhận được sự ủng hộ của bạn bè quốc tế khi giải quyết các tranh chấp liên quan đến biển. Sức mạnh của dư luận quốc tế được coi là “vũ khí mềm” vô cùng quan trọng mà một nước nhỏ như Việt Nam cần phải tranh thủ.
2. Tiếp nối những tư tưởng, quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước trong hoạt động quản lý, bảo vệ các vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Trước khi Luật Biển Việt Nam ra đời, chúng ta cũng đã có một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến biển như: Tuyên bố ngày 12/5/1977 của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; Tuyên bố ngày 12/11/1982 của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam; Luật Biên giới quốc gia năm 2003; Nghị định 30/CP ngày 29/1/1980 về quy chế cho tàu thuyền nước ngoài hoạt động trên các vùng biển của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Nghị định 55/CP ngày 1/10/1996 về hoạt động của tàu quân sự nước ngoài vào thăm nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Nghị định số 161/2003/NĐ-CP ngày 18/12/2003 của Chính phủ về Quy chế khu vực biên giới biển; Thông tư số 60/TTg ngày 19/2/1980 của Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn việc thực hiện Nghị định ban hành quy chế cho tàu thuyền nước ngoài hoạt động trên các vùng biển của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;… Tất cả các văn bản pháp lý này, cùng với Luật Biển Việt Nam đều khẳng định: Việt Nam có chủ quyền đầy đủ và toàn vẹn trong vùng nội thủy, lãnh hải; có quyền chủ quyền tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa; hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam;…
3. Là cơ sở pháp lý để Việt Nam đấu tranh bảo về chủ quyền, quyền chủ quyền đối với biển, đảo Tổ quốc.
Hầu hết các học giả trên thế giới đều nhận định, tranh chấp ở Biển Đông nhất là đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là tranh chấp đặc biệt phức tạp. Trong tranh chấp này, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm giữ toàn bộ và đưa ra yêu sách về chủ quyền. Còn quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hiện Trung Quốc và Đài Loan đưa ra yêu sách chủ quyền toàn bộ quần đảo, riêng Brunei, Malaysia và Philippines, mỗi nước tuyên bố chủ quyền một số đảo thuộc quần đảo. Luật Biển Việt Nam năm 2012 ngay tại Điều 1 đã quy định: “Luật này quy định về đường cơ sở, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, các đảo, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và quần đảo khác thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam”. Mặc dù nội dung khẳng định này không phải là mới, nó đã được nhắc đến nhiều lần trong các văn kiện pháp lý trước đó và trong các Tuyên bố ngoại giao của Việt Nam. Tuy nhiên, khẳng định này vẫn thật sự có ý nghĩa và không thể thiếu trong một văn bản có giá trị pháp lý cao như luật; đồng thời nó củng cố thêm chứng cứ pháp lý cho Việt Nam khi xây dựng một bộ hồ sơ pháp lý đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa.
4. Là cơ sở pháp lý để xác định các vùng biển của Việt Nam.
Tính đến thời điểm hiện nay, một số vùng biển Việt Nam chưa được xác định rõ, cụ thể:
– Nội thủy, lãnh hải, đặc quyền kinh tế, thềm lục địa trong Vịnh Bắc Bộ chưa được xác định do hệ thống đường cơ sở của Việt Nam mới chỉ xác định đến cửa Vịnh. Theo Hiệp định phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và CHND Trung Hoa ngày 25/12/2000, đường phân định trong Vịnh Bắc Bộ và đường cửa vịnh đã được xác lập. Tuy nhiên, đường phân định trong Vịnh Bắc Bộ chỉ là đường phân định lãnh hải (các điểm từ 1-9) hoặc đường phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa (các điểm từ 9-21) giữa hai nước.
Do vậy, trong thời gian tới, chúng ta sẽ phải xác lập hệ thống đường cơ sở trong Vịnh để xác lập các vùng biển khác. Nhiều ý kiến cho rằng điều này là không cần thiết vì giữa Việt Nam và Trung Quốc đã có hiệp định phân định biển. Tuy nhiên, nhận định này không chính xác, mặc dù trong Vịnh Bắc Bộ đã có hiệp định phân định, song vẫn rất cần xác định các ranh giới các vùng biển trong Vịnh, bởi mỗi vùng biển có quy chế pháp lý khác nhau và cần áp dụng một quy chế quản lý phù hợp. Sự ra đời của Luật Biển với một chương riêng quy định về các vùng biển sẽ là cơ sở pháp lý để xác định các vùng biển trong Vịnh thời gian tới.
– Vùng thềm lục địa chồng lấn giữa Việt Nam và Malaysia rộng gần 3.000km2. Giữa hai nước chưa giải quyết phân định vùng chồng lấn này mà sau cuộc đàm phán cấp Thứ trưởng ngoại giao, ngày 5/6/1992, hai bên đã ký được Bản thỏa thuận hợp tác thăm dò, khai thác tài nguyên chung ở vùng chồng lấn – đây được xem là giải pháp khai thác chung mang tính dàn xếp tạm thời để xoa dịu những bất đồng, tranh chấp trước mắt. Với việc thông qua Luật Biển, trong tương lai, Việt Nam sẽ có thêm cơ sở pháp lý để tiến hành phân định dứt điểm phần thềm lục địa chồng lấn giữa hai nước. Việc phân định này cần dựa trên nguyên tắc công bằng đã được ghi nhận tại UNCLOS 1982 và Luật Biển Việt Nam năm 2012.
– Xác định ranh giới ngoài thềm lục địa của Việt Nam. Căn cứ vào các điều khoản của UNCLOS 1982 (khoản 1,4,5 và 7 của Điều 76), đặc điểm tự nhiên của bờ biển và thềm lục địa, một số vùng biển của Việt Nam được phép mở rộng ranh giới thềm lục địa ngoài 200 hải lý tính từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải. Theo đó, ngày 7/5/2009,Malaysia và Việt Nam trình báo cáo chung về khu vực phía Nam Biển Đông. Khu vực xác định chung được giới hạn bởi điểm cắt của vòng cung bán kính 200 hải lý với ranh giới thềm lục địa Malaysia và Philippin.
Ở phía Đông tại điểm A, điểm cắt của hai vòng cung bán kính 200 hải lý từ phía Malaysia về phía Tây Nam điểm A (điểm B và C), bởi đường biên giới theo Hiệp định thềm lục địa ký giữa Malaysia và Indonesia năm 1969 (điểm D và E), đường ranh giới theo Hiệp định ranh giới thềm lục địa Việt Nam – Indonesia năm 2003 về phía Tây Bắc (điểm F và G) và điểm giao của vòng cung từ ranh giới phía Việt Nam về phía Đông Bắc (điểm H và I). Khu vực xác định hoàn toàn nằm ngoài 200 hải lý tính từ đường cơ sở lãnh thổ lục địa của Malaysia và Việt Nam và nằm ngoài các ranh giới đã thoả thuận với các nước hữu quan. Đây là lý do hai nước khẳng định báo cáo chung không làm tổn hại các vấn đề liên quan đến phân định ranh giới giữa các quốc gia có bờ biển đối diện hoặc tiếp giáp.
Tiếp theo, ngày 8/5/2009, Việt Nam đã trình Báo cáo riêng lên Ủy ban ranh giới ngoài thềm lục địa của Liên hiệp quốc ở khu vực Bắc (VNM-N) nằm ở phía Đông Bắc Biển Đông. Theo Báo cáo này, khu vực VNM-N được xác định và giới hạn về phía Bắc bởi đường cách đều giữa đường cơ sở lãnh hải Việt Nam và CHND Trung Hoa, ở phía Đông và phía Nam bởi ranh giới ngoài thềm lục địa đựơc xác định trong Báo cáo phù hợp với Điều 76 (8) của UNCLOS 1982, về phía Tây bởi đường 200 hải lý tính từ đường cơ sở lãnh hải Việt Nam. Rõ ràng khu vực thềm lục địa này trong Báo cáo không chồng lấn, không tranh chấp và không ảnh hưởng gì đến vấn đề phân định biển giữa Việt Nam và các quốc gia hữu quan.
Mặc dù Việt Nam đã gửi báo cáo riêng và báo cáo chung về ranh giới thềm lục địa ngoài 200 hải lý lên Ủy ban ranh giới ngoài thềm lục địa của Liên hiệp quốc, song với sự ra đời của Luật Biển năm 2012, chúng ta có thể gửi bổ sung tài liệu pháp lý này làm căn cứ để bảo vệ và thuyết phục Ủy ban ranh giới ngoài thềm lục địa khi giải quyết các báo cáo của Việt Nam.
5. Thúc đẩy sự phát triển kinh tế biển, đảo Việt Nam.
Luật Biển Việt Nam được thông qua với các quy định tại Chương IV thật sự đã tạo ra bước ngoặt cho nền kinh tế biển Việt Nam. Luật đã đề ra các nguyên tắc phát triển kinh tế biển; định hướng các ngành kinh tế biển được Nhà nước ưu tiên; nguyên tắc xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế biển; khuyến khích, ưu đãi đầu tư phát triển kinh tế trên các đảo và hoạt động trên biển. Những quy định mang tính chất định hướng vừa nêu của Luật Biển, cùng với Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 là động lực để Việt Nam phấn đấu trở thành quốc gia “giàu từ biển, mạnh lên từ biển”.
6. Nâng cao hiệu quả quản lý biển, đảm bảo an toàn, an ninh trên biển.
Luật Biển Việt Nam với một chương riêng quy định về tuần tra, kiểm soát trên biển, nêu rõ lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển bao gồm: các lực lượng có thẩm quyền thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, các lực lượng tuần tra, kiểm sát chuyên ngành khác. Bên cạnh đó, Luật còn quy định cụ thể nhiệm vụ của lực lượng này. Đây là cơ sở quan trọng góp phần ngăn chặn mọi hành vi của lực lượng thù địch, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, an ninh quốc gia trên biển.
ThS. Vũ Như Quỳnh
Tham khảo thêm các bài viết:
- Luật Biển Việt Nam – Căn cứ pháp lý đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam ở biển Đông
- Biện pháp bảo lãnh phân tích quy định của pháp luật và thực tiễn áp dụng
- Tiêu chí bài viết và quy trình biên tập của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật
- Hợp đồng mua bán tàu thủy nội địa
- Những quy định mới về chế độ áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng đối với người chưa thành niên của Luật Xử lý vi phạm hành chính
- Hợp đồng vận chuyển hàng hóa, nội địa, quốc tế tổng hợp mẫu mới 2021
- Nhìn lại vụ việc giữa công ty Tân Hiệp Phát và công ty liên doanh bia Việt Nam – những kiến nghị hoàn thiện pháp luật về cạnh tranh
- Vị trí chiến lược của Biển Đông và vấn đề chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông
- Chủ nghĩa Mác – Lênin kết hợp với phong trào công nhân và phong trào yêu nước đã dẫn tới việc thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương vào đầu năm 1930
- Chức năng của Viện kiểm sát trong giai đoạn điều tra – Chương 3
- Thí điểm thi tuyển lãnh đạo cấp phòng, cấp vụ tại các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp
- Luật Lập pháp của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa
- Bàn về mối quan hệ phối hợp trong công tác tổ chức, cán bộ thi hành án dân sự
- Một số nhận định về sự ra đời của Luật Biển Việt Nam
- Hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật
- Một số vấn đề về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại ở Việt Nam hiện nay
- Người cao tuổi, người già cô đơn và vấn đề trợ giúp pháp lý cho đối tượng này ở Việt Nam
- Quyền tư pháp trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa – Những vấn đề đặt ra trong tình hình mới
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.