Những quy định mới về chế độ áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng đối với người chưa thành niên của Luật Xử lý vi phạm hành chính
Biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng là 1 trong 4 biện pháp xử lý hành chính được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính (Luật XLVPHC) để áp dụng đối với đối tượng là người chưa thành niên (NCTN) vi phạm pháp luật (VPPL) về an ninh, trật tự, an toàn xã hội mà không phải là tội phạm. So với Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 (được sửa đổi, bổ sung năm 2007, 2008) (Pháp lệnh XLVPHC), thì các quy định về chế độ áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng có sự thay đổi khá lớn về đối tượng, thủ tục, thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng theo hướng công khai, đảm bảo quyền của NCTN VPPL, phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Tên gọi của biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng trong Luật XLVPHC
Luật XLVPHC quy định biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng là một trong các biện pháp xử lý hành chính khác để phân biệt với các quy định về xử phạt vi phạm hành chính. Luật XLVPHC quy định biện pháp xử lý hành chính và giải thích là những biện pháp được áp dụng đối với cá nhân VPPL về an ninh, trật tự, an toàn xã hội mà không phải là tội phạm, bao gồm biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (Khoản 3 Điều 2 Luật XLVPHC).
Về đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng
Điều 92 Luật XLVPHC và khoản 2 Điều 16 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật XLVPHC quy định NCTN từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý quy định tại BLHS; NCTN từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm rất nghiêm trọng do lỗi vô ý quy định tại BLHS (Pháp lệnh XLVPHC quy định độ tuổi thấp hơn, từ đủ 12 tuổi); NCTN từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng do cố ý quy định tại BLHS mà trước đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn (Pháp lệnh XLVPHC quy định độ tuổi thấp hơn, từ đủ 12 tuổi); NCTN từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi đã ít nhất 2 lần bị xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng trong 06 tháng và trước đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
So với Pháp lệnh XLVPHC, Luật XLVPHC không áp dụng biện pháp này đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi. Bên cạnh đó, khoản 4 Điều 92 Luật XLVPHC cũng quy định cụ thể mức độ vi phạm “Nhiều lần” là “02 lần trở lên trong 06 tháng” và Điều 16 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP đã chi tiết mức độ vi phạm là “đã ít nhất 02 lần bị xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi vi phạm trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng trong 06 tháng”. Một điểm thay đổi quan trọng là đối tượng bị áp dụng đưa vào trường giáo dưỡng trong Luật XLVPHC không bao gồm người NCTN bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn nhưng không có nơi cư trú nhất định. Quy định này là một điểm tiến bộ lớn, thể hiện chính sách nhân đạo đối với trẻ em, bảo đảm quyền thực hiện nguyên tắc “Không phân biệt đối xử” trong Công ước Quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên.
Về thẩm quyền quyết đinh áp dụng biện pháp
Điều 105 Luật XLVPHC đã giao Tòa án nhân dân cấp huyện quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng thay vì thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp huyện theo Pháp lệnh XLVPHC. Việc giao cho Tòa án quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng đảm bảo tính công khai, minh bạch và đảm bảo dân chủ, công bằng, bảo đảm quyền được bào chữa của người bị áp dụng những biện pháp này theo trình tự tố tụng tư pháp chặt chẽ.
Đây là nội dung thay đổi rất lớn so với Pháp lệnh XLVPHC, thể hiện xu hướng tiến bộ, dân chủ, thực hiện đúng tinh thần “các cơ quan tư pháp phải thật sự là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người” đã được khẳng định trong Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và phù hợp với với Điều 22 Hiến pháp 2013.
Về thủ tục đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng
Xác định độ tuồi
Điều 13 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP quy định người có thẩm quyền lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng xác định tuổi của đối tượng bị áp dụng biện pháp căn cứ theo giấy khai sinh của đối tượng. Trường hợp không có giấy khai sinh hoặc không thể xác định chính xác ngày, tháng, năm sinh trong giấy khai sinh, thì căn cứ vào chứng minh nhân dân, hộ chiếu, sổ hộ khẩu hoặc các giấy tờ khác được cơ quan có thẩm quyền cấp có ghi rõ ngày, tháng, năm sinh.
Trường hợp không có các giấy tờ trên để xác định độ tuổi xử lý vi phạm hành chính thì căn cứ vào sổ hộ tịch hoặc các giấy tờ, sổ sách, tài liệu khác của cơ quan nhà nước có liên quan để xác định độ tuổi của đối tượng. Trường hợp thông tin ngày, tháng, năm sinh ghi trong giấy tờ trên không thống nhất, thì xác định theo ngày, tháng, năm sinh trong giấy tờ theo hướng có lợi nhất cho đối tượng. Bên cạnh đó, Nghị định số 81/2013/NĐ-CP cũng quy định rõ trường hợp các giấy tờ nêu trên không ghi rõ ngày, tháng, năm sinh, thì việc xác định ngày, tháng, năm sinh được tính theo khoản 2 Điều 13 của Nghị định. Đây là nội dung mới của Luật XLVPHC so với Pháp lệnh XLVPHC. Quy định này là cơ sở pháp lý để thực hiện, giải quyết vướng mắc trong thực tiễn khi xem xét độ tuổi để áp dụng biện pháp trong thời gian trước.
Việc lập hồ sơ đề nghị..
Đối với NCTN vi phạm có nơi cư trú ổn định: Chủ tịch UBND cấp xã nơi người đó cư trú lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng
Đối với NCTN vi phạm không có nơi cư trú ổn định: Chủ tịch UBND cấp xã nơi người đó có hành vi VPPL lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng.
Đối với NCTN vi phạm có cơ quan Công an cấp huyện hoặc Công an cấp tỉnh trực tiếp phát hiện, điều tra, thụ lý trong các vụ VPPL, nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự mà thuộc đối tượng đưa vào trường giáo dưỡng: cơ quan công an đang thụ lý vụ việc tiến hành xác minh, thu thập tài liệu và lập hồ sơ đề nghi áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng.
Khoản 3 Điều 99 Luật XLVPHC, Điều 17 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP quy định:
Sau khi hoàn thành việc lập hồ sơ, trong thời hạn 03 ngày làm việc, cơ quan đã lập hồ sơ phải thông bào bằng văn bản cho người bị đề nghị áp dụng, cha mẹ hoặc người đại diện của họ về việc lập hồ sơ. Những người này có quyền đọc hồ sơ và ghi chép các nội dung cần thiết trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo. Sau đó hồ sơ được chuyển cho Trường phòng Tư pháp cấp huyện để kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ.
Khoản 3 Điều 17 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP quy định văn bản kiểm tra tính pháp lý phải có chữ ký của người có thẩm quyền kiểm tra và được đóng dấu; đối với cấp xã phải có xác nhận của UBND cấp xã.
So với Pháp lệnh XLVPHC, quy định về lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp có sự thay đổi khá rõ nét, cụ thể, quy định rõ hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đối với từng loại đối tượng cụ thể; quy định sự tham gia của người đề nghị áp dụng, cha mẹ hoặc người đại diện của họ về việc lập hồ sơ; quy định trách nhiệm của Trường phòng Tư pháp cấp huyện về tính pháp lý của hồ sơ.
Về xem xét, quyết định việc chuyển hồ sơ đề nghị Tòa án nhân dân cấp huyện áp dụng biện pháp
So với Pháp lệnh XLVPHC, Luật XLVPHC không quy định thành lập Hội đồng tư vấn để xem xét và xét duyệt hồ sơ trước khi người có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng mà quy định hồ sơ đề nghị được lập xong, Trưởng Công an cấp huyện xem xét, quyết định chuyển hồ sơ đề nghị Tòa án áp dụng. Có sự thay đổi như vậy sở dĩ là do Luật XLVPHC quy định thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng do Tòa án nhân dân cấp huyện quyết định; cơ quan công an chỉ thực hiện việc lập hồ sơ đề nghị theo quy định và chuyển hồ sơ đến Tòa án cấp huyện.
Minh Nhất
Tham khảo thêm các bài viết:
- Con hư, có thể yêu cầu đưa vào trường giáo dưỡng không
- Nhiều trẻ em bị đưa vào trường giáo dưỡng …. oan
- Những quy định mới về chế độ áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng đối với người chưa thành niên của Luật Xử lý vi phạm hành chính
- Người chưa thành niên có bị xử phạt vi phạm hành chính
- Phân tích các quy định hiện hành về xử phạt vi phạm hành chính với người chưa thành niên
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.