Cho mình hỏi việc thu tiền tại các cơ quan thi hành án ngoài các Chấp hành viên thì các chuyên viên và cán bộ hoặc nhân viên hợp đồng có được phép thu các loại tiền như án phí, tiền phạt, thu bồi thường không?
Theo quy định thì Chấp hành viên thực hiện các công việc thu tiền quy định tại các Điều 79, 80, 81 Luật Thi hành án dân sự 2008 như sau: “Điều 79. Thu tiền từ hoạt động kinh doanh của người phải thi hành án 1. Trường hợp người phải thi hành án có thu nhập từ hoạt động kinh doanh thì Chấp hành viên ra quyết định thu tiền từ hoạt động kinh doanh của người đó để thi hành án. Khi thu tiền, Chấp hành viên phải để lại số tiền tối thiểu cho hoạt động kinh doanh và sinh hoạt của người phải thi hành án và gia đình. 2. Chấp hành viên cấp biên lai thu tiền cho người phải thi hành án. Điều 80. Thu tiền của người phải thi hành án đang giữ: Trường hợp phát hiện người phải thi hành án đang giữ tiền mà có căn cứ xác định khoản tiền đó là của người phải thi hành án thì Chấp hành viên ra quyết định thu tiền để thi hành án. Chấp hành viên lập biên bản thu tiền và cấp biên lai cho người phải thi hành án. Trường hợp người phải thi hành án không ký vào biên bản thì phải có chữ ký của người làm chứng. Điều 81. Thu tiền của người phải thi hành án đang do người thứ ba giữ: Trường hợp phát hiện người thứ ba đang giữ tiền của người phải thi hành án thì Chấp hành viên ra quyết định thu khoản tiền đó để thi hành án. Người thứ ba đang giữ tiền của người phải thi hành án có nghĩa vụ giao nộp tiền cho Chấp hành viên để thi hành án. Chấp hành viên lập biên bản thu tiền, cấp biên lai cho người thứ ba đang giữ tiền và thông báo cho người phải thi hành án. Trường hợp người thứ ba đang giữ tiền không ký vào biên bản thì phải có chữ ký của người làm chứng.” Ba điều luật này chỉ quy định khi CƯỠNG CHẾ THI HÀNH ĐỐI VỚI TÀI SẢN LÀ TIỀN. Vậy, xin hỏi khi thu tiền trong những trường hợp khác thì cán bộ không phải là Chấp hành viên có được thu tiền không?
Gửi bởi: Nguyen Thi Quyen
Trả lời có tính chất tham khảo
1. Trường hợp bạn hỏi, trước hết cần phân biệt ngữ nghĩa khác nhau của từ ngữ “thu tiền” trong công tác thi hành án dân sự tại các văn bản, điều luật hiện hành.
– Trong công tác thi hành án dân sự, hoạt động thu tiền diễn ra ở nhiều giai đoạn, theo từng trường hợp cụ thể, như: Thu tiền tạm ứng án phí, thu tiền thi hành án (án phí, tiền phạt, thu bồi thường v.v.), thu tiền bán đấu giá tài sản, thu tiền tạm ứng chi phí cưỡng chế thi hành án, thu phí thi hành án.v.v. Với ý nghĩa chung này, thì “thu tiền” là từ ngữ dùng để chỉ các hoạt động có phát sinh việc nộp và thu tiền trong hoạt động thi hành án dân sự.
– Về trình tự, thủ tục thu tiền thi hành án phải thực hiện theo đúng quy định về chế độ kế toán nghiệp vụ thi hành án tại Thông tư số 91/2010/TT-BTC ngày 17/6/2010 của Bộ Tài chính, với phương pháp, trách nhiệm ghi, các mẫu biểu nghiệp vụ cụ thể, như: Phiếu thu, Biên lai thu tiền.
Ví dụ: Biên lai thu tiền là giấy biên nhận của cơ quan thi hành án dân sự đã thu tiền, ngoại tệ, vàng, bạc, đá quý… hoặc thu qua tài khoản của người nộp tiền làm căn cứ để lập phiếu thu, nộp tiền vào quỹ, hoặc trên tài khoản, đồng thời để người nộp tiền thanh toán với cơ quan hoặc lưu quỹ về nghĩa vụ đã thực hiện. Biên lai thu tiền dùng để thu các khoản tiền như thu chi phí cưỡng chế của người phải thi hành án, thu tiền chi phí tống đạt giấy báo, chi phí thoả thuận thi hành án, chi phí xác minh, kê biên tài sản, các khoản thu khác.
Phương pháp lập và trách nhiệm ghi: Biên lai thu tiền phải đóng thành quyển, phải ghi rõ tên đơn vị, địa chỉ của cơ quan thu tiền và đóng dấu cơ quan chi hành án dân sự, phải đánh số từng quyển. Trong mỗi quyển phải đánh số liên tục theo số Biên lai.
Ghi rõ Họ tên, địa chỉ của người nộp tiền: Dòng “Nội dung thu” ghi rõ nội dung thu tiền, và theo Quyết định, số ngày, tháng, năm hoặc yêu cầu thu của … số, ngày, tháng, năm. Dòng “số tiền thu” ghi bằng số và bằng chữ số tiền nộp, ghi rõ đơn vị tính là “đồng VN” hoặc USD… Nếu thu qua tài khoản phải ghi rõ số, ngày, tháng, năm của giấy báo có.
Biên lai thu tiền được lập thành 4 liên (đặt giấy than viết một lần).
Sau khi thu tiền, người thu tiền và người nộp tiền cùng ký và ghi rõ họ tên vào từng liên để xác nhận số tiền đã thu, đã nộp. Ký xong người thu tiền lưu 1 liên tại cuốn, liên 2 giao cho Kế toán, liên 3 lưu hồ sơ thi hành án, liên 4 giao cho người nộp tiền.
Cuối ngày, người được cơ quan giao nhiệm vụ thu tiền phải căn cứ vào liên lưu để lập Bảng kê Biên lai thu tiền trong ngày (nếu thu qua tài khoản phải lập Bảng kê riêng) và nộp cho Kế toán để Kế toán lập phiếu thu làm thủ tục nhập quỹ hoặc làm thủ tục hạch toán tăng tài khoản tiền gửi.
Biên lai thu tiền áp dụng trong các trường hợp thu tiền của người phải thi hành án hoặc của những người có liên quan đến việc thi hành án).
– Về thẩm quyền thu tiền: Do đặc thù của hoạt động kế toán nghiệp vụ thi hành án nên hoạt động thu tiền do nhiều người thực hiện, như: Người của cơ quan thi hành án dân sự (Chấp hành viên, cán bộ, thủ quỹ…) được giao trực tiếp thu tiền từ cá nhân, tổ chức ngoài cơ quan thi hành án dân sự nộp tiền; người trực tiếp thu của những người đã thu tiền từ cá nhân, tổ chức ngoài cơ quan thi hành án dân sự nộp vào quỹ cơ quan thi hành án (thủ quỹ) v.v. Việc phân công nhiệm vụ cho người nào trực tiếp thu tiền do Thủ trưởng cơ quan thi hành án quyết định (ví dụ thu tiền tạm ứng án phí…) hoặc người giúp Chấp hành viên tổ chức việc thi hành án (Thư ký thi hành án, cán bộ khác).
Việc thu tiền phải lập biên lai, phiếu thu theo quy định đối với từng trường hợp cụ thể và biên lai, phiếu thu đó phải có dấu của cơ quan thi hành án, phải được quản lý, sử dụng chặt chẽ; người làm mất hoặc sử dụng phiếu thu biên lai thu tiền thi hành án và chứng từ kế toán khác liên quan đến việc thu tiền thi hành án trái phát luật thì bị xử lý hành chính, kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
– Thực tế ở một số địa phương, cơ quan thi hành án đã ký hợp đồng với lao động với một số người để làm cán bộ, kế toán hợp đồng và giao nhiệm vụ thu tiền thi hành án; Chấp hành viên giao cho Thư ký thi hành án, Chuyên viên pháp lý trực tiếp thu tiền thi hành án. Những người được giao nhiệm vụ này đã thực hiện tốt nhiệm vụ, thu tiền và kịp thời nộp đúng, đầy đủ số tiền đã thu theo quy định.
2. Về ba trường hợp thu tiền quy định tại các Điều 79, 80, 81 Luật Thi hành án dân sự 2008:
Đây là ba điều luật quy định chi tiết việc thực hiện CƯỠNG CHẾ THI HÀNH ĐỐI VỚI TÀI SẢN LÀ TIỀN. Về nguyên tắc, chỉ có Chấp hành viên mới có quyền áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự, do đó điều luật quy định cách thức thực hiện biện pháp cưỡng chế này.
Cũng như các biện pháp cưỡng chế khác, Chấp hành viên có trách nhiệm thu tiền thi hành án theo quy định của Luật Thi hành án dân sự. Tuy nhiên, trong công tác thi hành án dân sự còn có nhiều người khác hỗ trợ, giúp Chấp hành viên thực hiện nhiệm vụ, trong đó có việc thu tiền thi hành án theo quy định tại các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thi hành án dân sự (Thông tư 91 nêu trên, văn bản quy định về nhiệm vụ của Thẩm tra viên, Thư ký thi hành án dân sự.v.v). Vì vậy, trong quá trình thực hiện biện pháp cưỡng chế nêu trên cũng như các biện pháp cưỡng chế khác, Chấp hành viên có thể giao cho cán bộ thi hành án thu tiền thi hành án trong phạm vi vụ việc mà mình được giao trực tiếp thi hành. Chấp hành viên phải kiểm tra việc thu tiền và chịu trách nhiệm về việc giao cho cán bộ thi hành án thu tiền thi hành án.
3. Tóm lại, đối với người nộp tiền thi hành án, khi nộp tiền cho cơ quan thi hành án dân sự thì cần lưu ý lấy biên lai có đóng dấu của cơ quan thi hành án mà không phụ thuộc vào việc nộp tiền trực tiếp cho Chấp hành viên hay cán bộ thi hành án. Đối với cơ quan thi hành án, việc quản lý biên lai, phiếu thu tiền thi hành án và phân công người trực tiếp thu tiền phải bảo đảm phân công hợp lý, phù hợp với người có chuyên môn, trình độ và điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của cơ quan để quản lý chặt chẽ việc thu, chi các khoản tiền trong thi hành án và phải chịu trách nhiệm về việc phân công, quản lý đó.
Các văn bản liên quan:
Thông tư 91/2010/TT-BTC Hướng dẫn kế toán nghiệp vụ thi hành án dân sự
Luật 26/2008/QH12 Thi hành án dân sự
Trả lời bởi: Lê Anh Tuấn – Tổng cục Thi hành án dân sự
Tham khảo thêm:
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.