Luật Doanh nghiệp năm 2005 sau khi được áp dụng vào cuộc sống đã góp phần to lớn vào việc thiết lập môi trường kinh doanh bình đẳng, công bằng.
Luật Doanh nghiệp sửa đổi năm 2014 – Hành lang pháp lý quan trọng tạo môi trường kinh doanh thông thoáng
Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực, Luật này đã bộc lộ nhiều bất cập cần được sửa đổi, bổ sung để đáp ứng kịp thời với sự biến đổi của nền kinh tế, sự chuyển đổi của các cơ chế quản lý nhà nước và nhu cầu phát triển nhanh, mạnh của cộng đồng doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Những bất cập cụ thể như:
1. Luật Doanh nghiệp năm 2005 cần được sửa đổi để đáp ứng kịp thời sự phát triển của nền kinh tế
Thứ nhất,về thủ tục đăng ký kinh doanh: Theo quy định tại Điều 24 Luật Doanh nghiệp năm 2005, thì doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh khi có hồ sơ hợp lệ. Tuy nhiên, cho đến nay chưa văn bản nào hướng dẫn một cách cụ thể hoặc đưa ra khái niệm như thế nào là “hồ sơ hợp lệ”? Chính điều này đã làm cho các phòng đăng ký kinh doanh, cơ quan đăng ký kinh doanh và doanh nghiệp, cùng các bên có liên quan thiếu thống nhất thế nào là “hồ sơ hợp lệ” và “hồ sơ hợp lệ” gồm những loại giấy tờ gì? Hậu quả của việc thiếu cụ thể hóa này là, người thành lập doanh nghiệp có thể bị cơ quan chức năng gây khó khăn bằng yêu cầu bổ sung, sửa đổi hồ sơ nhiều lần hoặc nhiều nội dung theo yêu cầu của cơ quan đăng ký kinh doanh. Chính vì vậy, đối với không ít doanh nghiệp thì đây không phải là thủ tục “đăng ký” mà là “xin” cho được để thành lập doanh nghiệp[1].
Thứ hai, việc Luật Doanh nghiệp năm 2005 yêu cầu các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh phải ghi thêm nhiều nghành nghề trong giấy phép đăng ký kinh doanh đã làm cho các doanh nghiệp lỡ cơ hội kinh doanh. Ngoài ra, Luật Doanh nghiệp năm 2005 quy định, trong điều lệ của công ty phải ghi vào rõ ngành nghề kinh doanh trong giấy phép. Vì vậy, mỗi khi doanh nghiệp muốn thay đổi ngành nghề kinh doanh đó phải có ý kiến của đại hội cổ đông. Trong khi để tổ chức đại hội cổ đông đối với doanh nghiệp có hàng nghìn cổ đông sẽ rất khó khăn và không phải lúc nào doanh nghiệp cũng tổ chức được.
Thứ ba, quy định giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài lần đầu đầu tư vào Việt Nam và tổ chức, cá nhân Việt Nam thành lập doanh nghiệp gắn với dự án đầu tư đã gây ra nhiều khó khăn trong quá trình triển khai và ghi nhận những cách thức triển khai khác nhau ở mỗi tỉnh, thành phố.
Thứ tư, các quy định về giải thể và dừng hoạt động của doanh nghiệp trong Luật Doanh nghiệp năm 2005 chưa rõ ràng, thiếu hiệu quả và còn phức tạp đã khiến cho doanh nghiệp ngập ngừng hoặc cố tình lảng tránh thực hiện việc đăng ký giải thể doanh nghiệp của mình, còn các cơ quan quản lý nhà nước rơi vào tình trạng khó quản lý và giám sát doanh nghiệp. Ví dụ như quy định doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và bị xóa tên trong sổ đăng ký kinh doanh khi không hoạt động tại trụ sở đăng ký trong thời hạn 06 tháng liên tục, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc chứng nhận thay đổi trụ sở chính (điểm d khoản 2 Điều 165) hay quy định sau thời hạn 6 tháng mà cơ quan đăng ký kinh doanh không nhận được hồ sơ giải thể doanh nghiệp thì doanh nghiệp đó coi như đã được giải thể và cơ quan đăng ký kinh doanh xóa tên doanh nghiệp trong sổ đăng ký kinh doanh (khoản 6 Điều 158). Đó là những quy định không hợp lý và có nhiều tác động tiêu cực đến việc giải quyết giải thể doanh nghiệp. Chính vì những quy định này mà một số doanh nghiệp đã lợi dụng để được giải thể “tự động” mà không mất thời gian, chi phí cho việc làm thủ tục giải thể.
Đồng thời, Luật Doanh nghiệp năm 2005 còn thiếu những biện pháp chế tài, các quy định ràng buộc trách nhiệm của người quản lý doanh nghiệp trong thực hiện việc giải thể doanh nghiệp theo đúng trình tự, thủ tục.
Ngoài ra, một số quy định của luật không còn phù hợp với thực tế hiện nay như yêu cầu trong hồ sơ đăng ký kinh doanh phải có xác nhận về vốn pháp định, chứng chỉ hành nghề của giám đốc hoặc tổng giám đốc và cá nhân khác (Điều 16, 17, 18 và 19).
2. Luật Doanh nghiệp sửa đổi năm 2014 – Cuộc đột phá mới về thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh của môi trường kinh doanh
Với 10 chương, 213 điều, Luật Doanh nghiệp sửa đổi năm 2014 (sau đây gọi là Luật) gồm những đổi mới cơ bản[2] sau:
Một là, thay đổi mang tính đột phá của Luật là thể chế hóa đầy đủ quyền tự do kinh doanh theo Hiến pháp năm 2013, theo đó doanh nghiệp được tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm (Điều 7). Thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp được coi là thủ tục khai sinh ra doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là “giấy khai sinh” của doanh nghiệp mới. Do đó, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không bao gồm thông tin về ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp, mà chỉ bao gồm thông tin cơ bản về doanh nghiệp như mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính và thông tin về người đại diện theo pháp luật. Tại thời điểm thành lập doanh nghiệp, thông tin về ngành, nghề kinh doanh dự kiến của doanh nghiệp do doanh nghiệp tự khai và lưu trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp. Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp chủ động tiến hành hoạt động kinh doanh mới ngay khi có đủ điều kiện kinh doanh và sau đó thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh để lưu vào hồ sơ đăng ký doanh nghiệp. Thay đổi này sẽ giảm đáng kể rủi ro thương mại và pháp lý cho doanh nghiệp; tăng tính chủ động, sáng tạo cho doanh nghiệp trong kinh doanh, qua đó, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tận dụng hết tiềm năng và cơ hội kinh doanh để phát triển.
Hai là, nhằm tạo thuận lợi tối đa cho quá trình gia nhập thị trường, Luật đã có nhiều cải cách quan trọng trong việc giảm chi phí và thời gian thực hiện thủ tục hành chính có liên quan, cụ thể:
(i) Bãi bỏ yêu cầu về điều kiện kinh doanh tại thời điểm thành lập doanh nghiệp, bãi bỏ yêu cầu về chứng chỉ hành nghề, xác nhận vốn pháp định trong hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp;
(ii) Rút ngắn thời hạn giải quyết thủ tục đăng ký doanh nghiệp và đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp xuống tối đa không quá 03 ngày;
(iii) Hài hòa hóa, kết hợp đồng thời các thủ tục đăng ký doanh nghiệp, công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp, đăng ký lao động và đăng ký bảo hiểm;
(iv) Thay đổi phương thức quản lý và bãi bỏ thủ tục về đăng ký mẫu dấu của doanh nghiệp.
Đề cập đến vấn đề ảnh hưởng lớn đến toàn bộ doanh nghiệp trong nền kinh tế là con dấu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh[3] cho biết: Hầu hết các nước trên thế giới bỏ con dấu, họ chỉ sử dụng chữ ký. Nhưng ở Việt Nam và một số ít nước còn sử dụng con dấu, thậm chí người ta coi con dấu có giá trị hơn chữ ký. Đó là điều cần thay đổi. Thủ tục cấp con dấu cũng mất nhiều thời gian và chi phí cùng nhiều phiền toái cho doanh nghiệp. Chúng ta mong muốn sửa đổi theo hướng bỏ con dấu, tuy nhiên trong điều kiện thực tế Việt Nam, chưa thể ngay lập tức bỏ con dấu doanh nghiệp.
Cho nên, Luật Doanh nghiệp sửa đổi lần này cho phép doanh nghiệp được tự quyết định nội dung, hình thức và số lượng con dấu trên cơ sở đảm bảo con dấu có hai nội dung tối thiểu là tên doanh nghiệp và mã số doanh nghiệp. Doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng và lưu giữ con dấu. Doanh nghiệp chỉ phải thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để công khai mẫu con dấu trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Doanh nghiệp tự quyết định sử dụng hoặc không sử dụng con dấu trong các giao dịch dân sự với nhau. Trong quan hệ hành chính với cơ quan nhà nước, con dấu sử dụng trong trường hợp pháp luật có yêu cầu. Đồng thời, thúc đẩy sử dụng chữ ký là giá trị pháp lý, nhất là chữ ký điện tử, từng bước tiến tới loại bỏ con dấu.
Khi doanh nghiệp làm hợp đồng với đối tác, doanh nghiệp phải tìm hiểu về tư cách pháp nhân của đối tác, xem con dấu của họ đã được đăng ký chưa? Trách nhiệm của doanh nghiệp là phải kiểm tra những vấn đề này.
Cải cách liên quan đến con dấu của doanh nghiệp không chỉ giúp nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh ở nước ta, mà còn phù hợp với xu hướng giao dịch thương mại và thực hiện thủ tục hành chính qua mạng thông tin điện tử.
Ba là, giảm chi phí, tạo cơ chế vận hành linh hoạt, hiệu quả cho tổ chức quản trị doanh nghiệp, cơ cấu lại doanh nghiệp, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, cổ đông, thành viên công ty:
(i) Bổ sung quy định nhằm nâng cao hiệu lực giám sát nội bộ và giám sát thị trường đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước như quy định chặt chẽ hơn về tiêu chuẩn, điều kiện của người đại diện phần vốn nhà nước và người quản lý trong doanh nghiệp nhà nước; bổ sung quy định về yêu cầu công khai hóa thông tin đối với doanh nghiệp có sở hữu vốn nhà nước theo thông lệ quốc tế tốt về quản lý nhà nước và khắc phục những bất cập hiện nay, theo đó doanh nghiệp nhà nước sẽ phải công khai hóa thông tin một cách định kỳ và bất thường với mức độ công khai hóa thông tin tương tự như công ty cổ phần niêm yết; sửa đổi khái niệm doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn nhà nước để tạo sự thuận lợi cho quá trình cổ phần hóa của doanh nghiệp nhà nước và tăng hiệu quả kinh tế sau cổ phần hóa.
(ii) Xác định rõ khái niệm về tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhằm khắc phục cách hiểu không thống nhất, gây nhầm lẫn về địa vị, tư cách pháp lý của công ty mẹ của tập đoàn với cả nhóm công ty hiện nay. Luật Doanh nghiệp xác định rõ tập đoàn kinh tế, tổng công ty không phải là một loại hình doanh nghiệp, không có tư cách pháp nhân, không phải đăng ký thành lập.
(iii) Cho phép các công ty linh hoạt hơn trong việc lựa chọn mô hình tổ chức quản trị, linh hoạt hơn trong việc quy định nguyên tắc quản trị cụ thể phù hợp với thực tế của công ty (như: Cho phép công ty cổ phần tự do lựa chọn hình thức tổ chức quản lý theo mô hình “đơn hội đồng” hoặc “đa hội đồng”; cho phép điều lệ công ty quy định cụ thể trình tự, thủ tục triệu tập họp để ra quyết định trong công ty; giảm tỷ lệ biểu quyết thông qua quyết định đại hội đồng cổ đông để phù hợp với thực tiễn, thông lệ quốc tế và tạo ra sự nhanh nhạy trong kinh doanh; bổ sung quy định tạo thuận lợi cho cổ đông theo dõi, giám sát và khởi kiện người quản lý khi cần thiết nhằm tăng cường mức độ bảo vệ nhà đầu tư…).
(iv) Quy định rõ hơn và hợp lý hơn trình tự, thủ tục giải thể doanh nghiệp, thống nhất một đầu mối và tăng cường phối hợp giữa các cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan có liên quan trong thủ tục giải thể doanh nghiệp.
(v) Khuyến khích công ty trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào quản trị doanh nghiệp và thiết lập nguyên tắc quản trị phù hợp với tình hình thực tiễn từng doanh nghiệp.
Ngoài ra, Luật đã quy định phương thức quản lý nhà nước mới, hiện đại phù hợp với sự phát triển ngày càng mở rộng của nền kinh tế. Các nguyên tắc về quản lý nhà nước đối với hoạt động của doanh nghiệp được cụ thể hóa trong Luật Doanh nghiệp theo nguyên tắc Nhà nước có trách nhiệm giám sát doanh nghiệp để thực hiện chức năng quản lý nhà nước, nhưng Nhà nước không phải là cơ quan duy nhất chịu trách nhiệm giám sát hoạt động doanh nghiệp mà các bên có liên quan như cổ đông, bạn hàng, khách hàng,… cũng phải tích cực, chủ động tham gia vào giám sát doanh nghiệp vì lợi ích của chính mình. Cụ thể hóa nguyên tắc này, Luật đã quy định như sau:
(i) Bổ sung quy định nhằm tăng cường sự phối hợp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước nhằm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đầy đủ, cập nhật và công khai về hoạt động của doanh nghiệp sau khi đăng ký kinh doanh, gọi là cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
(ii) Nhà nước tạo thuận lợi để các bên có liên quan tham gia giám sát doanh nghiệp thông qua việc cung cấp một cách dễ dàng, nhanh chóng, kịp thời và thuận tiện các thông tin về hoạt động của doanh nghiệp cho các bên có liên quan khi được yêu cầu.
(iii) Sửa đổi các quy định nhằm nâng cao mức độ minh bạch hóa và công khai hóa về quản trị và hoạt động của doanh nghiệp; tạo thuận lợi cho các cổ đông, thành viên công ty tham gia giám sát trong nội bộ doanh nghiệp.
Qua tìm hiểu và phân tích những đổi mới của Luật Doanh nghiệp sửa đổi năm 2014 có thể thấy rằng, việc sửa đổi lần này làm cho doanh nghiệp trở thành một công cụ kinh doanh rẻ hơn, an toàn hơn và hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư; qua đó tăng cường thu hút và huy động các nguồn lực và vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh[4]. Hy vọng rằng, khi đi vào cuộc sống Luật sẽ tạo ra những đột phá mới, góp phần cải cách thể chế kinh tế, tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng, nâng cao năng lực cạnh tranh của môi trường đầu tư, kinh doanh, nhằm phát huy nội lực trong nước và thu hút đầu tư nước ngoài.
Huyền Trang
[1]http://duthaoonline.quochoi.vn/DuThao/Lists/TT_TINLAPPHAP/View_Detail.aspx?ItemID=1504.
[2] Theo Tài liệu họp báo công bố Luật Doanh nghiệp sửa đổi của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngày 12/12/2014.
[3] Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh trả lời về Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) trong chương trình “Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời” ngày 30/11/2014 của Đài Truyền hình Việt Nam.
[4]Http://baotintuc.vn/thoi-su/sua-doi-luat-doanh-nghiep-phu-hop-thuc-te-va-thong-le-quoc-te-20140609155413894.htm
Bài liên quan:
- Luật Doanh nghiệp năm 2014 và vấn đề bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước với các loại hình doanh nghiệp khác
- Một số giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2015 – 2030
- THỰC TRẠNG THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP Ở VIỆT NAM HIỆN NAY – MỘT SỐ BẤT CẬP VÀ KIẾN NGHỊ
- Hợp đồng trong kinh doanh vô hiệu
- Hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp: Nhiệm vụ quan trọng của Ngành Tư pháp Việt Nam
- Thực trạng bán hàng đa cấp ở TP. Hồ Chí Minh
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.
Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN