Một vài ý kiến về nghĩa vụ thực hiện trợ giúp pháp lý của Luật sư
Sự ra đời của Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Luật sư và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo cơ sở pháp lý trong việc quy định trách nhiệm, vai trò của đội ngũ Luật sư trong công tác trợ giúp pháp lý (TGPL) miễn phí cho các đối tượng theo quy định của pháp luật. Với ý nghĩa đó, trong những năm qua, thông qua hoạt động nghề nghiệp của mình, các Luật sư đã tích cực tham gia vào hoạt động trợ giúp pháp lý và bước đầu đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận (tỷ lệ vụ việc trợ giúp pháp lý bằng hình thức tham gia tố tụng của luật sư chiếm hơn 40%/tổng số vụ việc), kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đối tượng là người nghèo, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng yếu thế khác trong xã hội.
Nghĩa vụ thực hiện TGPL của Luật sư
Theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 và Luật Luật sư năm 2006 đã được sửa, đổi bổ sung năm 2012 ( gọi tắt là Luật Luật sư năm 2006) thì thực hiện TGPL là chức năng và trách nhiệm của Luật sư đối với xã hội; đội ngũ Luật sư phải có nghĩa vụ thực hiện TGPL miễn phí cho các đối tượng được TGPL theo quy định của pháp luật (Điểm d, Khoản 2, Điều 21 Luật Luật sư năm 2006) và“Khi thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí, luật sư phải tận tâm với người được trợ giúp như đối với khách hàng trong những vụ, việc có thù lao”[1].
Bên cạnh đó, Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 theo tinh thần của Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/06/2005 của Bộ Chính trị, một lần nữa đã nhấn mạnh và đề cao vai trò, trách nhiệm của đội ngũ Luật sư như là một điều kiện quan trọng cho việc bảo đảm tốt nhất quyền tiếp cận công lý và TGPL của người dân. Do đó, để thực hiện tốt chức năng, vai trò và trách nhiệm của mình đối với xã hội, đặc biệt là đối với nhóm đối tượng yếu thế cần được giúp đỡ về mặt pháp luật thì bắt buộc mỗi Luật sư phải tuân thủ quy tắc đạo đức nghề nghiệp, xem việc thực hiện TGPL là lương tâm và trách nhiệm của chính cá nhân mình.
Thực trạng hoạt động TGPL của Luật sư
Mặt dù trong thực tiễn thời gian qua, đội ngũ Luật sư đã có nhiều đóng góp tích cực trong hoạt động TGPL, đảm bảo quyền và lợi ích phạm pháp của nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội. Tuy nhiên, so với yêu cầu TGPL và các quy định nêu trên thì đội ngũ Luật sư vẫn chưa thể hiện hết vai trò, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình với xã hội.
Về số lượng Luật sư tham gia TGPL: Hiện nay, đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý còn non trẻ, kinh nghiệm tham gia tố tụng còn nhiều hạn chế, số lượng chưa đáp ứng với yêu cầu TGPL của các đối tượng; trong khi đó, Luật sư lại là đội ngũ khá đông (gần 9.000 Luật sư, nhưng đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý chỉ có 483 người), lại có bề dày kinh nghiệm trong hoạt động tố tụng, được nhà nước khuyết khích tham gia TGPL và có nghĩa vụ phải thực hiện TGPL, song thực tế chỉ có 1.055 Luật sư đăng ký tham gia TGPL[2] (chiếm 11,7%). Đây là một con số còn quá khiêm tốn so với yêu cầu TGPL và nghĩa vụ TGPL của đội ngũ Luật sư.
Về thái độ và chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý của Luật sư: Theo thống kê của Bộ Tư pháp2 thì số vụ việc TGPL của đội ngũ Luật sư có chiều hướng giảm dần (giảm 2,2%), số lượng vụ việc rất khiêm tốn, hiệu quả các vụ việc tham gia TGPL chưa cao, nhiều Luật sư đăng ký tham gia TGPL nhưng chưa thực hiện vụ việc hoặc không có báo cáo; một số vụ việc TGPL chưa theo đúng trình tự, thủ tục quy định. Một số Luật sư tham gia TGPL còn mang tính hình thức, thiếu nhiệt tình (tham gia cho đúng hình thức tố tụng).
Thực trạng nêu trên xuất phát từ những nguyên nhân sau:
Thứ nhất, nghĩa vụ TGPL của Luật sư đã được ghi nhận trong Luật Luật sư, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm này của Luật sư, chưa có biện pháp bảo đảm và giám sát thi hành điều luật này.
Thứ hai, Luật TGPL năm 2006 và các văn bản hướng dẫn thi hành, mà mới đây nhất là Chiến lược phát triển TGPL ở Việt Nam đã đưa ra nhiều quy định, giải pháp nhằm khuyến khích các nguồn lực xã hội (các tổ chức hành nghề luật sư, tư vấn pháp luật; các Hội đoàn thể,…) tham gia TGPL. Tuy nhiên, hiện nay chưa có cơ chế quản lý, huy động, khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức hành nghề luật sư, công ty luật, đội ngũ Luật sư tham gia TGPL tình nguyện.
Thứ ba, mức bồi dưỡng cho một vụ án chỉ định hay một vụ việc trợ giúp pháp lý cho một Luật sư hiện nay còn rất hạn chế, có thể nói là quá thấp so với một vụ án mà họ thụ lý theo đơn đặt hàng. Bên cạnh đó, để lấy được số tiền bồi dưỡng nêu trên, các Luật sư phai làm rất nhiều thủ tục, giấy tờ và mất rất nhiều thời gian. Đây là nguyên nhân chính làm ảnh hưởng tâm lý và động lực thực hiện TGPL của các Luật sư.
Thứ tư, hiện nay, các cơ quan tiến hành tố tụng chưa thật sự quan tâm và tạo điều kiện cho Luật sư trong qua trình tham gia tố tụng bào chữa, bảo vệ cho đối tượng được TGPL. Một số nơi, các cơ quan tiến hành tố tụng gây khó khăn trong thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền bào chữa, bảo vệ cho Luật sư. Điều này cũng phần nào ảnh hưởng tâm lý của các Luật sư khi tham gia tố tụng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đối tượng được TGPL.
Thứ năm, phần lớn các Công ty Luật, Văn phòng Luật sư, Trung tâm Tư vấn pháp luật và Luật sư điều phân bổ ở các trung tâm thành phố lớn (Hà Nội, HCM, Đà Nẵng,…); trong khi đó, nhu cầu TGPL của người dân lại nằm ở các vùng nông thôn, vùng núi, vùng xa, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn.
Biện pháp khắc phục
Để khắc phục những hạn chế, nguyên nhân nêu trên, trong thời gian tới cần tập trung đẩy mạnh một số giải pháp sau:
– Đẩy mạnh công tác truyền thông, thông tin về pháp luật TGPL sâu, rộng đến các cơ quan, tổ chức và người dân, đặc biệt phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm của đội ngũ Luật sư đối với hoạt động TGPL.
– Xây dựng và ban hành quy định cụ thể về trách nhiệm của Luật sư trong hoạt động TGPL, trong đó quy định rõ biện pháp đảm bảo thực hiện và cơ chế giám sát hoạt động TGPL của Luật sư. Đồng thời ban hành chính sách cụ thể (miễn, giảm thuế thu đối với Luật sư và tổ chức tham gia TGPL, nâng mức kinh phí hợp lý bồi dưỡng cho Luật sư tham gia các vụ án chỉ định và vụ việc TGPL,…) nhằm thu hút, khuyến khích Luật sư tham gia TGPL.
– Thực hiện cải cách thủ tục hành chính hiệu quả trong việc cấp giấy chứng nhận bào chữa đối với Luật sư khi tham TGPL bằng hình thức tố tụng và ban hành cơ sở pháp lý khẳng định vị trí, vai trò cụ thể của Luật sư trong hoạt động tố tụng.
– Đẩy mạnh triển khai thực hiện hiệu quả Đề án phát triển đội ngũ Luật sư ở Việt Nam, chú trong kiện toàn (đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng) đội ngũ Luật sư tại các tỉnh có nhiều huyện nghèo, vùng nông thôn, vùng kinh tế – xã hội khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm đảm bảo kịp thời quyền được TGPL của các đối tượng khi lực lượng Trợ giúp viên pháp lý (Luật sư của Nhà nước) còn mỏng, thiếu kinh nghiệm trong hoạt động tranh tụng./.
Phạm Thanh Quang
[1]Theo Khoản 1, Điều 31 Luật Luật sư năm 2006.
[2]Theo số liệu Báo cáo sơ kết 02 năm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển TGPL ở Việt Nam của Bộ Tư pháp
Tham khảo thêm các bài viết:
- Trợ giúp pháp lý – Những vấn đề đặt ra
- Đẩy mạnh công tác trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Ninh Bình
- Một số điểm mới trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý
- Xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý
- Ban hành Quy chế mẫu: Kiện toàn cơ cấu tổ chức của Trung tâm trợ giúp pháp lý
- Văn phòng Trợ giúp pháp lý cho phụ nữ (Cục TGPL – Bộ Tư pháp): Điểm tựa pháp lý của phụ nữ khó khăn
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.
Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN