Xây dựng một tình huống về hợp đồng dân sự vô hiệu do vi phạm về hình thức – Giải quyết tình huống đó trên cơ sở so sánh quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 và Bộ luật Dân sự năm 2015

Xây dựng một tình huống về hợp đồng dân sự vô hiệu do vi phạm về hình thức – Giải quyết tình huống đó trên cơ sở so sánh quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 và Bộ luật Dân sự năm 2015

I. CƠ SỞ LÝ LUẬN

1. Các quy định về hình thức của hợp đồng và hợp đồng dân sự vô hiệu về hình thức theo Bộ luật Dân sự năm 2005

Theo quy định tại Điều 388 Bộ luật Dân sự 2005 về Hợp đồng dân sự, khái niệm hợp đồng dân sự được trình bày như sau: “Hợp đồng dân sự là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.”. Hợp đồng dân sự là một dạng của Giao dịch dân sự. Như vậy, để tuân thủ điều kiện có hiệu lực thì hợp đồng dân sự cũng phải có đủ các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự, các điều kiện này được quy định tại Điều 122 của Bộ luật như sau:

1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự;

b) Mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội;

c) Người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện.

2.Hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch trong trường hợp pháp luật có quy định.

Như vậy, nhìn vào quy định trên có thể thấy, trong trường hợp pháp luật có quy định thì hình thức của giao dịch dân sự cũng là một trong những điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự nói chung hay hợp đồng dân sự nói chung. Quy định về hình thức giao dịch dân sự, được quy định tại Điều 124: “1. Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.

Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu được coi là giao dịch bằng văn bản.

2.Trong trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản, phải có công chứng hoặc chứng thực, phải đăng ký hoặc xin phép thì phải tuân theo các quy định đó.

Hay cụ thể hơn, hình thức của hợp đồng dân sự được nhà làm luật quy định cụ thể tại Điều 401 của Bộ luật như sau: “1. Hợp đồng dân sự có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể, khi pháp luật không quy định loại hợp đồng đó phải được giao kết bằng một hình thức nhất định.

2.Trong trường hợp pháp luật có quy định hợp đồng phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực, phải đăng ký hoặc xin phép thì phải tuân theo các quy định đó.

Hợp đồng không bị vô hiệu trong trường hợp có vi phạm về hình thức, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Theo như quy định trên, giao dịch dân sự nói chung hay hợp đồng dân sự có thể được giao kết thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng một hành vi cụ thể, việc thể hiện dưới hình thức nào do các bên tham gia hợp đồng dân sự thỏa thuận với nhau, trừ trường hợp pháp luật có quy định, thì việc thể hiện ý chí, thỏa thuận của các bên bắt buộc phải được ghi nhận sước hình thức đó, nếu trái quy định thì hiệu lực của hợp đồng sẽ không được pháp luật thừa nhân cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên tham gia. Bên cạnh việc quy định hợp đồng thể hiện dưới hình thức nào, thì nhầ làm luật còn quy định về việc trong một số hợp đồng, thì bên cạnh hình thức (thường là văn bản) thì hợp đồng đó phải được công chứng, chứng thực hoặc đăng ký và xin phép thì bắt buộc các bên giao kết hợp đồng phải thực hiện theo, nếu không tuân thủ thì hợp đồng đó sẽ bị vô hiệu

Bộ luật Dân sự 2005 quy định về hợp đồng vô hiệu như sau: “1. Các quy định về giao dịch dân sự vô hiệu từ Điều 127 đến Điều 138 của Bộ luật này cũng được áp dụng đối với hợp đồng vô hiệu.” Trong đó, Điều 127 có quy định: “Giao dịch dân sự không có một trong các điều kiện được quy định tại Điều 122 của Bộ luật này thì vô hiệu.” Như đã phân tích ở trên về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự, thì hình thức cũng là một điều kiện để giao dịch dân sự hay hợp đồng dân sự có hiệu lực nếu có quy định của pháp luật về hình thức, như vậy nếu không đáp ứng được điều kiện đó, thì hợp đồng dân sự sẽ vô hiệu và phải chịu những hậu quả pháp lý đối với hợp đồng dân sự vô hiệu. Hậu quả pháp lý đã được quy định cụ thể tại Điều 137 Bộ luật Dân sự 2005: “1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập.

2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường.

Khi một giao dịch dân sự hay hợp đồng dân sự vô hiệu, căn cứ vào quy định ở trên, thì coi như không làm phát sinh, thay đổi hay chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên tại thời điểm xác lập. Điều này có nghĩa là, khi hợp đồng dân sự vô hiệu thì các bên quy trở về như thời điểm ban đầu khi chưa có hợp đồng dân sự, quyền và nghĩa vụ dân sự của các bên không phát sinh, thay đổi hay chấm dứt như đã thỏa thuận trong hợp đồng dân sự. Cũng do vậy, mà khi hợp đồng dân sự bị tuyên vô hiệu, thì các bên quay lại trạng thái ban đầu , trả lại cho nhau những gì đã nhận, đã thực hiện theo thỏa thuận mà các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng. Nếu vì lý do gì mà không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả thay thế bằng một khoản tiền hợp lý, tương xứng với vật phải hoàn trả. Với những hoa lợi, lợi tức phát sinh khi đã thực hiện hợp đồng đó, thì sẽ bị tịch thu, vì hợp đồng này, thực tế khi thực hiện không có hiệu lực pháp luật, không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ, do đó những hoa lợi, lợi tức được sinh ra sẽ bị tịch thu. Nếu việc thực hiện hợp đồng bị vô hiệu đó, mà người thực hiện hợp đồng gây thiệt hại thì phải bồ thường cho phía bên kia.

2. So sánh giữa các quy định về hình thức của hợp đồng và hợp đồng vô hiệu về hình thức của Bộ luật Dân sự 2005 và Bộ luật Dân sự 2015

Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hình thức của giao dịch dân sự tại Điều 119 như sau: “1. Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.

Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.

2. Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó.

Bộ luật Dân sự 2015 đã bỏ quy định về hình thức của hợp đồng dân sự so với Bộ luật Dân sự năm 2005. Về cơ bản, đây là một sửa đổi hợp lý, bởi hợp đồng dân sự là một kiểu của giao dịch dân sự, do đó, chỉ cần áp dụng quy định của giao dịch dân sự, thì việc thực hiện, giao kết các hợp đồng vẫn diễn ra bình thường. Xem xét quy định trên, cũng thấy được điểm khác biệt của Bộ luật Dân sự 2015. Mặc dù về cơ bản, bộ luật mới đã kế thừa và phát huy những quy định cũ hợp lý là quy định về hình thức vào gốm lời nói, văn bản hoặc hành vi cụ thể, bên cạnh đó, Bộ luật mới đã bổ sung quy định về hình thức giao kết bằng văn bản. Đó là sự thừa nhận của pháp luật về hình thức giao dịch thông qua thư điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.

Về hiệu lực của hợp đồng dân sự, trước hết là của giao dịch dân sự, Điều 117 BLDS 2015 quy định: “1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

2.Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.” Về cơ bản quy định này vẫn giống quy định của Bộ luật Dân sự hiện hành, hình thức cũng là một điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự nếu được pháp luật quy định. Như vậy, với hợp đồng dân sự thì hình thức cũng được thực hiện như đối với giao dịch dân sự, và việc vô hiệu hợp đồng có thể xảy ra nếu các bên vi phạm quy định về hình thức do pháp luật quy định.

Một điểm đáng nói của Bộ luật dân sự 2015 là bên cạnh các trường hợp giao dich dân sự vô hiệu mà Bộ luật hiện hành đang quy định, Bộ luật mới đã có riêng một điều khoản quy định về việc vô hiệu của giao dịch hay hợp đồng do thực hiện không đúng, không tuân thủ các quy định của pháp luật về hình thức. Trường hợp hợp giao dịch dân sự hay đồng dân sự vô hiệu về hình thức được quy định tại Điều 129 BLDS 2015:

Giao dịch dân sự vi phạm quy định điều kiện có hiệu lực về hình thức thì vô hiệu, trừ trường hợp sau đây:

1.Giao dịch dân sự đã được xác lập theo quy định phải bằng văn bản nhưng văn bản không đúng quy định của luật mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó.

2.Giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực.

Theo như quy định trên đây, việc giao kết thực hiện sai quy định về hình thức không còn bị vô hiệu hoàn toàn so với quy định tại Bộ luật hiện hành nữa. BLDS năm 2015 vẫn ghi nhận hình thức là một điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự theo tinh thần của BLDS năm 2005. Tuy nhiên, khi các bên giao dịch đã đáp ứng những điều kiện nhất định do luật dự liệu (một bên hoặc các bên đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ trong giao dịch) thì giao dịch dù có vi phạm về hình thức vẫn được Tòa án công nhận hiệu lực pháp lý, làm cơ sở để phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên.

    Quy định này là một sự thay đổi linh hoạt về tiêu chí đánh giá hiệu lực pháp lý giao dịch dân sự so với BLDS năm 2005. BLDS năm 2015 đã giải thoát điều kiện tuân thủ về hình thức trong mọi trường hợp của BLDS năm 2005 để bảo vệ đến cùng quyền và lợi ích hợp pháp người tham gia giao dịch có ý chí tự nguyện thực hiện toàn bộ nghĩa vụ trong giao dịch. Đây là một giải pháp nhằm hạn chế cơ hội việc một bên không tự nguyện tham gia giao dịch hay kí kết hợp đồng dân sự, lại viện dẫn lý do vi phạm về hình thức của giao dịch để hủy toàn bộ giao dịch khi giá trị của đối tượng hợp đồng biến động có lợi hơn cho bên không thiện chí tham gia.

II. XÂY DỰNG TÌNH HUỐNG VÀ GIẢI QUYẾT TÌNH HUỐNG TRÊN CƠ SỞ SO SÁNH QUY ĐỊNH GIỮA BLDS NĂM 2005 VÀ BLDS NĂM 2015

1. Tình huống

Bà A có một mảnh đất 200 m2 và ngồi nhà một tầng trên đất đó sinh sống với một người con nuôi là C ( bà A nhận nuôi C đến năm 18 tuổi giúp bố mẹ C). Tháng 10/2014, bà A dự định sang Mỹ định cư với D – con gái bà A lấy chồng bên Mỹ , khi đó C 16 tuổi. Trước khi đi, bà A trao đổi với B là cháu họ của mình rằng, nếu B đồng nuôi C đến khi 18 tuổi như lời hứa của bà với bố mẹ C, thì bà sẽ cho B mảnh đất và ngôi nhà của mình như đã kể trên, và B đồng ý. Ngày 22/10/2014, Bà A và B viết giấy tặng cho tài sản trong đó ghi rõ bà A tặng cho B mảnh đất đó với điều kiện B phải nuôi dưỡng, chăm sóc cho C đến khi C đủ 18 tuổi, hai bên ký và điểm chỉ vào giấy tờ đó. Bà A giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho anh B giữ. Xong xuôi, bà sang Mỹ sinh sống với con gái. B chuyển về sống trong ngôi nhà và cũng nuôi dưỡng chăm sóc C nhưng không đi chuyển quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất sang tên mình. Tháng 1/2015, B đã sửa sang cho ngôi nhà khang trang hơn. Đến tháng 1 năm 2016, do con gái ly hôn, bà cùng con gái mình trở về Việt Nam. Con gái bà A tìm hiểu, thì được biết hợp đồng tặng cho nhà ở phải công chứng, chứng thực, mà trước đây bà A chỉ ký tên điểm chỉ vào hợp đồng cho đất, do đó đã xúi bà A đi đòi lại đất và nhà đã cho B. Bà A đến gặp B và đòi lại mảnh đất và nhà ở đã cho B và nói sẽ trả lại B khoản tiền nuôi dưỡng C và sửa sang ngôi nhà. Anh B không đồng ý, lúc này anh B mới lên Ủy ban nhân dân huyện để làm thủ tục sang tên, thì cán bộ không sang tên cho B với lý do hợp đồng tặng cho của anh với bà A bị vô hiệu do chưa đi công chứng, chứng thực. Tháng 3 năm 2016, Bà A yêu cầu Tòa án tuyên hợp đồng giữa bà và anh B nêu trên vô hiệu.

2. Giải quyết tình huống trên cơ sở so sánh quy định giữa quy định của BLDS 2005 và BLDS 2015

Trước hết, với tình huống trên, ta cần xem xét đến điều kiện có hiệu lực của hợp đồng. Theo quy định tại Điều 467 Bộ luật dân sự 2005 như sau:

1. Tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu theo quy định của pháp luật bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu.

2.Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký; nếu bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản.

Căn cứ vào quy định trên, có quy định về hình thức của hợp đồng tặng cho bất động sản là phải công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký. Đối với bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu thì phải đăng kí quyền sở hữu thì hợp đồng mới có hiệu lực pháp luật kể từ đó. Xét tình huống này, hợp đồng được giao kết là tặng cho bất động sản có điều kiện, bất động sản ở đây là quyền sử dụng đất và nhà ở trên đó. Theo quy định tại Điều 122 Luật Nhà ở 2014 có quy định như sau:

1. Trường hợp mua bán, tặng cho, đổi, góp vốn, thế chấp nhà ở, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại thì phải thực hiện công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

Đối với các giao dịch quy định tại khoản này thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm công chứng, chứng thực hợp đồng.

2.Đối với trường hợp tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương; mua bán, cho thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; mua bán, cho thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ tái định cư; góp vốn bằng nhà ở mà có một bên là tổ chức; cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở thì không bắt buộc phải công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp các bên có nhu cầu.

Đối với các giao dịch quy định tại khoản này thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là do các bên thỏa thuận; trường hợp các bên không có thỏa thuận thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm ký kết hợp đồng.

3.Văn bản thừa kế nhà ở được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về dân sự.

4.Việc công chứng hợp đồng về nhà ở được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng; việc chứng thực hợp đồng về nhà ở được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có nhà ở.

Mà theo quy định về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự cũng là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng tại Khoản 2 Điều 122 BLDS 2005: “2. Hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch trong trường hợp pháp luật có quy định.

Như vậy, căn cứ vào các quy định ở trên, xét với tình huống này, khi giao kết hợp đồng tặng cho bên cạnh việc lập thành văn bản, các bên phải công chứng, chứng thực hợp đồng đó, và đối với loại tài sản được giao kết trong hợp đồng, thì theo pháp luật hiện hành tài sản đó phải được đăng ký quyền sở hữu thì hiệu lực của hợp đồng mới phát sinh, quyền và nghĩa vụ của các bên khi xảy ra tranh chấp tới hợp đồng sẽ được pháp luật bảo vệ.

Theo quy định tại Điều 127 BLDS 2005: “Giao dịch dân sự không có một trong các điều kiện được quy định tại Điều 122 của Bộ luật này thì vô hiệu.” Như vậy, trong tình huống này, hợp đồng tặng cho của bà A và B không đáp ứng được yêu cầu có hiệu lực của Hợp đồng tặng cho Bất động sản mà pháp luật yêu cầu, do đó, theo quy định thì hợp đồng này vô hiệu do vi phạm hình thức của hợp đồng.

Do bà A yêu cầu, cho nên giải quyết hợp đồng vô hiệu được thực hiện theo quy định của pháp luật về giao dịch dân sự vô hiệu như sau:

Trước hết về thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu vẫn còn, theo quy định tại khoản Điều 136 BLDS 2005: “1. Thời hiệu yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu được quy định tại các điều từ Điều 130 đến Điều 134 của Bộ luật này là hai năm, kể từ ngày giao dịch dân sự được xác lập…

Căn cứ vào quy định trên, xét theo tình huống thì việc bà A yêu cầu là đúng. Như đã xác định ở trên, thì hợp đồng dân sự giữa bà A và B bị vô hiệu do vi phạm điều kiện có hiệu lực về hình thức, vì vậy, Tòa án phải tuyên hợp đồng này vô hiệu. Hậu quả pháp lý của nó khi vô hiệu là các quyền và nghĩa vụ phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt theo thỏa thuận từ hợp đồng sẽ không bị phát sinh từ thời điểm xác lập hợp đồng, theo quy định tại Điều 137 BLDS 2005:

1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập.

2.Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường.

Căn cứ vào quy đinh trên, xét trong tình huống, thì mọi thỏa thuận của bà A và anh B như trong hợp đồng tặng cho sẽ không phát sinh hiệu lực. các bên khôi phục tình trạng ban đầu, và hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, tức là anh B phải trả lại nhà cho bà B và không phát sinh nghĩa vụ nuôi C như đã thỏa thuận. Tuy nhiên, do anh B đã thực hiện theo thỏa thuận là nuôi C và đã sửa sang ngôi nhà, nên bà A có trách nhiệm trả số tiền nuôi dưỡng C trong suốt thời gian B nuôi dưỡng, chăm sóc và số tiền mà B đã bỏ ra để tu sửa lại ngôi nhà đó.

Tuy nhiên, nếu nhìn nhận như trên, thì việc pháp luật hiện hành quy định như trên nhìn chung là B sẽ là người chịu thiệt thòi, vì B luôn thực hiện đúng nghĩa vụ của mình trong hợp đồng đã thỏa thuận với bà A. Do vậy, để khắc phục những tình trạng như tình huống trên, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định cụ thể về trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm hình thức quy định tại Điều 129 như sau:

“ Giao dịch dân sự vi phạm quy định điều kiện có hiệu lực về hình thức thì vô hiệu, trừ trường hợp sau đây:

1.Giao dịch dân sự đã được xác lập theo quy định phải bằng văn bản nhưng văn bản không đúng quy định của luật mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó.

2.Giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực.

Trước hết, hợp đồng của bà A và B xác lập là hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện, tài sản ở đây là bất động sản, theo quy định tại Điều 459 của Bộ luật dân sự 2015 về hợp đồng này như sau:

1. Tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của luật.

2.Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký; nếu bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản.” Do đó, hợp đồng dân sự được xác lập trong tình huống phải lập thành văn bản và công chứng chứng thực. Nhưng khi xác lập hợp đồng, các bên đã không thực hiện việc công chứng chứng thực, do đó, đã vi phạm quy định về hình thức của hợp đồng. Dựa vào việc không công chứng, chứng thực Bà A đã yêu cầu Tòa án tuyên hợp đồng trên vô hiệu.Thời hiệu của để yêu cầu tuyên giao dịch vô hiệu trong trường hợp này theo BLDS 2015 cũng là 2 năm theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 132 Bộ luật này như sau: “1. Thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu quy định tại các Điều 125, 126, 127, 128 và 129 của Bộ luật này là 02 năm, kể từ ngày:

….

đ) Giao dịch dân sự được xác lập trong trường hợp giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức.” Như vậy, thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên giao dịch dân sự vô hiệu vẫn còn, nên việc bà B yêu cầu là đúng.

Nhưng căn cứ vào quy định trên, nếu dùng quy định tại Điều 129 BLDS 2015 để giải quyết tình huống, thì hợp đồng dân sự giữa bà A và B sẽ không bị Tòa án tuyên vô hiệu, vì những lý do sau đây: Thứ nhất, trong hợp đồng hai người đã giao kết đã được lập thành văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về hình thức là phải công chứng, chứng thực hợp đồng đó. Tuy nhiên, các bên không biết đến việc này, nên vẫn thực hiện các nghĩa vụ phát sinh theo như hợp đồng đã thỏa thuận. Thứ hai, B vẫn nuôi dưỡng, chăm sóc C từ khi bà A đi, nếu nhìn theo số tuổi của C thì từ khi giao kết hợp đồng, B phải nuôi C từ khi xác lập hợp đồng là 16 tuổi đến khi C đủ 18 tuổi, đến thời điểm bà A về, thì B đã thực hiện việc nuôi dưỡng C trong hơn 1 năm. Do đó, có thể thể thấy B đã thực hiện ít nhất hai phần ba phần nghĩa vụ của mình so với thỏa thuận với bà A.

Từ hai cơ sở nêu trên, thì trường hợp này hợp đồng dân sự giữa bà A và B sẽ không bị tuyên vô hiệu. Các quyền và nghĩa vụ vẫn phát sinh, bà A không thể đòi lại đất và nhà của mình đã cho B vì lí do hợp đồng chưa thực hiện hết yêu cầu về hình thức do chưa công chứng, chứng thực. Tòa án vẫn công nhận hiệu lực của hợp đồng tặng cho này, và theo quy định ở trên thì hợp đồng này sẽ không phải công chứng, chứng thực. Do đó, B có thể dùng hợp đồng này để lên các cơ quan có thẩm quyền để đăng ký chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất sang tên mình để chính thức xác lập quyền sở hữu đối với bất động sản.

Cách giải quyết tình huống theo quy định của Bộ luật dân sự 2005, nhà làm luật quy định, mọi giao dịch dân sự hay hợp đồng dân sự không đáp ứng đủ yêu cầu về hình thức của giao dịch hay hợp đồng đối với các trường hợp mà pháp luật quy định, trong trường hợp này là hợp đồng tặng cho bất động sản, thì hợp đồng đó vô hiệu về hình thức, nhà làm luật không quan tâm đến việc hợp đồng đó đã đang được thực hiện chưa, và một số trường hợp thì việc vô hiệu hợp đồng sẽ dẫn tới thiệt thòi cho một bên khi vẫn thực hiện đúng như hợp đồng. Cách giải quyết của Bộ luật dân sự 2015 đã giải quyết được vấn đề trên của Bộ luật dân sự 2005, trong trường hợp này thì hợp đồng đã thực hiện thiếu điều kiện có hiệu lực về hình thức đó là không đi công chứng, chứng thực, nhưng B vẫn đang thực hiện theo nghĩa vụ của mình như trong hợp đồng đã thỏa thuận. Do đó, Bộ luật mới vẫn công nhận hiệu lực của hợp đồng dù không được công chứng, chứng thực như quy định của pháp luật về loại hợp đồng này.

Như vậy, nhìn vào hai cách giải quyết một tình huống theo Bộ luật dân sự 2005 và Bộ luật dân sự 2015, có thể thấy, ở Bộ luật 2015, việc giải quyết giao dịch dân sự hay hợp đồng dân vô hiệu do vi phạm hình thức đã có hướng cởi mở hơn, không còn khuôn mẫu chung đối với tất cả các trường hợp. Giao dịch dân sự trong đời sống dân sinh luôn được thực hiện dưới rất nhiều trường hợp riêng biệt, việc điều chỉnh lại quy phạm trên là một ví dụ để giúp cho việc áp dụng pháp luật phù hợp với thực tiễn, đảm bảo quyền và nghĩa vụ cho các bên tham gia hợp đồng một cách tự nguyện và tuân thủ đúng giao kết đã thỏa thuận trong hợp đồng. 

Tham khảo thêm:


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191