Chỉ có thể áp dụng tình tiết “tái phạm” đối với Bùi Văn T khi xét xử tội mới

(Kiemsat.vn) – Chỉ có thể áp dụng tình tiết “tái phạm” đối với Bùi Văn T khi xét xử tội mới, mà không áp dụng tình tiết “tái phạm nguy hiểm”.

Sau khi nghiên cứu nội dung bài viết. “Tái phạm hay tái phạm nguy hiểm” của tác giả Bùi Thị Thảo ở VKSND tỉnh Thái Bình đăng trên trang Kiemsat.vn ngày 08/8/2016, tôi có ý kiến trao đổi như sau:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 49 Bộ luật Hình sự: “Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội do cố ý hoặc phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do vô ý.”

Như vậy, việc xem xét người phạm tội có tái phạm hay không phải đảm bảo các dấu hiệu sau:

Dấu hiệu thứ nhất, trước khi thực hiện hành vi phạm tội, người phạm tội đó đã bị kết án và bản án đã kết án đối với người phạm tội chưa được xóa án tích.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 49 Bộ luật Hình sự thì trước khi phạm tội mới người phạm tội đã bị kết án trước đó bất kể tội nào, không phụ thuộc vào loại tội, dấu hiệu lỗi, đó có thể là tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng; lỗi của người phạm tội có thể là cố ý, có thể là vô ý.

Việc xem xét một người bị kết án đã được xóa án tích hay chưa cần dựa vào quy định về xóa án tích do Bộ luật Hình sự quy định tại các điều từ Điều 63 đến Điều 67 Bộ luật Hình sự và mục 11 Nghị quyết số 01/2000/NQ-HĐTP ngày 04/8/2010 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định trong phần chung của Bộ luật Hình sự năm 1999. Theo đó, việc xác định một người đã bị Tòa án xử phạt có được xóa án tích hay chưa phải xem xét họ đã chấp hành xong nội dung bản án liên quan đến họ hay chưa, bao gồm: Hình phạt chính, hình phạt bổ sung và các quyết định khác của bản án (như án phí, bồi thường thiệt hại…) chứ không chỉ dựa vào hình phạt chính đã tuyên đối với họ.

Dấu hiệu thứ hai, người phạm tội lại phạm tội mới do cố ý hoặc phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do vô ý.

Dấu hiệu này đòi hỏi tội phạm sau mà người phạm tội thực hiện phải là tội phạm do cố ý (không phân biệt tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng, tội đặt biệt nghiêm trọng) hoặc tội do vô ý nhưng chỉ đối với tội rất nghiêm trọng, tội đặt biệt nghiêm trọng. Nếu tội sau mà người phạm tội thực hiện thuộc tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng do vô ý thì người phạm tội không bị xác định là tái phạm.

Ngoài ra, người phạm tội chỉ bị xem là tái phạm khi hành vi phạm tội sau của họ đáp ứng các dấu hiệu cấu thành tội phạm độc lập (có thể cùng loại với tội đã bị kết án trước đó hoặc khác loại với tội đã bị kết án trước đó). Nếu hành vi phạm tội sau không đủ yếu tố cấu thành tội phạm độc lập thì về nguyên tắc, hành vi đó của người phạm tội không phải là tội phạm nên tái phạm không đặt ra, trừ trường hợp chúng là tình tiết định tội trong các loại tội phạm có cấu thành theo cấu trúc “đã bị kết án chưa được xóa án tích về tội … mà lại phạm tội”.

Dấu hiệu thứ ba, tình tiết tái phạm vừa được quy định là tình tiết định tội, vừa là tình tiết định khung hình phạt, vừa là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Cho nên, khi áp dụng cần tuân thủ nguyên tắc được quy định tại khoản 2 Điều 48 Bộ luật Hình sự năm 1999. Đó là, những tình tiết đã là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Đối với trường hợp tái phạm nguy hiểm, tại khoản 2 Điều 49 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định:

a) Đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý;

b) Đã tái phạm, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội do cố ý.”

Đối với trường hợp được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 49 Bộ luật Hình sự 1999, thì việc xác định một người có “tái phạm nguy hiểm” phải đảm bảo các dấu hiệu sau:

– Trước khi thực hiện hành vi phạm tội, người phạm tội đó đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý. Tuy nhiên, tội phạm trước mà người phạm tội bị kết án chỉ giới hạn ở tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý.

– Người bị kết án và bản án đã kết án đối với họ chưa được xóa án tích.

– Người phạm tội lại phạm tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý. Tội này được thực hiện sau và được xét xử sau. Đồng thời, lần phạm tội này đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm độc lập do Bộ luật Hình sự quy định.

Đối với trường hợp được quy định tại điểm b khoản 2 Điều 49 BLHS, việc xác định một người có “tái phạm nguy hiểm” trong trường hợp này phải đảm bảo các dấu hiệu sau:

– Người phạm tội “đã tái phạm” nghĩa là, trước lần bị đưa xét xử này, người phạm tội đã 02 lần bị kết án về tội phạm độc lập do Bộ luật Hình sự quy định. Đồng thời, trong lần bị kết án thứ hai trước đó, người phạm tội đã bị áp dụng tình tiết tái phạm. Mặc dù khoản 1 Điều 49 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định về tình tiết tái phạm không nêu dấu hiệu phải được Tòa án xác định bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, để xác định một người phạm tội hay không, phải chịu hình phạt như như thế nào là thông qua việc đánh giá, xem xét toàn diện, đầy đủ, khách quan vụ án của Hội đồng xét xử. Và cũng chỉ có Hội đồng xét xử mới có quyền xác định các tình tiết có liên quan để đánh giá người phạm tội có bị áp dụng thêm tình tiết tái phạm hay tái phạm nguy hiểm hay không từ đó quyết định hình phạt phù hợp với tính chất mức độ của hành vi phạm tội. Do đó, theo tôi, để xác định dấu hiệu “tái phạm” phải căn cứ vào bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án.

– Người bị kết án và bản án đã kết án đối với họ chưa được xóa án tích.

– Người phạm tội phạm lại phạm tội do cố ý. Tội mới mà người phạm tội phạm phải là bất kỳ tội phạm cụ thể nào, có thể là tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng. Dấu hiệu này chỉ đòi hỏi tội đó là tội do cố ý, không bao hàm tội phạm do vô ý. Đồng thời, tội này do người phạm tội thực hiện sau và được xử sau và lần phạm tội mới này đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm độc lập do Bộ luật Hình sự quy định.

Việc áp dụng pháp luật trong trường hợp này cũng phải tuân thủ nguyên tắc được quy định tại khoản 2 Điều 48 Bộ luật Hình sự, đó là, những tình tiết “tái phạm nguy hiểm” đã là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Trở lại với nội dung vụ án mà tác giả Bùi Thị Thảo đã nêu, năm 1997, Bùi Văn T bị Tòa án nhân dân huyện Q phạt 5 tháng tù về tội “Môi giới mại dâm” thời hạn tù tính từ ngày 01/8/1996, năm 1999, Bùi Văn T lại bị Tòa án nhân dân tỉnh TB xử phạt 20 năm tù về tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” và “Mua bán trái phép chất may túy”. Tuy nhiên, tại bản án này T không bị áp dụng tình tiết “tái phạm” mặc dù T chưa được xóa án tích đối với bản án năm 1997. T chấp hành xong hình phạt tù năm 2015, đến ngày 22/01/2016 lại phạm tội mới do cố ý “Mua bán trái phép chất may túy”. Theo như nội dung vụ án thì bản án năm 1999 Tòa án đã không xác định T là “tái phạm” mặc dù có dấu hiệu của tình tiết này. Điều đó có nghĩa rằng chưa có bản án hay quyết định có hiệu lực nào của Tòa án xác định T là “tái phạm”. Vì vậy, khi xét xử tội mới không thể xác định Bùi Văn T thuộc trường hợp “đã tái phạm” theo quy định tại điểm b, khoản 2 Điều 49 BLHS năm 1999.

Năm 1999, T bị tuyên phạt 20 năm tù, chấp hành xong hình phạt năm 2015, đến ngày 22/01/2016 lại phạm tội mới. Như vậy, T chưa được xóa án tích theo định tại điểm d khoản 2 Điều 64 BLHS năm 1999 là không phạm tội mới kể từ ngày chấp hành xong bản án “Bảy năm trong trường hợp hình phạt là tù từ trên mười lăm năm”, đó là chưa kể việc T đã chấp hành xong các quyết định khác của bản án đó hay chưa, (bài viết không nêu vấn đề này). Tội phạm mới mà T thực hiện lần này là tội nghiêm trọng do cố ý (khoản 1 Điều 194 BLHS năm 1999). Do vậy, chỉ có thể xác định Bùi Văn T thuộc trường hợp “tái phạm” trong trường hợp này.

Trên đây là quan điểm về nội dung vụ án, mong nhận được sự trao đổi của bạn đọc/.

Lê Văn Thông

Tòa án quân sự Quân khu 4


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191