Theo nghĩa thông thường, chứng cứ được hiểu “là cái được dẫn ra để dựa vào đó mà xác định điều gì đó đúng hay sai, thật hay giả”. Cái được dẫn ra có thể là lời nói, việc làm, vật làm chứng, tài liệu và các cơ sở khác có thể nhìn được, quan sát được, đánh giá được.
Khái niệm chứng cứ trong vụ án hành chính
Dưới góc độ pháp lý có quan điểm cho rằng chứng cứ thông thường và chứng cứ tố tụng là tương đối đồng nhất. “Chứng cứ tố tụng là những sự kiện thông thường, là những hiện tượng như thế xuất hiện trong đời sống, những sự vật như thế, những con người như thế, những hành vi như thế của con người. Chỉ cần chúng được đưa vào phạm vi của trình tự tố tụng, trở thành biện pháp để xác định những tình tiết mà cơ quan xét xử quan tâm thì chúng là những chứng cứ tố tụng”. Hệ thống luật tố tụng nước ta (Bộ luật Tố tụng hình sự và Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính) đã xây dựng được định nghĩa pháp lý của khái niệm chứng cứ. Mặc dù hình thức diễn đạt khác nhau, đối tượng chứng minh có thể khác nhau nhưng những khái niệm này đều bao hàm một số điểm chung: chứng cứ có liên quan đến vụ án cụ thể, được các cơ quan tiến hành tố tụng dùng làm căn cứ để xác định những vấn đề phải chứng minh của vụ án hay những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án; chứng cứ được thu thập theo trình tự thủ tục do pháp luật tố tụng quy định.
Trong tố tụng hành chính mỗi sự kiện làm phát sinh thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các đương sự xảy ra trong quá khứ bao giờ cũng để lại dấu vết về vật chất, tinh thần trong thế giới khách quan. Khi ban hành quyết định hành chính,thực hiện hành vi hành chính, cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước phải tiến hành nhiều hành vi mang tính pháp lý như thu thập thông tin, đánh giá sự việc về mặt pháp lý, căn cứ trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Là sản phẩm của quá trình đó nên quyết định hành chính, hành vi hành chính luôn phản ánh khách quan, đầy đủ các bước tiến hành, phương pháp cũng như trình độ của cán bộ, công chức về hoạt động áp dụng pháp luật vào vụ việc cụ thể. Với cơ chế áp đặt ý chí đơn phương, thể hiện quyền lực nhà nước nên quyết định hành chính được ban hành, hành vi hành chính được thực hiện không tránh khỏi nguy cơ bị lạm quyền, không đúng thẩm quyền, sai lầm về sự việc hoặc sai lầm trong việc đánh giá sự việc về mặt pháp lý, sử dụng quyền hạn trái mục đích của cơ quan, người có thẩm quyền trong cơ quan quản lý hành chính nhà nước, dẫn đến quyền và lợi ích hợp pháp của các nhân, tổ chức, cơ quan, có thể bị xâmm phạm làm phát sinh tranh chấp hành chính,cơ sở của khiếu kiện vụ án hành chính trước tòa án, Khi có khiếu kiện hành chính trước Tòa án, về nguyên tắc các đương sự phải viện dẫn ra các điều kiện về tính hợp pháp của quyết định hành chính, hành vi hành chính. Cái mà đương sự có thể viện dẫn ra là lời nói,việc làm, vật làm chứng, tài liệu con người cụ thể liên quan đến quyết định hành chính bị khiếu kiện đã xatr ra trong quá khứ và chúng tồn tại một cách khách quan. Trên cơ sở các tài liệu chứng cứ đó Tòa án sẽ phải kiếm tra tính hợp pháp cả về hình thức và nội dung của quyết định hành chính, hành vi hành chính. Thông thường, Tòa án chấp thuận bất kỳ tài liệu, chứng cứ nào mà một bên đương sự mong muốn trình bày, bất chấp phản đối của các bên đương sự khác. Các sự kiện, tài liệu, đồ vật, con người của các bên đương sự đưa ra có thể khác nhau nhưng chúng đều nhằm mục đích chứng minh đối tượng tranh chấp trong vụ án (quyết định hành chính, hành vi hành chính..) do vậy, chúng có mối liên hệ giữa các sự kiện với nhau trong nội dung của vụ việc. Bằng việc đánh giá các chứng cứ xung đột của các bên đương sự, tòa án có thể chấp thuận phiên bản sự kiện của một trong các bên đương sự nếu phiên bản sự kiện đó chứng cứ được đưa ra có chất lượng và đủ sức thuyết phục Tòa án.
Điều 74 Luật Tố tụng hành chính năm 2011 đưa ra định nghĩa pháp lý của khái niệm chứng cứ như sau:
Chứng cứ trong vụ án hành chính là những gì có thật được đương sự, cá nhân, cơ quan, tổ chức khác giao nộp cho tòa án hoặc do tòa án thu thập được theo trình tự thủ tục do luật này quy định mà tòa án dùng làm căn cứ để xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp hay không cũng như những tình tiết khác cần thiết co việc giải quyết đúng đắn vụ án hành chính.
Từ định nghĩa chứng cứ trên chúng ta có thể rút ra các đặc điểm của chứng cứ nói chung và chứng cứ trong vụ án hành chính nói riêng.
Thứ nhất, tính khách quan của chứng cứ
Khách quan được hiểu là “Cái tồn tại bên ngoài, không phụ thuộc vào ý thức của con người”. Chứng cứ có tính khách quan bởi chứng cứ là những gì có thật diễn ra và tồn tại trong thực tế khách quan. Ví dụ một hành vi vi phạm hành chính hoặc việc thực hiện thủ tục xử phạt một hành vi vi phạm hành chính cụ thể của người có thẩm quyền xử phạt đã xảy ra trong thực tế. Sự thật đó là cơ sở để nhận thức về một quan hệ pháp luật hành chính đã diễn ra trong thực tế tồn tại trên thực tế. Như vậy những vấn đề phải chứng minh của vụ án hành chính và các vấn đề cần thiết khác cho giải quyết đúng đắn vụ án tồn tại khách quan, độc lập với ý thức của các chủ thể chứng minh trong vụ án hành chính. Điều đó đòi hỏi các chủ thể chứng minh trong đó có Luật sư và những người tiến hành tố tụng khi giải quyết vụ án phải xuất phát từ thực tế của vụ án để nhận thức chúng, phải tôn trọng sự thật khách quan, tránh phiến diện, định kiếnc, không trung thực. Thuộc tính này đòi hỏi chứng cứ được sử dụng để xác định sự thật của vụ án phải tồn tại trong thực tế khách quan, phản ánh vụ án hành hchính một cách trung thành như nó vốn có
Thứ hai, tính liên quan của chứng cứ
Chứng cứ được Tòa án dùng làm căn cứ để xác định có hay không quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm hại bởi đối tượng khởi kiện; tính hợp pháp của yêu cầu khởi kiện, của đối tượng khởi kiện. Trong quá trình giải quyết vụ án hành chính, các chủ thể chứng minh có thể thu thập được nhiều tài liệu khác nhau nhưng chỉ những tài liệu nào liên quan đến vụ án và làm sáng tỏ những vấn đề cần chứng minh của vụ án và các tình tiết khác của vụ án mới được Tòa án sử dụng làm chứng cứ. Khi xuất trình tài liệu, chứng cứ hay ghi chép sao chụp tài liệu, chứng cứ, Luật sư cần chú ý tính liên quan của các tài liệu giấy tờ và phải xem xét sử dụng chúng một cách toàn diện, trong mối liên hệ có liên quan đến vụ án bởi “tính liên quan của chứng cứ là khả năng xác định những tình tiết thuộc đối tượng chứng minh của vụ án”
Thứ ba,tính hợp pháp của chứng cứ
Chứng cứ phải được thu thập từ các nguồn chứng cứ phù hợp, đúng quy định của Luật Tố tụng hành chính. Nguồn chứng cứ trong tố tụng hành chính gồm các tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được; vật chứng; lời khai của đương sự, người làm chứng; kết luận giám định; biên bản thẩm định tại chỗ; kết quả định giá, thẩm định giá;các nguồn khác.
Đồng thời Luật Tố tụng hành chính đã quy định tám biện pháp thu thập chứng cứ. Đây là điều kiện đầu tiên để bảo đảm tính hợp pháp trên thực tế khi tiến hành các biện pháp thu thập chứng cứ của các chủ thể chứng minh trong đó có luật sư. Tính hợp pháp của chứng cứ thể hiện thuộc tính pháp lý của chứng cứ và phản ứng mặt chủ quan của chứng cứ. Có thể thấy, ba thuộc tính của chứng cứ nói trên là một thể thống nhất có mối quan hệ biện chứng,tác động qua lại lẫn nhau. Nếu thiếu một trong ba thuộc tính thì không được coi là chứng cứ.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.