Câu hỏi được gửi từ khách hàng: Bản quyền của Fanart anime, game
Cho em hỏi, nếu dùng một fanart của game Liên minh huyền thoại cho mục đích thương mại thì mình phải xin phép bản quyền từ nhà phát hành game tại Việt Nam hay từ người vẽ bức Fanart đó.
Luật sư Tư vấn Luật Sở hữu trí tuệ – Gọi 1900.0191
Dựa trên những thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi đưa ra trả lời như sau:
1./ Thời điểm pháp lý
Ngày 19 tháng 09 năm 2018
2./ Cơ sở Pháp Luật liên quan tới vấn đề Quyền tác giả với tác phẩm phái sinh
Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009)
3./ Luật sư tư vấn
Theo Khoản 8 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ thì tác phẩm phái sinh được hiểu là tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn. Vậy, có thể hiểu một fanart của game Liên minh huyền thoại là một tác phẩm phái sinh từ chương trình máy tính game Liên minh huyền thoại, và khi đó, nếu một người, một tổ chức muốn sử dụng fanart này vào mục đích thương mại thì sẽ phải tuân theo các quy định sau:
Căn cứ quy định tại điểm m Khoản 1 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ thì chương trình máy tính là một trong những tác phẩm được bảo hộ. Mà việc bảo hộ quyền tác giả (bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản) của tác phẩm được thể hiện cả ở việc tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện việc làm tác phẩm phái sinh, và tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng quyền làm tác phẩm phái sinh phải xin phép và trả tiền hoặc các quyền lợi cật chất khác cho chủ sở hữu.
Tuy nhiên, khi xét về việc sử dụng một tác phẩm phái sinh thì chính tác phẩm phái sinh đó là tác phẩm được bảo hộ, và theo đó các quy định về quyền tác giả, quyền liên quan cũng được áp dụng như với tác phẩm gốc nên khi một cá nhân, tổ chức sử dụng tác phẩm phái sinh cho mục đích thương mại thì cần phải xin phép và trả tiền/ lợi ích vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả- ở đây là người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm hoặc chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định của pháp luật.
Do đó, việc sử dụng một tác phẩm phái sinh là một bức tranh do người hâm mộ tự vẽ từ một chương trình máy tính game Liên minh huyền thoại sẽ phải có sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả (ở đây thường là ngưỡi vẽ tranh) và sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả của chính chương trình máy tính (thường là bên phát hành game).
Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 2 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ thì “tác phẩm phái sinh chỉ được bảo hộ theo quy định nếu không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh.” Do đó, việc xin phép đối với chủ sở hữu fanart được sử dụng sẽ chỉ bắt buộc khi việc vẽ fanart này đã được chủ sở hữu quyền tác giả của chương trình máy tính cho phép. Nói cách khác, trong trường hợp fanart không được bảo hộ theo quy định thì việc sử dụng khi không xin phép chủ sở hữu fanart (nhưng phải xin phép phía chủ sở hữu chương trình máy tính) không bị coi là xâm phạm tới quyền sở hữu trí tuệ của tác phẩm.
Như vậy, khi bạn sử dụng fanart của game liên minh huyền thoại vào mục đích thương mại thì bạn cần phải có sự đồng ý của chủ sở hữu của cả fanart lẫn tác phẩm làm phát sinh fanart này mới được coi là không vi phạm quyền tác giả của tác phẩm và không gặp rắc rối về sau.
Với những tư vấn về câu hỏi Bản quyền của Fanart anime, game, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp trên, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.