Câu hỏi của khách hàng: Đã tách hộ thì người tách hộ có quyền gì với trong hộ khẩu cũ không
Xin chào mọi người ạ. Mong mọi người giải đáp giúp em thắc mắc sau.
Giả sử người A là chủ hộ cho phép người B tách ra làm hộ khẩu ghép, sau đó người B kết hôn với người C và cho C vào hộ khẩu ghép của mình. Mọi người cho em hỏi là người B và người C có quyền gì trong hộ khẩu của người A hay không ạ?
Luật sư Tư vấn Luật cư trú – Gọi 1900.0191
Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.
1./ Thời điểm tư vấn: 26/11/2018
2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Quyền và nghĩa vụ của chủ hộ khi thành viên đã tách hộ khẩu
Luật cư trú năm 2006 (được sửa đổi, bổ sung năm 2013)
3./ Luật sư trả lời Đã tách hộ thì người tách hộ có quyền gì với trong hộ khẩu cũ không
Theo quy định của pháp luật thì sổ hộ khẩu sẽ được cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân đã đăng ký thường trú và có giá trị xác định nơi thường trú của công dân. Mỗi hộ gia đình cử một người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ làm chủ hộ để thực hiện và hướng dẫn các thành viên trong hộ thực hiện quy định về đăng ký, quản lý cư trú. Nói cách khác, quyền và nghĩa vụ của chủ hộ chỉ được phát sinh trên mối quan hệ giữa chủ hộ với thành viên trong hộ. Do vậy, khi một người đã tách hộ khẩu ra làm hộ khẩu ghép thì chủ hộ cũ cũng hết quyền cùng trách nhiệm đối với người đã tách hộ khẩu.
Căn cứ Điều 25 Luật cư trú:
“Điều 25. Sổ hộ khẩu cấp cho hộ gia đình
1.Sổ hộ khẩu được cấp cho từng hộ gia đình. Mỗi hộ gia đình cử một người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ làm chủ hộ để thực hiện và hướng dẫn các thành viên trong hộ thực hiện quy định về đăng ký, quản lý cư trú. Trường hợp không có người từ đủ mười tám tuổi trở lên hoặc có người từ đủ 18 tuổi trở lên nhưng bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự thì được cử một người trong hộ làm chủ hộ.
Những người ở chung một chỗ ở hợp pháp và có quan hệ gia đình là ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con và anh, chị, em ruột, cháu ruột thì có thể được cấp chung một sổ hộ khẩu.
2.Nhiều hộ gia đình ở chung một chỗ ở hợp pháp thì mỗi hộ gia đình được cấp một sổ hộ khẩu.
3.Người không thuộc trường hợp quy định tại đoạn 2 khoản 1 Điều này nếu có đủ điều kiện quy định tại Điều 19 và Điều 20 của Luật này và được chủ hộ đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu cấp cho hộ gia đình thì được nhập chung vào sổ hộ khẩu đó.”
Theo quy định trên thì người đứng tên chủ hộ chỉ có quyền cũng như trách nhiệm dưới tư cách chủ hộ trong phạm vi “thành viên trong hộ”. Mà khi B đã tách ra làm hộ khẩu ghép thì B sẽ được chủ thể có thẩm quyền cấp Sổ hộ khẩu cho cá nhân, B sẽ mặc nhiên được xác định là chủ hộ mới, và chấm dứt tư cách thành viên trong hộ gia đình cũ.
Do B sẽ bị chấm dứt tư cách thành viên trong hộ gia đình cũ nên mặc nhiên quyền và nghĩa vụ của chủ hộ cũ (tức là A) đối với B cũng chấm dứt.
Mà B được xác định là chủ hộ của sổ hộ khẩu mà B được cấp khi tiến hành tách hộ khẩu. Do vậy, việc B muốn cho một người khác nhập khẩu vào sổ hộ khẩu do mình làm chủ hộ thì A không có quyền gì đối với việc này cả. Ngược lại, B và C cũng không có quyền gì trong hộ khẩu của người A, không có quyền yêu cầu A phải cung cấp sổ hộ khẩu hay những công việc tương tự.
Như vậy, trong trường hợp của bạn, việc B đã tách hộ khẩu ra khỏi hộ khẩu của A là căn cứ để chấm dứt quyền và nghĩa vụ của chủ hộ của A đối với B. Khi B kết hôn với C thì hai người này không có quyền gì trong hộ khẩu mà A là chủ hộ cả.
Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.