Bà A thế chấp bất động sản X để vay vốn ngân hàng. Do vi phạm nghĩa vụ trả nợ nên ngân hàng đã khởi kiện, yêu cầu phát mãi tài sản bảo đảm. Theo bản án của Tòa tuyên trong trường hợp A không trả nợ đầy đủ cho ngân hàng thì được phát mãi tài sản bảo đảm để trả nợ. Bản án có hiệu lực pháp luật, ngân hàng yêu cầu thi hành án, cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án. Tuy nhiên, đến nay đã hơn 2 năm, cơ quan thi hành án vẫn chưa thực hiện cưỡng chế kê biên tài sản với lý do Bà A không hợp tác, không cho Chấp hành viên xác minh tài sản thực tế (cản trở không cho đo vẽ sơ đồ hiện trạng tài sản), có hành vi lăng mạ, xúc phạm Chấp hành viên. Cơ quan thi hành án đã trao đổi với Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp và Viện kiểm sát nhân dân chỉ đồng ý cho cưỡng chế, kê biên tài sản nếu tài sản được xác minh đo vẽ thực tế.
Vậy, trong trường hợp này, cơ quan thi hành án có thực hiện cưỡng chế, kê biên cùng thời điểm với việc đo vẽ được không? Nếu cơ quan thi hành án không tiến hiện cưỡng chế, kê biên tài sản do người phải thi hành án chống đối, cản trở không cho đo vẽ tài sản thì có vi phạm quy định pháp luật không? Việc Viện kiểm sát không đồng ý cho cơ quan thi hành án cưỡng chế, kê biên tài sản vì tài sản chưa được đo vẽ thực tế có đúng quy định pháp luật không? Để tiến hành cưỡng chế, kê biên tài sản thì theo quy định trong trường hợp này cần thực hiện như thế nào?
Gửi bởi: Thụy Uyên
Trả lời có tính chất tham khảo
Theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Luật Thi hành án dân sự 2008, được sửa đổi bổ sung năm 2014(sau đây gọi tắt là Luật thi hành án dân sự) thì người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành thì bị cưỡng chế thi hành án. Trước đây, Luật thi hành án dân sự năm 2008 quy định thời hạn tự nguyện thi hành án là 15 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án, còn theo quy định hiện nay thời hạn tự nguyện thi hành án là 10 ngày (khoản 1 Điều 45). Hết thời hạn tự nguyện thi hành án, người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành án thì bị cưỡng chế (khoản 1 Điều 46). Chấp hành viên là người được phân công tổ chức thi hành vụ việc phải kịp thời tổ chức thi hành vụ việc, thi hành đúng nội dung bản án, quyết định; áp dụng đúng các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục thi hành án, bảo đảm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; thực hiện xác minh tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp tài liệu để xác minh địa chỉ, tài sản của người phải thi hành án. Đối với tài sản là bất động sản thì trước khi kê biên tài sản là quyền sử dụng đất, Chấp hành viên yêu cầu cơ quan đăng ký cung cấp thông tin về tài sản theo Điều 89 của Luật Thi hành án dân sự.
Trường hợp người phải thi hành án chống đối việc thi hành án, Chấp hành viên có quyền yêu cầu cơ quan Công an tạm giữ người chống đối việc thi hành án theo quy định của pháp luật, lập biên bản về hành vi vi phạm pháp luật về thi hành án; xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người vi phạm theo quy định tại khoản 6, khoản 7 Điều 20 Luật Thi hành án dân sự.
Vụ việc này kéo dài đến nay đã hơn 2 năm nhưng Chấp hành viên vẫn chưa tổ chức cưỡng chế là quá chậm. Trường hợp này, Chấp hành viên cần căn cứ các quy định nêu trên để xác minh, cưỡng chế kê biên tài sản X của bà A để thi hành án cho ngân hàng.
Đồng thời, do đây là vụ việc người phải thi hành án thế chấp bất động sản X để vay vốn ngân hàng. Do vi phạm nghĩa vụ trả nợ nên ngân hàng đã khởi kiện, yêu cầu phát mãi tài sản bảo đảm. Theo bản án của Tòa tuyên trong trường hợp người phải thi hành án không trả nợ đầy đủ cho ngân hàng thì được phát mãi tài sản bảo đảm để trả nợ. Do đó, đây là vụ việc có điều kiện thi hành án, Chấp hành viên cần yêu cầu ngân hàng cung cấp toàn bộ hồ sơ thế chấp vay vốn ngân hàng, trong đó có sơ đồ hiện trạng tài sản hoặc tòa án xét xử bản án chuyển giao tài liệu này (nếu có). Trên cơ sở thông tin do cơ quan đăng ký quyền sử dụng đất cung cấp, hồ sơ thế chấp tài sản và bản án có hiệu lực thi hành của tòa án, Cơ quan thi hành án cần phối hợp với các ngành chức năng ở địa phương, trao đổi với Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp và báo cáo Ban chỉ đạo thi hành án dân sự (nếu vụ việc phức tạp) để thống nhất việc cưỡng chế thi hành án, thi hành dứt điểm bản án bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho ngân hàng.
Trả lời bởi: Nguyễn Thị Thu Hằng
Tham khảo thêm:
- Tiêu hủy tài sản mà bản án, quyết định tuyên tịch thu, sung quỹ nhà nước nhưng tài sản không còn khả năng sử dụng
- Lập chứng từ kế toán đối với trường hợp tài sản đã sung công quỹ nhà nước
- Quy định bán đấu giá và xử lý kết quả bán đấu giá tài sản thi hành án
- Một tài sản có được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ dân sự không?
- Thủ tục đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản cho người mua được tài sản thi hành án
- Quyền sở hữu nhà dùng vào việc thờ tự có bị kê biên để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án không?
- Thủ tục thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
- Kê biên phương tiện giao thông
- Xử lý tiền bán tài sản đã kê biên do người mua trúng đấu giá nộp
- Điều kiện để công chức được tham gia Lớp nghiệp vụ Chấp hành viên sơ cấp
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.
Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN