Bố, mẹ tôi là người được thi hành án được giao tài sản là nhà và đất tại quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ theo Bản án dân sự phúc thẩm của Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh xét xử năm 1977. Cục Thi hành án dân sự thành phố Cần Thơ đã ra quyết định thi hành án nhưng đến nay vẫn chưa thi hành án được cho bố, mẹ tôi. Cơ quan thi hành án cho biết việc giao tài sản gặp khó khăn do không xác định được diện tích nhà, đất nhưng thực tế tài sản đó vẫn còn nguyên vẹn (được xác định bời hàng rào). Hiện nay, bố, mẹ tôi đã chết, tôi tiếp tục yêu cầu thi hành án nhưng đến nay vẫn chưa được nhận tài sản. Vậy, tôi phải gửi đơn yêu cầu thi hành án đến cơ quan nào và cần phải làm các thủ tục gì?
Gửi bởi: Lý Bình Đẳng
Trả lời có tính chất tham khảo
Bố, mẹ bạn là người được giao tài sản nhà và đất theo quyết định của Bản án dân sự phúc thẩm của Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh xét xử năm 1977. Cục Thi hành án dân sự thành phố Cần Thơ đã ra quyết định thi hành án nhưng đến nay bố, mẹ bạn đã mất mà cơ quan thi hành án vẫn chưa thi hành án được do có vướng mắc không xác định được diện tích theo quyết định của bản án. Do vậy quyền thi thi hành án của bố, mẹ bạn sẽ được chuyển giao cho người khác theo quy định của pháp luật về thừa kế. Nếu bạn là người thừa kế bạn có quyền làm đơn yêu cầu thi hành án gửi đến Cục Thi hành án dân sự thành phố Cần Thơ để được thi hành án theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 54 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, được sửa đổi, bổ sung năm 2014 (sau đây gọi tắt là Luật Thi hành án dân sự). Theo quy định này thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án mới tương ứng với quyền thi hành án được chuyển giao và ra quyết định thu hồi quyết định thi hành án trước đây.
Để được thi hành án bạn cần xuất trình cho cơ quan thi hành án dân sự giấy tờ chứng minh bạn là người được thừa kế theo quy định của Bộ Luật dân sự năm 2005 về thừa kế. Đồng thời, theo quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều 31 Luật Thi hành án dân sự bạn có thể tự mình hoặc ủy quyền cho người khác yêu cầu thi hành án bằng hình thức trực tiếp nộp đơn hoặc trình bày bằng lời nói hoặc gửi đơn qua bưu điện đến cơ quan thi hành án. Đơn yêu cầu thi hành án phải có các nội dung sau đây:
1) Tên, địa chỉ của người yêu cầu;
2) Tên cơ quan thi hành án dân sự nơi yêu cầu;
3) Tên, địa chỉ của người được thi hành án; người phải thi hành án;
4) Nội dung yêu cầu thi hành án;
5) Thông tin về tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, nếu có;
6) Ngày, tháng, năm làm đơn;
7) Chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm đơn.
Trường hợp người yêu cầu trực tiếp trình bày bằng lời nói thì cơ quan thi hành án dân sự phải lập biên bản có các nội dung như trên, có chữ ký của người lập biên bản; biên bản này có giá trị như đơn yêu cầu thi hành án.
Về nội dung bạn trình bày, vụ việc này cơ quan thi hành án dân sự đã trả lời bố, mẹ bạn và bạn đây là vụ việc có vướng mắc do cơ quan thi hành án không xác định được diện tích nhà, đất phải giao theo quyết định của bản án nên chưa thi hành án được, bạn có quyền yêu cầu Tòa án đã ra bản án, cụ thể là Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh giải thích những điểm chưa rõ mà cơ quan thi hành án đã trả lời bạn nêu trên theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 7 Luật Thi hành án dân sự: Người được thi hành án có quyền yêu cầu Tòa án giải thích những điểm chưa rõ, …
Ngoài ra, bạn cũng có thể liên hệ trực tiếp với Chấp hành viên được giao tổ chức thi hành vụ việc để biết cơ quan thi hành án đã yêu cầu cơ quan đã ra bản án, quyết định giải thích bằng văn bản những điểm chưa rõ hoặc không phù hợp với thực tế trong bản án, quyết định đó để thi hành hoặc kiến nghị người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với
bản án, quyết định theo quy định của pháp luật, theo điểm d và đ khoản 1 Điều 23 Luật Thi hành án dân sự hay chưa và cơ quan thi hành án đã nhận được vănbản của tòa án chưa. Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều
170 Luật Thi hành án dân sự thì Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm giải quyết yêu cầu, kiến nghị của cơ quan thi hành án dân sự.
Các văn bản liên quan:
Luật 64/2014/QH13 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự
Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự
Luật 26/2008/QH12 Thi hành án dân sự
Trả lời bởi: Nguyễn Thị Thu Hằng
Tham khảo thêm:
- Tiêu hủy tài sản mà bản án, quyết định tuyên tịch thu, sung quỹ nhà nước nhưng tài sản không còn khả năng sử dụng
- Lập chứng từ kế toán đối với trường hợp tài sản đã sung công quỹ nhà nước
- Quy định bán đấu giá và xử lý kết quả bán đấu giá tài sản thi hành án
- Một tài sản có được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ dân sự không?
- Thủ tục đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản cho người mua được tài sản thi hành án
- Quyền sở hữu nhà dùng vào việc thờ tự có bị kê biên để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án không?
- Thủ tục thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
- Kê biên phương tiện giao thông
- Xử lý tiền bán tài sản đã kê biên do người mua trúng đấu giá nộp
- Điều kiện để công chức được tham gia Lớp nghiệp vụ Chấp hành viên sơ cấp
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.
Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN