Cần làm gì để đảm bảo quyền nuôi con 11 tháng tuổi khi ly hôn?

Câu hỏi của khách hàng: Cần làm gì để đảm bảo quyền nuôi con 11 tháng tuổi khi ly hôn?

Xin chào các anh chị Luật Sư. Cho em xin được hỏi. Phụ nữ có con (11 tháng) khi làm thủ tục ly hôn cần theo những bước nào để đảm bảo quyền nuôi con, được hưởng quyền trợ cấp nuôi con từ chồng & quyền thừa kế tương lai của con.


Luật sư Tư vấn Luật hôn nhân và gia đình – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 14/01/2019

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Quyền nuôi con của người mẹ sau khi ly hôn

Luật hôn nhân và gia đình năm 2014

3./ Luật sư trả lời Cần làm gì để đảm bảo quyền nuôi con 11 tháng tuổi khi ly hôn?

Theo thông tin bạn cung cấp thì bạn đang muốn có quyền trực tiếp nuôi con chung của bạn và chồng khi hai bên ly hôn. Trong trường hợp con của bạn 11 tháng tuổi, thông thường bạn được coi là người mặc nhiên sẽ được giao quyền trực tiếp nuôi con trừ một số trường hợp đặc biệt. Bởi:

Căn cứ Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình:

Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn

1.Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

2.Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3.Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

Theo đó, trong trường hợp con của bạn mới 11 tháng tuổi khi bạn cùng chồng mình ly hôn thì bạn luôn là người được Tòa án giao cho trực tiếp nuôi dưỡng bé sau khi ly hôn, trừ trường hợp:

-Bạn cùng chồng của bạn có thỏa thuận khác. Tức là, bạn và chồng có thỏa thuận với nhau rằng chồng của bạn sẽ là người trực tiếp nuôi con chung 11 tháng tuổi của hai người sau khi hai bên ly hôn. Lúc này, việc chồng bạn được nuôi con chung của hai bạn khi bé mới 11 tháng tuổi được thành lập trên sự tự nguyện của bạn. Hai bên không có tranh chấp về việc giành quyền trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.

-Hoặc chồng của bạn chứng minh được trước Tòa rằng bạn không có đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chung của hai người. Lúc này, vì lợi ích của bé, Tòa án sẽ xem xét giao bé cho người bố trực tiếp nuôi dưỡng khi hai người ly hôn. Hiện nay, pháp luật chưa có quy định nào quy định rõ ràng về các tiêu chí xác định một người có đủ “điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn” hay không. Tuy nhiên, thông thường, Tòa án sẽ xem xét đến các yếu tố như thu nhập hàng tháng của các bên, chỗ ở ổn định hay không, môi trường sống như thế nào, thời gian làm việc của các bên, hoạt động hàng ngày, lối sống, phẩm chất của các bên. Trong đó, thông thường, các yếu tố mang tính chất về lối sống (như có mắc các tệ nạn xã hội hay không,..) và sức khỏe là yếu tố thường đóng vai trò quyết định trong việc xác định một người có đủ điều kiện để trực tiếp nuôi dưỡng con sau khi ly hôn hay không.

Ngoài ra, căn cứ Khoản 2 Điều 82 Luật hôn nhân và gia đình, chồng của bạn, khi không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn sẽ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.  Căn cứ Phần thứ tư (Thừa kế) Bộ luật dân sự thì quyền thừa kế của con bạn đối với di sản mà chồng của bạn để lại không bị ảnh hưởng bởi tình trạng hôn nhân của hai bên.

Như vậy, trong trường hợp của bạn, để được trực tiếp nuôi con và nhận tiền cấp dưỡng cho con, khi ly hôn, bạn không được thỏa thuận với chồng của bạn về việc để chồng của bạn trực tiếp nuôi dưỡng bé sau khi ly hôn. Còn về quyền thừa kế của bé, việc này bạn không thể quyết định, cũng không có khả năng gây ảnh hưởng, bởi đây là quyền của bé, quyền này không chịu ảnh hưởng bởi tình trạng hôn nhân của bạn cùng chồng mà chịu ảnh hưởng bởi ý chí của chồng của bạn trong di chúc hoặc mối quan hệ cha-con của chồng của bạn với con của bạn.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191